oil.jpg

Ngày 1/7/2015, Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga (Gazprom) ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine. Giám đốc điều hành của Gazprom Alexey Miller cho biết: “Gazprom sẽ không cung cấp khí đốt một cách vô điều kiện cho Ukraine trong tình hình không trả tiền trước”. Cùng ngày, Tập đoàn năng lượng nhà nước Ukraine (Naftogaz) cho biết do Nga và Ukraine chưa đạt được thỏa thuận về giá cả khí đốt trong quý III năm 2015, nên tập đoàn này sẽ tạm dừng việc mua khí đốt từ Nga. Như vậy, Gazprom lại một lần nữa “ngừng cung cấp khí đốt” cho Ukraine.

Một sự kiện đáng quan tâm khác là ngày 29/6/2015 dự án xây dựng đoạn trên lãnh thổ Trung Quốc thuộc đường ống dẫn khí đốt tuyến phía Đông Trung-Nga được khởi công tại thành phố Hắc Hà thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Trương Cao Lệ và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông qua cầu truyền hình đã cùng tham dự lễ khởi công và đọc lời chào mừng. Trước đó khi báo cáo công tác với Tổng thống Nga Putin, Giám đốc điều hành của Gazprom Alexey Miller nói rằng: “Căn cứ theo thời gian biểu đàm phán về hợp đồng đường ống dẫn khí đốt tuyến phía Đông, Nga và Trung Quốc còn cách 8-9 tháng để ký hợp đồng cuối cùng về đường ống dẫn khí đốt tuyến phía Tây”.

Gazprom được coi là bên thực hiện chính sách “ngoại giao khí đốt” của Nga, hai sự việc mà Gazprom lần lượt trải qua nêu trên xem ra không liên quan với nhau, thể hiện rõ hiện trạng “ngoại giao khí đốt” của Nga. Tuy Gazprom không nằm trong “danh sách đen” trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga, nhưng trong bầu không khí “hòa bình lạnh” giữa Nga với Mỹ và châu Âu, thì bầu không khí nhỏ trong hợp tác đối ngoại của Gazprom cũng không thể không gặp trở ngại nào. Nói một cách chính xác, “ngoại giao khí đốt” của Nga đang chịu thử thách “phía Đông thuận lợi, phía Tây gặp trở ngại”, Nga cũng bắt đầu phải điều chỉnh chiến lược khí đốt của mình.

Châu Âu phát đi “thông điệp cuối cùng” với Nga

Trải qua nhiều vòng “cạnh tranh nhau” trong những năm trước, quan hệ giữa Nga và châu Âu trong vấn đề khí đốt ngày càng ràng buộc hơn, có thể nói là “không thể tách rời”. Cho dù Gazprom chiếm 30% thị trường khí đốt châu Âu, nhưng trạng thái sinh tồn “to lớn” này lại không còn được thoải mái như trước đây. Kể từ quý IV năm 2014, Na Uy đã liên tục trong nửa năm thay thế Nga trở thành nước cung ứng khí đốt lớn nhất của Tây Âu. Quý I năm 2015, Na Uy và Nga lần lượt xuất khẩu 29,2 tỷ m3 và 20,29 tỷ m3 khí đốt sang Tây Âu. Ngày 22/4/2015, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra “Tuyên bố phản đối” chính thức lên án Gazprom có liên quan đến việc thao túng thị trường khí đốt của các nước Trung Đông Âu, không khó để nhận ra, Gazprom đang phải đối diện với một “cuộc chiến bao vây và chống bao vây” chưa từng có ở châu Âu - trên “căn cứ địa” mà tập đoàn này đã kinh doanh trong nhiều thập kỷ qua.

