Trong thời gian gần đây, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tự biến mình thành một tác nhân không thể thiếu trong việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại của nước này. Không ít viên tướng đưa ra luận thuyết, chủ trương, định hướng cho sự tiếp tục phát triển của quân đội sau khi được hiện đại hóa, nhưng có phần lấn át ảnh hưởng của giới lãnh đạo chính trị. Thực hư vấn đề này là như thế nào? Vai trò của quân đội Trung Quốc sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ ra sao? Liệu giới lãnh đạo chính trị có bị giới lãnh đạo quân đội lấn lướt trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ vì sự hiện diện về quân sự của nước này trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, và các nước láng giềng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay không?

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc quả thực từng là tác nhân quan trọng nhất trong thời kỳ Mao Trạch Đông. Nhiều người trong số các tướng lĩnh nắm giữ những vị trí rất cao, kể cả ở cấp lãnh đạo Nhà nước cao nhất, từ Chu Đức (1975-1976) đến Dương Thượng Côn (1988-1993) hay Diệp Kiếm Anh (1978) và Lý Tiên Niệm (1983-1988). Trong một thời gian dài, ảnh hưởng của Mao Trạch Đông tác động cả vào việc lựa chọn giới tinh hoa chính trị. 

Mao Trạch Đông biết rõ thứ quyền lực này và rất cảnh giác. Trong cuộc kháng chiến chống Nhật năm 1938, ông nhắc đi nhắc lại rằng quyền lực "nằm ở đầu súng". Nhưng, vì trung thành với nguyên lý Cộng sản nên Mao luôn gìn giữ làm sao để sử dụng được mặt mạnh của quân đội và đưa các chính ủy vào làm nòng cốt. Các tướng Bành Đức Hoài và Lâm Bưu từng chống lại quyền lực của ông. Bành Đức Hoài sau đó đột ngột bị thanh trừng, còn Lâm Bưu bị chết trong một tai nạn máy bay không rõ ràng khi đang trên đường trốn sang Liên Xô. 

Hiện nay, tình trạng kình địch đó đã không còn sau một tiến trình dài bình thường hóa, được đánh dấu bằng tiến trình chuyên nghiệp hóa đưa giới chỉ huy kỹ thuật và chiến thuật lại gần nhau, đồng thời không để cho họ tiếp cận chính trị. Thêm vào đó là loại bỏ một phần các hoạt động kinh doanh béo bở - vốn được bù đắp bằng ngân sách tăng rất đáng kể - và tình trạng cách biệt ngày càng tăng giữa giới tinh hoa dân sự và giới tinh hoa quân sự. Cho đến bây giờ, ngoài một số trường hợp bất tuân, nhưng nhanh chóng bị bóp nghẹt trong vụ đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, mọi điều tiên đoán hay phân tích cho rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc lại có sức nặng trở lại trong cán cân thăng bằng chính trị nội bộ, đều thực sự không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, trong khi giới lãnh đạo chính trị bộc lộ một số dấu hiệu không quyết đoán, nếu không muốn nói là suy yếu, nhiều phân tích cho rằng quân đội Trung Quốc có vai trò ngày càng tăng đối với cả chính sách đối nội lẫn việc hoạch định chiến lược đối ngoại. 

Trên thực tế, từ năm 2008, Trung Quốc thể hiện lập trường cứng rắn đối với Việt Nam, Philíppin, Ấn Độ và Nhật Bản. Trong quân đội Trung Quốc xuất hiện một số gương mặt, tuy hiếm hoi nhưng cũng lên tiếng phê phán tình trạng hoại tử, ban phát bổng lộc và tham nhũng, không những trong quân đội mà cả trong hoạt động của chế độ. Dần dần, và với những lời đồn đoán về ảnh hưởng ngày càng tăng của giới quân sự, xuất hiện câu hỏi về mức độ trung thành của quân đội Trung Quốc đối với Đảng Cộng sản. Trả lời câu hỏi này, một câu hỏi đụng chạm đến chính nền tảng của chế độ Trung Quốc, là một việc phức tạp do tính chất không rõ ràng của hệ thống chính trị và độ nhạy cảm của vấn đề. Có lẽ phải làm một cuộc điều tra lâu dài ở ngay trong các đơn vị quân đội mới có thể có được lời giải đáp. 

