index(1).jpg

Chính trường Trung Quốc đang lan truyền đồn đoán về kết quả của hội nghị thường niên mới đây của các nhà lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà. Sau một cuộc họp dài bất thường tại Bắc Đới Hà, một số học giả nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng giống như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, muốn kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của mình. Theo các nhà quan sát của Đảng, không có cuộc thảo luận cụ thể nào về các ứng cử viên kế nhiệm ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tập dường như đang được mở đường để kéo dài nhiệm kỳ của mình.

Hội nghị năm nay rất khác với hội nghị tổ chức vào mùa Hè năm 2006, khi các ứng cử viên cho chức vụ Tổng bí thư tương lai được đưa ra thảo luận. Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc, được xem là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng bí thư ở thời điểm này trong khi ông Tập Cận Bình ít khi được nhắc đến, ít nhất là nhắc đến một cách công khai. Nhóm lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được thay đổi tại Đại hội toàn quốc của Đảng vào mùa Thu năm 2017 và như thường lệ, các lãnh đạo trong đảng trao đổi thẳng thắn các quan điểm của mình về đội ngũ lãnh đạo tương lai của đất nước tại hội nghị mùa Hè tổ chức một năm trước. Tuy nhiên, rất ít thông tin trong cuộc họp này bị rò rỉ, có thể vì ông Tập Cận Bình đã giữ bí mật các cuộc thảo luận này nhằm tránh nguy cơ trở thành nhà lãnh đạo thất thế sau khi thông tin về người kế nhiệm bị tiết lộ, thậm chí nếu ông Tập Cận Bình giữ được vị trí hiện tại của mình cho đến Đại hội đảng năm 2017.

Theo một quy định bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ từ chức vào năm 2022, trong khi ông Lý Khắc Cường, được Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc ủng hộ, sẽ vẫn nằm trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng. Theo quy định này, các đảng viên không tham gia ban lãnh đạo mới sau khi họ bước vào tuổi 68. Ông Lý Khắc Cường trẻ hơn ông Tập Cận Bình 2 tuổi và sẽ là 67 tuổi vào năm 2022. Nếu ông Tập Cận Bình muốn kiểm soát chính trường Trung Quốc sau hậu trường, ông phải chấp nhận lùi về phía sau. Hơn nữa, vị trí tương lai của ông Tập Cận Bình với tư cách là lão thành trong đảng cũng đầy tính rủi ro, vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ lãnh đạo mới. Ông Tập Cận Bình có thể có lý do để lo ngại về một tác động tiêu cực vì ông đã gây chấn động tại một hội nghị đảng khi trục xuất lãnh đạo cấp cao của Đảng là ông Chu Vĩnh Khang vì tội tham nhũng.

Để giữ bất kỳ một “thái tử” nào không xuất hiện cho đến thời điểm này là lựa chọn tốt nhất của ông Tập Cận Bình, vì điều này giúp ông ở vị trí siêu quyền lực, tăng cường cho ông khả năng tăng sức ép đối với các đối thủ chính trị và duy trì quyền lực thông qua chiến dịch chống tham nhũng của ông. Theo kịch bản này, thảo luận về việc kéo dài nhiệm kỳ cho ông sau năm 2022 có thể là vấn đề chính. Ông Tập Cận Bình muốn những người trong phe cánh của ông được chọn vào Bộ chính trị của Đảng gồm 25 thành viên tại Đại hội đảng vào năm 2017, nhằm chuẩn bị cho khả năng làm lãnh đạo trong tương lai, đồng thời ngăn chặn sự nổi lên của các ứng cử viên có thể đe dọa chức vụ của ông.

Điều tương tự với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng ở vị trí tương tự như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đã chính thức bắt đầu thảo luận về việc kéo dài nhiệm kỳ chủ tịch đảng của ông Abe. Ông Abe đã nhiều lần dùng từ “tương lai” trong bài diễn văn chính trị ông đọc tại Quốc hội hồi cuối tháng 9 vừa qua. Điều này đã làm gia tăng đồn đoán cho rằng ông muốn kéo dài nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ chủ tịch đảng của ông Abe dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9/2018 trong khuôn khổ quy định của LDP, theo đó một đảng viên chỉ được làm chủ tịch tối đa 2 nhiệm kỳ với thời gian tổng cộng 6 năm. Vì ông Abe sẽ không tránh được nguy cơ trở thành kẻ thất thế sau khi kết thúc nhiệm kỳ, LDP đã bắt đầu thảo luận về việc kéo dài nhiệm kỳ cho ông, có thể kéo dài thêm ba năm nữa đến năm 2021.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và nguyên Tổng thư ký LDP Shigeru Ishiba, đứng đầu các phái trong đảng, đang hy vọng kế nhiệm ông Abe, sẽ phản đối việc kéo dài này. Họ cũng giống như Đoàn thanh niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ủng hộ ông Hồ Xuân Hoa, Bí thư tỉnh Quảng Đông, và một số lãnh đạo khác trở thành ứng cử viên thay thế ông Tập Cận Bình. Không giống như LDP của Nhật Bản, Đảng Cộng sản Trung Quốc không tổ chức các cuộc tranh luận công khai trong đảng, và các đối thủ cũng không ra mặt. Tuy nhiên, hai đảng cầm quyền tại hai nước đang ở trong tình trạng hoàn toàn giống nhau, mặc dù các rào cản của việc kéo dài nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình ít hơn so với ông Abe, vì nó không đòi hỏi những thay đổi được ghi thành văn bản.

