Đông Bắc Á là khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng liên quan đến lợi ích to lớn của các cường quốc chủ yếu trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, là khu vực vẫn tồn tại các vấn đề như vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và thống nhất bán đảo, vấn đề Đài Loan, đồng thời cũng là khu vực tồn tại những tranh chấp xoay quanh vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Các liên minh như Hàn Quốc-Mỹ, Trung Quốc-Bắc Triều Tiên, Mỹ-Nhật Bản vẫn phát huy vai trò quan trọng ở khu vực Đông Bắc Á, nhưng chưa hình thành cơ chế hợp tác an ninh đa phương.Trong bối cảnh này, sự trỗi dậy của Trung Quốc và thực lực của Mỹ tương đối suy yếu sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến cho vấn đề an ninh khu vực Đông Bắc Á gay gắt thêm. Để giảm đi những nhân tố không xác định, bảo đảm chắc chắn hòa bình khu vực, việc xây dựng cơ chế hợp tác an ninh ở khu vực Đông Bắc Á có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy các nước liên quan xung quanh đều là những biến số quan trọng trong việc xây dựng cơ chế hợp tác an ninh khu vực Đông Bắc Á, nhưng vai trò chủ yếu nhất trong đó vẫn là Trung Quốc và Mỹ. Sau năm 2008, trong tình hình toàn cầu đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính, khu vực châu Á đã hình thành cục diện ổn định dựa vào nhau về kinh tế với Trung Quốc là trung tâm, và đã khắc phục được cuộc khủng hoảng kinh tế. Trung Quốc đã trở thành nhà nước G2 danh xứng với thực. Ở Trung Quốc, có một số người cho rằng nên thông qua đàm phán 6 bên để xây dựng cơ chế hợp tác an ninh của khu vực Đông Bắc Á, đồng thời cần phải hình thành cơ chế gắn kết với Diễn đàn khu vực ASEAN, kết hợp cộng đồng an ninh đa phương Đông Bắc Á với cộng đồng an ninh đa phương Đông Á, và đưa ASEAN “10+3” vào trong phạm vi xây dựng chủ nghĩa khu vực Đông Á. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á, bao gồm các nước ASEAN “10+3”, Mỹ lại chủ trương thêm Ôxtrâylia, Niu Dilân, Ấn Độ và Mỹ, ý đồ mở rộng thành chủ nghĩa khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cuối cùng xây dựng khung ngoại giao đa phương để khống chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong tình hình này, muốn phát huy vai trò chủ đạo trong quá trình xây dựng cơ chế hợp tác an ninh khu vực Đông Á, trước hết Trung Quốc cần phải được các nước xung quanh tin cậy và ủng hộ, đồng thời còn cần phải khắc phục các vấn đề khó khăn như vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và thống nhất bán đảo, tranh chấp lãnh thổ, vấn đề lịch sử. Vì vậy, những năm gần đây Trung Quốc bắt đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao công chúng, hy vọng thông qua ngoại giao công chúng để không ngừng nâng cao khả năng ngoại giao và vị thế quốc tế của bản thân, đạt được sự khẳng định của dư luận quốc tế và các nước xung quanh. 

I- Nhận thức đối với vị thế của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế và Đông Á 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, rất nhiều học giả Trung Quốc và trên thế giới bắt đầu hoài nghi vị thế bá quyền của Mỹ, tranh luận về các vấn đề như sự thay đổi của trật tự quốc tế, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ suy thoái, những thay đổi vị thế của Trung Quốc với tư cách là một trong những nước G2. Về điểm này, đa số các học giả Trung Quốc cho rằng Mỹ vẫn chủ đạo trật tự quốc tế (64%), 28% học giả cho rằng trật tự quốc tế do Trung Quốc và Mỹ cùng chủ đạo; còn 39,4% học giả Hàn Quốc cho rằng thế giới sẽ theo hướng đa cực hóa, 26% người cho rằng sẽ hình thành trật tự quốc tế do hai nước cùng chủ đạo. Có điều hứng thú là 49,9% dân chúng Trung Quốc cho rằng thế giới sẽ theo hướng đa cực hóa, 13,7% người cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng nhau chủ đạo trật tự quốc tế. Điều này cho thấy so với các học giả, dân chúng Trung Quốc nhìn nhận một cách lạc quan hơn sự tăng lên trong sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc. Còn có khoảng 50% dân chúng Hàn Quốc cho rằng thế giới sẽ theo hướng đa cực hóa hoặc trật tự quốc tế do hai nước Trung Quốc và Mỹ cùng chủ đạo. Tóm lại, cho dù là các học giả hay dân chúng Hàn Quốc đa số đều cho rằng thế giới sẽ theo hướng đa cực hóa hoặc sẽ thay đổi cơ cấu G2 do Trung Quốc và Mỹ cùng chủ đạo, điều này cũng cho thấy vì sự trỗi dậy của Trung Quốc mà họ thực sự hiểu rõ được những thay đổi của trật tự quốc tế. 

