GS. Erik Franckx

[Bài viết này chỉ là những ghi chép phục vụ mục đích thuyết trình. Xin không trích dẫn. Tất cả các phần của bài viết sẽ được phát triển sâu hơn sau này. Rất mong nhận được ý kiến góp ý.]

I. GIỚI THIỆU

Tranh chấp Biển Đông đã chứng minh là một lò lửa cho một loạt các cuộc tranh cãi pháp lý, từ vấn đề phạm vi các vùng biển[1], cho đến các yêu sách đảo[2] và quyền tự do hàng hải.[3] Một trong các vấn đề nổi cộm yêu cầu phải nghiên cứu kỹ hơn nữa liên quan đến các đường cơ sở sẽ được vẽ xung quanh các đảo ở giữa Biển Đông.[4] Quan điểm đầu tiên mà bất kỳ ai cũng có thể nghĩ đến đó là việc áp dụng cơ chế đường cơ sở thông thường phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.[5]

 Thực ra, nghiên cứu quy định của Điều 121(2):

“Trừ những điều được quy định trong  đoạn 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của một đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.”

Kết hợp với Điều 5:

“Trừ khi có quy định trái ngược của Công ước, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận.”

đưa chúng ta đến kết luận rằng các đường cơ sở thông thường, ví dụ như ngấn nước triều thấp nhất của bờ biển và có thể là đường cơ sở thẳng nếu đáp ứng các điều kiện có thể áp dụng đối với từng đảo riêng biệt.[6]

Tuy nhiên, có hai yếu tố đáng chú ý liên quan đến Biển Đông. Trước tiên, một vài cấu trúc ở giữa biển có thể được xem như là một nhóm đảo và/hoặc “quần đảo”, một thuật ngữ pháp lý được định nghĩa theo một loạt các tiêu chuẩn về lịch sử - địa lý và kinh tế - chính trị.[7] Thứ hai, các quốc gia lục địa/đại lục[8], các quốc đảo[9], cũng như một quốc gia quần đảo[10] đã đưa ra các yêu sách đối với các vùng lãnh thổ này. Việc xem quốc gia có đủ điều kiện yêu sách xét từ khía cạnh luật biển có hệ quả rất quan trọng.

Do đó, một câu hỏi then chốt được đặt ra đó là: liệu các quốc gia có thể nối các đảo (gộp thành một khối) trong một hệ thống nối các điểm ngoài cũng của nhóm đảo này? Hệ quả thực tế rất quan trọng, bởi vì đường cơ sở dùng để tính bề rộng của các vùng biển khác nhau thuộc thẩm quyền của các quốc gia ven biển (hướng ra biển)[11] và vùng biển nào trở thành nội thuỷ hay vùng nước quần đảo (hướng vào đất liền) phụ thuộc vào quy chế được áp dụng.[12]

Cũng nên lưu ý rằng việc xác định thành phần chính xác cũng như các đặc điểm của các nhóm đảo ở Biển Đông là một nhiệm vụ dành cho các nhà địa lý hơn là cho các nhà làm luật. Với mục đích đóng góp một cách lý giải mang tính lý thuyết pháp lý cho vấn đề này, chúng tôi sẽ xem xét các quy tắc có thể áp dụng một cách khái quát. Do đó, các học giả có thể sử dụng các quan điểm đó một cách hiệu qủa khi gặp phải các vấn đề cụ thể hơn ở Biển Đông. Hơn nữa, chúng tôi sẽ tập trung phân tích tình trạng của các quốc gia ngoài các quốc gia quần đảo (các quốc gia này nên được xem xét riêng biệt), hay còn gọi là “các quốc gia hỗn hợp”.[13] Chúng tôi sẽ xem xét từ góc độ liệu hai quy chế thay thế để vẽ đường cơ sở xung quanh các đảo xa bờ có cơ sở pháp lý hợp lý theo luật quốc tế hay không: quy chế đường cơ sở quần đảo và đường cơ sở thẳng. Việc giải quyết tính có thể áp dụng của các cách tiếp cận thay thế đường cơ sở thông thường chắc chắn không phải là một điểm tranh luận trong bối cảnh Biển Đông. Minh chứng là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ban hành luật trong đó nước này áp dụng hệ thống đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa.[14]

Đọc toạn bộ bản dịch tại đây

Erik Franckx

Giáo sư Nghiên cứu, Trưởng Khoa Luật quốc tế và Châu Âu và Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Vrije Universiteit Brussel, BỉThành viên Toà trọng tài thường trực.

