Trong bài viết dưới dạng hỏi đáp, chủ tịch của Eurasia Group, ông Ian Bremmer đã phân tích về trật tự toàn cầu và vai trò đang thay đổi của Trung Quốc ở Châu Á. Theo ông Bremmer, Bắc Kinh muốn tập trung vào các mối quan hệ song phương, nhưng cần phải tăng cường hợp tác tích cực trong môi trường đa phương khi tầm ảnh hưởng của nước này tăng lên.

VAI TRÒ TOÀN CẦU CỦA TRUNG QUỐC ĐANG THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

Trật tự toàn cầu đang định hướng ngày càng nhiều đối với Trung Quốc khi ảnh hưởng của nước này tăng lên. Với việc Trung Quốc trở nên thịnh vượng và sớm giành lấy vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nước khác sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài hướng về Bắc Kinh.

Châu Á sẽ vẫn là khu vực quan trọng nhất đối với Trung Quốc (cũng như sự tăng trưởng toàn cầu) trong những năm sắp tới. Tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh về cơ bản sẽ bao trùm khắp Châu Á, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam và Đông Bắc Á. Và Trung Quốc sẽ là nhân tố kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng trong một tương lai gần Mỹ sẽ rời bỏ khu vực này. Mỹ và Nhật Bản là đồng minh và điều này ảnh hưởng đến các lựa chọn của Trung Quốc. Trung Quốc và Nhật Bản là đối thủ cạnh tranh kinh tế và giữa hai nước còn tồn tại những căng thẳng khá lớn về an ninh. Do tầm quan trọng của cả Nhật và Mỹ, Trung Quốc cần phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những nước này và đặc biệt là hành xử một cách thận trọng nhằm tránh các xung đột.

Trung Quốc cũng cần làm nhiều hơn nữa để xây dựng lòng tin của các quốc gia khác ở Châu Á. Nhiều quốc gia ở khu vực tin rằng Trung Quốc và người Trung Quốc có một ý thức hệ nhằm thúc đẩy ý tưởng về quan hệ có tính tương đồng với các nước láng giềng. Điều này buộc Trung Quốc phải tập trung vào việc phát triển các mối quan hệ song phương bền vững.

MỨC ĐỘ BỀN VỮNG TRONG MỐI QUAN HỆ CỦA TRUNG QUỐC VỚI CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG Ở CHÂU Á?

Việc Trung Quốc tập trung vào phát triển các mối quan hệ song phương được thể hiện qua mạng lưới rộng lớn của cộng đồng kinh doanh ở nước ngoài của nước này tại Châu Á. Sự thành công của các cộng đồng kinh doanh này, chủ yếu ở vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đã làm tăng tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trên toàn khu vực.

Những cộng đồng kinh doanh quan trọng của Trung Quốc giúp hình thành kênh hai chiều cho các nhà lãnh đạo nước này. Người Trung Quốc kinh doanh ở nước ngoài có thể cung cấp cái nhìn sát thực về cách thức các quốc gia khác nhìn nhận về Trung Quốc, trong khi cũng đem lại những công cụ không chính thức giúp Bắc Kinh gây ảnh hưởng tới quyết định của các chính phủ khác. Và những mối quan hệ kinh tế bền chặt này phục vụ tốt cho mục đích thúc đẩy quan hệ song phương của Trung Quốc – hơn là quan hệ đa phương.

Sự hiện diện mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài và các dự án đầu tư quan trọng của Trung Quốc ở các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Philippines đã thực sự làm dịu đi những căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Và, dĩ nhiên, có những ví dụ khác về quan hệ kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc giúp làm giảm căng thẳng với các nước láng giềng. Trung Quốc đôi khi gần như có chiến tranh với Đài Loan trong một vài thập kỷ qua, nhưng hiện tại mối quan hệ của Bắc Kinh với Đài Loan chủ yếu là về cách thức mở cửa Trung Quốc để người Đài Loan có thể đầu tư về đại lục. Và một triệu người Đài Loan sống ở đại lục Trung Quốc hiện nay, sẽ là một thị trường rộng lớn đối với người Đài Loan.