Các học giả và dân chúng Hàn Quốc đều cho rằng trong tương lai không lâu, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nước chủ đạo thế giới. 75,6% dân chúng Hàn Quốc ủng hộ quan điểm này, cao hơn dân chúng Trung Quốc (60,7%). Tuy tỷ lệ các học giả Hàn Quốc đưa ra câu trả lời ủng hộ thấp hơn so với dân chúng, chỉ chiếm 35,6%, nhưng cũng còn cao hơn các học giả Trung Quốc (8%). Điều này chứng tỏ người Hàn Quốc giữ đánh giá lạc quan hơn đối với việc nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc. Việc nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc được thể hiện rõ hơn ở khu vực châu Á. Vị thế quốc tế của Trung Quốc trong 10 năm qua đã được 82,5% dân chúng và 99% học giả Hàn Quốc đề cao, và cho rằng vị thế quốc tế của Mỹ dường như không thay đổi hoặc ngược lại quan điểm hạ thấp cũng chiếm đa số. Tuy người Hàn Quốc giữ thái độ đối với vai trò chủ đạo trật tự quốc tế hiện nay cũng như vị thế của Trung Quốc với tư cách là G2, nhưng cùng với vị thế của Mỹ hạ xuống và vị thế của Trung Quốc tăng lên, chí ít Trung Quốc cũng được đông đảo mọi người thừa nhận vị thế G2 ở khu vực châu Á, và đang trỗi dậy trở thành nước chủ đạo châu Á. Nhưng điều tra cũng cho thấy đa số người dân Hàn Quốc giữ thái độ bất an đối với việc Trung Quốc trở thành nước chủ đạo châu Á. Trên 70% người Hàn Quốc có tư tưởng tiêu cực đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Kết quả điều tra cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc chưa được các nước xung quanh ủng hộ. 

II- Nhận thức đối với vai trò của Trung Quốc trong vấn đề an ninh ở bán đảo Triều Tiên 

Bán đảo Triều Tiên là khu vực trọng tâm của việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực Đông Bắc Á, cũng là khu vực nảy sinh nhiều mâu thuẫn và tranh chấp, trong đó bao gồm vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Nằm ở trung tâm của sự mâu thuẫn, dân chúng Hàn Quốc cảm thấy vô cùng bất an đối với vấn đề an ninh bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là họ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là nhân tố quan trọng làm gay gắt thêm tình hình an ninh không ổn định của nước mình. 50,6% dân chúng và 56,7% học giả Hàn Quốc cho rằng về tổng thể, bán đảo Triều Tiên không ổn định hoặc rất không ổn định. 79,4% dân chúng và 59,3% học giả Hàn Quốc cho rằng trong vòng 1 năm tới, bán đảo Triều Tiên có khả năng lớn xảy ra khiêu khích quân sự tương tự như vụ đắm tàu Cheonan và vụ nã pháo trên đảo Yeonpyeong. Không chỉ như vậy, về việc bảo đảm an ninh bán đảo Triều Tiên, người Hàn Quốc giữ thái độ phủ định hơn đối với ảnh hưởng của Trung Quốc. 43,4% dân chúng và 44,2% học giả giữ thái độ phủ định đối với ảnh hưởng của Trung Quốc về vấn đề an ninh Hàn Quốc, trong đó 34,6% dân chúng giữ thái độ khẳng định, thấp hơn những người giữ thái độ phủ định; 53,8% học giả giữ thái độ khẳng định, cao hơn những người giữ thái độ phủ định. Điều đáng chú ý là đến năm 2004, ngày càng nhiều người Hàn Quốc giữ thái độ phủ định đối với việc đánh giá vai trò của Trung Quốc trong vấn đề an ninh Hàn Quốc. 

Vậy tại sao người Hàn Quốc lại giữ cách nhìn tiêu cực đối với ảnh hưởng của Trung Quốc trong vấn đề an ninh Hàn Quốc, thậm chí ngày càng có tư tưởng tiêu cực hơn? Từ người Hàn Quốc cho thấy một loạt nhân tố như sự phát triển của Trung Quốc, mâu thuẫn giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan, cạnh tranh bá quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, mâu thuẫn lịch sử Trung-Hàn như “công trình Đông Bắc”, sự phụ thuộc sâu sắc của kinh tế Hàn Quốc vào Trung Quốc, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự v.v... đều đã đe dọa đến lợi ích nhà nước Hàn Quốc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Hàn Quốc. Ngoài ra, việc đẩy mạnh quan hệ Trung-Triều cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người Hàn Quốc nảy sinh ý nghĩ rằng Trung Quốc đe dọa an ninh Hàn Quốc. Ngoài ra, đa số người Hàn Quốc cho rằng khi Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên xảy ra xung đột, Trung Quốc sẽ ủng hộ Bắc Triều Tiên, hơn nữa Trung Quốc sẽ phản đối sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên. Từ đó có thể thấy về vấn đề an ninh và thống nhất bán đảo, dân chúng Hàn Quốc giữ nhận thức rất tiêu cực đối với vai trò của Trung Quốc. 