“Tuyên bố phản đối” ấp ủ đã lâu này của EC đã đưa ra “3 tội lỗi” của Gazprom. Tuyên bố cho rằng theo điều tra, EC bước đầu cho rằng Gazprom có hành vi cản trở cạnh tranh trong thị trường cung ứng khí đốt của 8 nước Trung Đông Âu như các nước Baltic, Séc, Ba Lan, Hungary, Bulgaria…, có liên quan đến hành vi vi phạm quy định luật pháp về chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU). EC nhận định, Gazprom đang thực hiện chiến lược độc quyền toàn diện, các biện pháp điển hình của tập đoàn này bao gồm: Một là, áp dụng biện pháp hạn chế khu vực, bao gồm thông qua điều khoản hợp đồng nghiêm khắc cấm khách hàng bán lại khí đốt cho nước thứ hai hoặc thứ ba, từ đó phân hóa thị trường khí đốt Trung Đông Âu; hai là, lợi dụng vị thế độc quyền của mình để buộc khách hàng chấp nhận những yêu cầu không hợp lý, bao gồm móc nối xây dựng cơ sở hạ tầng như đường ống cung ứng và vận chuyển khí đốt…, cản trở các nước Trung Đông Âu thực hiện chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu khí đốt; ba là, thông qua phương thức gắn kết giá khí đốt với giá dầu, hoạch định giá cả không công bằng cho người tiêu dùng khí đốt của châu Âu. Đây lại là đòn mạnh tay của thế hệ lãnh đạo mới của EC tiếp sau “vụ Google” trên lĩnh vực chống độc quyền, với mục đích cuối cùng là muốn lay động “cơ sở truyền thống” hợp tác giữa Gazprom và khách hàng khí đốt châu Âu. Và trong 12 tuần, có nghĩa là trước cuối tháng 7/2015 Gazprom phải đưa ra giải thích đối với sự lên án của EC, nếu không sẽ đối diện với án phạt tiền rất lớn. Ngày 23/7/2015, sau khi hội đàm với Ủy viên phụ trách chống độc quyền EU Margrethe Vestager, Phó Giám đốc điều hành của Gazprom Alexander Medvedev tiết lộ với bên ngoài rằng Nga hy vọng đạt được “thỏa thuận hòa bình” về vấn đề này với EU, hai bên có nhiều thành quả trong lần đàm phán này, nhưng về vấn đề kết cấu giá cả xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu vẫn tồn tại bất đồng rất lớn. Tuy nhiên, đàm phán vẫn sẽ tiếp tục. Theo tin được biết, EU đã lùi thời hạn cuối cùng để Nga trả lời vào cuối tháng 9/2015.

“Gắn kết giá khí đốt với giá dầu” và “take or pay” (nhận hàng hay trả tiền) là hai “quy tắc không thay đổi” mà Nga xuất khẩu khí đốt sang các khách hàng khí đốt châu Âu từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng hiện nay ngày càng bị các khách hàng châu Âu coi là “điều khoản độc quyền”. Căn cứ theo nguyên tắc “gắn kết giá khí đốt với giá dầu”, giá xuất khẩu khí đốt của Nga sang khách hàng châu Âu gắn với giá dầu tăng lên hay giảm xuống, chỉ là hiệu ứng truyền dẫn này thường có “thời gian chậm” 6-9 tháng. Và căn cứ theo nguyên tắc “take or pay”, hợp đồng cung ứng khí đốt dài hạn mà Nga ký với các khách hàng châu Âu thường quy định lượng mua tối thiểu hàng năm, cho dù thực tế sử dụng khí đốt của khách hàng không đạt đến “lượng mua tối thiểu”, khách hàng cũng phải trả tiền theo lượng mua tối thiểu này. Trong tình hình thông thường, khoảng 85% lượng hợp đồng mua bán dài hạn khí đốt đều đạt được dựa theo nguyên tắc “take or pay”, chỉ có số ít lượng mua bán khí đốt có thể không dựa theo nguyên tắc này để giao dịch.

