russia-military-r-xi.jpg

Vào ngày 26/11/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo rằng Quân giải phóng nhân dân (PLA) sẽ trải qua một sự tái cơ cấu cơ bản vượt xa việc cắt giảm 300.000 quân nhân được thông báo rộng rãi tại buổi lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng Chiến tranh thế giới thứ hai vào tháng 9. Việc tái cơ cấu từ lâu đã bị trì hoãn khi những sự mâu thuẫn giữa cơ cấu tổ chức trước đây của PLA được thiết lập vào những năm 1950 và những đòi hỏi phải “giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ được thông tin hóa” (mục tiêu của chiến lược quân sự gần đây nhất của Trung Quốc) trở nên sâu sắc. Bất chấp những cản trở về mặt tổ chức đã biết đối với các hoạt động mà PLA sẽ thực hiện, việc xác định thời điểm cải cách là không thể dự đoán. Nhóm lợi ích được đảm bảo bất di bất dịch chính của PLA, Lục quân, có khả năng đã ngăn cản các hình thức cải cách này trong phần lớn hai thập kỷ qua. Trong khi đó, các diễn biến bất ngờ nằm ngoài PLA đã giúp giảm bớt tầm quan trọng của Lục quân. Không thể giảm nhẹ tầm quan trọng của cải cách khi mà gần như mọi bộ phận quan trọng đều bị tác động theo cách thức nào đó, nhưng các tác động trực tiếp đối với các vấn đề chủ chốt trong tiến hành chiến tranh như tình báo và phối hợp lực lượng sẽ khó có thể đánh giá trong tương lai gần.

Cải cách trên diện rộng, toàn diện

Gần như không có bộ phận nào của PLA là không bị đụng đến, và phạm vi tái tổ chức phù hợp với những thách thức mà quân đội Trung Quốc đã xác định dưới tựa đề “Hai sự không tương hợp”. “Hai sự không tương hợp” này xuất phát từ một đánh giá của Quân ủy trung ương (CMC) về những sự thiếu sót trong khả năng của PLA rằng: PLA không thể đáp ứng những nhu cầu của “Các sứ mệnh lịch sử mới” và PLA không thể “tiến hành chiến tranh và giành chiến thắng trong điều kiện thông tin hóa”. Đánh giá này sau đó đã trở thành một tiêu chuẩn cho cách PLA nói về những sự thiếu sót của mình và nơi mà lực lượng này cần phải thay đổi.

Trong khi nhiều cuộc tranh luận về “Hai sự không tương hợp” chủ yếu tập trung vào các khả năng, cơ cấu tổ chức của PLA cũng là một trong những thiếu sót được xác định trong các bài viết về quân đội trong những năm qua. Chẳng hạn, tờ PLA Daily đã đưa ra tuyên bố này vào năm 2008: “Cơ cấu hiện tại và nhân sự của các lực lượng vũ trang Trung Quốc còn lâu nữa mới có thể đáp ứng các đòi hỏi về mô hình phát triển của chiến tranh thông tin hóa. Điều chỉnh và cải cách là một đòi hỏi thực tế để thực hiện sứ mệnh lịch sử của các lực lượng vũ trang”. Một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của PLA, ông Chen Zhou thuộc Học viện khoa học quân sự, cũng đã đưa ra quan điểm trong một bài báo hồi năm 2007 trên tờ Khoa học quân sự Trung Quốc rằng: “Cần phải đưa những sự điều chỉnh và cải cách cơ cấu tổ chức, các chính sách và hệ thống đi vào chiều sâu, nhấn mạnh vào việc giải quyết các mâu thuẫn ở mức sâu sắc và các vấn đề mà đã trở thành những sự cản trở về cơ cấu đối với việc phát triển các lực lượng vũ trang”.

Ý nghĩa cơ bản của cải cách có thể được tóm tắt bằng câu thành ngữ của Trung Quốc được sử dụng trong “quan điểm của Quân ủy trung ương về việc đưa cải cách quốc phòng và quân sự vào chiều sâu”: “Quân ủy trung ương có quyền lực tối cao; các bộ tư lệnh chiến trường chỉ đạo tác chiến; các quân chủng chỉ đạo phát triển lực lượng”. Điều này biến PLA từ cơ quan thời Liên Xô của nó thành một cái gì đó giống nhiều hơn với quân đội Mỹ sau Đạo luật Goldwater-Nichols, với việc các Bộ Tư lệnh tác chiến tổ chức, lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động chung và các quân chủng (Lục quân, Không quân, Hải quân và Lính thủy đánh bộ) tập trung vào việc xây dựng lực lượng mà Bộ Tư lệnh tác chiến sẽ sử dụng.