Nhưng mùa Xuân vừa rồi, trong khi vụ Bạc Hy Lai đang ở cao trào, việc tờ "Quân giải phóng" đưa ra lời cảnh báo về mức độ nhạy cảm của thời kỳ trước khi diễn ra Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc và chỉ trích tư tưởng phương Tây chủ trương "Ba sai lầm", là "tách" Đảng khỏi quân đội, "phi chính trị hóa" Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và "dân tộc hóa" quân đội. Tuy nhiên, những tư tưởng như vậy tồn tại trong các cấp lãnh đạo cao nhất quân đội. 

Đó là bối cảnh căng thẳng diễn ra trước và sau việc Quân ủy trung ương, vào tháng 7/2012, thăng hàm cho 6 viên tướng mới, trong đó có Lưu Á Châu, một nhân vật rất không giống ai, hay nói dài dòng và với giọng điệu phê phán rất mạnh về một số vấn đề chính trị, phá vỡ thói quen kín đáo của các chỉ huy quân sự. Ngoài việc một sĩ quan cấp tướng tuy vừa được thăng lên cấp cao nhất trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, song đã bày tỏ lập trường đôi khi rõ ràng không tôn trọng truyền thống, một số thông tin được tiết lộ cũng cho thấy tâm lý thù hận nhằm trực tiếp vào Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào của một trong những chỉ huy cao cấp nhất trong Bộ Tổng tham mưu, người được biết đến với chủ trương để giới quân sự giữ khoảng cách với Đảng. 

Phân tích trên cũng nói đến con trai Lưu Thiếu Kỳ là tướng Lưu Nguyên, được thăng hàm năm 2009, người được nói đến nhiều vì cả quan điểm chính trị rất không theo truyền thống, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa chống Mỹ quá mức, muốn nhanh chóng loại trừ nạn tham nhũng, lẫn mối quan hệ gần gũi giữa ông và Tổng Bí thư tương lai. 

Quân ủy trung ương đang chờ được thay máu sau Đại hội 18, với một số ứng cử viên tiềm tàng. Năm trong số các tướng lĩnh trong Quân ủy trung ương hiện đã 68 tuổi và hơn thế. Trong số đó có bốn người đang nắm giữ các vị trí chủ chốt trong Bộ Quốc phòng: Quách Bá Hùng (70 tuổi), Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy trung ương và là người có hàm cao nhất trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, ủy viên Bộ Chính trị, sĩ quan tác chiến, cựu Tư lệnh các Quân khu Bắc Kinh và Lan Châu; Lương Quang Liệt (72 tuổi), Bộ trưởng Quốc phòng, sĩ quan tác chiến, cựu Tổng tham mưu trưởng; Trần Bính Đức (71 tuổi), Tổng tham mưu trưởng sĩ quan tác chiến, cựu Tư lệnh Quân khu Tế Nam; và Từ Tài Hậu (69 tuổi), Phó chủ tịch quân ủy Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị. 

Ngoài ra còn có các tướng Tĩnh Chí Viễn, 68 tuổi, Tư lệnh lực lượng pháo binh II; Lý Kế Nại, 70 tuổi, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị; Liêu Tích Long, 72 tuổi, Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần. 

Ngô Thắng Lợi, 67 tuổi, Tư lệnh Hải quân; Thường Vạn Toàn, 63 tuổi, Chủ nhiệm Tổng cục trang bị; và Hứa Kỳ Lượng, 62 tuổi, Tư lệnh Không quân, là những người có thể được giữ lại trong Quân ủy trung ương. Trong số này, tướng Ngô Thắng Lợi, người cao tuổi nhất trong số ba người nói trên, có thể đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Như vậy, Đại hội 18 sẽ đi đến chỗ cải tổ cấp chỉ huy quân sự cao nhất, với việc cho về hưu ít nhất 7 trong số 10 viên tướng. 