Hơn 40 năm qua, dựa vào hợp đồng cung ứng khí đốt dài hạn lấy hai quy tắc này làm trọng tâm, Gazprom đã hình thành ưu thế đặc biệt trên thị trường khí đốt châu Âu. Các khách hàng châu Âu một khi ký hợp đồng cung ứng khí đốt dài hạn với Gazprom, thì chắc chắn sẽ chỉ có thể dựa vào tập đoàn này, cũng có nghĩa là bị cướp đi các quyền lựa chọn khác. Nhưng cùng với sự thay đổi của thời gian, thị trường khí đốt châu Âu đã nảy sinh nhiều thay đổi, khí đốt hóa lỏng ồ ạt tiến vào thị trường châu Âu, giao dịch thị trường hàng sẵn có của khí đốt không ngừng phát triển, hơn nữa giá hàng sẵn có hiện nay thấp hơn nhiều giá hợp đồng mua bán dài hạn khí đốt giữa châu Âu và Nga. Nhưng chịu hạn chế của nguyên tắc “take or pay”, các khách hàng châu Âu lại không thể giảm bớt số lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, vì cho dù giảm bớt lượng nhập khẩu từ Nga, thì cũng phải trả tiền cho Gazprom.
Những năm gần đây, các nhà nhập khẩu khí đốt chủ yếu của các nước Tây Âu luôn thương lượng với Gazprom, hy vọng Gazprom từ bỏ hoặc sửa đổi nội dung liên quan của điều khoản “gắn giá khí đốt với giá dầu” và “take or pay”, để hai điều khoản này có tính linh hoạt hơn, nhưng phía Nga đều không chấp nhận. Đến năm 2012, Gazprom bị gây áp lực buộc phải đồng ý giảm 7-10% giá cơ bản của hợp đồng cung ứng khí đốt dài hạn, đồng thời giảm tỷ lệ lượng mua dựa theo nguyên tắc “take or pay” chiếm tổng lượng hợp đồng xuống khoảng 60%. Cho dù như vậy, khách hàng khí đốt châu Âu vẫn không hài lòng, không muốn “ngậm đắng nuốt cay” biện pháp “dựa vào khí đốt để quản lý châu Âu” này của Gazprom.

Nga tự biện hộ cho mình

Thực chất, nhằm vào việc Gazprom “thao túng” thị trường khí đốt châu Âu, người châu Âu luôn có chút phẫn nộ nhưng không dám nói ra, nhưng cũng không buông xuôi bỏ mặc. Ngay từ năm 2005, EU từng phát động điều tra chống độc quyền đối với Gazprom, nhưng sau đó do nhiều nguyên nhân lại bị bỏ mặc. Tháng 9/2011, EU đột nhiên kiểm tra văn phòng của Gazprom và các đối tác hợp tác của tập đoàn này nằm ở nhiều nước Trung Đông Âu, và vào năm 2012 chính thức khởi động điều tra chống độc quyền đối với tập đoàn này. Cuộc điều tra này diễn ra trong hơn 3 năm, EU một mặt điều tra, mặt khác trao đổi với phía Nga, hy vọng Gazprom có thể “tỉnh ngộ hoàn toàn”, chủ động đáp ứng yêu cầu của các khách hàng châu Âu. Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine lại làm cho EU từ bỏ một cách triệt để “ảo tưởng” đối với Nga, quyết định “dùng quyền bảo vệ bằng vũ khí pháp lý”, sau nhiều lần do dự cuối cùng đưa ra “Tuyên bố phản đối” với Nga.

Nga có lôgích giải thích của mình đối với biện pháp muốn “điều tra” đơn phương của EU. Ngày 13/4/2015, tại Hội thảo về “Con đường mô hình an ninh năng lượng mới: châu Á và Á-Âu” được tổ chức tại Berlin, Đức, Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller tự biện hộ cho mình, nhấn mạnh Gazprom chủ trương nguyên tắc “ba gắn kết” và nêu rõ tính hợp lý của nguyên tắc này. Một là gắn bên sản xuất với bên tiêu thụ. Alexey Miller cho rằng mô hình hợp đồng mua bán cung ứng dài hạn khí đốt giữa Nga và châu Âu được hình thành từng bước trong quá trình thương mại khí đốt song phương. Mô hình an ninh năng lượng này là mô hình “kiềm chế lẫn nhau và phụ thuộc vào nhau”, đặc trưng nổi bật nhất của mô hình này là đưa bên sản xuất và bên tiêu thụ năng lượng vào cùng một chuỗi, từ thăm dò địa chất, khai thác đến vận chuyển, dự trữ, lại đến phân phối cho bên tiêu thụ cuối cùng, đối với Nga và châu Âu mô hình an ninh năng lượng này đều là thành công.

