(Tham luận giới thiệu tại Hội thảo quốc tế lần thứ Ba “Biển Đông : Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” – Hà Nội, Việt Nam, 3-5/11/2011)

 

Ngoài sự không khoan nhượng từ phía Trung Quốc, việc quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông đang bị chính những vấn đề trong nội khối ASEAN cản trở, và đặc biệt là vấn đề đồng thuận. Do Biển Đông đóng vai trò sống còn đối với sự thịnh vượng kinh tế và an ninh lương thực với Đông Nam Á, các quốc gia thành viên ASEAN cũng có lợi ích không thể chối cãi đối với vấn đề ổn định và giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình. Nhưng ASEAN không ủng hộ các yêu sách của bốn quốc gia thành viên của mình cũng như không đưa ra một lập trường nào về tính hợp lý của yêu sách do Trung Quốc đưa ra. Trong khi Việt Nam và Phi – líp- pin đang ủng hộ một Bộ Quy tắc ứng xử cho Biển Đông, thì Trung Quốc tỏ ra miễn cưỡng với việc theo đuổi một Bộ Quy tắc như vậy. Đây chính là trở ngại lớn. Đề xuất của Phi-líp-pin về việc đưa Biển Đông trở thành một khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFFC) cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi do sự phản đối từ Bắc Kinh, và cùng bởi đề xuất đó đòi hỏi ASEAN phải tỏ rõ thái độ đối với yêu sách bành trướng của Trung Quốc. Nói tóm lại, triển vọng hiện thực hóa COC và ZoPFFC là không sáng lạn mấy.

Căng thẳng leo thang xoay quanh các tranh chấp biên giới lãnh thổ và biên giới biển tại Biển Đông những năm vừa qua đã đưa vấn đề này vào trong danh sách hàng đầu của chương trình nghị sự an ninh châu Á. Vấn đề này đã hạ bệ nhiều “điểm nóng” khu vực khác như tình hình đối đầu ở bán đảo Triều Tiên, quan hệ Trung Quốc – Đài Loan và căng thẳng giữa Ấn Độ và Pa-kít-xtan, mặc dù thực tế căng thẳng tại ba khu vực trên đều có khả năng gây ra sự tổn thất lớn lao về con người, dẫn đến nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân và việc các cường quốc, trong đó có Mỹ, can thiệp vũ trang vào khu vực. Ngược lại, sự đối đầu tại biển Đông dường như không kéo theo những nguy cơ nêu trên vào thời điểm này. Vài cuộc đụng độ hải quân quy mô nhỏ, hoặc vô tình hoặc hữu ý, có khả năng xảy ra, nhưng những đụng độ đó không dẫn đến những thương vong quy mô lớn.

Tuy nhiên, do vai trò quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của Biển Đông, việc quản lý kém xung đột này có thể gây ra nguy cơ cao đối với các quốc gia yêu sách và các quốc gia không đưa ra yêu sách. Các tuyến hàng hải (SLOCS) đóng vai trò là đường giao thông huyết mạch đối với thương mại toàn cầu; và trong khi căng thẳng vẫn chưa ngăn cản việc lưu thông tự do của thương mại đường biển – và có thể sẽ không bao giờ như vậy – việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển trở thành mối quan tâm của các nước, đặc biệt trong thời kỳ bất ổn kinh tế. Việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên biển (như nguồn cá, dầu mỏ thô, khí đốt tự nhiên và khoáng sản đáy biển) vẫn là nhân tố quan trọng trong cuộc tranh chấp. Nhu cầu an ninh năng lượng càng ngày càng trở thành nhân tố nổi bật trong thời kỳ nhu cầu tài nguyên ngày càng gia tăng cùng với tình trạng tài nguyên khan hiếm. Giọng điệu mang đậm tính chất chủ nghĩa dân tộc về quyền đòi lại lãnh thổ ngày càng nặng nề và căng thẳng, đặc biệt là ở Việt Nam và Trung Quốc, khiến cho việc đạt được thỏa hiệp ngày càng trở nên khó khăn. Và điều quan trọng nhất, tranh chấp biển Đông cũng đã được xếp vào cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa CHND Trung Hoa và Mỹ. Tình hình cạnh tranh này, nếu tiếp tục, sẽ đẩy các quốc gia ven biển đến những lựa chọn khó khăn.

