Phần lớn người ta coi đây là phiên bản Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (National Security Council - NSC), đồng thời việc này sẽ có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc. Việc thành lập ủy ban an ninh nhà nước kết thúc cuộc tranh luận hơn 10 năm về việc liệu Trung Quốc cần có một hội đồng an ninh quốc gia hay không. Thẩm quyền hoạch định chính sách an ninh quốc gia của Trung Quốc được tập trung ở cấp cao nhất trong Tiểu ban Lãnh đạo An ninh Quốc gia (National Security Leading Small Group - NSLSG), bao gồm các lãnh đạo cấp cao và những người đứng đầu các cơ quan trọng yếu do chính phủ trực tiếp chỉ đạo, nhằm mục đích giám sát và điều phối các vấn đề về an ninh quốc gia. NSLSG tương tự như NSC, cả hai đều có chức năng là diễn đàn phối hợp các cơ quan phục vụ cho các nhà lãnh đạo hàng đầu. Tuy nhiên, không giống như NSC, NSLSG là một ủy ban đặc biệt không có chương trình họp thường lệ hoặc số người tham gia cố định. Quan trọng hơn, thay vì là một bên quản lý tích cực các vấn đề an ninh quốc gia như NSC, NSLSG là một cơ chế phản ứng nhằm mục đích quản lý khủng hoảng.

Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị ra phạm vi toàn cầu, nước này phải đối mặt với các vấn đề an ninh ngày càng phức tạp cũng như những khó khăn trong việc quản lý ngày càng nhiều các chủ thể có vai trò trong chính sách đối ngoại. Cái giá phải trả cho việc không có một cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện và điều phối chính sách an ninh quốc gia đã trở nên rõ ràng, điều này dẫn đến đề xuất thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia. Đầu những năm 2000, có tin rằng chủ tịch sắp mãn nhiệm của Trung Quốc ông Giang Trạch Dân đã thực hiện nhiều nỗ lực cụ thể theo hướng này, nhưng sau đó ý tưởng đã bị hủy bỏ bởi người ta cho rằng đây là cố gắng của ông Giang nhằm duy trì ảnh hưởng sau khi nghỉ hưu vào năm 2002.

Việc Hội nghị toàn thể Lần thứ Ba quyết định thành lập ủy ban an ninh nhà nước có ý nghĩa khá quan trọng bởi một số lý do. Về phương diện chính trị, việc thành lập cơ quan này cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang tích cực tăng cường quyền kiểm soát đối với các vấn đề an ninh và đối ngoại. Về mặt thủ tục, ủy ban này có thể đóng vai trò là người kiến tạo, giám sát và điều phối các chính sách an ninh quốc gia của Trung Quốc, hợp pháp hóa và tổ chức tốt hơn quá trình ra quyết sách an ninh quốc gia và tư vấn chính sách. Về mặt tổ chức, mức độ quyền lực ​​của ủy ban này sẽ giúp kiềm chế việc các chủ thể vì lợi ích nhỏ hẹp của mình mà làm ảnh hưởng đến lợi ích rộng lớn hơn của đất nước.

Tuy nhiên trong thông cáo, chỉ có một câu đề cập về ủy ban an ninh nhà nước, do vậy rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Vai trò, cơ cấu và trách nhiệm của ủy ban này được xác định như thế nào sẽ quyết định liệu cơ quan này có thể đáp ứng được mong đợi và tránh vấp phải những điểm yếu của NSLSG hay không. Đầu tiên và quan trọng nhất, mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng ủy ban sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh từ bên ngoài, có dấu hiệu cho thấy ủy ban có thể ưu tiên các vấn đề trong nước. Tên dịch chính thức - “ủy ban an ninh nhà nước” thay vì “ủy ban an ninh quốc gia” - cho thấy sự tập trung vào các vấn đề an ninh nội bộ của nhà nước với tư cách là một thực thể chính trị, hơn là chú trọng vào vấn đề an ninh bên ngoài như một nhân tố quốc tế. Nhận định này càng được củng cố bởi thực tế rằng thông báo về việc thành lập ủy ban nằm trong đoạn văn nói về sự ổn định xã hội, hệ thống an ninh, và giải quyết các xung đột xã hội nội bộ của Trung Quốc. Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh đến chủ nghĩa khủng bố, ly khai và chủ nghĩa cực đoan như là mục tiêu của ủy ban này một lần nữa cho thấy sự tập trung vào các vấn đề trong nước.

