Nếu như lịch sử của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc dường như gắn liền với lịch sử tham nhũng được biểu hiện rõ nét nhất qua hệ thống tuyển chọn quan lại và những đặc quyền dành cho họ, thì thực tế này ngày càng nổi bật bên cạnh những phát triển kinh tế của Trung Quốc trong vòng 35 năm trở lại đây. Quả thực, ngay từ những năm 1980, tham nhũng ở Trung Quốc ngày càng trở thành một hiện tượng nghiêm trọng, đến mức trở thành mục tiêu đấu tranh của những người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Kể từ đó, xu hướng này không ngừng phát triển. Vậy thì đó là một biến thể tăng trưởng của Trung Quốc và những chuyển biến kinh tế và xã hội kèm theo, hay, ngược lại là một "căn bệnh cần thiết" cho phép củng cố các thể chế và tạo ra sự ổn định mà Trung Quốc đã biết lợi dụng để nâng cao vị thế siêu cường của mình? Một mặt, nạn tham nhũng ở Trung Quốc sinh ra những bất bình đẳng xã hội và áp đặt những đặc quyền đặc lợi ngày càng không thể chấp nhận được đối với công luận. Mặt khác, trong khi tăng cường các phương tiện chống tham nhũng, đặc biệt kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền với chiến dịch "chống xa xỉ, chủ nghĩa hình thức và quan liêu", Đảng-Nhà nước Trung Quốc có thể sẽ phải trả giá cho một hiệu ứng "quả bóng tuyết" (ngày càng phình to hơn). Do vậy, cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc, được nêu lên như là một trong những ưu tiên của Chính phủ nước này kể từ năm 2012, chứa đựng những điều khó dự kiến, ngoài việc thường được coi là những vụ thanh toán chính trị hơn là một chiến dịch minh bạch hóa thực sự.

Những thành công của mô hình Trung Quốc trong vòng 3 thập kỷ gần đây được thể hiện chủ yếu qua việc hiện đại hóa đất nước và sự xuất hiện tầng lớp trung lưu. Người ta ghi nhận tầng lớp trung lưu Trung Quốc gia tăng hết sức nhanh chóng, từ 50 triệu người vào năm 2010 có thể lên đến 500 triệu người vào năm 2020. Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu được đặc trưng bởi việc có nhiều người Trung Quốc tiếp cận xã hội tiêu dùng, có trình độ học vấn ngày càng cao, và thông tin và các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng được phổ cập hóa. Quả thực, hiện tại Trung Quốc có cộng đồng người sử dụng Internet đông đảo nhất thế giới và các mạng xã hội phát triển một cách đáng kể, đặc biệt là mạng Weibo. Thông qua mạng Internet, người dân tố cáo một cách quyết liệt nhất những hành vi lạm quyền và tham nhũng, cũng như đòi hỏi xây dựng một xã hội công bằng hơn, chấm dứt các đặc quyền đặc lợi và một cuộc đấu tranh minh bạch hơn – và hiệu quả hơn – chống các cán bộ tham nhũng. Đã có những tiếng nói cất lên tố cáo các cán bộ mưu tìm lợi ích cá nhân, nhu nhược, luồn cúi, hoàn toàn vô trách nhiệm. Những tiếng nói đó xuất phát từ giới trí thức hay những người ly khai, dù họ theo đường lối tự do, bảo thủ hay đông đảo hơn thuộc phe cánh tả mới.

Tham nhũng gia tăng có thể được xem như là nguyên nhân tạo ra khoảng cách giữa giới tinh hoa chính trị và người dân, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng về tính chính đáng của Đảng-Nhà nước Trung Quốc. Vả lại, ngay từ khi phát động chiến dịch chống tham nhũng, xã hội dân sự Trung Quốc đã tập trung vào những hoạt động đáng ngờ của các lãnh đạo doanh nghiệp, các cán bộ Đảng ở địa phương hay giới quan chức lãnh đạo ở các thành phố. Những trao đổi thông tin nhanh chóng trên mạng Internet, cùng quyết tâm và thái độ không khoan nhượng của người dân bất mãn trước việc một số quan chức được hưởng các đặc quyền, đã dẫn tới hàng loạt hành động cụ thể trong những thời hạn rất ngắn. Thực vậy, câu trả lời của Chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng được cụ thể hóa bằng nhiều vụ bắt giữ tham nhũng.