Một loạt các bài bình luận về tranh chấp Biển Đông đã xuất hiện từ nhiều năm nay, chủ yếu các bài viết đều tập trung viết về Trung Quốc: tiềm năng quân sự ngày càng gia tăng; những nguyên nhân khiến Trung Quốc hành xử ngày càng quyết đoán, thậm chí có những hành vi hiếu chiến; tác động của chính trị nội bộ; và tác động của tranh chấp tới quan hệ Trung Quốc – Mỹ[2]. Có rất ít các bài viết tập trung vào những vận động trong nội khối ASEAN. Mục tiêu của bài tham luận này là xem xét cách thức ASEAN – với tư cách là một khối-đương đầu với căng thẳng đang tăng lên ra sao; mức độ đồng thuận mà các nước đã và đang gầy dựng; cũng như thực tế chính trị của những hạn chế trong sự đồng thuận. Bài tham luận sẽ tập trung vào Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và tiến trình đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (CoC); cũng như phản ứng của ASEAn đối với đề xuất thành lập ZoPFFC của Phi-líp-pin.

Đồng thuận ASEAN và tranh chấp biển Đông

Tranh chấp Biển Đông đã được đẩy lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự ASEAN kể từ đầu năm 1990. Cho đến thời điểm đó, tổ chức ASEAN vẫn chỉ tập trung vào việc giải quyết vấn đề Cam-pu-chia, cuộc khủng hoảng 10 năm kể từ sự kiện Việt Nam đưa quân vào Cam-pu-chia vào năm 1978. Trong khi sáu quốc gia thành viên (Bru-nây, Ma-lai-sia, Phi-líp-pin, In-đô-nê-sia, Xinh-ga-po và Thái lan) đạt được đồng thuận đối với việc cần thiết buộc Việt Nam rút quân, giữa các nước này vẫn có sự chia rẽ rõ rệt về mục tiêu cần đạt được, và đặc biệt là trong quan điểm về vai trò của Trung Quốc[3]. Mặc dù có sự khác biệt về lập trường trong ASEAN, các quốc gia thành viên vẫn có thể tập trung vào mục tiêu cốt lõi là Việt Nam rút quân khỏi Cam-pu-chia và giải quyết một cách hòa bình vấn đề này. Đồng thuận được duy trì và tổ chức đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng Cam-pu-chia.