 Marco Benatar

Nghiên cứu viên, Tổ chức nghiên cứu – Flanders (FWO); Thành viên, Khoa Luật quốc tế và Châu Âu và Trung tâm Luật quốc tế, Vrije Universiteit Brussel, Bỉ

 

Bản gốc tiếng Anh: “Straight baselines around insular formations not constituting an Archipelagic state

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.



[1] Ví dụ A.G. Oude Elferink, ‘The Islands in the South China Sea: How Does Their Presence Limit the Extent of the High Seas and the Area and the Maritime Zones of the Mainland Coasts?’, 32 Ocean Development and International Law (2001) 169.

[2] Ví dụ M. Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands (Kluwer, 2000).

[3] Ví dụ E. Franckx, ‘American and Chinese Views on Navigational Rights of Warships’, 10 Chinese Journal of International Law (2011) 187.

[4] Chúng tôi sẽ không thảo luận về vấn đề quyền sở hữu đối với các cấu trúc đảo khác nhau. Chỉ quốc gia sở hữu các đảo mới có thể vẽ đường cơ sở mà có thể bị phản đối và công nhận theo luật quốc tế. Khi nghiên cứu các tranh luận liên quan đến đảo, một vấn đề quan trọng đó là phân biệt vấn đề chủ quyền với các vấn đề khác. Xem R.W. Smith, ‘Maritime Delimitation in the South China Sea: Potentiality and Challenges’, 41 Ocean Development & International Law (2010) 214, tr. 220.

[5] United Nations Convention on the Law of the Sea, 10/12/1982, 1833 U.N.T.S. 397 (có hiệu lực vào ngày 16/11/1994) [Công ước 1982].

[6] Xem thêm M.H. Nordquist, United Nations Convention on the Law of the Sea 1982: A Commentary (Vol. III, Martinus Nijhoff, 1995), tr. 338.

[7] M. Tseggelidou, ‘The Legal Regime of Archipelagos’, 17 Thesaurus Acroasium (1991) 663, tr. 667.

[8] Brunei, Malaysia, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Việt Nam.

[9] Liên quan đến Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), chúng tôi sẽ không bàn về địa vị của nước này trong luật quốc tế (Xem J. Crawford, The Creation of States in International Law (Oxford University Press, 2006), tr. 198-221).

[10] Philippines. Do Cộng hoà Trung Hoa tuyên bố yêu sách quần đảo, quốc gia này cũng có thể được xem xét ở đây.

[11] T. Scovazzi, ‘Baselines’, in R. Wolfrum (ed.), Max Planck Encyclopedia of Public International Law, www.mpepil.com, tại § 1.

[12] Nội thuỷ: Điều 8 Công ước 1982. Xem thêm C.J. Colombos, The International Law of the Sea (6th ed., Longmans, 1967): “trong vùng biển này, ngoại trừ các điều ước đặc biệt, nếu thực hiện nghiêm theo luật, các quốc gia khác không thể đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào cho các tàu hay vật thể của mình mặc dù vì lý do dựa vào lợi ích của thương mại và hàng hải quốc tế, quốc gia đó có thể cho rằng một tập quán quốc tế đang hình thành trong thời hiện đại rằng sự tiếp cận của các tàu nước ngoài vào các vùng biển này không nên bị từ chối ngoại trừ dựa trên một số lý do quốc gia bắt buộc.” Vùng nước quần đảo: Điều 47 Công ước 1982. Xem thêm C.J. Piernas, ‘Archipelagic Waters’, in R. Wolfrum (ed.), Max Planck Encyclopedia of Public International Law, www.mpepil.com, tại §§ 14-18 (lưu ý rằng vùng nước quần đảo có đặc điểm giống nội thuỷ đó là cả 2 vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển và cho phép quyền qua lại vô hại và quyền quá cảnh nhưng cũng phải tùy thuộc vào quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia láng giềng).

[13] Định nghĩa bởi Piernas, như trên, tại § 5 là “các quốc gia nằm trong vùng đất lục địa và trong một hoặc nhiều hơn các quần đảo.” Xem thêm P.E.J. Rodgers, Midocean Archipelagos and International Law: A Study in the Progressive Development of International Law (Vantage Press, 1981), tr. 165.

[14] Xem D.J. Dzurek, ‘The People’s Republic of China Straight Baseline Claim’, IBRU Boundary and Security Bulletin (Summer 1996) 77, tr. 84-85. PRC cũng tuyên bố rằng quốc gia này sẽ xác định đường cơ sở cho quần đảo Trường Sa vào một lúc nào đó. Xem K. Zou, Law of the Sea in East Asia: Issues and Prospects (Routledge, 2005), tr. 46.