Do vậy, chính sách chống tham nhũng của Bắc Kinh đã đáp ứng được một yêu cầu rất mạnh mẽ của người dân. Cũng có nghĩa là mọi sự thiếu trách nhiệm của các nhà chức tranh sẽ ngay lập tức bị chỉ trích rất gay gắt. Tuy nhiên, phạm vi hành động này thoạt nhìn có thể xuất hiện như một cơ hội cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc củng cố tính hợp pháp của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thường được xem như là một "hoàng đế" mới, đã hiểu rõ sự cần thiết phải kích hoạt lại "sứ mệnh" của đế quốc Trung Hoa. Trong một bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 5 của Bộ Chính trị, ngày 19/4/2013, ông Tập đã nhắc lại rằng "chúng ta phải bảo vệ một cách thực sự các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhằm duy trì sự trung thực của các cán bộ, sự liêm khiết của chính phủ và tính gương mẫu trong việc điều hành các công việc chính trị". Nếu nghĩa vụ này không được tôn trọng, Đảng-Nhà nước Trung Quốc có thể bị nhấn chìm trong một cuộc khủng hoảng tính hợp pháp.

Trên thực tế, vừa lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã quan tâm giải quyết nạn tham nhũng, đặc biệt trong bài phát biểu tại Bắc Kinh ngày 16/11/2012, ông đã chỉ ra rằng "nhiều vấn đề khẩn cấp phải được giải quyết, đặc biệt là nạn tham nhũng, việc xa rời quần chúng, chủ nghĩa hình thức và nạn quan liêu của một số lãnh đạo Đảng". Đứng ở trung tâm của cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng-Nhà nước Trung Quốc phải đáp ứng được những mong đợi của công chúng, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo kiểm soát được các thông tin có thể lọt ra ngoài về những trường hợp tham nhũng bị phát hiện để tránh mọi việc đi quá đà.

Sự cương quyết của ông Tập khá đơn giản: Giới tinh hoa cộng sản Trung Quốc bị ám ảnh bởi ý niệm về sự suy đồi. Họ cho rằng một nhà nước giàu, một lực lượng cảnh sát và một quân đội hùng mạnh sẽ cho phép tránh được việc "làm suy yếu xã hội". Tập Cận Bình và Lưu Nguyên (con trai của Lưu Thiếu Kỳ) – cả hai mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và cam kết chống tham nhũng – đều nhạy cảm với bóng ma suy thoái. Họ đều ủng hộ việc tăng cường giáo dục quân sự cho học sinh. Cho dù thờ ơ với dự án này, người dân Trung Quốc vẫn hoan nghênh, đôi khi thái quá các luận điểm dân tộc chủ nghĩa mà một số nhà tư tưởng như Vương Tiểu Động hay Trương Văn Mộc biện hộ từ nhiều năm qua. 

Tuy nhiên, có nên nhìn nhận cuộc chiến chống tham nhũng do Tập Cận Bình khởi xướng chỉ là một phương tiện giúp Đảng-Nhà nước Trung Quốc lấy lại uy tín, hay một cơ hội để thanh toán những đối thủ phiền toái? Có lẽ cả hai: Đối với Tập Cận Bình, cuộc chiến chống tham nhũng cho phép duy trì một quyền lực chính đáng, và do đó, mạnh mẽ hơn. Vì vậy, điều cấp bách là khôi phục niềm tin.

Từ đó đặt ra những câu hỏi liên quan tới những định hướng của cuộc chiến chống tham nhũng này. Nếu như Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng ông sẽ "diệt cả hổ lẫn ruồi", thì cần nhận ra rằng chính những "con hổ", tức những nhân vật nổi bật nhất – và có tiềm năng là những kẻ gây rắc rối nhất – dường như chịu tác động lớn nhất của việc tăng cường các phương tiện chống tham nhũng. Bạc Hy Lai, và cả những người thân cận với Chu Vĩnh Khang – khoảng hơn 300 người – có lẽ là những dẫn chứng có ý nghĩa nhất. Chiến dịch chống tham nhũng này cũng nhắm tới những các quan chức trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, như Tướng Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, cùng nhiều sĩ quan cấp cao khác. Tất nhiên, những cáo buộc tham nhũng đối với họ đã được xác minh, nhưng bằng cách loại bỏ những cán bộ này, có lẽ Tập Cận Bình cũng muốn bắt những đối thủ thực sự và tiềm năng phải quy phục. Họ, dù có khối tài sản đã bị phát hiện, dường như không cảm thấy lo lắng, vì được Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào hoặc Ôn Gia Bảo ngầm che chở. Vì những lý do này, việc "đả hổ" khó được xem như một cơ hội làm trong sạch bộ máy chính trị Trung Quốc. 

