Trung Quốc lần đầu tiên công bố Sách Trắng quốc phòng, đưa ra cách giải thích mới về Học thuyết quân sự. Sách trình bày quan điểm của Trung Quốc về thế giới và Quân đội Trung Quốc sẽ hành động như thế nào trong những điều kiện mới. Một nguyên tắc không thay đổi từ thời kỳ Mao Trạch Đông: chiến tranh thế giới thứ ba sẽ xảy ra và Bắc Kinh sẵn sàng trước sự kiện đó. Có nhiều điểm mới trong Sách Trắng, trong đó có những thông tin xấu cho tổ hợp quân sự-công nghiệp Nga.

Từ góc độ của phương Tây, các học thuyết quân sự trước đây của Trung Quốc không đúng với ý nghĩa của từ đó. Chúng mang tính triết lý và địa chính trị về lịch sử hàng nghìn năm hơn là việc xác định đúng các nguy cơ và cách thức đáp trả chúng.

Từ năm 1946 đến nay Trung Quốc vẫn khẳng định rằng chiến tranh thế giới thứ ba là chắc chắn xảy ra. Học thuyết quân sự mới cho thấy Trung Quốc thừa nhận rằng trong cuộc chiến tranh đó họ sẽ phải đương đầu với những đối thủ được trang bị tốt hơn về vũ khí và kỹ thuật, rằng trong cả thế kỷ XXI họ vẫn không khắc phục được sự tụt hậu đó.

Cho đến thời gian gần đây Trung Quốc vẫn đưa ra học thuyết dùng biển người để chống lại ưu thế công nghệ của kẻ địch. Học thuyết liên quan Hải quân và Không quân thì không có vì các binh chủng đó hầu như không tồn tại. Nói chung, vấn đề hiệp đồng binh chủng không được đưa ra trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, việc vũ trang lại một cách cơ bản cho Quân đội, mà Trung Quốc buộc phải bắt đầu 10 năm trước đây, đòi hỏi phải có cách nhìn khác đối với các nguyên tắc và nghệ thuật quân sự. Dù điểm chính của Sách Trắng là không thay đổi: chiến tranh thế giới thứ ba là không thể tránh khỏi. Ba nhân tố gây ra cuộc chiến tranh nói trên là chủ nghĩa bá quyền và chính sách dựa vào sức mạnh của một phía, sự gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo, việc tranh giành nguồn tài nguyên.

Giờ đây học thuyết “chiến tranh nhân dân” đã lỗi thời và được thay thế bởi Học thuyết “phòng ngự tích cực”. Nói nôm na, Trung Quốc dành cho mình quyền đánh đòn phủ đầu nếu quốc phòng hay đường biên giới của Trung Quốc bị đe dọa. Các mối nguy cơ truyền thống là tình hình chưa được giải quyết ở bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan và tranh chấp quần đảo Trường Sa. Các nguy cơ bổ sung đối với Trung Quốc là tình hình Tân Cương cũng như tình trạng cướp biển ở các vùng biển phía Nam.

Thay đổi đáng kể nhất của Học thuyết quân sự liên quan Hải quân. Bắc Kinh đã chuyển từ chiến lược phòng thủ bờ biển sang chiến lược phòng thủ các vùng nước gần bờ, cho phép Trung Quốc có mặt thường xuyên dù chưa phải là ở Đại dương, nhưng đã ở các biển gần như Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông. Đó là kết quả của tiến bộ kỹ thuật và công nghệ - đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc không có được tàu chiến đi biển. Nga từng là nước thường xuyên cung cấp cho Trung Quốc những tàu chiến hiện đại.

Nhìn chung, học thuyết trang bị lại vũ khí cho Hải quân ở Trung Quốc được tiến hành dần dần và triệt để: trong giai đoạn này Trung Quốc xây dựng hạm đội đi biển dựa vào loại tầu khu trục của Nga lớp “Hiện đại” và các tầu ngầm diezen. Trung Quốc tự đóng phần lớn các tầu chiến theo các mẫu của mình, và chương trình đóng tầu của họ là tầm cỡ nhất thế giới.

Chỉ sau khi thành lập được 3 nhóm tàu biển gần bờ, Bắc Kinh mới bắt đầu xây dựng hạm đội Đại dương, cũng bao gồm 3 nhóm, và trong mỗi nhóm phải có 1 tàu sân bay. Không có hạm đội Đại dương thì không thể giải quyết vấn đề Đài Loan, Trường Sa hay Senkaku. Nhưng trong giai đoạn hiện nay hạm đội của Trung Quốc giống bù nhìn hơn là lực lượng quân sự thực sự. Ngoài các tàu do Nga đóng, phần lớn các tàu chiến còn lại được trang bị vũ khí lạc hậu, và điều đặc biệt quan trọng, gần như không có phương tiện phòng không và chống tàu ngầm hiện đại. Chính vì thế Trung Quốc cần đến các sân bay nhân tạo ở Trường Sa. Thiếu các đảo đó, các hạm đội của Trung Quốc là mục tiêu ngon ăn của không quân và tầu ngầm của các đối thủ tiềm tàng.

Trung Quốc cũng thừa nhận sự lạc hậu công nghệ của mình trong vấn đề vũ khí hạt nhân và không có ý định đạt được sự cân bằng trong lĩnh vực này với các cường quốc hạt nhân hàng đầu của thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc rất coi trọng lực lượng hạt nhân chiến lược của mình. Trong lĩnh vực này, Học thuyết quân sự hiện nay không có gì thay đổi so với những năm 70 của thế kỷ trước: lực lượng hạt nhân chiến lược cần giáng cho kẻ thù những thiệt hại không thể chấp nhận và vì thế sẽ được duy trì ở mức đủ về số lượng và chất lượng để có thể làm điều đó. Về thực chất, lực lượng hạt nhân của Trung Quốc là vũ khí tấn công, nhưng các nghĩa vụ quốc tế cũng như chiến lược “phòng thủ chiến thuật” của Trung Quốc không trù định việc sử dụng trước loại vũ khí đó.