Nhưng việc thay người trong quân đội không êm ả như đối với chính giới. Việc này quả thực phải chịu sức ép từ nhiều cuộc tranh luận liên quan đến nạn tham nhũng, độc tài, quản lý không minh bạch nguồn nhân lực cũng như vấn đề cực kỳ nhạy cảm là phân lập vai trò của Đảng và quân đội. 

Tháng 7/2012, khi Đảng thăng hàm thượng tướng cho 6 người, hàm cao nhất trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, trong đó có 5 chính ủy và một sĩ quan tác chiến, ai cũng biết cơ may để những nhân vật này lọt vào Quân ủy trung ương là mong manh. Người duy nhất đáp ứng mọi tiêu chuẩn có lẽ là tướng Điền Tu Tư, 62 tuổi, từ năm 2009 là chính ủy Quân khu Thành Đô và ủy viên Trung ương Đảng từ năm 2007. 

Nhưng vì trong kế hoạch bổ nhiệm có tướng Lưu Á Châu, một trong số các sĩ quan “ba hoa” nhất về phân tích chính trị và được xếp vào loại có tư tưởng tự do không thể phủ nhận, nên cần nhận thấy rằng các chủ đề quản lý tốt nguồn lực, tranh luận về phân lập vai trò của Đảng và quân đội cũng như các cuộc tranh luận về dân chủ, không những ở trong Đảng mà cả trong quân đội, đã trở thành các vấn đề hàng đầu. 

Thái độ khó chịu của giới sĩ quan tác chiến, trong đó có một số đưa ra khái niệm một quân đội không còn lệ thuộc vào Đảng nữa mà vào Dân tộc, có thể được thể hiện trong một sự cố xảy ra trong một bữa tiệc vào tháng 8/2012 khi có mặt cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương Hồ Cẩm Đào. 

Lúc đó, tướng Chương Tấm Sinh, 64 tuổi, ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tư lệnh Quân khu Quảng Đông, nhân vật số hai trong Bộ Tổng tham mưu, phụ trách công tác huấn luyện và tác chiến, được phong hàm thượng tướng năm 2010, dường như "do hơi men" nên đã to tiếng với Tổng Bí thư, cáo buộc ông này muốn thông qua các vụ thăng quân hàm hồi tháng 7/2012 để chặn đường vào Quân ủy trung ương của mình. Trong cơn giận dữ, tướng Chương Tấm Sinh thậm chí còn xô đẩy một viên tướng khác nâng cốc đáp lễ nhân vật số một của Đảng. 

Tình tiết vụ này được thuật lại trong một bài viết đăng trên tờ "New York Times" ngày 7/8/2012 và, theo nhiều nhân chứng, Hồ Cẩm Đào dường như đã bỏ dở bữa tiệc vì "ghê tởm". Có thể không bao giờ biết được lý do thực sự khiến nhân vật số hai Bộ Tổng tham mưu nổi đóa như vậy, song có tin nói rằng mùa Xuân năm 2012, hình như ông đã bị Tổng Bí thư nhắc nhở, chính xác vì đã biện hộ cho việc phân lập vai trò của Đảng và quân đội. Tình hình căng thẳng đó cộng với căng thẳng liên quan đến các vụ tấn công trực tiếp và rất quyết liệt vào nạn tham nhũng được tướng Lưu Nguyên, con trai cựu Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, tung ra và làm rung chuyển cấp lãnh đạo quân sự cao nhất trong thời kỳ 2011-2012, hơn nữa vì tướng Lưu Nguyên có tư tưởng chống phương Tây, trái ngược với lập trường của tướng Lưu Á Châu. Rốt cuộc, người ta có thể tự hỏi trong bối cảnh tình hình chính trị trở nên vừa không rõ ràng vừa trắc trở, liệu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc có mãi mãi và vui lòng là sự bảo đảm đối với Đảng không. 