Ngoài các bài phát biểu và những trường hợp điển hình, cuộc cải cách lớn đầu tiên – được triển khai kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền – là một đợt "thanh lọc cơ thể" khổng lồ áp đặt cho các viên chức, vì mục tiêu là xóa bỏ hình ảnh về một chính quyền tham nhũng và xa rời những thực tế xã hội của nước Trung Hoa đương đại. Đồng thời, các viên chức có thân nhân định cư ở nước ngoài không được thăng tiến. Quả thực, người ta nhận thấy nhiều gia đình viên chức tham nhũng chuyển những khoản tiền khổng lồ ra nước ngoài; từ nay, họ trực tiếp bị nhắm tới trong chiến dịch "săn cáo" được phát động từ năm 2014. Theo ước tính, gần 1.500 tỷ USD từ Trung Quốc đã được chuyển một cách bất hợp pháp ra nước ngoài từ năm 2003 – điều khiến Trung Quốc trở thành nước bị thất thoát vốn nhiều nhất. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng ưu tiên hướng tới các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như hầm mỏ, năng lượng hay xây dựng. Chiến lược, được gọi là "diệt ruồi", nhằm đánh bật tận gốc những đường dây tham nhũng thực sự trong một lĩnh vực hoạt động nào đó.

Trên thực tế, để thực hiện công tác chống tham nhũng, Tập Cận Bình đã dựa vào Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương – được thành lập ngay khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, vào năm 1949, nhưng chưa được sử dụng hiệu quả vào thời điểm đó. Ủy ban này do Vương Kỳ Sơn – một trong 7 ủy viên Ban thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc và là người thân tín của Tập Cận Bình – điều hành. Kể từ cuối năm 2012, Ủy ban này đã xử lý gần 300.000 quan chức tham nhũng. Ngược lại, và không mấy ngạc nhiên khi hệ thống pháp lý của Trung Quốc còn thiếu sự minh bạch, vì các thẩm phán điều tra không có sự độc lập, điều làm gia tăng những hoài nghi về những cơ hội mà chiến dịch chống tham nhũng này mang lại cho những người giám sát quá trình chống tham nhũng. Một nửa thế kỷ sau cuộc Cách mạng Văn hóa, những cách làm này lại nhắc người ta nhớ đến tư tưởng Mao-ít.

Mặt khác, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố Kế hoạch hành động xây dựng một hệ thống hoàn thiện ngăn ngừa và trừng trị tham nhũng giai đoạn 2013-2017 làm căn cứ để đánh giá mức độ tham gia của các cấp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và cũng là một chỉ số quý báu cho phép xác định các mục tiêu cần đạt được từ nay tới Đại hội Đảng khóa tới. Như vậy, đây là một kế hoạch trong dài hạn, và những kết quả đạt được cũng sẽ được báo cáo tại Đại hội tới, nhằm tái khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực bắt "hổ, cáo và ruồi" phải quy phục.

Trong số những thách thức của cuộc chiến chống tham nhũng này đặc biệt nổi lên vấn đề đại diện của chính quyền trung ương ở cấp địa phương. Theo truyền thống, chế độ Trung Quốc dựa vào các cán bộ địa phương, thường xuyên tham nhũng nhưng trung thành với Bắc Kinh và đóng vai trò như những người đảm bảo thực sự sự thống nhất quốc gia mà ĐCSTQ mong muốn. Chính vì phần lớn những nhân vật bị trị tội tham nhũng là những cán bộ địa phương này, nên toàn bộ hệ thống chính trị cần phải được xem xét lại, nếu không Bắc Kinh có nguy cơ bị cắt đứt khỏi cơ sở, vì cuộc chiến diệt "ruồi" và "cáo" có thể dẫn đến việc mất đi sự ủng hộ cơ bản trong các cấp ủy địa phương. Như vậy, toàn bộ hệ thống mà ĐCSTQ dựa vào đang đứng trước một sự thay đổi sâu sắc.