III- Nhận thức đối với hợp tác khu vực Đông Bắc Á và Trung Quốc 

Thể chế liên minh và thể chế hợp tác an ninh đa phương cùng tồn tại ở khu vực Đông Bắc Á. Mỹ luôn kiên trì chính sách ưu tiên đồng minh, chủ nghĩa đa phương khu vực là phụ, nhưng bắt đầu từ năm 2011 đến nay, Mỹ bắt đầu áp dụng chính sách điều tiết giữa liên minh và chủ nghĩa đa phương khu vực. Ngày 22/7/2011, Mỹ và Nga cũng đã tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á. Mỹ có ý đồ thông qua hội nghị này để có thể xây dựng cơ chế hợp tác an ninh ngoại giao khu vực Đông Á. Trung Quốc luôn kiên trì phương hướng cơ chế hợp tác an ninh Đông Á của ASEAN “10+3”, nhất là coi đàm phán 6 bên là khung của việc phát triển khu vực Đông Á. Dễ dàng có thể nhận thấy Trung Quốc cần quán triệt ý tưởng trên trong việc xây dựng cơ chế hợp tác an ninh Đông Á, được các nước xung quanh ủng hộ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là được Hàn Quốc ủng hộ và tin cậy là điều không thể thiếu. Điều đáng chú ý là dân chúng Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến việc thông qua cộng đồng khu vực để giải quyết vấn đề an ninh khu vực, xây dựng cơ chế hòa bình và hợp tác. Trên 80% học giả và dân chúng Hàn Quốc tán thành việc xây dựng cộng đồng khu vực Đông Á. Về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, các học giả Hàn Quốc đa phần đều cho rằng cần phải thông qua đàm phán 6 bên để giải quyết. Nhưng về vấn đề hợp tác khu vực Đông Bắc Á, khi cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra, khả năng dân chúng Hàn Quốc ủng hộ Trung Quốc là không lớn. Nếu Trung Quốc cùng với các cường quốc như Nhật Bản hoặc Mỹ xảy ra xung đột, tỷ trọng người Hàn Quốc giữ thái độ trung lập hoặc ủng hộ Mỹ cao hơn nhiều so với người ủng hộ Trung Quốc. 

IV- Ý nghĩa chính sách 

Căn cứ vào những phân tích trên có thể nhận thấy đông đảo dân chúng Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc sẽ có thể trở thành nhà nước G2, thậm chí vượt qua Mỹ trở thành nước chủ đạo thế giới, đặc biệt là cho rằng Trung Quốc không những sẽ trở thành G2 ở châu Á, mà còn sẽ trở thành nước chủ đạo khu vực. Nhưng dân chúng Hàn Quốc có tư tưởng vô cùng bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, và cho rằng Trung Quốc trỗi dậy sẽ đe dọa lợi ích quốc gia của Hàn Quốc hoặc trở thành một trong những nhân tố bất ổn định bán đảo Triều Tiên. Cho nên, để giải quyết vấn đề an ninh khu vực Đông Á, dân chúng Hàn Quốc sẽ ủng hộ việc xây dựng cơ chế hợp tác an ninh khu vực, nhưng khả năng ủng hộ việc xây dựng cơ chế hợp tác an ninh do Trung Quốc chủ đạo không lớn. Vì vậy, khi được hỏi một khi Trung Quốc xảy ra xung đột với các cường quốc như Nhật Bản hoặc Mỹ, Hàn Quốc nên ủng hộ bên nào? Đa số dân chúng Hàn Quốc đều cho rằng cần phải ủng hộ Mỹ hoặc giữ thái độ trung lập, và dường như không có người nào cho rằng nên ủng hộ Trung Quốc. Trong xã hội dân chủ, các nhà quyết sách nói chung không thể xem thường dư luận, vì vậy các cuộc điều tra trên vô cùng quan trọng. Tuy trong quá trình quyết sách ngoại giao, sức ảnh hưởng của dư luận có hạn, nhưng dư luận có thể hạn chế phạm vi lựa chọn của các nhà quyết sách. Dư luận của Hàn Quốc đương nhiên cũng có thể ảnh hưởng đầy đủ đến việc soạn ra chính sách liên quan. Xét từ đó, nếu muốn chiếm vị thế chủ đạo trong việc xây dựng cơ chế hợp tác an ninh Đông Á, Trung Quốc không thể xem thường nhận thức và thái độ của dân chúng các nước xung quanh. Trên thực tế, căn cứ vào những nhận thức như vậy, những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng nhấn mạnh đến ngoại giao công chúng. Nhưng theo kết quả điều tra dư luận liên quan của Hàn Quốc, ngoại giao công chúng của Trung Quốc ở khu vực Đông Á chưa giành được những kết quả có hiệu quả. Con đường tất yếu của hòa bình và phồn vinh khu vực là Trung Quốc chỉ có thể khiến cho các nước xung quanh Đông Bắc Á tin tưởng, sức mạnh tổng hợp quốc gia nâng lên và mở rộng vai trò ở khu vực Đông Á. Như vậy, Trung Quốc mới có thể chiếm vị thế chủ đạo trong quá trình xây dựng cơ chế hợp tác an ninh khu vực, trở thành nước chủ đạo khu vực thực sự./.

Theo Tạp chí “Ngoại giao Trung Quốc” – Trung Quốc

Lê Sơn (gt)