Theo hệ thống trước đây, Quân ủy trung ương và 4 tổng cục – những người đứng đầu các tổng cục này là thành viên của Quân ủy trung ương – giám sát hầu hết hoạt động của PLA và trong đó gồm cái được coi là sở chỉ huy Lục quân. Sáng kiến hiện nay chia 4 tổng cục và các bộ phận của bộ máy hành chính quan liêu của Quân ủy trung ương thành 7 ban, 3 ủy ban và 5 đơn vị trực thuộc. Mặc dù đó dường như là một quá trình tiến triển rõ ràng, trực tiếp từ hệ thống tổng cục thành cơ cấu hiện nay, các đặc điểm tương đồng che giấu những sự thay đổi đáng chú ý.

Tổng cục Vũ trang (GAD) trở thành Cục Phát triển trang bị

Tổng cục Hậu cần (GLD) trở thành Cục Bảo đảm hậu cần

Tổng cục Chính trị (GPD) trở thành Cục Công tác chính trị

Bộ Tổng tham mưu (GSD) trở thành Bộ Tham mưu liên hợp

Những thay đổi rõ ràng và đáng chú ý nhất là những sự thay đổi từ Bộ Tổng tham mưu (GSD) thành Bộ Tham mưu liên hợp. Việc thành lập một sở chỉ huy Lục quân tách ra từ Bộ Tổng tham mưu làm giảm đáng kể phạm vi thẩm quyền của Bộ Tham mưu liên hợp. Hơn nữa, Cục Hoạch định chiến lược của Bộ Tổng tham mưu, được thành lập gần cuối nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào để giám sát cải cách và kiểm tra sự tuân thủ của PLA với các chỉ thị của Quân ủy trung ương, đã trở thành một trong 5 đơn vị chịu trách nhiệm với Quân ủy trung ương.

Lực lượng Hỗ trợ chiến lược mới được thành lập với trách nhiệm được tập trung vào các hoạt động không gian, chiến tranh điện tử và mạng lưới máy tính của PLA có khả năng làm giảm hơn nữa vị thế của Bộ Tham mưu liên hợp so với cơ quan tiền nhiệm của nó. Các khả năng tình báo (Cục 2 và Cục 3) và chiến tranh điện tử (Cục 4) của Bộ Tổng tham mưu đang bị tước đi ít nhất một phần vì lực lượng mới này được dành cho việc chi phối thông tin.

Các cục khác ít bị ảnh hưởng hơn với những sự điều chỉnh nhỏ hơn, mặc dù chúng có khả năng sẽ có các chức năng chung trực tiếp hơn hiện nay khi mà Lục quân có sở chỉ huy của riêng họ. Chẳng hạn, Cục Phát triển trang bị đã chuyển Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Tổng cục Vũ trang cho Quân ủy trung ương – một sự phát triển chính thức hóa vai trò cố vấn của ủy ban này với các thành viên của Quân ủy trung ương.

Ở mức độ tiếp theo, PLA đã nâng tầm Lực lượng pháo binh 2 thành một quân chủng, hiện nay được gọi là Lực lượng tên lửa PLA, xếp ngang hàng với lực lượng Hải quân và Không quân cũng như Lục quân. Trước đây, các tư lệnh quân chủng đóng vai trò đồng thời là các thành viên của Quân ủy trung ương, nhưng một nhóm các nhà phân tích cấp cao dường như cho rằng Quân ủy trung ương sẽ thu hẹp lại.

Các quân chủng sẽ tập trung điền vào Biểu biên chế và trang bị (TO&E), giống như các đơn vị tương ứng của Mỹ. Không có một vai trò hoạt động trực tiếp ở các sở chỉ huy, các đơn vị do thám kỹ thuật của các quân chủng – chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo chiến thuật thông qua các phương tiện kỹ thuật – sẽ được phân công lại cho các vùng tác chiến ngay cả khi họ vẫn duy trì các bộ phận tình báo của họ để cung cấp các đánh giá chiến lược.

Sự thay đổi đáng chú ý khác là việc thành lập các vùng tác chiến để thay thế các quân khu. Có tin rằng các vùng tác chiến sẽ hoạt động tương tự các bộ tư lệnh tác chiến của Mỹ, giám sát hoạt động của tất cả các đơn vị, bất kể quân chủng nào, nằm trong thẩm quyền của họ và chịu trách nhiệm lập kế hoạch chiến dịch. Thay thế cho 7 quân khu, hiện nay sẽ có 5 vùng tác chiến: vùng tác chiến phía Bắc, phía Nam, phía Đông, phía Tây và Trung tâm. Quá trình thay đổi các tổ chức này đã bắt đầu vào tháng 12/2015 và có vẻ đã được hoàn tất về cơ bản vào tháng 1/2016.

Hai kiểu thời kỳ

Xác định thời điểm cơ cấu lại PLA thực sự là một câu hỏi hai phần liên quan đến nỗ lực cải cách của Tập Cận Bình và nỗ lực hiện đại hóa dài hạn hơn đã bắt đầu vào năm 1993 với việc xem xét lại đường lối chỉ đạo chiến lược quân sự. Nỗ lực cải cách là một câu hỏi đơn giản hơn với một câu trả lời đơn giản hơn: các cải cách to lớn về mặt tổ chức này đòi hỏi cần phải có thời gian để đề ra, xem xét và sau đó là thực hiện. Nỗ lực hiện đại hóa đề xuất việc xem xét các động lực chính trị của PLA và vị thế của quân đội trong hệ thống chính trị.