Hai là gắn giá khí đốt với giá dầu. Về “độ minh bạch” của giá khí đốt, Alexey Miller giải thích rằng giá xuất khẩu dầu khí của Nga sang châu Âu chỉ chiếm 45%-50% giá sử dụng cuối cùng của người tiêu thụ khí đốt châu Âu, còn có khoảng 30% là các loại thuế, 20%-25% là lợi nhuận của các công ty trong nước ở các nước tiêu thụ khí đốt. Alexey Miller vẫn không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giá khí đốt và giá dầu không thể tách rời.

Ba là gắn giá khí đốt với sự cống hiến. Alexey Miller thừa nhận Gazprom đã áp dụng biện pháp “mỗi nước một giá” ở châu Âu, nhưng ông giải thích rằng thị trường khí đốt châu Âu không hoàn chỉnh, nên giá khí đốt của các nước châu Âu đều là do các nhân tố tổng hợp như mức độ cân bằng năng lượng của mỗi một quốc gia, tỷ trọng của khí đốt trong kết cấu năng lượng, sự đầu tư của nước đó đối với chuỗi an ninh năng lượng… tạo thành. Alexey Miller cho biết: “Chính vì chúng ta hiểu được vai trò và những đóng góp của Đức trong chuỗi an ninh năng lượng ở châu Âu, nên giá khí đốt mà Đức nhập khẩu từ Nga là thấp nhất”. Ông nhấn mạnh: “Nếu EC yêu cầu xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu phải áp dụng một giá duy nhất, thì giá khí đốt này sẽ không phải là giá xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thấp nhất hiện nay của Nga, mà rất có thể là giá cao nhất”.

Gazprom thúc đẩy “Chiến lược Á-Âu”

Cho dù trong vấn đề xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, Gazprom “không thay đổi lập trường, không nới lỏng nguyên tắc”, nhưng điều này không có nghĩa là Nga sẽ không có bất kì sự điều chỉnh nào. Tại hội thảo được tổ chức ngày 15/4/2015, Alexey Miller chính thức tuyên bố Gazprom đang chuyển đổi từ “Chiến lược châu Âu” sang “Chiến lược Á-Âu”. Tóm lại, “Chiến lược Á-Âu” của Gazprom có thể dùng “ba sự chuyển đổi” để phân tích.

Một là sự chuyển đổi về đường lối, chuyển đổi từ thị trường phân mảnh sang thị trường liên kết. Từ lâu nay, thị trường khí đốt thế giới luôn ở trạng thái “phân mảnh”, duy trì ba thị trường tương đối độc lập là Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á. Và cùng với sự lan tỏa của “hiệu ứng cánh bướm” trong cuộc cách mạng khí đá phiến của Mỹ, tỷ lệ tự cung ứng khí đốt của Mỹ tăng lên đã trực tiếp làm cho lượng lớn khí đốt hóa lỏng chảy sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường châu Á và châu Âu. Tính linh hoạt của giao dịch khí đốt hóa lỏng đang gắn kết thị trường khí đốt thế giới, đồng thời phá vỡ phương thức thương mại độc quyền dựa vào hợp đồng dài hạn lấy đường ống dẫn khí đốt làm nòng cốt. Xu thế “toàn cầu hóa” của thị trường khí đốt toàn cầu ngày càng rõ rệt, sự liên kết giữa thị trường của các khu vực ngày càng nhiều lên. Chính trong bối cảnh này, Gazprom không ngừng nâng cao năng lực vận chuyển khí đốt ở khu vực Siberia, nối liền hệ thống vận chuyển khí đốt phương Đông và phương Tây, làm cho thị trường khí đốt châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương trao đổi kết nối với nhau, cùng sử dụng một cơ sở năng lượng Tây Siberia. Chỉ có như vậy “ngoại giao khí đốt” của Nga mới có thể thực sự suôn sẻ.

