TS. Renato Cruz De Castro (trái) và GS. Robert Beckman

Bài viết này nghiên cứu hệ luỵ của cách tiếp cận chính trị thực tiễn (realpolitik) của Trung Quốc trong yêu sách lãnh thổ của nước này ở Biển Đông đối với an ninh khu vực. Bài viết cho thấy Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật chính trị cường quyền liên quan đến các yêu sách lãnh thổ của mình bao gồm: a) trích dẫn yêu sách lịch sử b) áp dụng cách tiếp cận song phương để làm suy yếu ASEAN; c) dựa vào kế sách chia để trị trong đối phó với từng nước thành viên ASEAN và tạo ta một sự chia rẽ giữa ASEAN và Mỹ; và d) củng cố sức mạnh hải quân giúp Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo cách của mình. Kết luận, bài viết tranh luận rằng việc Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận chính trị thực tiễn trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ khiến cho tương lai của Đông Á trở thành quá khứ của Châu Âu.

Nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, Biển Đông là một biển nửa kín bao quanh là Trung Quốc và một vài nước nhỏ và yếu hơn như Philippines, Vietnam, Malaysia, và Brunei. Từ giữa những năm 1970, các quốc gia ven biển này đã rơi vào cuộc tranh chấp kéo dài khi mỗi một quốc gia đều muốn mở rộng các yêu sách chủ quyền và quyền tài phán đối với hơn một trăm các đảo nhỏ, bãi đá ngầm và đá cũng như các vùng biển xung quanh. Quốc gia yêu sách lớn nhất là Trung Quốc đã thể hiện thiên hướng sử dụng ngoại giao cưỡng ép và ngay cả vũ lực thực sự để theo đuổi yêu sách lãnh thổ của mình. Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã đánh đuổi Nam Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sau đó năm 1988, quân đội Trung Quốc đánh đuổi quân Việt Nam ra khỏi Đá Gạc Ma, sau khi đánh chìm ba tàu cá Việt Nam gần Bãi Chữ Thập. Việc Trung Quốc ban hành luật lãnh hải yêu sách phần lớn Biển Đông vào năm 1992 và việc Manila phát hiện các công trình quân sự của Trung Quốc trên đảo Vành Khăn năm 1995 đã dấy lên cuộc chiến ngoại giao nghiêm trọng giữa Philippines và Trung Quốc vào giữa thập kỷ 90.

Tuy nhiên, tranh chấp ở Biển Đông tạm lắng xuống vào cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ 21 sau khi Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông năm 2002 (DOC).  Sau đó Trung Quốc tiến hành chiến dịch quyến rũ của mình ở Đông Nam Á bằng cách khéo léo sử dụng sức mạnh kinh tế để ràng buộc hơn nữa các quốc gia thành viên ASEAN.  Điều thú vị là một bài viết của Mỹ đã nhận xét một cách thận trọng rằng “lịch sử của ngoại giao Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông là một hình thức tuyên bố hợp tác, tiếp sau đó là các hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng tranh chấp và tiếp sau nữa sẽ là các tuyên bố hợp tác mới.” Nhận xét này đã chứng tỏ là đúng khi tranh chấp lại bùng phát năm 2009 khi Trung Quốc có lập trường kiên quyết hơn và bắt đầu thực hiện các yêu sách tài phán ở Biển Đông bằng việc mở rộng tầm hoạt động của quân đội và theo đuổi ngoại giao cưỡng ép đối với các quốc gia yêu sách khác.

Từ năm 2008, Trung Quốc đã tăng cường tuần tra hải quân (sử dụng tàu ngầm, tàu khảo sát và tàu chiến trên mặt nước) trong vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và lãnh hải của Nhật Bản, đe doạ các công ty dầu khí nước ngoài cố gắng hoạt động ở Biển Đông. Vào ngày 2/3/2011, hai tàu hải giám Trung Quốc đã đe doạ và yêu cầu một tàu khảo sát của Philippine rời khỏi bãi Cỏ Rong (còn được gọi là bãi Recto), nằm cách đảo Palawan ở Tây Philippines 80 km. Bộ Ngoại giao Philippine đã gửi công hàm ngoại giao phản đối cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào ngày 5/3, và cho biết tính đến thời điểm đó Trung Quốc đã tiến hành 5 đến 7 lần gây hấn ở Biển Đông. Việt Nam cũng phản đối các hoạt động của Trung Quốc trong vùng EEZ của mình và buộc tội các tàu tuần tra của Trung Quốc đe doạ một tàu thăm dò dầu khí đang tiến hành khảo sát địa chấn cách bờ biển Việt Nam 120km (80 hải lý).  Vào ngày 28/5 và ngày 9/6/2011, các tàu tuần tra của Trung Quốc đã cắt cáp các tàu thăm dò của Việt Nam. Cho rằng hai sự cố xảy ra trong vùng EEZ của mình, Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc. Trước các phản đối ngoại giao của hai quốc gia ASEAN này, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc đã ngạo mạn tuyên bố rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển xung quanh.” Các hành động đơn phương này của Trung Quốc được xem như là phép thử đối với quyết tâm của các quốc gia yêu sách khác trong tranh chấp Biển Đông. Hậu quả là các hành động này đã gây thêm căng thẳng ở khu vực và đặt Trung Quốc vào mối quan hệ xung đột với hai quốc gia thành viên ASEAN này.