Quân đội đúng là một trong số các thành trì bảo thủ nhất của Trung Quốc, trước hết vì đó là sự bảo đảm cuối cùng đối với quyền uy của Đảng, nhưng bị một số quân nhân cho là có thể bị đe dọa bởi cải cách chính trị. Thứ hai, ngay trong Quân ủy trung ương cũng có một mạng lưới ban phát ân huệ đồi bại gắn liền với tổ hợp quân sự-công nghiệp, do đó không sẵn sàng đặt lại vấn đề đối với phần tinh túy trong quyền lực kinh tế và chính trị của mình vốn được nuôi dưỡng một phần bằng bổng lộc từ làm chủ công nghệ cao dưới sự kiểm soát của quân đội. 

Nhưng tất cả mối tương quan lực lượng đó không bao giờ không thay đổi. Cho dù những nhân vật mới có rất ít cơ may lọt vào Quân ủy trung ương, việc một số nhân vật hướng ngoại, có quyết tâm và ăn nói rườm rà như các tướng Lưu Nguyên và Lưu Á Châu, len được đến sát các cấp lãnh đạo quân sự cao nhất, rất có thể cho thấy tầng địa chấn của các tập đoàn phong kiến cũ đang chuyển động. Con người của hai viên tướng này là như thế nào? 

1.      Lưu Á Châu, một viên tướng nhà văn với tư tưởng không trọng truyền thống 

Sinh năm 1952 tại An Huy, tướng Lưu Á Châu năm nay 52 tuổi. Ông gia nhập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc năm 16 tuổi và hiện là Chính ủy trường Đại học quốc phòng. Là con rể nguyên Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm (1983-1988), Lưu Á Châu được biết đến không chỉ vì chức vụ mà ông nắm giữ tại Đại học quốc phòng sau khi đảm nhiệm trọng trách Phó Chính ủy Không quân, rồi Chính ủy Quân khu Thành Đô. 

Ở Trung Quốc, tướng Lưu Á Châu còn nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết do ông viết, trong đó có một số được dùng để biện hộ cho nền dân chủ kiểu phương Tây và, đặc biệt là vì những tuyên bố ồn ào đánh trực tiếp vào khiếm khuyết của Nhà nước pháp quyền, thói chuyên chế mập mờ, nạn tham nhũng lan rộng - kể cả trong quân đội, bổng lộc, thiên vị và dùng ảnh hưởng để trục lợi. Là người thạo tiếng Anh vì đã có thời gian theo học tại Stanford (Mỹ) và là độc giả tại Trung tâm nghiên cứu châu Á, viên tướng này có ảnh hưởng lớn nhờ tư tưởng tự do. 

Việc tướng Lưu Á Châu tuy là người có quan điểm cực kỳ phê phán nhưng chưa bao giờ bị đụng đến, nói lên rất nhiều điều về tình hình chính trị sôi động ngự trị trong các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Trên "China Leadership Monitor" số 39, John Mulvenon cho biết tờ "Cầu thị" của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2004 thậm chí còn đăng một bài viết của viên tướng này, trong đó ông giải thích rằng nạn tham nhũng cùng tồn tại với hệ thống nuôi dưỡng nó. Phân tích này là một đòn không thương tiếc và không khoan nhượng giáng vào hoạt động không rõ ràng của quân đội và Đảng, trong đó có nhiều phần tử nịnh thần và phe nhóm, nhưng tất cả hợp lực với nhau và giữ kín mọi chuyện, từ đó gây trở ngại cho sự cạnh tranh minh bạch để lựa chọn những người giỏi nhất. Để kết luận, tướng Lưu Á Châu kêu gọi mở rộng dân chủ và cho đó là phương tiện duy nhất để đạt tới sự hoàn hảo. 