Tương tự, dù với động cơ nào đi nữa, cuộc chiến "diệt hổ" dẫn tới những rạn nứt và bất đồng trong giới tinh hoa chính trị với những hậu quả khó đánh giá được trong dài hạn. Một điều chắc chắn là: cuộc săn "cáo" này không chỉ được tăng cường ở Trung Quốc mà cả ở nước ngoài. Các vụ bắt giữ các quan chức tham nhũng, như đã nêu ở trên, vốn không ngừng tăng lên kể từ khi Tập Cận Bình nắm giữ cương vị đứng đầu nhà nước. Đặc biệt, ông Tập đã tới viếng đám tang cố Chủ tịch Quốc hội Kiều Thạch ngày 19/6/2015. Tại Trung Quốc, các biểu tượng thường nói lên nhiều điều hơn các ngôn từ: Kiều Thạch là hiện thân cho những mâu thuẫn của một chế độ bị giằng xé giữa dân chủ, Nhà nước pháp quyền và sự tuyệt đối phục tùng Đảng. Cuộc đời chính trị chìm nổi của ông bộc lộ những quan hệ căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng. Là người thân tín của nhà cải cách Hồ Diệu Bang, ông đã bị Đặng Tiểu Bình cho ra rìa trong cuộc chạy đua quyền lực với Giang Trạch Dân. Mặc dù bị vĩnh viễn tách khỏi cơ quan quyền lực tối cao, từ năm 1993-1998, ông vẫn là nhân vật số 3 của chế độ và là vị giám đốc Trường Đảng trung ương rất có ảnh hưởng.

Cần nhắc lại những sự kiện nói trên bởi Kiều Thạch biết cách làm cho người ta còn nói đến ông trong bối cảnh của những xâu xé chính trị trong ĐCSTQ dẫn tới việc phế truất Bạc Hy Lai. Thực vậy, năm 2012, Kiều Thạch đã xuất bản cuốn sách "Nền dân chủ và luật pháp", trong đó ông kêu gọi xây dựng một bộ máy pháp lý độc lập và một nền dân chủ. Và trong khi Giang Trạch Dân kêu gọi khoan dung với Bạc Hy Lai, thì Kiều Thạch là một trong những người chủ trương "trừng trị để làm gương". Đằng sau những vụ thanh trừng tham nhũng mạnh tay của Tập Cận Bình là sự cổ vũ của người quân sư của ông. Những vụ thanh trừng đó gây nên một loạt lời đồn đại về những tác động tiêu cực của chiến dịch chống tham nhũng. Chẳng hạn, cái chết của công tố viên Man Mingan, nhân vật số 2 của Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân thành phố Hợp Phì (tỉnh An Huy), người được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại nhà riêng ngày 28/7/2015, cho thấy tính phức tạp của một chiến dịch chống tham nhũng còn lâu mới đến hồi kết và trên thực tế đã vấp phải những sự phản kháng thực sự đầu tiên. Trong một bối cảnh gay gắt như vậy, vụ tự sát này được xem như một lời phản đối gửi đến chính quyền. Một cách bày tỏ mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, vì cái chết thảm khốc của Man Mingan – nhân vật quan trọng trong vụ kiện Cốc Khai Lai, vợ cũ của Bạc Hy Lai, người bị kết án tử hình nhưng được hưởng án treo vì tội sát hại luật sư tham vấn người Anh Neil Heywood năm 2012 – chắc chắn đã chỉ ra rằng những thiệt hại do các hoạt động thanh trừng tham nhũng trong nội bộ hệ thống chính trị Trung Quốc gây ra mới chỉ bắt đầu. Vì Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương ĐCSTQ, đã "cho lên thớt" nhiều nhân vật cấp cao khác.

Trong số đó có Liệu Vĩnh Viễn – Giám đốc Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc, nhân vật số 1 trong ngành dầu khí nước này, và Vương Thiên Phổ – Tổng giám đốc Sinopec, một tập đoàn dầu khí lớn khác của Trung Quốc, bị nghi có những mối quan hệ đáng ngờ với mạng lưới tham nhũng Chu Vĩnh Khang. Đó chỉ là 2 trong số 10.000 mục tiêu bị điều tra – bao gồm cả giới kinh doanh và các cán bộ quân đội cấp cao, như Chiêm Quốc Kiều và Đổng Minh Tường, Chủ nhiệm hậu cần quân khu Lan Châu và Bắc Kinh, và thẩm phán Chiêm Tuấn, từng là nhân vật số 2 của tỉnh Hồ Bắc. Hoạt động thanh trừng tham nhũng được thực hiện trong mọi lĩnh vực, từ công nghiệp đến trong quân đội. Chúng cho thấy tồn tại những liên kết theo chiều ngang giữa các ngành vốn không có mối liên hệ với nhau, nhưng những liên kết đó đủ mạnh đến mức cần phải bị phá vỡ khẩn cấp và có hệ thống.

