Trả lời phỏng vấn "Nhân dân Nhật báo" hồi tuần trước, khi được hỏi về điều gì là “át chủ bài” của Trung Quốc trong việc thiết lập quyền kiểm soát không phận và hải phận tại Biển Đông, Đại tá Đỗ Văn Long đã nêu bật tầm quan trọng của sự phối hợp giữa máy bay tiêm kích và máy bay trinh sát cảnh báo sớm (AEW&C) để thực hiện mục tiêu nêu trên. Ông này nhấn mạnh tới sự hợp tác giữa các máy bay J-10, J-11, J-16, KJ 2000, và KJ 200 sẽ “giúp Trung Quốc kiểm soát các mục tiêu của kẻ địch trong một không gian mở rộng nhờ năng lực tấn công không đối không mạnh”.

Theo Đỗ Văn Long, một khi giành được quyền kiểm soát bầu trời, Trung Quốc có thể áp đặt sự kiểm soát đối với vùng biển ở Biển Đông bằng máy bay có chức năng đối hạm, với sự hỗ trợ của tàu ngầm và tàu nổi như tàu khu trục nhỏ. Ông Đỗ Văn Long cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của máy bay tiêm kích J-16 bởi nó có năng lực không đối không, không đối hạm và không đối đất, và vì thế có thể thực hiện nhiều vai trò một lúc trong kế hoạch tác chiến tại Biển Đông của PLA. J-16 là máy bay tiêm kích/cường kích đa chức năng được phát triển dựa trên mô hình Su-30MK2 của Nga mà Trung Quốc mua cách đây 1 thập kỷ. Theo "Want China Times", Trung Quốc muốn biến J-16 trở thành “trục chính cho lực lượng máy bay chiến đấu của hải quân”.

Ông Đỗ Văn Long cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thêm máy bay AEW&C hiện đại với năng lực do thám trên biển và trên đất liền cũng như công nghệ cảnh báo sớm có độ chính xác cao và phạm vi hoạt động lớn hơn những máy bay loại này mà PLA đang có. Trong điều kiện như vậy, theo ông Đỗ Văn Long, Trung Quốc sẽ kiểm soát không phận và hải phận Biển Đông phần lớn nhờ sự phối hợp của các máy bay AEW&C và J-16, cũng như hợp tác chặt chẽ với tàu hải quân. Điều đáng nói là những bức ảnh đầu tiên về máy bay cảnh báo sớm thế hệ mới của Trung Quốc, có tên KJ-500, đã xuất hiện trên mạng hồi đầu tuần này.

Trong bài báo, ông Đỗ Văn Long chỉ được gọi là chuyên gia quân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, ông là nhà bình luận thường xuyên trên truyền thông Trung Quốc và cuối tháng trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận ông này giữ quân hàm Đại tá và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Quân sự (AMS) của PLA. Theo hai học giả Bates Gill và James Mulvenon, AMS là “trung tâm nghiên cứu quân sự quốc gia” và là tổ chức nghiên cứu quân sự cấp cao nhất trong PLA. AMS trực thuộc Quân ủy Trung ương, song lại nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham mưu. Hai nhà nghiên cứu cũng cho biết AMS có khoảng 500 nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, chuyên viết báo cáo và diễn văn cho lãnh đạo quân đội cũng như dự thảo các tài liệu quan trọng như Sách Trắng Quốc phòng.

Ông Đỗ Văn Long thường tỏ ra là một nhân “diều hâu” với những luận điệu khoa trương. Khi ba hạm đội lớn của Hải quân PLA tiến hành diễn tập chung hồi tháng trước, ông Đỗ Văn Long tự hào tuyên bố chuỗi đảo thứ nhất đã bị phá vỡ. Kể từ mùa Thu năm ngoái, khi tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bắt đầu leo thang, ông Đỗ Văn Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc thiết lập các căn cứ máy bay không người lái để giám sát quần đảo này và động thái của Nhật Bản quanh đó. Bình luận này sau đó đã bị cấp cao hơn ra lệnh rút lại. Nhiều người tin rằng những tuyên bố như thế sẽ chỉ khiến bế tắc liên quan đến tranh chấp này trở nên bất ổn hơn.


Thực tế, việc ông Đỗ Văn Long kêu gọi sử dụng máy bay không người lái ở Biển Hoa Đông cũng đáng để lưu tâm vì kế hoạch hải-không chiến tại Biển Đông của ông ta có thể trở thành kế hoạch tác chiến chuẩn của PLA. Trong bài phỏng vấn hồi tuần trước, giới truyền thông đã hỏi ông Đỗ Văn Long về cái gì là “át chủ bài” của Trung Quốc trong việc thiết lập kiểm soát không phận và hải phận trên Biển Đông. Điều này có thể cho thấy mục tiêu thiết lập kiểm soát này của Trung Quốc là điều chắc chắn, và rằng PLA hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn quan điểm của ông Đỗ Văn Long về vấn đề này sẽ được người Trung Quốc bình thường và các đối thủ quân sự của PLA đọc.

Theo "The Diplomat

Thùy Anh (gt)