Vào tháng 11 và 12/2015, các nguồn truyền thông chính thức của Trung Quốc đã phân loại một danh sách mới gồm các cơ quan của PLA. Mặc dù nhiều cơ quan mới có các cơ quan tiền thân rõ ràng (như Bộ Tham mưu liên hợp được thành lập từ Bộ Tổng tham mưu), các cục này cũng có thể đã thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, Bộ Tổng tham mưu có hai cục (Cục 3 và Cục 4), với các khả năng và trách nhiệm về hoạt động của mạng lưới máy tính, do vai trò tương ứng của các cục này trong tình báo tín hiệu và tác chiến điện tử. Bộ Tham mưu liên hợp có vẻ như sẽ “thừa kế” các cục này, khi vẫn giữ nguyên trùm tình báo PLA Tôn Kiến Quốc là Phó tham mưu trưởng, nhưng việc thành lập Lực lượng Hỗ trợ chiến lược cho thấy đó không phải là một sự chuyển giao hoàn toàn. Các nguồn tin gần như chính thức cho thấy rằng lực lượng mới này sẽ có các khả năng về không gian, không gian mạng và chiến tranh điện tử (trong đó có tấn công mạng máy tính).

Quy mô của việc tái tổ chức vượt hẳn ra khỏi những gì có thể được thiết kế và thúc đẩy trong chốc lát hay thậm chí qua quá trình diễn biến của một hội nghị. Trong đợt phát động vào tháng 11/2015, báo chí Trung Quốc đã đồng thời nêu bật hơn 2000 cuộc phỏng vấn và khảo sát, hội đàm, các nhóm làm việc và hội nghị để chuẩn bị cho việc tái tổ chức. Sự chú trọng to lớn vào cải cách kể từ khi Tập Cận Bình đảm nhận chức Chủ tịch Quân ủy trung ương vào tháng 11/2012 đã che giấu việc gần như không có gì thực sự diễn ra trong quân đội để cải thiện khả năng chiến đấu và giành chiến thắng các cuộc chiến tranh, ngoại trừ chiến dịch chống tham nhũng. Báo cáo công tác của Hội nghị trung ương 3 của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 thông báo rằng Trung Quốc sẽ “tối ưu hóa quy mô và cơ cấu của quân đội”, trong đó có các thể chế có liên hệ với Quân ủy trung ương, với mục tiêu xây dựng các năng lực chiến đấu mới và cải thiện các hoạt động chung. Một nhóm lãnh đạo mới đã được thành lập vào năm 2014 để giúp chỉ đạo quá trình này, nhưng sự minh bạch không song hành cùng công việc của họ. Và PLA đã tiếp tục quá trình chậm chạp, không ngừng của mình hướng tới việc hoàn tất quá trình hiện đại hóa đã được lên kế hoạch của lực lượng này vào năm 2049.

Đọc báo chí chính thức, không ai có thể dự đoán được khi nào công việc này sẽ hoàn tất, nhưng năm 2015 đã đem lại một số manh mối cho thấy rằng việc lập kế hoạch đang đi đến hồi kết. Sách Trắng quốc phòng hai năm ra một lần của năm 2015, Chiến lược quân sự của Trung Quốc đã gợi ý khả năng hợp nhất chiến tranh thông tin của PLA. Do quá trình phối hợp lâu dài để có Sách Trắng, các manh mối như vậy có thể không được xem là bất cứ điều gì ngoài những báo hiệu có chủ tâm. Những tin đồn riêng rẽ cho thấy rằng các khả năng của PLA trong lĩnh vực không gian mạng sẽ được tập trung vào một cơ quan đơn nhất đã xuất hiện sau đó vào mùa Hè và mùa Thu.

Sau đó, tại buổi duyệt binh vào ngày 2/9 để kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Bắc Kinh đã thông báo rằng sẽ cắt giảm 300.000 quân nhân khỏi PLA. Vào đầu tháng 11, tin tức rộ lên khắp Trung Quốc về một phân tích của PLA về những mối đe dọa đối với sự ổn định trong nước nếu các quân nhân chẳng bao lâu sẽ bị giải ngũ này không được quan tâm một cách thỏa đáng. Một cuộc tranh cãi đã xảy ra sau đó xung quanh việc phải làm gì với các quân nhân này, tiếp sau đó là một thông báo rằng ít nhất một số quân nhân sẽ được đưa vào hệ thống kinh doanh thuộc sở hữu nhà nước.