Hai là sự chuyển đổi về phương hướng, chuyển đổi từ “chú ý đến cả phương Đông và phương Tây” sang “chú ý đến tiến về phía Đông và đi xuống phía Nam”. Những năm gần đây, “ngoại giao khí đốt” của Nga đã ý thức được việc quá độ từ “luôn hướng về phía Tây” sang “chú ý đến cả phía Đông và phía Tây”, tăng cường phát triển sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương, tháng 5/2014 Trung Quốc và Nga chính thức ký “Hợp đồng mua bán cung ứng khí đốt thông qua đường ống tuyến phía Đông”, các chuyên gia phân tích của Mỹ và châu Âu phát hiện “chính sách tiến về phía Đông” trong “ngoại giao khí đốt” của Nga đã có những tiến triển mang tính thực chất.

Điều đáng chú ý là “Chiến lược Á-Âu” mà Alexey Miller từng nói không phải là “Chiến lược hướng Đông” đơn giản, vì ngoài “tiến về phía Đông”, còn có “đi xuống phía Nam”, đó là quy hoạch “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Theo tin được biết, đường ống này dài 1.100 km, năng lực vận chuyển khí đốt 63 tỷ m3/năm, hy vọng vào tháng 12/2016 sẽ bắt đầu cung ứng khí đốt do Nga sản xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi đường ống này hoàn thành quá trình xây dựng, khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu sẽ không đi qua đường ống khí đốt trong lãnh thổ Ukraine, điều này làm cho Ukraine dần dần mất đi vị thế “nước quá cảnh”.

Ba là sự chuyển đổi về phương thức, chuyển đổi từ “xây dựng đến kilômét cuối cùng” sang “chỉ xây dựng kilômét ban đầu”. Trên thực tế, từ bỏ “Dòng chảy phương Nam” để xây dựng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” không chỉ là “sự chuyển đổi về đường lối” xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu, mà còn là “sự chuyển đổi về mô hình công việc” của Gazprom đối với thị trường châu Âu. Đối với Nga, quan niệm an ninh năng lượng của châu Âu là quan niệm an ninh năng lượng đơn phương, chứ không phải là quan niệm an ninh năng lượng chung. Cách mà người châu Âu theo đuổi “mục tiêu đa dạng hóa năng lượng đơn giản”, không chú ý lợi ích và sự quan tâm của Nga với tư cách là nước sản xuất khí đốt. Vì vậy, Gazprom muốn thay đổi cách làm xây dựng đường ống dẫn khí đốt đến “kilômét cuối cùng”, và áp dụng cách làm “chỉ xây dựng đến biên giới”. Alexey Miller nói: “Trước kia, chúng ta áp dụng cách làm giao hàng đến tận cửa, nhưng nếu chúng ta giao hàng đến tận cửa, người tiêu dùng không hài lòng, thì chúng ta sẽ giao hàng đến cửa hàng, để họ tự đến mua hàng”. Chính xuất phát từ lôgích này, Gazprom chỉ có ý định xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, tức biên giới EU. EU muốn kết nối mạng lưới đường ống khí đốt trong nội bộ châu Âu với “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, rất có thể sẽ phải tự bỏ tiền để xây dựng đường ống mới.

Sự tự tin của Gazprom

Tuy đối diện với nhiều thách thức như toàn cầu hóa và đa dạng hóa thị trường khí đốt, “chính trị hóa” và “thoát khỏi Nga” trong thị trường khí đốt châu Âu, nhưng “ngoại giao khí đốt” của Nga lại vẫn thể hiện được sự tự tin. Điều này chủ yếu có liên quan chặt chẽ với những phán đoán chiến lược liên quan của Gazprom, “ba sự tự tin” khiến cho Nga trong “ngoại giao khí đốt” vẫn lấy vị thế của bên nắm thế mạnh để hành động.

