Trong cuộc thảo luận về thứ được cho là xu hướng chuyển dịch về phía Đông trong chính sách đối ngoại của Đức, Hans Kundnani (tác giả bài viết “Bỏ phương Tây lại đằng sau”, số tháng 1-2/2015) cho rằng Đức đã phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga về cuộc chiến tranh không công khai của nước này với Ukraine – một dấu hiệu, theo quan điểm của ông, cho thấy Đức có thể một lần nữa rời bỏ phương Tây để gần gũi hơn với Nga. Cách lý giải này chẳng khác gì một truyền thuyết thời hiện đại. Thực vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chống lại các lệnh trừng phạt thẳng thừng và đã tận dụng mọi cơ hội để đàm phán với Moskva trong những nỗ lực của bà nhằm xuống thang cuộc chiến tại Ukraine. Nhưng cách tiếp cận của bà lại đang hỗ trợ cho các lệnh trừng phạt chứ không phải phản đối chúng – và điều này chắc chắn không làm vừa lòng Moskva.

Ngay từ đầu, bà Merkel đã đóng một vai trò đầy ấn tượng trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine. Thực tế, các hành động của bà đã cho phép Đức đảm nhận vai trò lãnh đạo địa chính trị của châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 1945. Bỏ lại phong cách lãnh đạo theo thông lệ, bà Merkel ngay lập tức tuyên bố việc Nga dùng vũ lực để tiếp quản Crimea là không thể chấp nhận được trong “trật tự hòa bình” phải rất khó khăn mới giành được của châu Âu trong vòng 70 năm qua. Giống như Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà đã từ chối một cách hợp lý việc đưa quân đội phương Tây vào thực địa trên chiến trường nơi Nga đang có được địa vị thống trị quân sự vượt trội. Bà cũng nhất trí với ông Obama rằng để chống lại sự hung hăng của Nga, phương Tây phải đánh cược vào việc đưa sức mạnh tài chính dài hạn của mình đấu lại với sức mạnh quân sự ngắn hạn của Nga.

Nhắc đến việc thực thi chiến lược này, bà Merkel đã phụ trách ngoại giao phương Tây – một nhiệm vụ mà ông Obama, đang hoàn toàn bận rộn với các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới, về cơ bản giao lại cho Berlin. Merkel là nhà lãnh đạo duy nhất của phương Tây vẫn có tiếng nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một phần vì bà nói được tiếng Nga (bà được học trong những ngày tới trường ở Đông Đức), và một phần vì Đức vẫn là bằng hữu phương Tây tốt nhất của Nga kể từ khi Moskva rút lực lượng của mình một cách hòa bình khỏi miền Tây nước Đức 1/4 thế kỷ trước. Khi việc Nga tiếp quản Crimea được tiến hành vào cuối tháng 3 và tháng 4/2014, Merkel vẫn giữ liên lạc thường xuyên qua điện thoại với Putin, khuyên ông rút khỏi Ukraine trong khi phương Tây vẫn có thể giúp ông giữ thể diện. Lời cảnh báo của bà ngay từ đầu đã rất cứng rắn: Nga sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt tài chính nặng nề nếu Putin từ chối tuân theo. Đúng vậy, các lệnh trừng phạt sẽ làm tổn thương nền kinh tế châu Âu, nhưng chúng sẽ làm tổn hại nền kinh tế Nga nhiều hơn nữa – và ông không nên mong đợi các doanh nghiệp thân Nga của Đức phủ quyết các biện pháp này.

Từ rất sớm, Đức và Mỹ đã nhất trí giải quyết những khác biệt về sách lược của họ một cách thực tế, bằng cách lập ra những danh sách riêng biệt nhưng trùng nhau về các mục tiêu trừng phạt. Danh sách của Washington tìm cách trừng phạt Putin – và các quan chức Nga bị cáo buộc để ép Moskva thay đổi chế độ. Ngược lại, danh sách của Berlin đặc biệt nhằm ngăn chặn sự xâm lược trong tương lai tại Ukraine và sẽ hết hiệu lực sau một năm.