Trong ý nghĩa lớn hơn, phần lớn nỗ lực cải cách làm giảm bớt quyền lực và tầm quan trọng của Lục quân, lực lượng mà các nhà quan sát của Trung Quốc và nước ngoài nói rằng đã tạo nên cốt lõi của các nhóm lợi ích được đảm bảo bất di bất dịch của quân đội. Câu hỏi là, tại sao Lục quân có thể ngăn cản tiến hành cải cách lâu đến như vậy? Đó là một câu hỏi mà có lẽ nên được giải đáp tốt nhất bằng việc nhìn vào hai sự thay đổi bối cảnh mà có lẽ đã giúp Tập Cận Bình xóa bỏ các quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch của Lục quân và đưa công cuộc tái cơ cấu tiến về phía trước. Sự thay đổi đầu tiên và được nhiều người biết đến nhất là chiến dịch chống tham nhũng mang dấu ấn đặc trưng của Tập Cận Bình, chiến dịch đã mở rộng vào sâu trong PLA và bỏ tù hai trong số các quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị sa lưới trong đợt truy quét. Thay đổi thứ hai, có tính chất suy đoán hơn, là tầm quan trọng đang suy giảm của Lục quân trong việc bảo vệ chế độ vì bất kỳ điều gì ngoài phương sách cuối cùng – có nghĩa là một cuộc khủng hoảng trên quy mô vượt xa tình trạng rối ren mà Trung Quốc đã trải qua vào cuối mùa Xuân năm 1989.

Chiến dịch chống tham nhũng bên trong PLA, kết hợp với giọng điệu của Tập Cận Bình về “Giấc mộng Trung Hoa”, đã báo hiệu rằng hiện đại hóa và cải cách quân đội là một dự án quốc gia mà sẽ không thể bị ngăn cản. Tập Cận Bình đã cho thấy ông không hàm ơn bất cứ ai, kể cả Giang Trạch Dân, nhân vật được nhiều người cho là đã giúp đỡ Tập Cận Bình leo lên chức Tổng Bí thư – một điểm mà ông này đã nhấn mạnh với sự có mặt của Tập Cận Bình trong buổi lễ tang gây tranh cãi của Dương Bạch Băng vào tháng 1/2013. Hai “hổ lớn” của quân đội đã bị hạ trong chiến dịch này – Từ Tài Hậu và Đới Bỉnh Quốc – đã có được chức vụ của mình nhờ mối quan hệ với Giang Trạch Dân. Không có sự trung thành với hiện trạng và xử lý hai biểu tượng tham nhũng có thể nhìn thấy trong hàng ngũ cấp cao, Tập Cận Bình đã gửi đi một tín hiệu rằng ông có thể thúc đẩy thay đổi và hoàn toàn có thể bắt giữ những kẻ chống đối.

Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình cũng đã tiếp sinh lực và trao quyền hành cho các sĩ quan và những trí thức bên trong PLA mà đã xác định tham nhũng là một trong những trở ngại chủ chốt đối với việc hiện đại hóa quân đội. Một số trong những sĩ quan này, như cựu Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lưu Nguyên, có thể không trụ qua được đợt tái cơ cấu, nhưng họ đã thể hiện một phong thái khác biệt theo tinh thần của Tập Cận Bình ủng hộ việc phát triển một phong cách làm việc đúng đắn và có kỷ luật. Thông điệp này cũng được Phó Bí thư Quân ủy trung ương Phạm Trường Long truyền tải xuống, người mà, với tư cách là Tư lệnh Quân khu Tế Nam, đã giám sát một loạt cuộc diễn tập quan trọng trong các hoạt động tác chiến chung và các cơ cấu chỉ huy mang tính thử nghiệm.

Một sự xem xét mà cho đến giờ hầu như không thu hút được sự chú ý của giới chuyên gia là sự lo lắng của Bắc Kinh về an ninh và ổn định trong nước. Kết cục bi thảm cho các cuộc biểu tình vào năm 1989 đã chứng tỏ rằng PLA là người bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng sản, và cảnh sát có thể không đáng tin cậy trong việc kiềm chế tình trạng rối ren trong nước. Do đó vào năm 2004, Hồ Cẩm Đào đã bổ sung nhiệm vụ “đem lại một sự đảm bảo quan trọng cho đảng để củng cố địa vị cầm quyền của mình” như là một trong số Các sứ mệnh lịch sử mới (“ba quy định và một vai trò”) xác định vai trò tạm thời của PLA.

Những sự gia tăng đều đặn trong ngân sách của quân đội đang thu hút sự chú ý mỗi năm, nhưng câu chuyện tiền bạc thực sự trong an ninh của Trung Quốc trong thập kỷ vừa qua là phí tổn cho việc hiện đại hóa an ninh công cộng. Ngân sách an ninh trong nước lần đầu tiên đã vượt ngân sách quân sự vào năm 2011, và đã chứng kiến những sự gia tăng phần trăm 2 con số trong những năm gần đây. Từ năm 2011, tổng chi tiêu của chính phủ đã duy trì ở mức cao hơn ngân sách quốc phòng chính thức, và một số báo cáo cho thấy các khoản bổ sung (đôi khi lên đến hàng chục triệu USD) đã được bơm vào hệ thống ở cấp địa phương hay cấp tỉnh để hỗ trợ mua các hệ thống giám sát.