Việc đạt được một sự đồng thuận mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông trong ASEAN đã và đang là một thách thức với tổ chức này trong hai thập niên trở lại đây, nguyên nhân là do những khác biệt về lợi ích quốc gia của các quốc gia thành viên. Đây là vấn đề nảy sinh phức tạp từ việc mở rộng số lượng thành viên từ sáu lên mười quốc gia trong giai đoạn 1997 – 1999. Bốn thành viên – Bru-nây, Ma-lai-sia, Phi-líp-pin và Việt Nam – không chỉ có yêu sách lãnh thổ chồng lấn với CHND Trung Hoa, mà có cả yêu sách chồng lần lẫn nhau. Tuy nhiên, dường như Ma-lai-sia và Bru-nây đã giải quyết yêu sách chồng lấn của họ tại quần đảo Trường Sa. Trong thư trao đổi năm 2009, Ma-lai-sia đã công nhận vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) mà Bru-nây yêu sách và quyền chủ quyền mở rộng của nước này trong vùng đó, bao gồm quyền chủ quyền đối với đá Louisa – một thực thể nửa nổi nửa chìm[4]. In-đô-nê-sia cũng là một bên tranh chấp vì vùng ĐQKT 200 hải lý tính từ đảo Natuna chồng lấn với đường 9 đoạn của Trung Quốc – đường này chiếm gần 80% biển Đông. Xinh-ga-po không phải là một bên yêu sách, nhưng với tư cách là một quốc đảo phụ thuộc vào dòng thương mại tự do bằng đường biển đối với sự thịnh vượng và sự phát triển trong tương lai, nước này đã nhiều lần thể hiện sự quan ngại đối với nguy cơ tranh chấp gây ra bất ổn khu vực. Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Thái Lan không phải bên yêu sách và bản thân các quốc gia này không thấy bị ảnh hưởng trực tiếp từ tranh chấp này. Các nước này, tùy mức độ, cũng có quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh chặt chẽ với CHND Trung Hoa và họ không muốn làm tổn hại mối quan hệ này khi ủng hộ các sáng kiến về biển Đông mà có thể phía Trung Quốc coi là phương hại đến lợi ích của nước này. Chẳng hạn, vào tháng 7/2010, tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Hà Nội, 12 quốc gia đã bày tỏ quan ngại của họ về diễn biến mới tại Biển Đông: trong số thành viên ASEAN, chỉ có Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Thái Lan vẫn lựa chọn cách im lặng về vấn đề này.

Như Đại sứ Tommy Koh đã viết, ASEAN không thể hiện bất cứ lập trường gì về yêu sách của Bru-nây, Ma-lai-sia, Phi-líp-pin và Việt Nam tại biển Đông[5] . Dĩ nhiên, không thể có một lập trường như vậy, vì quá trình hoạch định chính sách của ASEAN dựa vào đồng thuận và vì có bốn quốc gia có yêu sách chồng lấn tại quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, như ngài Koh phân tích, “ASEAN cũng không có lập trường gì về tình hình tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia yêu sách trong ASEAN. Bởi thế, bất cứ quan điểm nào cho rằng yêu sách của Bru-nây, Ma-lai-sia, Phi-líp-pin và Việt Nam được ASEAN ủng hộ là không chính xác.” Dĩ nhiên, các thành viên ASEAN cũng có những lợi ích tập thể quan trọng tại biển Đông, dù họ là bên yêu sách hay không phải bên đưa ra yêu sách. Vì các tuyến thông thương hàng hải (SLOC) không chỉ đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế thế giới, mà còn đối với sự thịnh vượng kinh tế của tất cả thành viên ASEAN. Nguồn hải sản dồi dào của biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh lương thực của hàng trăm triệu người dân trong khu vực. Tất cả các thành viên ASEAN mong muốn củng cố quan hệ tốt đẹp với ASEAN và mong muốn thấy được mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ. Tóm lại, dù ASEAN không đưa ra lập trường về các yêu sách khác nhau, tổ chức này vẫn cam kết hướng đến sự ổn định tại biển Đông và muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình – điều này tạo cơ sở cho sự đồng thuận của ASEAN. 

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

TS. Ian Storey, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Xinh-ga-po

Bản gốc tiếng Anh: “Intra-ASEAN Dynamics and the South China Sea Dispute: Implications for the DoC/CoC Process and ZoPFFC Proposal

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba:Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.



[1] Ghi chú của người dịch: ZoPFFC là viết tắt tiếng Anh của Sáng kiến về khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác.

[2] Xem “The South China Sea Dispute” a special issue of Contemporary Southeast Asia 33, No. 3 (Tháng 12/ 2011).

[3] Xem Chương Một trong bài Ian Storey, Southeast Asia and the Rise of China: The Search for Security (Abingdon, Oxford: Routledge, 2011).

[4] Ian Storey, “Brunei and China” in Bruce Elleman, Stephen Kotkin and Clive Schofield (eds.), China and its Borders: Twenty neighbors in Asia (New York: M.E. Sharpe, forthcoming 2011)

[5] Tommy Koh, “Mapping out rival claims in the South China Sea”, Straits Times, 13/9/2011.