Các cuộc thanh trừng tham nhũng cũng  cả săn lùng những kẻ bỏ trốn, sống lưu vong cũng đã được thực hiện. Kể từ mùa Xuân 2015, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương đã gửi cho Cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol) danh sách hàng trăm người Trung Quốc, trong đó 25% là phụ nữ, bị cáo buộc tham nhũng và đang lẩn trốn ở nước ngoài, gần một nửa trong số đó sống ở Mỹ. Tất cả đều bị Chính phủ Trung Quốc yêu cầu dẫn độ. Đó chỉ là phần nổi lên của một chiến dịch rộng lớn đã buộc hồi hương gần 700 người Trung Quốc tị nạn tại 69 nước khác nhau, và đặc biệt ở châu Phi, nơi nhiều cán bộ cấp cao Trung Quốc ẩn náu nhờ sự tiếp tay của người dân địa phương. Cho tới gần đây, chỉ Tunisia, Nam Phi và Kenya hợp tác với Chính phủ Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh Diễn đàn Trung Quốc-châu Phi lần thứ 6, diễn ra hồi tháng 12/2015 tại Nam Phi, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng chiến dịch "bàn tay sạch" này được mở rộng tới các nước khác. Bằng cách này, giới chức trách Trung Quốc đã tạo ra một sự thay đổi: Trong khi từ lâu dựa vào các mạng lưới người Trung Quốc ở các nước để tạo thuận lợi hơn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, thì từ nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách cô lập họ để ngăn ngừa những hành động tội phạm hay những hành vi gây tổn hại tới các đặc quyền đặc lợi của giới cầm quyền Trung Quốc và làm xấu hình ảnh của các doanh nghiệp do họ sở hữu.

Theo Công ty truyền thông Caixin, trên thực tế, hơn 10.000 người Trung Quốc sống dưới vỏ bọc mới bằng một hộ chiếu châu Phi, thậm chí với quốc tịch mới. Trong số những người bị điều tra tham nhũng này xuất hiện một nhân vật "lừng danh": Sam Pa, tức Xu Jinghua, một cựu gián điệp, người đồng sáng lập một tập đoàn rất hùng mạnh có trụ sở tại Hong Kong – chính thức được biết đến với tên gọi 88 Queensway Group. Trước khi bị bắt ngày 8/10/2015, Xu Jinghua – có ít nhất 7 quốc tịch khác nhau – thường lui tới gặp gỡ một số người đứng đầu nhà nước ở châu Phi, như Robert Mugabe, hay các tướng lĩnh người Congo. Ông được nhượng quyền khai thác hàng chục mỏ dầu ở Angola, các mỏ kim cương ở Zimbabwe, và cả mỏ sắt và mỏ bauxit ở Guinea. Các cuộc gặp gỡ cá nhân nói trên dường như được tạo thuận lợi nhờ sự tan rã của Liên Xô và chế độ Cuba vốn rất tích cực ở khu vực này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và cũng nhờ mối quan hệ đặc biệt với Tổng thống Angola, José Eduardo Santos. Kể từ đó, Angola đã trở thành một trong những nhà cung cấp dầu chính cho Bắc Kinh. Tương tự, nhiều nước châu Phi, thông qua trung gian "các nhân vật trong thế giới ngầm", đã tiếp nhận các đặc khu kinh tế lớn hoàn toàn do Trung Quốc tài trợ, như Chambishi và Lusaka ở Zambia, Jinfei ở Maurice, Ogun và Lekki ở Nigieria, Suez ở Ai Cập, và mới đây là Dong Guan ở Ethiopia.

Tóm lại, chống tham nhũng ở Trung Quốc là cuộc chiến trên nhiều phương diện. Đặc biệt về hệ tư tưởng, cuộc chiến này nhắm tới các quan chức hay các đối tượng ly khai. Cuộc chiến đó cũng hướng tới một mục tiêu chiến lược cuối cùng: Cứu ĐCSTQ ra khỏi một cuộc khủng hoảng tham nhũng nghiêm trọng có thể khiến êkíp ngũ lãnh đạo sụp đổ. Mục tiêu này che đậy những ưu tiên vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc và mang một quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, người ta có thể thực sự nghi ngờ tính hiệu quả của cuộc chiến đó khi mà các cấu trúc của Nhà nước thường lẫn lộn với các cấu trúc của Đảng. Nói cách khác, tham nhũng gắn một cách cố hữu với hệ thống bảo hộ lợi ích phe nhóm của Trung Quốc và tự nó nhanh chóng phát triển do không có sự phân chia quyền lực.

Bài viết được đăng trên Tạp chí La revue internationale et stratégique, số 101/2016 với chủ đề “Tham nhũng: Một hiện tượng cũ hay vấn đề mới?”.

Văn Cường (gt)