Một trong những đặc điểm chủ chốt của việc hiện đại hóa an ninh trong nước là hiện đại hóa khả năng tình báo trong nước. Mục đích của việc mở rộng mạng lưới máy quay, đăng ký các dịch vụ trực tuyến và viễn thông bằng tên thật và xác minh vé tàu xe cùng với một mạng lưới người cung cấp tin tức là để cô lập các vấn đề tiềm tàng trước khi chúng bắt đầu. Một loạt tài liệu bị rò rỉ cho trang tin China Digital Times đã nói rằng nhiệm vụ tình báo sẽ “tiếp tục duy trì việc phát hiện và cảnh báo trước tiên; bảo vệ và kiểm soát ngay từ đầu”.

Ngoài khả năng ngày càng tăng của Bộ Công an trong việc xác định, cô lập và vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với nhà nước trước khi chúng trở thành những căn bệnh truyền nhiễm khắp cả nước, lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP) bán quân sự đã trở thành một lực lượng đáng chú ý hơn nhiều. PAP đã xử lý tình trạng rối loạn nghiêm trọng ở Tây Tạng hồi năm 2008 và Tân Cương vào năm 2009 và làm việc chặt chẽ với các đơn vị công an trong các hoạt động đang tiếp tục diễn ra ở Tân Cương. Được Quân ủy trung ương và Quốc vụ viện cùng chỉ đạo, lực lượng này kể từ khi thành lập vào năm 1982 đã dần đảm nhận các nhiệm vụ an ninh trong nước từng do PLA và lực lượng công an thực hiện.

Nói tóm lại, Lục quân PLA và giới lãnh đạo cấp cao của họ giờ đây ít đáng chú ý hơn và dễ bị tổn thương hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi chương trình hiện đại hóa bắt đầu vào năm 1993. Họ không còn có thể cho mình là hết sức quan trọng, và chiến dịch chống tham nhũng đã cho thấy bầu không khí đang thay đổi và quy mô quyền lực của Tập Cận Bình.

Những ẩn số kéo dài

Các cải cách và công cuộc tái cơ cấu của PLA đánh dấu một bước đi quan trọng hướng đến việc liên kết quân đội Trung Quốc với tư tưởng về chiến tranh mà lực lượng này đã tiến hành kể từ khi các lực lượng của Mỹ áp đảo quân đội Iraq vào năm 1991. Tuy nhiên, các tác động và hệ quả đầy đủ vẫn còn chưa rõ. Một số trong những ẩn số này là các chi tiết về việc tái cơ cấu thể chế hay đường hướng của chính sách quân sự Trung Quốc, đặc biệt là về tình báo và phối hợp lực lượng.

Các đòi hỏi về mặt tổ chức của việc thành lập sở chỉ huy Lục quân, Lực lượng Hỗ trợ chiến lược và các vùng tác chiến chắc chắn sẽ thay đổi cách hoạt động tình báo được tiến hành bên trong PLA. Một số chức năng tình báo cơ bản của Bộ Tổng tham mưu có vẻ như đã đi tiếp sau sự phát triển của cơ quan này thành Bộ Tham mưu liên hợp, khi sĩ quan tình báo cấp cao nhất của Trung Quốc, Tôn Kiến Quốc, từ Phó Tổng tham mưu trưởng của Bộ Tổng tham mưu trở thành Phó tham mưu của bộ mới (Bộ tham mưu liên hợp). Tổng cục Chính trị cũng có một cục tình báo và hành động bí mật, có tên là Cục liên lạc, nhưng nhiệm vụ đó không được thừa nhận một cách rõ ràng như là một phần trách nhiệm của Cục Công tác chính trị.

Về tương lai của việc phối hợp lực lượng, câu hỏi là sự chi phối còn lại của Lục quân sẽ được lý giải như thế nào. Bất kể sở chỉ huy Lục quân mới và việc tái cơ cấu các tổng cục, Lục quân sẽ vẫn chiếm 2/3 quân số PLA (hay ít hơn không đáng kể, nếu cả 300.000 quân nhân bị giải ngũ đến từ Lục quân). Bởi tính riêng số lượng, họ sẽ vẫn chiếm nhiều chỗ trong những vị trí có vẻ là chung trong các bộ phận của Quân ủy trung ương mà không có sự can thiệp đáng kể của Tập Cận Bình và Quân ủy trung ương.
Một số điều chưa rõ ràng khó có thể thấy được. PLA vẫn còn thiếu kinh nghiệm – cuộc chiến cuối cùng của lực lượng này là vào năm 1979 – và các sắp xếp mới về mặt tổ chức sẽ đòi hỏi thêm thời gian để kiểm chứng. Các hoạt động đang diễn ra chẳng hạn như các cuộc tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden, chỉ đem lại những phần nhỏ kinh nghiệm cho quân đội Trung Quốc, nhưng không đem lại gì trên phạm vi các hoạt động vũ trang kết hợp mà ngay cả một xung đột nhỏ có thể đòi hỏi. Bất kể thay đổi diễn ra chậm chạp như thế nào, các thủ tục và thẩm quyền mới sẽ đòi hỏi cần phải có thời gian để trở nên bình thường và tự nhiên dưới sức ép của một cuộc khủng hoảng hay một cuộc chiến thực sự.

