Thực tế cho thấy Mao Trạch Đông cần được nhớ tới với tư cách là nhà chiến lược vẫn được nghiên cứu tại các trường đại học quốc phòng khắp thế giới, cũng như là một nhà lý luận và độc tài. Hiện không còn nhiều nhà chiến lược trích dẫn Mao nữa và bản thân Mao không còn nằm trong các diễn ngôn chiến lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, dấu ấn của ông vẫn có thể thấy được. Ông đã định hướng giả định về môi trường địa chiến lược của Trung Quốc và Trung Quốc cần làm thế nào để quản lý môi trường đó.

Nói ngắn gọn, lý luận Maoít tích tụ trong văn hóa chiến lược của Trung Quốc. Có thể thấy ba tiền đề Maoít trong tư duy chiến lược Trung Quốc hiện nay. Thứ nhất, Trung Quốc là bên yếu. Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Mao luôn là bên yếu kém về quân sự. Những kinh nghiệm sinh tử đã hình thành một lăng kính mà thông qua đó Mao nhận thức về những gì xung quanh Trung Quốc. Bắc Kinh giờ đây cũng có tầm nhìn tương tự trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh. Một khi chấp nhận thực tế là bên yếu hơn, Bắc Kinh sẽ có xu hướng tư duy nhiều hơn đối thủ vốn mạnh hơn song lại tự mãn. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ chứng tỏ là một đối thủ cạnh tranh lớn.

Thứ hai, Trung Quốc cần chiến đấu giống như một võ sĩ khôn ngoan. Dù yếu hơn về quân sự, Trung Quốc của Mao đã thúc đẩy các lợi thế để từ đó phát huy nội lực chống lại ngoại lực. Nói ngắn gọn, những con đường trực tiếp tới các điểm nóng, các nguồn nhân lực và tài nguyên gần kề, và chiều sâu chiến lược lớn - tất cả đều là những lợi thế ngầm của Trung Quốc. Mao khuyến khích những người theo mình chiến đấu như một võ sĩ khôn ngoan. Thay vì vội vã lao vào ngay khi hồi chuông thượng đài vang lên, một tay đấm khôn ngoan sẽ để đối thủ cơ bắp lực lưỡng ra đòn trước và tiêu phí sức mạnh. Rút vào bên trong, phân bổ các nguồn lực và đưa ra hành động chiến thuật tính toán kỹ là những điểm chính của chiến lược Maoít dành cho kẻ yếu.

PLA giờ đây giống như một võ sĩ như thế. Kế hoạch biến vùng biển ngoài khơi thành lợi thế của mình là một thí dụ. Nó sẽ khiến quân đội Mỹ dàn trải khắp Thái Bình Dương, kéo dãn lực lượng Mỹ tới đây thông qua các cuộc tấn công tên lửa, trên không và tàu ngầm, và cuối cùng, nếu cần thiết, mạo hiểm can dự mạnh mẽ ở đâu đó trên Tây Thái Bình Dương. Đây là chiến lược kinh điển được gọi là "phòng ngự chủ động," và nó ăn sâu trong tư duy của Trung Quốc về chiến tranh và ngoại giao.

Thứ ba là phòng thủ ngoài khơi. Điều này bổ sung cho những gì mà giới quan sát Mỹ-Trung gọi chiến lược "chống tiếp cận" và thuật ngữ "chống can thiệp" của Trung Quốc. Về hải quân, Bắc Kinh đang xây dựng "hạm đội pháo đài" - một hạm đội đeo bám mục tiêu của mình trong tầm bắn của hỏa lực trên đất liền. Một lực lượng hải quân nhỏ có thể giành chiến thắng bằng cách khai thác mọi yếu tố sức mạnh trên biển của mình từ biển, trên không và đất liền. Lý thuyết về hạm đội pháo đài này giúp giải thích sự phát triển của Hải quân Trung Quốc. Trong khi tàu sân bay và tàu khu trục đang được nhắc đến nhiều, thì hoạt động của Hải quân PLA chủ yếu trong phạm vi kiểm soát từ đất liền. Việc triển khai máy bay chiến thuật, tên lửa hành trình chống chiến hạm và tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và tàu tuần tra từ các căn cứ trên bờ có thể gây khó khăn cho các cường quốc bên ngoài muốn hoạt động ở các vùng biển Tây Thái Bình Dương và vùng biển Trung Quốc. 

Nếu thành công, chiến lược bảo vệ ngoài khơi của Trung Quốc sẽ giúp Hải quân Trung Quốc tránh được sự đối đầu trực diện với Hải quân Mỹ và các đối tác. Tại sao lại phải lao mình vào một cuộc chạy đua vũ trang đối xứng nếu như bạn sở hữu một tàu sân bay lớn trên chính vùng biển của mình với đầy đủ vũ khí? Tốt hơn hết là bảo tồn năng lượng và tài nguyên trong khi vẫn hoàn thành mục tiêu của mình. Phòng thủ chiến lược và tấn công chiến thuật. Đây chính là hình ảnh của chiến lược biển theo tư duy của Mao Trạch Đông. 

Tác giả James Holmes đăng trên The Diplomat

Thùy Anh (gt)