Sự tích cực bất thường của vị thủ tướng thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo này đã gặp phải sự hoài nghi tại Mỹ, châu Âu, và chắc chắn là tại Nga. Các nhà phê bình phương Tây nghĩ rằng Frank-Walter Steinmeier, Bộ trưởng Ngoại giao thuộc đảng Dân chủ Xã hội của bà, sẽ không bao giờ vượt mặt người thầy chính trị của mình và cũng là thủ tướng tiền nhiệm của bà Merkel, Gerhard Schroder, người hiện đang có biên chế trong tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga và chưa bao giờ công khai chỉ trích việc chiếm đất của ông Putin. Tuy nhiên khi nhắc đến Ukraine, Steinmeier đã thoát khỏi Schroder bằng cách liên tục lên án việc Nga giành giật Crimea một cách kiên quyết như bà Merkel đã làm.

Đáng ngạc nhiên hơn chính là thành công của bà Merkel trong việc đạt được sự chấp thuận đối với các lệnh trừng phạt kinh tế từ giới vận động hành lang doanh nghiệp Đức, đại diện cho khoảng 6000 công ty và 300.000 nhân viên phụ thuộc vào thương mại hàng năm của Đức với Nga. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt này sẽ làm xuất khẩu từ Đức sang Nga giảm khoảng 26% từ giữa năm 2013 đến giữa năm 2014, bà Merkel vẫn có thể thuyết phục các giám đốc điều hành chủ chốt rằng an ninh châu Âu phải được đặt lên trên lợi nhuận.

Được trang bị bằng chính tấm gương của Đức khi phải chịu tổn thương về kinh tế để duy trì điều cấm kỵ của châu Âu về việc thay đổi biên giới bằng vũ lực, bà Merkel sau đó đã thuyết phục 27 nước đối tác của mình tại EU hành động tương tự. Pháp đã miễn cưỡng tạm hoãn việc chuyển giao hai tàu chở trực thăng theo kế hoạch cho Nga. Anh hạ tầm quan trọng các lợi ích thương mại của các ngân hàng và các nhà môi giới London so với lợi ích chung. Ngay cả Hungary, bất chấp sự chuyển hướng được ca tụng gần đây của nước này sang Nga, đã chọn không làm người lạc lõng. Bằng cách tập hợp các nước EU vì một sự nghiệp chung, bà Merkel đã khiến liên minh này đồng lòng nhất trí áp đặt ba vòng trừng phạt lên nhóm giật dây giàu có của ông Putin.

Khu vực cử tri duy nhất mà bà Merkel không đích thân tranh thủ chính là công chúng Đức. Dù sao đi nữa, các hành động của bà – và vụ rơi chiếc máy bay số hiệu 17 của hãng hàng không Malaysia tại miền Đông Ukraine vào tháng 7 vừa qua – đã làm nổ ra một cuộc tranh luận công khai mà đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm của người Đức về Nga. Tháng 4/2014, các cuộc thăm dò cho thấy 49% đất nước muốn Đức đóng vai trò là một nhà trung gian hòa giải giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, đến tháng 12/2014, 61% nói rằng họ ủng hộ giọng điệu ngày càng sắc bén của Berlin đối với Nga.

Hành động theo kế hoạch

Thách thức cấp bách nhất đối với nền ngoại giao phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea là giữ cho ông Putin tiếp tục nói thay vì hành động. Ông đang ở đỉnh cao của sự tán dương trong nước, ngay khi Ukraine đang ở đỉnh điểm của tình trạng dễ bị tổn thương. Chính phủ Ukraine lâm thời, được quốc hội bổ nhiệm sau khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bỏ trốn sang Nga, đang suy yếu. Quân đội Ukraine từ lâu vốn bị bỏ bê đang lâm vào cảnh rối ren. Có tới 80.000 binh lính Nga tiến hành diễn tập ở biên giới phía Bắc, phía Đông và phía Nam Ukraine. Trong khi đó, những người ly khai ở miền Đông Ukraine, được các chỉ huy Nga lãnh đạo, giành giật các tòa nhà công sở và tuyên bố lòng trung thành của họ với Novorossiya, hay “nước Nga mới”, tên gọi từ thời Sa hoàng cho khu vực này.