Kết luận

Cải cách PLA, giống như nhiều chính sách được lên kế hoạch khác của Trung Quốc, không nên (và có lẽ không thể) được đánh giá vào lúc này. Việc hoàn thiện cơ cấu mới của PLA sẽ phải mất nhiều năm, một điều gì đó mà các nhà lãnh đạo quân đội đã thừa nhận, bất chấp tính chất đột ngột của các chính sách được thông báo và việc thực hiện chúng, chẳng hạn như việc giải tán các quân khu. Một số thành phần đang thay đổi nhanh chóng, như tập trung hóa chiến tranh thông tin trong Lực lượng hỗ trợ chiến lược, trong khi các vấn đề khác, như quản lý nhân sự bên trong Tổng cục chính trị, có vẻ như chỉ thay đổi về tên gọi thay vì thực chất.

Nói chung, PLA gần như chắc chắn sẽ trở thành một công cụ hữu dụng và tiện lợi hơn cho giới lãnh đạo Trung Quốc trong các hoạt động chính trị quốc tế. Sự kiểm soát của Lục quân đối với các chức năng như tình báo, tác chiến điện tử và mua sắm quốc phòng nói chung đã bị phá vỡ. Quân ủy trung ương sẽ được phục vụ và được thông báo tốt hơn về việc định hướng toàn bộ sự phát triển chiến lược của PLA, và Quân ủy trung ương sẽ có quyền kiểm soát trực tiếp đối với các lực lượng răn đe của PLA, trong đó có lực lượng vũ trụ, không gian mạng và hạt nhân. Các quân chủng và vùng tác chiến, như đã được đưa tin trên báo chí Trung Quốc, đang thiết lập các giới hạn thẩm quyền và trách nhiệm đối với các hoạt động rõ ràng hơn so với cơ cấu quân khu trước đây.

Sẽ có nhiều điều cần phải quan sát trong những năm tháng tới khi PLA vật lộn với sự thay đổi này. Quân đội Trung Quốc cũng sẽ học hỏi xem các sắp xếp mới này sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế và các nhà quan sát có thể trông đợi những bài học từ việc áp dụng thử nghiệm ý tưởng mới được kết hợp vào các cải cách khi chúng được thông qua hay bị bác bỏ. Đây sẽ là thời điểm duy trì các tiêu chuẩn đánh giá đúng mức để PLA xem xét thay vì nhanh chóng nắm ngay lấy các báo cáo mới nhất. Tác động của các thay đổi về mặt tổ chức sẽ chỉ được cảm nhận khi các sắp xếp mới được thực tế nhấn mạnh qua thời gian.

Vào ngày 31/12/2015, nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã công bố sự cải tổ sâu rộng nhất đối với lực lượng Quân giải phóng nhân dân (PLA) kể từ những năm 1950. Đồn đoán về những thay đổi mang tính kiến tạo này đã âm ỉ trong nhiều tháng qua kể từ khi quyết định cải cách được công bố tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Đại hội Đảng lần thứ 18, sau nhiều thập kỷ các cuộc thảo luận về sự cần thiết phải tái định hình một cách căn bản cơ cấu quân đội cho các hoạt động tác chiến chung hiện đại bị ngừng lại định kỳ. Bài viết này vạch ra những điểm chúng ta đã biết cho tới nay, nghiên cứu về điểm giao cắt giữa các nhân tố chính trị và quân sự mà cuối cùng đã được phép xảy ra, và đánh giá các tác động của cải cách đối với các mối quan hệ dân sự-quân sự và sự hiện đại hóa quân đội.

Những gì chúng ta đã biết cho tới nay

Việc cải tổ PLA, được công bố vào cuối năm 2015 nhưng đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng, năm, thậm chí nhiều thập kỷ, vẫn đang ở giai đoạn ban đầu. Những người phát ngôn được chỉ định đã thảo luận những đặc điểm chính của các tổ chức then chốt bằng những thuật ngữ chung nhất, và Tập Cận Bình đã trao chức danh và thẩm quyền cho các nhà lãnh đạo của những thực thể mới. Tuy nhiên từ những đặc điểm chung này, chúng ta có thể đưa ra một số kết luận tạm thời:

- Sự thúc đẩy chiến lược chính cho những thay đổi này là việc tái liên kết được mong đợi từ lâu giữa các đơn vị hành chính và tác chiến của PLA để tham gia các hoạt động tác chiến chung, hiện đại trong một môi trường được thông tin hóa.