Bài viết này nghiên cứu hệ lụy do cách tiếp cận “chính trị thực tiễn” của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông mang lại cho an ninh và ổn định của khu vực. Cụ thể bài viết đặt ra câu hỏi – hệ luỵ của cách tiếp cận “chính trị thực tiễn” của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông đối với một tổ hợp khu vực Đông Á đang phát triển là gì? Bài viết cũng trả lời các câu hỏi hệ quả sau: Cơ sở pháp lý của yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc là gì? Chiến thuật chính trị thực tiễn mà Trung Quốc đang áp dụng trong việc theo đuối các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông ra sao? Các quốc gia yêu sách khác phản ứng thế nào đối với cách tiếp cận chính trị thực tiễn của Trung Quốc? Và đâu sẽ là hệ luỵ lâu dài của cách tiếp cận chính trị thực tiễn của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp Biển Đông?

Tranh chấp lãnh thổ, Chính trị thực tiễn và Xung đột

Các tranh chấp lãnh thổ đã trở thành hiện tượng thường xuyên trong quan hệ quốc tế, và mang lại một hệ quả tất yếu là xung đột giữa các quốc gia. Tranh chấp lãnh thổ thường diễn ra trong hai trường hợp: a) hai quốc gia bất đồng trong việc phân định lãnh thổ hoặc đường biên giới; và b) một quốc gia phản đối quyền của các quốc gia khác trong việc thực hiện các quyền chủ quyền đối với một số hay tất cả lãnh thổ của mình hoặc lãnh thổ thuộc địa hay trên biển. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, hai hoặc nhiều hơn các quốc gia mong muốn kiểm soát và có chủ quyền đối với cùng một lãnh thổ. Tuy nhiên, các tranh chấp lãnh thổ không tự động dẫn đến chiến tranh. Thay vào đó, các tranh chấp này tạo điều kiện cần, chứ không phải đủ, để dẫn đến xung đột vũ trang giữa các quốc gia. Các tranh chấp này tạo ra điều kiện cần vì hai lý do: a) Thay vì trở thành ngòi nổ thực sự của xung đột vũ trang, các tranh chấp lãnh thổ tạo ra một loạt các sự kiện có thể hoặc không thể dẫn đến chiến tranh. Các tranh chấp này sẽ dẫn đến chiến tranh nếu các quốc gia yêu sách áp dụng chiến thuật chính trị thực tiễn làm gia tăng nguy cơ bùng phát các xung đột vũ trang. Chính trị cường quyền hay chính trị thực tiễn không phải là cách duy nhất giải quyết tranh chấp lãnh thổ, và nếu tránh cách tiếp cận này, chiến tranh không phải là không thể tránh được. Và b) nếu các yêu sách đối với vùng lãnh thổ tranh chấp được giải quyết một cách hoà bình vào một thời điểm nào đó trong lịch sử của các quốc gia yêu sách, sẽ không có khả năng nổ ra xung đột vũ trang giữa hai quốc gia tiếp giáp nhau bất chấp các vấn đề khác có thể phát sinh trong tương lai. Điều này có nghĩa là các tranh chấp lãnh thổ có tầm quan trọng nhân quả, tức là sự tồn tại của các tranh chấp này biến xung đột vũ trang thành một khả năng chứ không phải là một tình huống có thể xảy ra. Như một nghiên cứu lưu ý rằng: “(các tranh chấp) lãnh thổ và đường biên giới không gây ra chiến tranh, mà ít nhất tạo ra một cấu trúc rủi ro và cơ hội mà trong đó các hành vi xung đột rõ ràng có khả năng xảy ra.”

Một điều kiện đủ có thể gây ra các xung đột quân sự là nếu các quốc gia tranh chấp áp dụng chiến thuật chính trị thực tiễn hay chính trị cường quyền trong giải quyết tranh chấp của mình.  Chính sách chính trị thực tiễn hay chính trị cường quyền được định nghĩa là các hành vi chính sách đối ngoại dựa trên bối cảnh một thế giới không an toàn và vô chính phủ, dẫn đến sự mất tin cậy, đấu tranh giành quyền lực, đặt lợi ích quốc gia lên trên các quy chuẩn, quy tắc và lợi ích tập thể, sử dụng chiến thuật xảo quyệt, cưỡng ép, nỗ lực cân bằng quyền lực, dựa vào phương thức tự cứu lấy mình, và sử dụng vũ lực và chiến tranh như là lựa chọn cuối cùng (ultimo ratio) trong quan hệ quốc tế. Theo đó, việc bất kỳ quốc gia yêu sách nào áp dụng chính trị thực tiễn có thể dẫn đến việc các tranh chấp lãnh thổ trở thành các xung đột vũ trang bởi vì chính sách này tạo ra điều kiện mà các quốc gia tranh chấp có thể mong đợi để tham gia vào một tranh chấp, xét cấu trúc của hiện thực thì cách hành xử đó không nhất thiết phải là tự nhiên hay cố hữu. Chính trị cường quyền trở thành kim chỉ nam định hướng cho các nhà hoạch định chính sách (và cộng đồng của họ) đến cách hành xử hợp lý xét đến hiện trạng – một tranh chấp lãnh thổ - và xét thực tế của quan hệ quốc tế. Cách tiếp cận chính trị thực tiễn đối với tranh chấp lãnh thổ bao gồm việc dựa vào thử nghiệm quyền lực – thông qua hình thức xâm chiếm, cưỡng ép phục tùng hay cản trở các bên yêu sách khác. Đây cũng được xem là một hình thức chính sách của chủ nghĩa phân lập dựa trên các hành vi đơn phương gây ra sự đối đầu giữa các quốc gia tranh chấp và hậu quả là xung đột vũ trang.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Tiến sỹ Renato Cruz De Castro, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế, Đại học De La Salle, Manila, Philippines

 

Bản gốc tiếng Anh: “The Risk of Applying Realpolitik in Resolving the South China Sea Dispute: Possible Implications on Regional Security”

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.