Trong bầu không khí đe dọa này, Đức đã khởi xướng cuộc đàm phán tại Geneva vào giữa tháng 4/2014 với một mục tiêu trọng tâm: xuống thang xung đột. Về ngắn hạn, cuộc đàm phán đã thuyết phục Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Ukraine của ông, bằng cách đó thừa nhận tính hợp pháp của vị bộ trưởng Ukraine. Quan trọng hơn, về trung hạn, cuộc gặp gỡ đã mang lại cho phương Tây một hiệp ước với các điều khoản cụ thể, dù yếu ớt, về điều mà họ có thể kiềm chế Nga. Tuy nhiên, bất chấp những kết quả này, một số nhà phê bình phương Tây lập luận rằng thỏa thuận trên đã trao cho Nga một vai trò bất hợp pháp trong việc quyết định tương lai nạn nhân của nước này, và khiến EU lãng phí thời gian vào việc thắt chặt các lệnh trừng phạt. Một số nhà quan sát thậm chí còn cáo buộc Đức có hành vi nhân nhượng.

Thực tế, thỏa thuận tại Geneva không được hỗ trợ bởi bất cứ sức mạnh cứng nào để ngăn Nga chia cắt Ukraine hơn nữa. Thay vào đó, nguyên nhân chính khiến ông Putin kiềm chế hoạt động quân sự vào cuối mùa Xuân năm 2014 có lẽ là bởi ông cho rằng ông có thể đạt được các mục tiêu của mình mà không cần phải sử dụng vũ lực – bằng cách thao túng các chính trị gia mới vào nghề của Kiev và dựa vào cộng đồng doanh nghiệp của Đức để ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của EU. Tuy nhiên, thỏa thuận của Geneva thực sự đã giúp ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga trong suốt tháng 5 mang tính quyết định, cho phép Ukraine tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống hợp pháp và cho chính phủ cùng quân đội của nước này khoảng thời gian quý giá để tập hợp lại. Quân đội Ukraine, được tăng cường bởi quân tình nguyện và đã thanh trừng ít nhất một vài mật vụ của Nga ở nước này, có thể khôi phục sự phản công của mình sau một chiến dịch thảm khốc trước đó. Vào tháng 8/2014, quân đội đã đẩy nhóm ly khai trở lại hai vùng đất lọt ở giữa của họ tại khu vực Donetsk và Luhansk và đang chuẩn bị thực hiện một đòn kết liễu.

Vào thời điểm đó, ông Putin đã vạch ra một giới hạn vô hình. Ông sẽ không để những người ủy nhiệm của mình bị đánh bại. Ngay cả khi ông tiếp tục bác bỏ rằng các lực lượng chính quy của Nga đang chiến đấu ở Ukraine, ông đã cử những lính dù tinh nhuệ tới đó trong một thứ không khác nào cuộc xâm lược trực tiếp đầu tiên của Nga vào nước này. Theo Tổ chức Potomac, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận của Mỹ, trong một vài ngày ngắn ngủi cuối tháng 8, 7000 binh lính Nga đã đánh bại ít nhất 5 trong số 15 lữ đoàn của Ukraine. Kiev đã nhận được thông điệp này và đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn. Trong khoảng thời gian đó, Đức có thể đảm bảo rằng hiệp ước này bao gồm những nét chính của một thỏa thuận ngừng bắn bán vĩnh viễn – và từ đó đặt ra những thỏa thuận rõ ràng cho những gì Moskva cần phải làm để đạt được sự nới lỏng các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đến tháng 12/2014, Putin đã ngừng gạt bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây như một sự phiền toái nhỏ nhặt. Các biện pháp kinh tế chống lại Nga đã làm trầm trọng thêm tác động của giá dầu sụt giảm và đóng lại đầu tư của phương Tây. Đến tháng 1/2015, đồng ruble đã giảm một nửa giá trị so với một năm trước và sự tháo vốn đã vọt lên mức ước tính là 130 tỷ USD. Ngay cả ông Putin giờ cũng phải hiểu rằng những lời cảnh báo sớm của bà Merkel không phải trò lừa gạt, và ông phải cân nhắc lại những sức ép mà sự hiếu chiến của ông đã tạo ra. Hiện tại ông gần như đã mất Novorossiya, nơi nhiều người dân nói tiếng Nga không chấp nhận sự cai trị độc đoán của những người ủy nhiệm của ông. Trong khi đó, thay vì nhượng bộ, người Ukraine đã phát triển một bản sắc dân tộc mạnh mẽ hơn, như là kết quả của những hành động của ông. Và ở chính nước Nga, một cuộc thăm dò dư luận gần đây đã cho thấy 2/3 số người dân Nga không muốn những người con trai của họ bị gửi đi chiến đấu tại Ukraine. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng hiện đang làm suy yếu sức mạnh của Moskva ở những nơi khác trên bản đồ, khi Chechnya đe dọa bùng nổ và khi những đồng minh lâu đời của Nga là Belarus và Kazakhstan đang kín đáo tránh xa khỏi nước láng giềng hiếu chiến của mình.