- Gắn với sự thay đổi này là sự phê phán về mặt cơ cấu được nhiều người biết tới đối với hệ thống trước đây, theo đó cơ cấu ban tham mưu theo kiểu Đức là quá cồng kềnh tại Bắc Kinh, còn cơ cấu quân khu hành chính lại quá ăn sâu về mặt địa lý và không cơ động cho các hoạt động tác chiến viễn chinh chung.

- Bốn Tổng cục (Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần, Tổng cục trang bị) đã bị giải tán, và các yếu tố cấu thành của những tổng cục này đã được chuyển thành các đơn vị cấp dưới của một Quân ủy trung ương (CMC) mạnh mẽ hơn và được phân bổ tới năm tổ chức giống quân chủng, bao gồm một bộ tư lệnh Lục quân mới, Lực lượng Không quân, Hải quân, Lực lượng Tên lửa được cải tổ (trước đây là Lực lượng Pháo binh 2), và Lực lượng Hỗ trợ chiến lược mới bao gồm không gian mạng, tình báo, chiến tranh điện tử và các sứ mệnh không gian. Sự phân tán các bộ phận của các tổng cục được miêu tả trong CMC Opinion chính thức là việc chuyển từ “một hệ thống tổng cục sang một hệ thống đa cục”.

- Tổ chức quan trọng nhất trong các tổ chức mới thuộc CMC là Bộ tham mưu liên hợp, nhiều khả năng sẽ là cơ cấu chỉ huy giữa ban lãnh đạo CMC và các vùng tác chiến mới. Sự khác biệt giữa các cấp độ của CMC và các bộ tư lệnh chiến trường được PLA miêu tả như là “cơ chế quản lý lãnh đạo” đấu với “cơ chế chỉ huy tác chiến liên hợp”.

- Bảy quân khu hành chính thời bình (Bắc Kinh, Thành Đô, Quảng Châu, Tế Nam, Lan Châu, Nam Kinh và Thẩm Dương) đã được thay thế bằng 5 vùng tác chiến (Đông, Nam, Tây, Bắc và Trung tâm), hoặc chiến khu, với cơ cấu được trông đợi sẽ tương tự như các bộ tư lệnh chiến trường được sử dụng trong khoảng thập kỷ qua. Bằng việc loại bỏ Bộ Tổng tham mưu, PLA từ nay về sau sẽ sử dụng một “cơ cấu chỉ huy tác chiến liên hợp hai cấp”.

- Hệ thống mới giống với hệ thống của Mỹ hơn, với các cục của CMC hoạt động như các bộ tham mưu liên quân, còn chiến khu gần giống với các bộ tư lệnh chiến trường hơn, và các lực lượng/quân chủng được giao nhiệm vụ “cung cấp nhân lực, huấn luyện và trang bị” cho các đơn vị tác chiến, hay cái PLA gọi là “xây dựng”. Như đã được miêu tả trong CMC Opinion chính thức, “Quân ủy trung ương thực hiện hoạt động quản lý chung, các vùng tác chiến chịu trách nhiệm về các hoạt động tác chiến và các binh chủng chủ yếu chịu trách nhiệm xây dựng lực lượng”.

- Nếu người ta xem xét vị trí trước đây của các lãnh đạo mới được bổ nhiệm cho các tổ chức mới, không ai trong số này thực sự gây ngạc nhiên, ngoại trừ trường hợp của Trung tướng Cao Tân, người từng phục vụ tại Lực lượng Pháo binh 2 và việc này không biến ông trở thành một lựa chọn hiển nhiên để lãnh đạo Lực lượng hỗ trợ chiến lược, một tổ chức chịu trách nhiệm về không gian mạng, chiến tranh điện tử, tình báo, hoạt động phóng vào không gian/giám sát không gian.

Các vấn đề về cơ cấu cấp bậc liên quan tới các tổ chức này rất phức tạp và chưa hoàn toàn được xác nhận bởi các nguồn thông tin công khai, và vì vậy một số phân tích vẫn phải mang tính suy đoán. Cũng có khả năng xa hơn là toàn bộ cơ cấu cấp bậc sẽ bị loại bỏ, nhưng khó có thể hiểu được PLA sẽ tương tác một cách có ý nghĩa như thế nào với đảng hoặc chính phủ khi thiếu một hệ thống cấp bậc hành chính tương thích.

Trong những tuần và tháng sắp tới, chúng ta có thể trông đợi sự rõ ràng hơn liên quan tới cơ cấu tổ chức cấp dưới, các lãnh đạo cấp dưới, vai trò và nhiệm vụ của tất cả những tổ chức mới này, cho dù một điều quan trọng cần lưu ý là bản thân quá trình cải cách được cho là sẽ tiếp tục diễn ra cho tới năm 2020. Trong cuộc họp báo đầu tiên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc tái cơ cấu, Thượng tá Yang Yujun tuyên bố: “Đợt cải cách này sẽ được thực hiện theo kế hoạch và giai đoạn. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về cải cách đúng trình tự phù hợp với tiến trình cải cách”.