Điều nhạy cảm hơn được John Mulvenon lưu ý là một số quan điểm của tướng Lưu Á Châu về mối quan hệ giữa quân đội và Đảng. Nhân vật này không ngần ngại khơi dậy vết thương Thiên An Môn. Về vấn đề này, John Mulvenon trích dẫn một bài viết của tướng Lưu Á Châu đăng năm 2009 trên tạp chí "Open Magazine" của Hồng Công, cho biết ông đồng tình với các tướng Từ Cần Tiên và Hà Yến Nhiên, những người đã từ chối nổ súng vào người biểu tình ngày 4/6/1989. Tuy nhiên, cũng trong bài viết đó, viên Chính ủy Đại học quốc phòng không quên quay về với lập trường của chính quyền, mặc dù vẫn phê phán thuyết trung dung về quân sự của Mỹ ở cửa ngõ Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo nên xích lại gần với thế giới Arập. Đó chính là điều mà tướng Lưu Á Châu đã làm trong vụ Bạc Hy Lai. Tháng 4/2012, tờ báo của Đảng đăng bài viết của ông có tựa đề "Tăng cường ý thức chính trị, tính tới tính tổng thể của tình hình và có kỷ luật", trong đó có câu: "Tinh thần không gì lay chuyển nổi của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vẫn luôn cho rằng Đảng phải chỉ huy quân đội". 

Những viên tướng mới đây được thăng hàm thượng tướng không có được lối nói trôi chảy như tướng Lưu Á Châu. Đó là các tướng Vương Kiến Bình, 59 tuổi, Tư lệnh lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP), viên sĩ quan tác chiến duy nhất được thăng hàm, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng từ năm 2007, sau một thời gian dài chỉ huy lực lượng công an vũ trang tại Tây Tạng. Bốn viên tướng khác là các tướng chuyên về chính trị. Đó là Đỗ Kim Tài, 60 tuổi, nhân vật số hai của Tổng cục chính trị; Hứa Diệu Nguyên, 60 tuổi, Chính ủy lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân; Điền Tu Tư, 62 tuổi, Tư lệnh Quân khu Thành Đô; và Đỗ Hằng Nham, 61 tuổi, Chính ủy Quân khu Tế Nam. Trong số này, chỉ có tướng Điền Tu Tư, Chính ủy Quân khu Thành Đô từ năm 2009, là ủy viên Trung ương Đảng (năm 2007). Về lý thuyết, viên tướng này là người duy nhất có đủ tư cách để được bầu vào Quân ủy trung ương. 

2.     Tướng Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiếu Kỳ, một con người cực đoan 

Năm nay 61 tuổi, tướng Lưu Nguyên được thăng hàm thượng tướng năm 2009, là ủy viên Trung ương Đảng từ năm 2007 và Chính ủy Tổng Cục hậu cần Bộ Tổng tham mưu. Ông vào Đảng năm 31 tuổi và 10 năm sau gia nhập quân đội. Trong thời gian gần đây, ông được để ý đến vì lối nói thẳng thắn, phản đối nạn tham nhũng trong cán bộ. 

Tướng Lưu Nguyên là người vừa theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, vừa chống Mỹ, có bố là Lưu Thiếu Kỳ bị Mao Trạch Đông đày ải trong Cách mạng văn hóa cùng với mẹ ông là Vương Quang Mỹ. Tuy nhiên, mỗi khi có dịp và trái ngược với mọi sự thật lịch sử, ông lại ca ngợi "tinh thần dân chủ" trong Đảng trong những năm đầu thời kỳ Maoít. 

Trào lưu chính trị mà tướng Lưu Nguyên theo đuổi được gọi là "Dân chủ mới". Theo Mulvenon, trong trào lưu này có cả tướng Liu Weiwei, nhân vật số hai Học viện Khoa học quân sự; tướng Châu Thành Hổ (Đại học quốc phòng), người năm 2005 tung ra lời đe dọa đánh đòn hạt nhân vào nước Mỹ nếu Oasinhtơn tấn công Trung Quốc; nhà lão thành Hồ Quang Chính và Kiều Lương, đồng tác giả "Cuộc chiến ngoài giới hạn" (năm 1999) cùng với Vương Tương Tuệ. 

