Trung Quốc đã đi một chặng đường dài tại châu Á kể từ năm 1955. Ông Tập Cận Bình sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu của Trung Quốc đến Bandung sau 60 năm, khi nước này đã trở thành nền kinh tế lớn nhất và tiềm lực quân sự mạnh nhất khu vực và có cùng một mục tiêu quan trọng như ông Chu Ân Lai trước đây là: làm suy yếu liên minh của Mỹ tại châu Á và ngăn chặn sự xuất hiện của bất cứ liên minh khu vực nào chống Trung Quốc.

Nếu như chuyến thăm Pakistan kéo dài 2 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là để kỷ niệm mối quan hệ hữu nghị “trong mọi thời tiết” của Bắc Kinh với Ismababad, thì sự hiện diện của ông tại Bandung (Indonesia) trong tuần này nhân kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung là sự khẳng định dứt khoát về vai trò lãnh đạo châu Á của Trung Quốc. 

Tháng 4/1955, tại Bandung, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Chu Ân Lai, đã gây ấn tượng rất lớn đối với châu Á. Bandung cũng là nơi mà khẩu hiệu “Hindi-Chini Bhai-Bhai” (người Ấn Độ-người Trung Quốc là anh em) bắt đầu phai nhạt, khi ông Chu Ân Lai “va chạm” với người đồng cấp Ấn Độ Jawaharlal Nehru - vốn bị Trung Quốc xem là độc đoán. Thủ tướng Nehru cho rằng ông phát biểu là để đại diện cho toàn bộ châu Á và lên án các khối quân sự (do Mỹ dẫn đầu) mà nhiều quốc gia châu Á tham gia một cách tự nguyện. Trái lại, ông Chu Ân Lai từ chối nói về phần còn lại của châu Á và tập trung vào tìm điểm yếu của các liên minh Mỹ trong khu vực, trong đó có liên minh giữa Mỹ và Pakistan. Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Chu Ân Lai đã nói rằng đất nước Trung Quốc không đe dọa khu vực và mong muốn phát triển quan hệ tốt với các nước láng giềng châu Á. 

Pakistan được cho là đã chớp cơ hội tại Bandung để đặt nền tảng cho sự hợp tác thực dụng với Trung Quốc thông qua 2 cuộc gặp rất hiệu quả giữa thủ tướng hai nước Chu Ân Lai và Mohammad Ali Bogra. Ông Bogra đảm bảo với ông Chu Ân Lai rằng vị thế thành viên của Pakistan trong các liên minh như: Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) và Tổ chức Hiệp ước Trung tâm (CENTO) là nhằm bảo vệ lợi ích của mình trước Ấn Độ và không chống Trung Quốc. Phát biểu tại Ủy ban chính trị của Hội nghị Bandung, ông Chu Ân Lai nói rằng ông đã đạt được một sự nhận thức chung với Pakistan về các vấn đề "hòa bình và hợp tác tập thể", đồng thời cho biết ông Bogra đã đảm bảo rằng Islamabad sẽ không hỗ trợ bất kỳ hành động hung hăng nào của Mỹ chống Bắc Kinh. 

Khi quan hệ Trung Quốc-Pakistan bước vào giai đoạn tích cực cũng là lúc New Delhi và Bắc Kinh có những rạn nứt. Rắc rối nổ ra tại Tây Tạng ngay sau đó và đỉnh điểm là cuộc chiến tranh biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962. Những mâu thuẫn chính trị và lãnh thổ chưa được giải quyết giữa Ấn Độ và Trung Quốc không còn được che giấu bằng những lời hùng biện về tình đoàn kết châu Á. Đầu những năm 1960, các nhà ngoại giao Ấn Độ đã phải cố gắng tránh Hội nghị Cấp cao Á-Phi lần thứ 2 mà Trung Quốc và Pakistan tìm cách triệu tập vào năm 1964. 

Trung Quốc đã đi một chặng đường dài tại châu Á kể từ năm 1955. Ông Tập Cận Bình sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu của Trung Quốc đến Bandung sau 60 năm, khi nước này đã trở thành nền kinh tế lớn nhất và tiềm lực quân sự mạnh nhất khu vực và có cùng một mục tiêu quan trọng như ông Chu Ân Lai trước đây là: làm suy yếu liên minh của Mỹ tại châu Á và ngăn chặn sự xuất hiện của bất cứ liên minh khu vực nào chống Trung Quốc. 

Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ đầu tư hàng tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực theo sáng kiến “Con đường tơ lụa”. Ông Tập Cận Bình đã khởi xưởng việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, đồng thời kêu gọi tiến tới một hiệp định tự do thương mại toàn diện tại châu Á-Thái Bình Dương. Khẩu hiệu chính trị của ông Tập Cận Bình là "Châu Á cho người châu Á". Ông không cố gắng che giấu hàm ý rằng các cường quốc bên ngoài như Mỹ không có phận sự trong khu vực. Tại Bandung, ông Tập Cận Bình có thể khiến cho các quốc gia châu Á phải phát triển một "Cộng đồng về vận mệnh chung" dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng giống như tại Bandung cách đây 60 năm, tại Hội nghị Cấp cao Á-Phi lần này cũng có rất ít sự đồng thuận trong khu vực châu Á về cách thức xây dựng một trật tự khu vực mới. Chủ nghĩa dân tộc và tranh chấp lãnh thổ dai dẳng đang biến châu Á thành một mồi lửa địa-chính trị. Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đã giúp họ trở thành một đối tác kinh tế có sức hấp dẫn, cũng như thế lực bá quyền chính trị. Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đã và đang phải tìm kiếm các mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ và Nhật Bản.

Tiến sĩ Raja Mohan, chuyên viên đặc biệt tại Viện nghiên cứu nhà Quan sát (ORF). Bài viết đăng trên The Indian Express.

Trần Quang (gt)