Tại sao cải cách lần này lại thành công?

Các nhà cải cách và nhân vật có tư tưởng độc lập của PLA đã kêu gọi có những thay đổi này trong nhiều thập kỷ, vậy tại sao cải cách lại thành công vào thời điểm này, và nó vẫn phải đối mặt với những nguy cơ nào từ sự kháng cự bên trong và thách thức bên ngoài? Về mặt thể chế, hầu như không nhà phân tích nào của PLA sẽ đồng tình với quan điểm rằng hệ thống trước đây đã hứng chịu “các vấn đề và mâu thuẫn ở cấp độ sâu”, điều “cản trở nghiêm trọng sự phát triển của công tác xây dựng quân đội, trì hoãn nghiêm trọng sự chuẩn bị cho cuộc đấu tranh của quân đội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thực hiện các nhiệm vụ và sứ mệnh của lực lượng chúng ta”. Thế nhưng, cải cách trên quy mô như thế này đã bắt đầu phá vỡ “bát cơm” trong khắp hệ thống và đòi hỏi nhiều cán bộ phải “hy sinh”. Quả thực, các thay đổi về mặt tổ chức đã được đề cập trước qua một tuyên bố của Tập Cận Bình tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai, theo đó 300.000 binh lính sẽ được giải ngũ, điều đặc biệt nhạy cảm về mặt chính trị khi xét tới sự suy yếu gần đây trong nền kinh tế Trung Quốc.

Quan trọng nhất, có một điều rõ ràng là cải cách này đang được thúc đẩy bởi sự tán thành cá nhân và sức nặng chính trị của bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình, cho dù nó rõ ràng phù hợp với một mong muốn cải cách mang tính tổ chức bên trong nhiều bộ phận của chính PLA. Ông Tập Cận Bình đã dành một phần đáng kể vốn liếng chính trị của mình cho các vấn đề về quan hệ giữa đảng và quân đội. Bài viết của tác giả trong China Leadership Monitor số 47 đã phân tích sự xuất hiện của cái gọi là Cơ cấu trách nhiệm chủ tịch CMC, mà thể hiện một sự cá nhân hóa quan trọng vai trò lãnh đạo của Tập Cận Bình đối với PLA. Trước đó, China Leadership Monitor số 46 đã xem xét tỉ mỉ việc Tập Cận Bình củng cố sự lãnh đạo của mình tại Hội nghị Cổ Điền vào tháng 11/2014, nơi 420 sĩ quan hàng đầu của PLA được thuyết giảng về sự kiểm soát tuyệt đối của ĐCSTQ đối với PLA, được tác động thêm bởi các đe dọa thẳng thừng về khả năng dễ bị tổn thương của từng cá nhân trước các cuộc điều tra chống tham nhũng tàn nhẫn và đang mở rộng của Tập Cận Bình. Thế nhưng Quan điểm của Quân ủy trung ương về việc cải cách sâu rộng công tác quốc phòng và lực lượng vũ trang, được phát hành vào ngày 1/1/2016, lại khẳng định rằng một mục tiêu chính của quá trình cải tổ là “củng cố và hoàn thiện các quy tắc cơ bản và cơ cấu lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội”, ngụ ý rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trong quan hệ đảng-quân đội và thậm chí có thể phản ánh lo ngại rằng cải cách có thể làm suy yếu sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với quân đội.

Nhưng tại sao ông Tập Cận Bình có khả năng và quyền lực để áp đặt các thay đổi to lớn và có tác động mạnh mẽ này, trong khi những người tiền nhiệm của ông là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lại không có? Tác giả cho rằng câu trả lời cuối cùng nằm ở chiến dịch chống tham nhũng đã được đề cập ở trên. Thông qua việc điều tra và bắt giữ cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, Tập Cận Bình và các nhà điều tra của ông chắc chắn đã tích lũy được một lượng thông tin chưa từng thấy về nạn tham nhũng phổ biến trong PLA, đặc biệt là hệ thống chi tiền để được thăng tiến mà buộc tội mọi sĩ quan cấp cao trong ban lãnh đạo. Những tài liệu này, hay nỗi lo sợ lan rộng trong ban lãnh đạo về việc các tài liệu đó có thể chứa đựng những thông tin gì, nhiều khả năng là thanh gươm Damocles treo trên đầu bất cứ sĩ quan nào ngu ngốc tới mức nghi ngờ công cuộc cải cách hay tìm cách làm chậm lại sự tiến triển của nó. Với lực đòn bẩy này, Tập Cận Bình đã có thể khởi động một chương trình cải cách có tác động sâu rộng mà PLA đã cần đến trong nhiều thập kỷ, và có thể sẽ được coi là bước ngoặt then chốt trong việc hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” của ông.

Tác giả Peter Mattis là chủ biên của tờ "China Brief" thuộc Jamestown Foundation. Bài viết đăng trên “The Diplomat”.

Vũ Hiền (gt)