Điều này không nhất thiết loại bỏ yếu tố an ninh bên ngoài ra khỏi phạm vi quản lý của ủy ban. Nó đặt ra câu hỏi quan trọng về bản chất và các ưu tiên của ủy ban. Các vấn đề chính trị, xã hội bên trong cùng mối đe dọa an ninh nội địa của Trung Quốc đặt ra nhiệm vụ chính cho ủy ban về an ninh trong nước, đồng thời cho thấy nỗ lực lớn của Bắc Kinh nhằm xiết chặt kiểm soát xã hội. Đây cũng có thể là nỗ lực của ông Tập nhằm tái cơ cấu và cải tổ bộ máy an ninh nội địa của Trung Quốc, đã bị chấn động mạnh từ các vụ bê bối của ông Bạc Hy Lai, của cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc ông Chu Vĩnh Khang, và vụ gián điệp bên trong Bộ An ninh Quốc gia hai năm trước.

Thứ hai, tính chất và vai trò của ủy ban đặt ra câu hỏi về tổ chức của nó. Nếu cơ quan này chuyên xử lý vấn đề về an ninh nội bộ và đối ngoại, thì trách nhiệm của nó sẽ chồng chéo với NSLSG (về an ninh đối ngoại) và với Ủy ban Luật pháp và Chính trị (về an ninh đối nội), đang chịu trách nhiệm giám sát Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia. Nếu ủy ban mới nhằm mục đích hợp nhất và thay thế cả hai cơ quan trên, điều này đòi hỏi cần một sự cải tổ đối với siêu cấu trúc của bộ máy an ninh và đối ngoại của Trung Quốc. Người đứng đầu hiện nay của hai cơ quan này, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và ông Mạnh Kiến Trụ, có thể sẽ được bổ nhiệm tương ứng vào hai vị trí lãnh đạo của bộ phận đối ngoại và đối nội của ủy ban. Nếu vậy, chức vụ chủ tịch ủy ban sẽ do ông Tập hay một phiên bản Trung Quốc của cố vấn an ninh quốc gia (như của Mỹ) nắm giữ. Nhiều người dự đoán rằng Ủy viên Bộ Chính trị ông Vương Hồ Ninh, hiện là giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Chính sách của Ủy ban Trung ương, sẽ là ứng cử viên cho vị trí này.

Chắc chắn rằng ủy ban sẽ phải giải quyết mối quan hệ dân sự - quân sự, điều trong quá khứ đã từng ngăn cản sự phối hợp các hoạt động an ninh quốc gia đối ngoại của Trung Quốc. Với sức mạnh và vị thế vốn có của quân đội Trung Quốc, đặt lực lượng này dưới sự giám sát dân sự luôn là một thách thức trong việc hoạch định chính sách an ninh quốc gia. Ví dụ, quân đội Trung Quốc báo cáo chi tiết các hoạt động của mình cho Quân ủy Trung ương, chứ không phải là NSLSG. Người đứng đầu NSLSG, Ủy viên Quốc Vụ Viện, không có thẩm quyền đối với các hoạt động của PLA. Do đó, mối quan hệ giữa ủy ban mới và PLA cũng như Quân ủy Trung ương là một vấn đề quan trọng cần theo dõi. Nếu ủy ban mới không thể kết hợp chặt chẽ hoặc quản lý hiệu quả quân đội, chắc chắn ủy ban này sẽ bị hạn chế và có nhược điểm tương tự như của NSLSG.

Cuối cùng, có nhiều ý kiến ​​khác nhau giữa các nhà phân tích Trung Quốc về việc ủy ban sẽ là một cơ quan hoạt động thường nhật hay là một nhóm quản lý khủng hoảng đặc biệt. Thực tế những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt và cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ dường như nghiêng về phương án một ủy ban hoạt động thường nhật - điều này đòi hỏi một đội ngũ cán bộ đông đảo và có trình độ cao.

Có những đồn đoán rằng ủy ban an ninh nhà nước chẳng qua chỉ là một cuộc chơi quyền lực nhằm hạ bệ một số nhân vật chính trị nào đó. Cộng đồng chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc kỳ vọng nhiều hơn thế. Ủy ban an ninh nhà nước mới có thể giúp cải tổ bộ máy chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc, giải quyết các hạn chế về thủ tục, tổ chức và năng lực đã cản trở sự hình thành chính sách và khả năng phối hợp của nước này. Là một cường quốc đang trỗi dậy với ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ một cơ quan có thể quản lý tốt chiến lược đối ngoại. Sẽ là một nỗi thất vọng lớn nếu ủy ban mới này hóa ra chỉ là một bộ máy chính quyền khác nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nội bộ xã hội Trung Quốc.

Yun Sunnhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Henry L. Stimson là một học giả tại Viện Brookings, chuyên nghiên cứu về quá trình hoạch định sách an ninh quốc gia của Trung Quốc và đã có bài viết tiêu đề “Quá trình hoạch định chính sách an ninh quốc gia của Trung Quốc: Quá trình và Những Thách thức” đăng trên trang Brookings vào đầu năm nay. Bài bình luận này được đăng lần đầu tiên trên trang Pacnet, số 81.

Người dịch: Đinh Anh

Hiệu đính: Minh Ngọc