Mười hai năm trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9, hai viên sĩ quan không quân này đưa ra luận thuyết chiến tranh phi đối xứng, từ yếu đến mạnh, trong đó tất cả mọi phương tiện đều được phép sử dụng và đều là chính đáng không những về ngoại giao, kinh tế, thương mại, mà cả các phương tiện không phù hợp với luật pháp quốc tế và quy luật chiến tranh, như khủng bố hủy diệt chống dân thường. 

Từ năm 2007, nhóm các nhà tư tưởng quân sự này bác bỏ ý kiến về một nền dân chủ kiểu phương Tây vì, theo họ, nó gây ra xung đột thông qua cạnh tranh chính trị do chính nó tạo ra. Nhân cơ hội đó, phong trào này xích lại gần với "Con đường thứ ba", được Bạc Hy Lai đề xướng ở Trùng Khánh, chủ trương một "nền dân chủ mới, theo kiểu Trung Quốc", từng được Mao Trạch Đông nâng lên thành luận thuyết trong một số bài viết trước khi giành được chính quyền. Mao không biện hộ cho cuộc đấu tranh giai cấp, mà cho tiến trình giữa "giai cấp vô sản công nhân", "nông dân", "giai cấp tiểu tư sản" và "giới tư bản Nhà nước". 

Tất cả những điều trên được đưa ra nhân danh cuộc đấu tranh chống quân chiếm đóng Nhật Bản và, đặc biệt, là thuyết "Ba nguyên tắc của Nhân dân" của Tôn Dật Tiên. Dĩ nhiên là trích dẫn Cha đẻ của cuộc Cách mạng Tân Hợi (năm 1911) có được lợi thế như là lời kêu gọi những "người yêu nước Đài Loan" thuộc Quốc dân đảng. Theo các nhà lý luận Trung Quốc, thiên hướng chính trị nguyên thủy tương tự của những người này có thể là điều kiện thuận lợi cho tiến trình tái thống nhất đất nước và, trong mọi trường hợp, là cơ sở ban đầu cho thương lượng chính trị với Đài Bắc. Các nhà lý luận của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc càng quan tâm đến vấn đề này hơn vì, đã từ rất lâu, tái thống nhất với Đài Loan là một trong những chất kích thích chủ nghĩa dân tộc quân sự, trong khi răn đe vũ trang, với mục đích ngăn ngừa mọi ý đồ ly khai, là xương sống của quá trình hiện đại hóa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Vấn đề là mở cửa theo hướng đề xuất trên nguy hiểm ở chỗ bỏ qua việc ở Đài Loan, khái niệm chính trị hiện hành là khái niệm dân chủ kiểu phương Tây chứ không phải là khái niệm "dân chủ mới" của các nhà lý luận Lưu Nguyên và bạn hữu của ông ta. 

Tướng Lưu Nguyên còn tạo cho mình dáng dấp của một kẻ trừng phạt không khoan nhượng và lạnh lùng, với quan niệm cho rằng "cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc là vấn đề sống hay chết. Tôi thích mất chức hơn là từ bỏ cuộc chiến này. Tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến, dù rủi ro và trở ngại là như thế nào". Chính với tâm trạng đó mà tháng 1/2012, tướng Lưu Nguyên là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc thủ trưởng trực tiếp của ông, tướng Cốc Tuấn Sơn, 56 tuổi, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, bị kết tội vì từ nhiều năm dính líu vào một vụ tham nhũng bất động sản lớn, với người em đứng đầu một công ty phát triển bất động sản ở Hà Nam. 

Về cơ bản, cách tiếp cận thực sự không theo truyền thống của tướng Lưu Nguyên thậm chí dẫn đến việc có thể phải xem xét lại việc tuân thủ vô điều kiện tư tưởng Đặng Tiểu Bình. Qua đó, ông gợi ý rằng lấy nhà lãnh đạo kỳ cựu này làm chuẩn mực có khả năng làm thui chột cuộc tranh luận chính trị và là nguyên nhân gây ra sự yếu kém trong phát triển tư tưởng trong các thời kỳ Giang Trạch Dân-Hồ Cẩm Đào. 

