Tiến sỹ S.D. Pradhan (phải)

Sự leo thang căng thẳng gần đây tại Biển Đông đã làm nổi bật nhu cầu cần phải đánh giá khách quan các nguyên nhân của cuộc tranh chấp và các diễn biến gần đây, kể cả tích cực lẫn tiêu cực, với mục tiêu nhằm đề ra các biện pháp để làm dịu đi tình hình, mà theo nhiều chuyên gia an ninh có nhiều tiềm năng sẽ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang và để nhằm giúp các bên liên quan có thể tìm ra một biện pháp lâu dài.

Các nguyên nhân

Cuộc tranh chấp bắt nguồn từ thực tế rằng một vài nước trong khu vực có các yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau đối với các hòn đảo ở Biển Đông. Vấn đề an ninh năng lượng ở khu vực và những quan ngại của các quốc gia đã làm tình hình thêm căng thẳng. Trong khi Trung Quốc yêu sách nguyên cả một vùng biển, các bên khác như Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei yêu sách từng phần của khu vực. Trong khi đó, Indonesia mặc dù không phải là một bên yêu sách đối với quần đảo Trường Sa, đường lưỡi bò của Trung Quốc cắt ngang qua vùng nước mà Indonesia yêu sách ở phía bắc vùng Natuna đồng thời đường phân định giữa Việt Nam và Indonesia cũng chưa được thống nhất.

Biển Đông có tầm quan trọng về chiến lược. Đây là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới. Các nước ven biển cung cấp thị trường tiềm năng cho sản phẩm của các nước phát triển. Bởi vì vậy, các nước bên ngoài khu vực luôn mong muốn bảo đảm nguyên tắc tự do hàng hải đối với việc các hoạt động thương mại. Thêm vào đó, khu vực này cũng có trữ lượng dầu khí khá lớn. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) dự đoán rằng khu vực này có thể chứa trữ lượng lớn gần gấp hai lần trữ lượng dầu hiện Trung Quốc đã phát hiện và trữ lượng khí khá lớn. Vì thế, các nước ven biển đều muốn có phần trong khu vực này. Mặc dù các bên liên quan cho tới nay đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp và đã thống nhất tuân thủ bản Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC 2002), dựa trên các hành vi chuẩn mực của luật quốc tế cũng như các nỗ lực thúc đẩy việc hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC), căng thẳng gần đây đã có xu hướng gia tăng đáng kể.

Dưới đây là các sự kiện đã góp phần làm gia tăng căng thẳng đáng chú ý:

- Tháng 2/2011, vụ đụng chạm giữa 2 tàu Trung Quốc và một tàu thăm dò dầu khí Philippines, thuộc sở hữu của Công ty Forum Energy, đã xảy ra. Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ, đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Jim Webb đã lên tiếng rằng, mặc dù phía Trung Quốc phủ nhận, các tàu của Trung Quốc đúng là đã cố ý đâm vào tàu Philippines.

- Tháng 5/2011, các máy bay của Trung Quốc đã bị phát hiện đang hoạt động trên bầu trời phía trên các đảo, các đảo san hô và các đảo đá mà ngoài Trung Quốc ra thì phía Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng đang yêu sách. Những nỗ lực này từ phía Trung Quốc trong việc khẳng định yêu sách của mình đã bị các bên liên quan trong cuộc tranh chấp xem như một hành vi khiến cho căng thẳng gia tăng.

-  Vào các ngày 26/5 và 9/6/2011, các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã có hành động cắt dây cáp của các tàu thăm dò Việt Nam đang tiến hành các cuộc khảo sát địa chấn tại khu vực cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 120 hải lý. Các hành vi này rõ ràng là đã vi phạm vào Tuyên bố Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (năm 2002) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

-  Vào tuần thứ 3 của tháng 7/2011, tàu INS Airavat của Hải quân Ấn Độ đang trên hành trình thăm hữu nghị Cảng Nha Trang của Việt Nam đã bị một tàu Trung Quốc yêu cầu rời khỏi “Các Vùng nước của Trung Quốc” khi tàu này đang di chuyển lên phía trên về hướng Hải Phòng. Hành động này được xem như một nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền của họ tại khu vực biển thuộc Việt Nam.

-  Tháng 9/2011, Trung Quốc phản đối việc thăm dò dầu khí của công ty ONGC Videsh Ltd (OVL) (Ấn Độ) tại hai lô của Việt Nam. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối với phía Ấn Độ, tuyên bố rằng cách hoạt động của OVL là phi pháp, trừ phi họ nhận được sự cho phép của phía Trung Quốc để vào khai thác tại hai lô 127 và 128. Ấn Độ phản bác rằng sự phản đối của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý bởi vì các lô này thuộc về Việt Nam, sự kiện này cũng được xem như việc Trung Quốc cố gắng thách thức chủ quyền của Việt Nam tại khu vực và gửi đi một thông điệp cho tất các các nước khác rằng Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ bên nào có quyền ra quyết định đối với việc khai thác tại các khu vực này mà không có sự đồng ý của Trung Quốc.

Trong bối cảnh như trên, các nguyên nhân sâu xa hơn cho việc gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải được phân tích. Với mục tiêu này, chúng ta cũng cần thiết phải phân tích tình hình tranh chấp tại hai khu vực khác mà Trung Quốc và các láng giềng của họ có liên quan. Một trong hai khu vực này là Biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Khu vực còn lại chính là vùng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, hiện cũng đang chứng kiến sự gia tăng căng thẳng. Các sự kiện gây ra căng thẳng gần đây ở hai khu vực này sẽ được mô tả trong các phần tiếp theo.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Tiến sỹ S.D. Pradhan, Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, Ấn Độ

 

 

Bản gốc tiếng Anh: GROWING TENSION IN SOUTH CHINA SEA-CAUSES AND CURES

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực"  do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.