Đây là một chiến lược mà Trung Quốc cần tiếp tục thúc đẩy với các nước có tầm quan trọng kinh tế.

NHỮNG THÁCH THỨC GÌ TRUNG QUỐC PHẢI ĐỐI MẶT Ở CHÂU Á?

Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức ở Châu Á. Một vấn đề an ninh quan trọng là mối quan hệ của nước này với Nhật Bản. Không giống như quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam, Indonesia, Philippines hay thậm chí là Đài Loan, gần như không có hoạt động kinh doanh nào của Trung Quốc tại Nhật Bản. Đó là một “hộp đen” đối với người Trung Quốc. Điều này đặt ra một vấn đề cho Trung Quốc bởi nền kinh tế của Nhật Bản lớn hơn nhiều so với các nước khác và vẫn còn liên kết chặt chẽ với Mỹ.

Nhưng thách thức chính của Trung Quốc ở Châu Á là việc giảm bớt sự quyết đoán của nước này trên mặt trận an ninh. Sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc về các vấn đề an ninh đã gây lo ngại cho các quốc gia như Việt Nam. Trong khi Trung Quốc có lợi thế và là nhà đầu tư chủ yếu ở Việt Nam, lập trường mang tính đối đầu của nước này đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dường như được coi là quá hiếu chiến. Và điều này có thể triệt tiêu lợi ích đòn bẩy của Trung Quốc căn cứ vào lợi thế kinh tế của nước này.

Hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Miến Điện cũng nhấn mạnh việc Bắc Kinh cần giảm bớt sự quyết đoán. Hiện nay, là lực lượng kinh tế chủ đạo ở Myanmar, nhưng Trung Quốc không sẵn sàng đối xử công bằng hơn đối với người dân địa phương khi nói đến các dự án phát triển của nước này. Kết quả là, người dân địa phương phản đối sự hiện diện của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không giải quyết được vấn đề này thì rất nhiều doanh nhân Trung Quốc sẽ tự nhận thấy bị loại ra ngoài khi người Singapore, người Nhật và người Thái bắt đầu gia nhập thị trường Myanmar.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng cần phải quan tâm đến các vấn đề kinh tế và xã hội, bao gồm cả sự gia tăng căng thẳng sắc tộc ở Malaysia. Hiện nay đang gia tăng lời kêu gọi về một chính sách có lợi hơn cho người dân Malaysia, vì cộng đồng doanh nhân Trung Quốc được xem là đang hưởng lợi từ việc chi tiêu của người dân Malaysia. Tuy nhiên, cho dù là như vậy thì ngay cả Malaysia cũng như các nước Châu Á khác cũng không muốn đẩy Trung Quốc ra ngoài, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc có một tầm ảnh hưởng rất lớn. Trung Quốc nắm giữ ưu thế trong hầu hết các mối quan hệ kinh tế của nước này, tuy nhiên Trung Quốc cần phải tính toán cẩn thận để tránh tuột ưu thế này do đối đầu gia tăng .

Mặc dù Bắc Kinh có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ song phương, tuy nhiên khả năng để Trung Quốc tiến xa hơn thì còn bị giới hạn. Do đó, Trung Quốc cần phải linh hoạt và tham gia tích cực hơn nữa, đồng thời cần phải hành xử như một thành viên. Điều này yêu cầu Trung Quốc có mặt tham dự nhiều hơn ở các cấp độ đa phương.

LIỆU TRUNG QUỐC SẼ THAM GIA HOẠT ĐỘNG ĐA PHƯƠNG TRONG CÁC THOẢ THUẬN HỢP TÁC NHƯ TPP? 

Trật tự thế giới hiện nay đang có xu hướng hướng đến các hợp tác đa phương, điều đó có thể gây nguy hại đối với Trung Quốc nếu như nước này chỉ tập trung vào việc phát triển quan hệ song phương. Đây chắc chắn sẽ là mối nguy hiểm đối với Trung Quốc nếu họ không thể đáp ứng hệ thống kinh tế và chính trị của họ kịp thời.