Việc tướng Lưu Nguyên kêu gọi trao đổi quan điểm và tự do ngôn luận nhiều hơn nằm trong khuôn khổ bước tiến cải cách được nhiều nhân vật chủ trương, từ Ôn Gia Bảo đến Lý Khắc Cường và Lý Nguyên Triều hay Uông Dương. Mục tiêu của họ quả thực không phải là đặt lại vấn đề đối với quyền uy của Đảng, song ít nhất cũng nhằm tăng cường mức độ minh bạch và tạo ra cạnh tranh nội bộ nhiều hơn để ít ra bảo đảm chất lượng trong việc tuyển chọn cán bộ cho các cấp lãnh đạo cao của chế độ.

Vấn đề còn lại là luận thuyết chính trị giúp tướng Lưu Nguyên xích lại gần với trào lưu tân Maoít không mấy chính thống. Mối quan hệ gần gũi đó dường như đã bẻ gẫy cánh của một số ứng cử viên vào Quân ủy trung ương như Trương Hải Dương, Chính ủy Lực lượng pháo binh II (lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược), người có gia đình gần gũi với Bạc Hy Lai và có lợi ích kinh doanh ở Trùng Khánh tận dụng được chiến dịch chống maphia đầy tội lỗi của cựu Bí thư Đảng bộ thành phố này. Tướng Trương Hựu Hiệp, Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương, ứng cử viên vào Quân ủy trung ương, cũng bị cáo buộc tham gia trào lưu của gia đình họ Bạc. 

Nhưng các viên tướng quân đội Trung Quốc này, tuy là nạn nhân gián tiếp của vụ bê bối Bạc Hy Lai, song không trong sạch về đạo đức cũng không được ngầm bảo vệ bởi Tổng Bí thư tương lai Tập Cận Bình. Ông này coi tướng Lưu Nguyên như một trong những chỗ dựa vững chắc của mình trong quân đội. Lưu Nguyên là người diệt trừ những kẻ tham nhũng, đồng thời là người gần gũi với Tập Cận Bình. Nhân vật này và tướng Lưu Nguyên thường đưa ra chuẩn mực giống nhau theo khuynh hướng Maoít cách mạng của những năm 1940, như biểu tượng của sự thanh khiết không bị tha hóa của Đảng từ thời khởi thủy, với các cuộc tranh giành nội bộ không khoan nhượng thường được làm nhẹ đi. 

Lối nói như kể chuyện sử dụng tư tưởng Mao dĩ nhiên là một nỗ lực để tìm lại chuẩn mực dân chủ phi phương Tây có thể chấp nhận được trong thời hoảng loạn tư tưởng hiện nay, khi trào lưu mỵ dân tiếp tục phê phán quyết liệt những hành động ban phát bổng lộc quá đà và nạn tham nhũng, đồng thời bác bỏ các giải pháp dân chủ kiểu phương Tây. Ngoài thiên hướng đi theo con đường chính trị thứ ba phi phương Tây, một điểm gặp nhau nữa giữa tướng Lưu Nguyên và Tập Cận Bình là việc người con trai Lưu Thiếu Kỳ, không giống như tướng Lưu Á Châu thường thích gợi lại những hành động chống quân lệnh ở Thiên An Môn, không hề nghi ngờ sự cần thiết đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phải tuân lệnh Đảng để đổi lấy một quyền tự chủ tối thiểu đối với các vấn đề quốc phòng. Mulvenon nhấn mạnh rằng sự thông đồng đó có thể dẫn đến việc ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc sẽ cho quân đội được tham gia nhiều hơn vào việc hoạch định các chiến lược đối nội cũng như đối ngoại của Đảng. Đây là những lĩnh vực trong đó nhiều chỉ huy quân sự nghĩ rằng ảnh hưởng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã bị sứt mẻ trong thời kỳ Giang Trạch Dân-Hồ Cẩm Đào. 

Vấn đề còn lại là phải xem liệu sự gần gũi giữa hai con người này có khiến Trung Quốc có thái độ căng thẳng chống phương Tây hơn không, vì từ đó sẽ dẫn đến nguy cơ cứng rắn hơn trước sự có mặt về quân sự của Mỹ ở Đài Loan và các vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc, nơi đang diễn ra tình hình rất căng thẳng do tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy. 