Về vấn đề nhiệm kỳ của Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo đảng, chỉ có một quy định bất thành văn là các đảng viên không được tham gia ban lãnh đạo chóp bu khi đến tuổi 68. Ông Tập Cận Bình có thể kéo dài nhiệm kỳ nếu các đảng viên đồng ý thay đổi quy định bất thành văn đó. Một quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không cần thông báo việc thay đổi quy định này vì nó là một thỏa thuận ngầm. Ông Tập Cận Bình đã thực hiện sẵn những biện pháp để làm cho thỏa thuận này trở nên có hiệu quả.

Hiến pháp Trung Quốc quy định Chủ tịch nước chỉ được nắm giữ tối đa hai nhiệm kỳ, tổng cộng 10 năm. Tuy nhiên, do Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, chức vụ Tổng bí thư nắm quyền lực tuyệt đối. Ông Tập Cận Bình có thể chuyển vị trí chủ tịch nước cho một người mà ông có thể kiểm soát được. Việc tách chức vụ Tổng bí thư đảng và chức vụ Chủ tịch nước đã từng xảy ra trong quá khứ. Nếu nội bộ đảng đạt được sự thống nhất về vấn đề này, Hiến pháp có thể được thay đổi để kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch nước cũng như nhiệm kỳ Tổng bí thư đảng.

Điều kiện khó khăn

Khi một nước đối mặt với những điều kiện khó khăn về chính trị, kinh tế và quốc tế, những lời kêu gọi kéo dài nhiệm kỳ cho các lãnh đạo đã đạt được những thành tựu chắc chắn có xu hướng tăng lên. Tình hình Nhật Bản và Trung Quốc cũng tương tự như vậy.

Các đời thủ tướng Nhật Bản thay đổi theo từng năm kể từ sau năm 2006. Đất nước này cũng tiếp tục đối mặt với những khó khăn kinh tế, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vì những vấn đề này, công chúng cũng đang có xu hướng muốn có một chính phủ ổn định. Về lĩnh vực ngoại giao, Nhật Bản và Nga đang bắt đầu đàm phán về cái gọi là cuộc tranh chấp lãnh thổ phương Bắc vốn bị tạm ngưng trong quá khứ do sự thay đổi liên tục các đời thủ tướng. Một số nhà phân tích nói rằng động thái này sẽ hỗ trợ cho ông Abe kéo dài nhiệm kỳ, bất chấp kết quả đàm phán giữa ông Abe với Tổng thống Nga Vladimir Putin có tốt hay không. Lập trường cứng rắn của Trung Quốc chống lại Nhật Bản trong thời kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cũng hỗ trợ tích cực cho dự định kéo dài nhiệm kỳ của ông Abe. Nhiều nghị sĩ và cử tri quan niệm rằng không thể chống lại sức ép từ Trung Quốc nếu Thủ tướng Nhật Bản thay đổi hàng năm. Điều chưa rõ là liệu ông Tập Cận Bình có nhận thức được quan điểm này của Nhật Bản hay không.

Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc và các cơ quan an ninh khác của Trung Quốc, như lực lượng Hải cảnh, đã cử tàu đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, có thể tăng ngân sách bằng cách sử dụng chiến dịch tuyên truyền “sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản”. Vì vậy, Nhật Bản và Trung Quốc ở thế ngang bằng một cách kỳ lạ với căng thẳng riêng của mỗi nước, điều mang lại lợi ích cho cả hai nhà lãnh đạo. Thời đại của ông Abe và ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục kéo dài nếu họ vẫn tiếp tục tại vị và quản trị được những bất đồng của họ. Tình huống này tại hai quốc gia có thể sẽ ảnh hưởng đến tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Đoàn thanh niên cộng sản

Một quan chức cấp cao của Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc nói rằng hai năm trước Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ không cho phép ông Tập Cận Bình phá vỡ quy định bất thành văn đó, vốn được bắt đầu trong giai đoạn của ông Đặng Tiểu Bình và được thực hiện qua hai đời Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, tiết lộ này được đưa ra trước sự sụp đổ vào cuối năm 2014 của Lệnh Kế Hoạch, một thành viên cấp cao trong phái Đoàn thanh niên và là cận sự thân tín của ông Hồ Cẩm Đào. Chính quyền của ông Tập Cận Bình đã thông báo kế hoạch cải cách Đoàn thanh niên, điều được xem là một nỗ lực rõ ràng để làm suy yếu phái này. Nói cách khác, đó là một yêu cầu cấp thiết để giảm bớt nhân sự trong bộ máy quyền lực đang phồng lên hiện nay của phái này.

Nếu ông Tập Cận Bình thật sự tìm cách kéo dài nhiệm kỳ của mình, ông sẽ cần vượt qua một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là giành được sự ủng hộ của hai nhà lãnh đạo tiền bối là ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân. Những thay đổi chính trị khác nhau, trong đó có sự thay đổi những lãnh đạo cấp tỉnh, đang diễn ra ở Trung Quốc. Tại Thiên Tân, Bí thư tỉnh ủy là đồng minh thân cận của ông Tập Cận Bình, đã bị thay thế bằng một người thân cận của ông Giang Trạch Dân, trong khi cuộc điều tra những gian lận về bầu cử tại tỉnh Liêu Ninh đã được bắt đầu. Với những diễn biến trên, dư luận về việc liệu ông Tập Cận Bình đã đạt được thỏa hiệp nào với các nhà lãnh đạo tiền bối hay liệu ông đã ngồi trên ghế nóng hay chưa đang gia tăng. Các nhà quan sát Trung Quốc cũng đang nghi ngờ liệu các nhà lãnh đạo đảng có chỉ định một người nào đó làm lãnh đạo kế tiếp như đã từng xảy ra với ông Tập Cận Bình cách đây 10 năm hay không. Cần thêm nhiều thời gian hơn để giải quyết những diễn biến phức tạp này trước khi dự đoán được ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới./.

Theo “Nikkei

Hương Trà (gt)