Trong bối cảnh chính trị Châu Á- Thái Bình Dương hiện nay, Trung Quốc tỏ ra là sẽ không tham gia vào TPP. TPP được nhìn nhận như là một phần của chiến lược "quay trở lại Châu Á" của Washington, và với sự tham gia của Nhật Bản thì Trung Quốc dường như không mặn mà với TPP trong thời gian tới. Tuy nhiên, hợp tác đa phương có thể bắt đầu xây dựng đối tác theo hình mẫu hợp tác song phương của Trung Quốc tại Châu Á, và điều này sau cùng sẽ khiến Trung Quốc phải tham gia vào TPP.

Về lâu dài thì TPP có thể được Trung Quốc nhìn nhận giống như là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do Trung Quốc ngày càng trở nên giàu có, thực tế việc tham gia vào WTO là do Trung Quốc nhận thấy ở đây có nhiều lợi ích về thương mại và kinh tế. Tuy nhiên, vị trí thành viên Trung Quốc trong TPP còn tuỳ thuộc vào một số yếu tố như: một là, tổ chức này vẫn đang hoạt động; hai là, sự thịnh vượng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng, và chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không nổ ra; ba là, Trung Quốc sẽ từng bước thông qua những quy chuẩn trong việc thực thi những quy định của TPP.

Mặc dù ý kiến đưa ra là lý tưởng trong bối cảnh môi trường chính trị hiện nay, thì Trung Quốc cũng không sẵn sàng tham gia TPP.

ĐỘNG LỰC TRONG TƯƠNG LAI CỦA KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG SẼ LÀ GÌ? 

Trong một cuốn sách của tôi gần đây, tôi có bàn về sự nổi lên của "thế giới G-Zero", là nơi mà không một quốc gia nào hoặc nhóm quốc gia nào có khả năng đóng vai trò là người lãnh đạo toàn cầu một cách thống nhất và thành công. Động lực này sẽ diễn ra tại Châu Á.

Tại Châu Á, những quốc gia được gọi là quốc gia chủ chốt (pivot countries) bao gồm Indonesia, Úc, Kazakhstan và Singapore là những quốc gia đặc biệt sẽ thực hiện tốt trong bối cảnh này. Vì những nước này không bị quá phụ thuộc và những cường quốc và từ đó họ có thể sử dụng những mối quan hệ của mình với các cường quốc trong những vấn đề mang lại lợi ích cho họ.

Trong khi điều quan trong đối với các quốc gia này là duy trì được mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, thì họ vẫn có thể xoay quanh lựa chọn giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác. Singapore là một ví dụ điển hình. Quan hệ giữa Singapore với Trung Quốc được cho là rất vững chắc, tuy vậy, Singapore vẫn tiếp tục duy trì những mối quan hệ hữu hảo với gần như tất cả các quốc gia Châu Á khác. Thậm trí ngay cả quốc gia chủ chốt như trên, tuy nhiên, sau cùng thì những nước này cũng sẽ bị yêu cầu phải thể hiện lập trường nhất quán của họ.

Một số các nước khác sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn từ mối quan hệ gần gũi quá mức với Trung Quốc. Trong đó kể đến Mông Cổ, Lào và Campuchia. Mông Cổ là một ví dụ điển hình để nhìn nhận vấn đề trên. Mặc dù Mông Cổ là nước giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng người Trung Quốc về cơ bản mua hầu hết nguồn tài nguyên quan trọng. Điều này đã dẫn đến sự phản ứng từ người dân và giới lãnh đạo mới của Mông Cổ, để nhằm hạn chế những khoản đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên thì điều này cũng đã quá muộn, hiện nay Trung Quốc đã sở hữu hầu hết nguồn tài nguyên của Mông Cổ.

Trung Quốc sẽ cần phải thích nghi với sự thúc đẩy này tại Châu Á. Dù sao chăng nữa thì việc thay đổi đối với mọi chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng sẽ tăng dần lên. Tập Cận Bình sẽ tập chung vào việc mở rộng đảm bảo an ninh xã hội trong nước, giới lãnh đạo mới giờ đây của Trung Quốc tỏ ra là rất thận trọng, cũng như rất coi chừng rủi ro.

Tác giả Ian Bremmer là Chủ tịch của Eurasia Group. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang Carnegie Tsinghua (ngày 30/4)

Người dịch: Anh Tiến