Một là, tin tưởng các tham số về lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trong năm 2015 sẽ tốt hơn năm 2014. Theo thống kê của Gazprom, lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu của Gazprom trong tháng 4 và tháng 5/2015 đã xuất hiện tăng trưởng, trong đó xuất khẩu khí đốt trong tháng 5 sang EU đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Dựa trên nhận định này, số lượng tuyệt đối xuất khẩu khí đốt của tập đoàn này trong năm 2015 sang EU sẽ vượt năm 2014. Số liệu thống kê của Gazprom cho thấy hiện nay, 2/3 tổng lượng nhu cầu khí đốt hàng năm của EU phải nhập khẩu, và 2/3 tổng lượng khí đốt nhập khẩu hàng năm của EU đều đến từ Nga. Con số này khiến cho Nga có đầy đủ tự tin trong quan hệ thương mại khí đốt đối với châu Âu. Gazprom dự đoán rằng nếu tỷ trọng khí đốt nhập khẩu trên thị trường châu Âu từ năm 2000-2015 tăng 17%, thì thị trường khí đốt châu Âu từ năm 2015-2030 sẽ phát triển theo cùng một tỷ lệ.

Hai là, tin tưởng lượng khai thác khí đốt của châu Âu sẽ tiếp tục giảm xuống. Gazprom cho rằng rất nhiều nước ở châu Âu đã trở thành nước nhập khẩu khí đốt. Theo dự đoán của Gazprom, lượng khai thác khí đốt của châu Âu sẽ giảm 80 tỷ m3, số lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu thông qua đường ống cũng sẽ giảm xuống. Châu Âu gửi gắm một phần hy vọng đa dạng hóa năng lượng của mình vào khí đốt hóa lỏng, nhưng tỷ trọng của khí đốt hóa lỏng trong thị trường khí đốt châu Âu lại thể hiện xu thế giảm xuống. Năm 2010, khí đốt hóa lỏng chiếm 30% tỷ lệ trong thị trường khí đốt châu Âu, và 5 năm sau – năm 2015 tỷ lệ này đã giảm xuống 18%. Vì vậy, Nga nhận định ảnh hưởng của khí đốt hóa lỏng đối với thị trường khí đốt châu Âu không phải là ảnh hưởng mang tính quyết định.

Ba là, tin tưởng sức cạnh tranh của các nhà cạnh tranh mới là có hạn. Cùng với thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran được ký kết, tiến độ dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran của cộng đồng quốc tế có thể sẽ diễn ra nhanh chóng, Iran cũng được coi là đối tác tiềm tàng để châu Âu thúc đẩy đa dạng hóa khí đốt. Tại Hội nghị thượng đỉnh khí đốt được tổ chức tại Paris, Pháp đầu tháng 6/2015, quan chức của Tập đoàn khí đốt quốc gia Iran Azizollah Ramezani cho rằng trong tương lai, Iran có thể vận chuyển khí đốt sang châu Âu, có thể cũng sẽ sử dụng đường ống giống với việc Nga vận chuyển khí đốt sang châu Âu. Nhưng Nga cho rằng mục tiêu khí đốt hóa lỏng của Iran phải là ở châu Á có giá cả tương đối cao, chứ không phải là thị trường châu Âu, tác động và ảnh hưởng đối với Gazprom là rất hạn chế. Nhưng gần đây, phương tiện truyền thông Nga lại đưa tin: “Do nhu cầu của Trung Quốc đối với nhiên liệu giảm xuống, Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã trì hoãn vô thời hạn hợp đồng đường ống dẫn khí đốt tuyến phía Tây”. Thông tin này lập tức tạo nên vô số suy đoán và liên tưởng. Trong một khoảng thời gian, “ngoại giao khí đốt” của Nga lại thể hiện tình hình “phía Tây mây chưa tán, phía Đông sương mù chưa tan”. Còn khi nào “mây tán sương tan”, chúng ta vẫn chưa thể biết được./.

Lê Sơn (gt)