Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã thể hiện thái độ cứng rắn đối với Đài Loan, với sự gay gắt ngày càng tăng khi cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan đang tới gần. Đặc biệt, Tập Cận Bình thể hiện thái độ sốt ruột đối với việc quan hệ Trung - Đài trong nhiều năm vẫn ở trạng thái giữ “nguyên trạng”. Trong các cuộc gặp với đặc phái viên của người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu bên lề APEC 2013, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “cần đạt được giải pháp cuối cùng giải quyết sự bất đồng về chính trị giữa hai bên”, “không thể để vấn đề này cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”; khẳng định Trung Quốc “muốn đàm phán bình đẳng với Đài Loan về các vấn đề hai bờ trong khuôn khổ một Trung Quốc”.

Nhìn lại tình hình bầu cử Đài Loan gần đây, có thể thấy một số nét đáng chú ý sau: 

Tháng 11/2014, Quốc Dân Đảng chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử địa phương trên toàn Đài Loan. Thắng lợi của Đảng Dân Tiến trong bầu cử địa phương này là điều Trung Quốc hoàn toàn không mong muốn. Trung Quốc đặc biệt lo ngại chủ trương của Đảng Dân Tiến không muốn từ chối độc lập và không chấp nhận “nhận thức chung 1992”. Trong khi đó, cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan còn 6 tháng nữa mới diễn ra, tuy nhiên có vẻ như Đảng Dân chủ Tiến bộ của Thái Anh Văn đang nắm phần thắng. Trong cuộc khảo sát mới đây của đài TVB vào tháng 7, bà Thái Anh Văn dẫn trước ứng cử viên của Quốc Dân Đảng là Hồng Tiểu Trụ từ 30-42% số phiếu. Trung Quốc đại lục đang hết sức lo ngại do nếu thắng cử, Thái Anh Văn sẽ phủ nhận việc Trung - Đài đều thuộc “một Trung Quốc”. Nhiều khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng gay gắt nếu Thái Anh Văn đắc cử người đứng đầu Đài Loan vào ngày 16/1/2016, bao gồm trừng phạt kinh tế, ngừng giao thiệp và các cơ chế hợp tác, thậm chí sử dụng bạo lực.

Trong bối cảnh đó, Tập Cận Bình đã ngày càng cứng rắn hơn trong lập trường đối với vấn đề Đài Loan: Trước các diễn biến này, tháng 3/2015, trong cuộc họp với thành viên Ủy ban Chính Hiệp toàn quốc khóa 12, Tập Cận Bình nhấn mạnh “các lực lượng ly khai đòi Đài Loan độc lập” đang “đe dọa tới an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Tháng 5/2015, trong cuộc gặp với chủ tịch mới của Quốc Dân Đảng Eric Chu, Tập Cận Bình một lần nữa đưa ra thông điệp cứng rắn, đề nghị lấy việc phản đối Đài Loan độc lập, kiên trì với nhận thức chung 1992 để làm nền tảng chính trị cho quan hệ Trung - Đài. Tập Cận Bình cũng ám chỉ lập trường của bà Thái Anh Văn, kiên quyết phản đối lập trường “một quốc gia của mỗi bên” (mô hình mà cựu lãnh đạo Đài Loan Trần Thủy Biển từng sử dụng) và “một Trung Quốc, một Đài Loan”, nhấn mạnh các chính sách như vậy sẽ không mang lại hòa bình và phát triển.

Không chỉ thể hiện bằng lời nói, Tập Cận Bình còn thúc đẩy việc thể chế hóa các lập trường cứng rắn về Đài Loan. Trong Luật an ninh quốc gia được thông qua ngày 1/7, có điều khoản với nội dung “chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nghĩa vụ chung của toàn người dân Trung Quốc, bao gồm các đồng bào từ Hồng Công, Ma Cao và Đài Loan”. Về quân sự, quân đội Trung Quốc đã diễn tập một số hoạt động nhằm cảnh cáo Đài Loan. Trong khi bà Thái Anh Văn đi thăm Trung Quốc, Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự trong khu vực biển giữa Đài Loan và Philippines, với nội dung nắm chắc kịch bản quân đổ bộ vào khu vực Đài Loan, diễn tập bắn tên lửa tầm xa định vị chính xác và không chiến.