Ngoài hai nhân vật trên, một số viên tướng khác cũng có thể vào Quân ủy trung ương tại Đại hội 18. 

3.      Tướng Chương Tấm Sinh, nhân vật số hai Bộ Tổng tham mưu 

Năm nay 64 tuổi, tướng Chương Tấm Sinh là ủy viên Trung ương Đảng từ năm 2007, cựu Tư lệnh Quân khu Quảng Đông (2007-2009), hiện là nhân vật số hai Bộ Tổng tham mưu, phụ trách tác chiến và huấn luyện. Ông là một trong số các sĩ quan có quyền lực và ảnh hưởng nhất trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Sinh ra tại tỉnh Sơn Tây, ông gia nhập quân đội năm 20 tuổi và từng là Giám đốc phụ trách giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học quốc phòng. 

Tháng 8/2012, cùng với tất cả số ủy viên Quân ủy trung ương và các tướng Lưu Nguyên và Lưu Á Châu, tướng Chương Tấm Sinh được chọn đi dự Đại hội 18, trong số 251 đại biểu của quân đội. Tuy nhiên, Chương Tấm Sinh cũng là một sĩ quan cấp tướng gây tranh cãi vì tư tưởng không mấy chính thống của ông. Nhiều lần có tin đồn dai dẳng theo đó viên tướng này dường như bị “đưa lên thớt” vì đã đưa ra khái niệm về một "quân đội dân tộc" trái với học thuyết chính thức và giáo lý của Đảng. 

Trên thực tế, hình ảnh của viên tướng này trong thời gian qua đã suy giảm đáng kể. " China vitae", trang mạng chuyên thống kê những lần xuất hiện của các đảng viên, không nói gì đến bất kỳ hoạt động nào của tướng Chương Tấm Sinh kể từ ngày 22/11/2011 nữa. Đó là ngày ông đến Quảng Đông cùng với tướng Từ Tài Hậu, ủy viên Bộ chính trị và nhân vật số ba trong Quân ủy trung ương, để chủ trì một "hoạt động nghệ thuật". Nếu vẫn vào được Quân ủy trung ương mặc cho thái độ không thân thiện và hồ nghi chính trị mà ông phải hứng chịu trong thời gian gần đây, tướng Chương Tấm Sinh sẽ là một ứng cử viên tự nhiên vào chức Tổng tham mưu trưởng thay tướng Trần Bính Đức. 

Trên thượng tầng giới chỉ huy quân sự, những người ít tuổi nhất - các tướng Hứa Kỳ Lượng (62 tuổi), Thường Vạn Toàn (63 tuổi) và Đô đốc Ngô Thắng Lợi (67 tuổi) - có thể vẫn tiếp tục ngồi lại, trong đó hai người đầu tiên có thể được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, còn người thứ ba có thể trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Cũng có thể có thêm danh sách những người mới như các tướng Hầu Thụ Sâm, 62 tuổi (Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần), Phòng Phong Huy, 61 tuổi (Chủ nhiệm Tổng cục trang bị), Mã Hiểu Thiên, 63 tuổi (Tư lệnh Không quân, nếu Hứa Kỳ Lượng được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương), Ngụy Phong Hòa, 58 tuổi (Tư lệnh lực lượng pháo bình II) và Điền Tu Tư (Chủ nhiệm Tổng cục chính trị). Còn Bộ tư lệnh Hải quân có thể sẽ thiếu chỉ huy cao nhất nếu Đô đốc Ngô Thắng Lợi được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng hay Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương. Người ta nói nhiều đến Phó Đô đốc Tôn Kiến Quốc, 60 tuổi, nguyên Phó thuyền trưởng một tàu ngầm hạt nhân tấn công, hiện là Phó Tổng tham mưu trưởng và, từ năm 2007, là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. 

Theo Question Chine

Hương Lan (gt)