Không quân hiện đại đối với Trung Quốc vẫn là mục tiêu hướng tới. Việc tái trang bị cho binh chủng này đòi hỏi thành lập các lực lượng không quân và phòng không mới, linh hoạt và hiện đại hơn, có tầm hoạt động xa hơn. Hiện tại máy bay hiện đại chỉ chiếm không quá 15% số máy bay của Không quân Trung Quốc và tỷ lệ tương tự vũ khí hiện đại trong binh chủng Phòng không. Phần lớn đó là máy bay của Nga hay các bản nhái máy bay Nga của Trung Quốc mà nhìn chung là kém hơn so với bản gốc do sự yếu kém hơn về công nghệ. Với thực lực hiện nay, Không quân Trung Quốc chỉ có thể thực hiện những nhiệm vụ rất hạn chế, chủ yếu là bảo vệ biên giới và hỗ trợ Lục quân. Chỉ bây giờ phương tiện phát hiện từ xa mới bắt đầu được trang bị cho Quân đội, điều cho phép mở rộng phạm vi hoạt động của Không quân Trung Quốc.

Thách thức lớn nhất đối với Quân đội Trung Quốc, được đề cập nhiều trong Sách Trắng, là việc nhanh chóng chuyển sang các phương thức chỉ huy hiện đại trong chiến tranh hỗn hợp hiện nay. Tức là Quân đội Trung Quốc đang từ trạng thái của những năm 60-70 của thế kỷ trước muốn nhảy vọt vào thế kỷ XXI. Cụ thể: Máy tính hóa hoàn toàn hệ thống chỉ huy, bao gồm cả lực lượng hạt nhân chiến lược. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng cho đến nay Quân đội Trung Quốc vẫn chưa tạo được các hệ thống hiệp đồng giữa các binh chủng và không thể sử dụng vũ khí có độ chính xác cao ở mức cần thiết. Chiến tranh tương lai sẽ diễn ra trong không gian ba chiều, vì vậy cần phối hợp cả lực lượng, các hệ thống trinh sát và chỉ huy chiến dịch đặt trên vũ trụ. Trong cuộc chiến tranh hiện đại không có đường ranh giới giữa mặt trận và hậu phương, giữa hiện thực và không gian ảo, vì thế trong Học thuyết mới chú ý cả đến Internet và chiến tranh mạng, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết tiến hành “chiến tranh thông tin”, đề xuất thành lập binh chủng đặc biệt với nhiệm vụ duy nhất là tuyên truyền.

Thông tin hóa và máy tính hóa đội quân 2,5 triệu người (thêm vào đó là 800 nghìn dự bị chiến lược và 1,5 triệu cảnh sát) phải được hoàn thành vào năm 2020. Cũng trong năm đó, Trung Quốc phải đạt được “tiến bộ chung trong các hướng hiện đại hóa chủ chốt”. Còn mục tiêu chiến lược chủ yếu - thiết lập lực lượng vũ trang thông tin hóa - phải được hoàn thành vào năm 2050. Trung Quốc không thể hiện đại hóa Quân đội lạc hậu của mình trong thời gian ngắn hơn.

Điều đáng chú ý là Sách Trắng không đưa ra định hướng về cải cách Lục quân. Vì quan điểm về phòng thủ trên bộ chống lại kẻ địch mạnh hơn về công nghệ nhìn chung không thay đổi nên có thể giả định rằng việc hiện đại hóa Lục quân sẽ tuân thủ nguyên tắc “còn tiền thì làm” như trước đây. Đây là tin xấu cho tổ hợp quân sự-công nghiệp Nga vì nó không biết bán cho ai không chỉ máy bay và hệ thống phòng không mà cả xe tăng “Armata”(loại xe tăng mới nhất Nga mới trình diễn trên quảng trường Đỏ ngày 9/5/2015). Trung Quốc có vẻ như không muốn trang bị lại cho Lục quân bất chấp vũ khí và trang bị của nó lạc hậu nhiều so với quân đội thế giới. Mưu toan của Trung Quốc “vay mượn” các mẫu mã nước ngoài thường bị thất bại do thép thì không đúng chủng loại, đạn dược thì bị cong queo...

Học thuyết trù định việc thành lập Lực lượng phản ứng nhanh mà Trung Quốc bắt đầu làm, dự kiến bao gồm gần 300 nghìn binh sĩ. Mục tiêu đề ra là sau 10 giờ kể từ khi nhận nhiệm vụ, lực lượng đó phải có mặt tại bất cứ điểm nào cần ở Trung Quốc. Điều này phù hợp với chiến lược “phòng thủ lục địa”. Lực lượng đó có thể đủ cho quần đảo Trường Sa, nhưng sẽ không thể đủ cho trường hợp với chiến tranh với Đài Loan hay đối đầu với lực lượng Nhật Bản ở đảo Senkaku. Các tiểu đoàn đặc nhiệm, về hình thức nằm trong Lực lượng phản ứng nhanh đó, trên thực tế được trao cho các quân khu quản lý. Có nghi ngờ rằng sau 10 giờ Trung Quốc có thể tập hợp các đơn vị đó vào một địa điểm.

Theo ВЗГЛЯД (Nga)

Thúy Bình (gt)