Có thể thấy, trong ván bài đối với Đài Loan này, Tập Cận Bình có một số tính toán sau: 

Thứ nhất, có khả năng đối tượng thực sự mà Tập Cận Bình nhắm tới không chỉ là các lực lượng có xu hướng ly khai tại Đài Loan, mà chính là các lực lượng đối đầu với Chủ tịch Tập Cận Bình ở trong nước. Ông Tập Cận Bình cần thể hiện sẽ không mềm lòng với Đài Loan để giữ vững vị thế trong nước nhằm tiến hành các kế hoạch lớn hơn nhằm hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa. Vấn đề lãnh thổ là vấn đề không thể nhân nhượng đối với lãnh đạo của Trung Quốc, đặc biệt dưới thời Tập Cận Bình. Hơn nữa, hiện Tập Cận Bình đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, đưa thân tín vào các vị trí trong Bộ Chính trị khi Đại hội 19 diễn ra vào năm 2017. Do đó, nếu ông Tập thể hiện thái độ mềm mỏng hơn đối với vấn đề Đài Loan có thể sẽ tạo cớ để các đối thủ tận dụng công kích.

Thứ hai, quá trình hoạch định chính sách với kết quả là thái độ cứng rắn đối với Đài Loan của ông Tập có khả năng không dựa trên đầy đủ thông tin từ nhiều chiều. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng khi đưa ra chủ trương đối với Đài Loan, ông Tập đã không tham khảo tư vấn từ các chuyên gia trong Văn phòng các vấn đề Đài Loan mà chỉ dựa vào tư vấn của một số thân tín. Trong khi đó, mặc dù đã có thời gian tiếp xúc với giới doanh nghiệp Đài Loan khi Tập Cận Bình làm Bí thư Chiết Giang và Phúc Kiến, những kinh nghiệm của Tập đối với Đài Loan cũng còn tương đối hạn chế.

Thứ ba, có thể ông Tập cho rằng đây là lúc cần gia tăng áp lực mạnh mẽ hơn lên Đài Loan nhằm đưa ra “giới hạn đỏ” trong quan hệ Trung - Đài, và chuẩn bị cho khả năng sử dụng các biện pháp thống nhất quốc gia nếu người đứng đầu mới của Đài Loan vượt qua giới hạn cho phép của Trung Quốc. Do đó, các chuyên gia cho rằng nếu bà Thái Anh Văn thắng cử, nhiều khả năng quan hệ Trung - Đài sẽ xảy ra khủng hoảng.

Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, Thái Anh Văn định nghĩa “nguyên trạng” là “tất cả các kết quả đạt được trong hơn 20 năm đàm phán của giao lưu” giữa hai bờ. Mặc dù Thái Anh Văn không trực tiếp công nhận “nhận thức chung 1992” nhưng cũng không phản đối. Thái Anh Văn cũng thể hiện sẽ không tiến hành các chính sách khiêu khích đối với Trung Quốc như cựu người đứng đầu Trần Thủy Biển. Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc nhìn chung vẫn cho rằng, Trần Thủy Biển là kẻ cơ hội, còn Thái Anh Văn mới thực sự có “ý thức hệ” ủng hộ Đài Loan độc lập. Do đó, đối với Trung Quốc, việc Thái Anh Văn làm người đứng đầu sẽ nguy hiểm hơn nhiều Trần Thủy Biển trước đây.

Bonnie S. Glaser là cố vấn cao cấp về Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS). Jacqueline Vitello là nhà nghiên cứu và điều phối chương trình Freeman Chair, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, CSIS. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Văn Cường (gt)