barak-obama-benigno-aquino-III.jpg

Tháng 1/2013, Philippines bắt đầu đưa vụ kiện Trung Quốc xung quanh những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông ra Tòa trọng tài quốc tế, một bước đi táo bạo được cho là làm thay đổi cuộc chơi trong câu chuyện dài kỳ về tranh chấp lãnh thổ lâu nay ở Biển Đông. Quyết định này của Philippines được thực hiện sau một loạt động thái hung hăng và khiêu khích của Trung Quốc, trong đó có căng thẳng giữa hai bên hồi tháng 4/2012 ở bãi cạn Scarborough với độ "nóng" leo thang lên mức cao nhất kể từ sự cố Đá Vành Khăn năm 1994.

Tháng 10/2015, Tòa Trọng tài thường trực đã ra phán quyết về quyền tài phán và sự thừa nhận, phần lớn ủng hộ Philippines. Phán quyết này hoàn toàn phù hợp với Phụ lục VII trong Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển và sự vắng mặt của Trung Quốc không làm mất đi tính thẩm quyền của Tòa án. Tòa cũng ra phán quyết rằng vụ kiện của Philippines không lạm dụng các quá trình và việc không có bên thứ ba cũng không khiến Tòa bị mất thẩm quyền. Tòa cho rằng có thẩm quyền xem xét 7 trong số 14 đệ trình của Philippines. Tòa kết luận điều trần vào tháng 11/2015 và ra phán quyết về vụ kiện và các vấn đề thẩm quyền còn lại trong năm 2016.

Do các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải chỉ là một phần nhỏ trong chính sách đối ngoại và không mấy nổi bật trong các cuộc tranh luận quốc gia nên không có gì ngạc nhiên khi vấn đề này hiện hầu như không phải là trung tâm cho những tham vọng trở thành tổng thống. Tuy nhiên, tính nhạy cảm và phức tạp của vấn đề Biển Đông, ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, đòi hỏi tổng thống sắp tới của Philippines phải có cách tiếp cận hết sức khéo léo và thận trọng. Vậy liệu chính sách của Philippines đối với vấn đề này có thay đổi trong nhiệm kỳ tổng thống mới?

Chiến lược của Chính quyền Aquino hiện tại có thể sẽ được duy trì dưới thời của ứng cử viên Mar Roxas hoặc Grace Poe nhằm theo đuổi một hành động pháp lý mà cho đến nay là mang tính chiến lược, hiệu quả và quyết định. Sẽ không ngạc nhiên nếu Roxas, người mang các tiêu chuẩn của chính quyền hiện thời, lựa chọn tiếp tục lập trường mạnh mẽ của ông Aquino chống Trung Quốc khi đề cập đến những tranh chấp, tận dụng quy trình và các cơ sở pháp lý quốc tế có sẵn hiện nay. Ông nhận thức được những lựa chọn hạn chế đối với Philippines trước sức mạnh ưu việt về quân sự của Trung Quốc, vốn khiến cho những lựa chọn ngoại giao và pháp lý trở nên hợp lý và khả thi để có thể hạn chế sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Ứng cử viên độc lập Grace Poe cũng ủng hộ vụ kiện chống Trung Quốc, nhưng muốn có cách tiếp cận ngoại giao đa phương hơn bao gồm cả các nước khác trong khu vực, đồng thời khuyến khích và tôn trọng các mặt khác trong mối quan hệ Philippines- Trung Quốc, đặc biệt về thương mại.

Nhìn chung, đường hướng chính sách chung của Poe sẽ vẫn tiếp tục chính sách hiện hành; vừa thúc đẩy vụ kiện, vừa nâng cao năng lực quốc phòng của đất nước bằng cách củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Philippines để những lực lượng này có khả năng bảo vệ được những lợi ích quốc gia. Jejomar Binay, Phó Tổng thống đương nhiệm và là ứng cử viên đối lập, đã lên tiếng chỉ trích vụ kiện chống Trung Quốc của chính quyền Aquino. Do vậy, chính sách đối ngoại với Trung Quốc ở Biển Đông dưới chính quyền ông Binay có thể là một sự chuyển hướng mạnh mẽ. Ông Binay chủ trương liên doanh với Trung Quốc để tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, và lựa chọn đối thoại song phương với Bắc Kinh, ưu tiên sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng của nước này như một đối tác thương mại. Điều này đồng quan điểm với ứng cử viên Rodrigo Duterte, Thị trưởng thành phố Davao ở đảo phía Nam Mindanao, người luôn muốn đàm phán song phương với Trung Quốc trên cơ sở ít chính thức và không đối đầu.

Ứng cử viên cuối cùng, Thượng nghị sỹ Miriam Defensor-Santiago, người được công nhận có chuyên môn pháp lý cao, có quan điểm mạnh mẽ phản đối Trung Quốc thâm nhập các vùng biển của Philippines và gần đây là các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà cũng là người hỗ trợ vụ kiện chống Trung Quốc ở The Hague. Tuy nhiên, quan điểm đối ngoại của bà Santiago trong nhiều vấn đề khác lại thường phản ánh cách hành xử gây nhiều tranh cãi và đôi khi không thể đoán trước, do đó mà thường bất đồng mạnh mẽ với Chính quyền của Tổng thống Aquino. Thời gian để Tòa Trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ kiện tranh chấp lãnh hải của Philippines chống Trung Quốc, dự kiến vào giữa năm 2016, là không thể thuận lợi hơn. Nhiều người dự đoán phán quyết sẽ ủng hộ Philippines. Nếu điều này xảy ra, khu vực này cần phải sẵn sàng cho sự căng thẳng lớn hơn và khả năng xảy ra xung đột khi Trung Quốc “lên gân” quân sự và kinh tế, và phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Philippines, cần hiệu chuẩn lại chiến lược của mình. Tất nhiên, phản ứng của Trung Quốc và cách hành xử tiếp sau đó đối với phán quyết sẽ là một thời điểm định trước đối với Bắc Kinh, một quốc gia ở đỉnh của vị thế siêu cường.

Theo Hiến pháp Philippines, Tổng thống có vai trò như kiến trúc sư trưởng của chính sách đối ngoại và điều này là rất quan trọng. Tổng thống mới của Philippines sẽ phải gánh trách nhiệm to lớn để đảm bảo đất nước có thể vượt qua các vấn đề tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải đầy phức tạp ở phía trước. Vụ kiện chống Trung Quốc đã nâng vị thế, không chỉ đối với Philippines mà còn cả những nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, cũng như những nước khác trong khu vực và xa hơn nữa. Phần còn lại của thế giới đang theo dõi hết sức chặt chẽ sự thay đổi lãnh đạo ở Manila vì dù cử tri Philippines có nhận thức được điều này hay không, việc tiếp tục hay thay đổi chính sách đối ngoại và ngoại giao liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đều phụ thuộc vào chủ nhân mới của Điện Malacanang vào tháng 5/2016.

Tác giả Lowell Bautista là Giảng viên và Thành viên của Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Tài Nguyên Quốc gia, Đại học Wollongong. Bài viết đăng trên tạp chí “The Interpreter” (ngày 25/2).

Anh Thư (gt)