Chuyện hoang đường tiếp diễn

Dù Đức đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc khủng hoảng Ukraine, tại sao nhiều chuyên gia vẫn tin rằng Đức đã phản đối các lệnh trừng phạt và thậm chí có thể rời bỏ phương Tây? Có bốn lý do.

Trước hết, nỗ lực của bà Merkel để giành được sự ủng hộ cho các biện pháp trừng phạt bên trong liên minh lớn của bà, giới vận động hành lang doanh nghiệp thân Nga của Đức, và EU diễn ra trôi chảy đến mức sự tiến triển dường như xảy đến một cách tự động. Hai là, những người ngoài cuộc có xu hướng hiểu lầm cách mà chính sách đối ngoại được định hình tại Đức, và họ thường đánh đồng các cuộc thăm dò dư luận và các chương trình nói chuyện trên truyền hình với chiến lược nhà nước. Tuy nhiên chính sách đối ngoại của Đức vẫn là một vấn đề tinh hoa được giải quyết bên trong một sự đồng thuận luôn đặc biệt ôn hòa.

Thứ ba, các nhà quan sát thường hiểu sai vai trò có một không hai của Đức trong việc lập nên chính sách chung giữa 28 nước thành viên EU. Tất nhiên Berlin thường giúp xây dựng sự đồng thuận bằng cách tự bỏ tiền túi của mình. Nhưng là một tín đồ thực sự của giấc mơ hội nhập châu Âu, nước này cũng làm vậy bằng cách lắng nghe một cách cảm thông những thành viên nhỏ nhất, cũng như lớn nhất, và xây dựng những cách để hòa trộn các lợi ích khác nhau. Vai trò có một không hai này là lý do các chuyên gia chính sách Ba Lan và Na Uy gọi Đức là “quốc gia không thể thiếu” của EU, và tại sao Ngoại trưởng Đức Markus Ederer đã mô tả đất nước của mình như là CFO – gọi tắt cho “giám đốc hòa giải” – của châu Âu.

Lý do thứ tư khiến Đức thất bại trong việc đạt được danh tiếng mà nước này xứng đáng có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi ngấm ngầm – nỗi sợ hãi vẫn tồn tại dai dẳng thậm chí suốt 70 năm sau năm 1945 và bất chấp việc các công dân Đức ngày nay phản đối mạnh mẽ những tội ác của Hitler – rằng người Đức có thể một lần nữa không cưỡng lại được những cám dỗ chống phương Tây và phản đối tự do của họ. Nhưng khó có thể thấy bằng chứng ủng hộ những lo lắng đó. Ngược lại, các lệnh trừng phạt phối hợp ăn ý của phương Tây, sự kiên quyết bảo vệ nước nhà của các lực lượng vũ trang Ukraine, và hoạt động ngoại giao kiên nhẫn của bà Merkel cho đến nay đã mang lại kết quả ít tồi tệ nhất – kết cục mà không người lạc quan nào có thể mơ đến khi ông Putin sáp nhập Crimea một năm trước./.

 

Theo “Foreign Affairs” tháng 3-4/2015

Hương Trà (gt)