Tóm tắt

Biển Đông là nơi hội tụ của nhiều mối quan tâm về an ninh trên biển. Dưới góc độ an ninh truyền thống, những xung đột về yêu sách lãnh thổ và vùng biển ngày càng gay gắt khiến cho xung đột vũ trang có thể xảy ra tại khu vực biển Đông. Dưới góc độ an ninh phi truyền thống, sự suy giảm đa dạng sinh học của môi trường sinh vật biển nửa kín, sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển, sự đe dọa đến quyền tự do và an toàn hàng hải và hàng không và sự mất an toàn về sinh kế của người dân ven biển là những nguy cơ đang hiện hữu. Tất cả những triển vọng này đặt an ninh của khu vực biển Đông ở mức báo động cao. Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc là một khuôn khổ pháp lý đa phương và toàn diện nhằm giúp các quốc gia sử dụng và quản lý biển một cách hòa bình, công bằng và bền vững trên cơ sở tôn trọng chủ quyền lẫn nhau. Với mục tiêu này, các quy định của Công ước 1982 đã cung cấp cơ sở để các quốc gia trong khu vực biển Đông kiềm chế và quản lý các nguy cơ đối với an ninh trên biển. Mặc dù không tạo cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền, Công ước có thể giúp các bên xác định và thu hẹp đối tượng của tranh chấp chủ quyền. Công ước là cơ sở để các bên đưa ra các yêu sách vùng biển hợp pháp, từ đó xác định được các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác. Công ước cũng thiết lập cơ chế hợp tác về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển và đặc biệt là nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia trong vùng biển nửa kín. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước có thể được vận dụng để thu hẹp và tiến tới giải quyết tranh chấp, trong đó các quốc gia có nghĩa vụ đạt được giải pháp tạm thời trong khi tranh chấp chưa được giải quyết triệt để. Nhằm áp dụng hiệu quả các quy định của Công ước vào bối cảnh đặc thù của biển Đông, các quốc gia cần cụ thể hóa các quy định của Công ước để xây dựng một bộ luật ứng xử có hiệu lực ràng buộc trong khu vực.

An ninh hàng hải là khái niệm khá mới và có nhiều cách tiếp cận về nội hàm trong tổng thể an ninh chung của quan hệ quốc tế. An ninh hàng hải được giới thiệu nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trong việc sử dụng và quản lý biển vì mục tiêu phát triển của con người. Ở những khu vực nóng như Biển Đông, nơi các tranh chấp về chủ quyền và vùng biển còn đan xen và leo thang thì việc duy trì an ninh hàng hải càng là một vấn đề quan trọng, bao trùm cả khía cạnh an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ở khía cạnh an ninh truyền thống, hiện trạng căng thẳng và tình hình trang bị vũ khí, hiện đại hóa quân đội và đặc biệt là hải quân cho thấy các bên đã chuẩn bị cho việc sử dụng vũ lực và xung đột vũ trang ở tầm khu vực có thể xảy ra. Ở khía cạnh phi truyền thống, an toàn hàng hải, hàng không, bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học hay đảm bảo sinh kế cho con người là những lĩnh vực có thể đang đe dọa nghiêm trọng. Không những thế, các nước trong khu vực đều có nền kinh phụ thuộc vào biển. Việc đảm bảo an ninh hàng hải sẽ có yếu tố quyết định đến sự phát triển và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Bài toán về an ninh hàng hải chỉ có thể được giải đáp nếu các mối đe dọa đến an ninh hải được kiềm chế và quản lý. Trong nỗ lực tìm kiếm các công cụ quản lý các mối đe dọa về an ninh hàng hải, bài viết sẽ tập trung nghiên cứu về vai trò của Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS). UNCLOS được lựa chọn làm công cụ nghiên cứu do bối cảnh các quốc gia ven biển Đông đều đã là thành viên nghiên của Công ước này, đồng thời, công cụ pháp lý sẽ là lựa chọn phù hợp nhất cho các quốc gia vừa và nhỏ tại Đông Nam Á. Với mục tiêu này, bài viết trước hết sẽ tìm hiểu các mối đe dọa đến an ninh hàng hải của khu vực biển Đông, từ đó, phân tích mối liên hệ giữa UNCLOS đối với những mối đe dọa này và tìm lời giải đáp về vai trò của Công ước đối với việc kiềm chế và quản lý các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải.

Mối đe dọa đến an ninh hàng hải tại khu vực biển Đông

Thuật ngữ hàng hải có thể được dùng như một tính từ chỉ không gian biển, cũng có thể được hiểu như một khía cạnh của quan hệ quốc tế tương tự như chính trị, kinh tế, môi trường… Với cách hiểu thứ hai, an ninh hàng hải là một thuật ngữ tương đối hẹp, thường nhấn mạnh đến khía cạnh an ninh của việc sử dụng biển vào mục đích giao thông và thương mại. Theo đó, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển hay tai nạn, sự cố giữa các tàu thuyền là các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải.[1] Với cách hiểu thứ nhất, không gian biển là một không gian tương tự như đất liền, vì vậy an ninh biển là một khái niệm rộng bao trùm một số lĩnh vực từ an ninh truyền thống đến phi truyền thống. Do đặc trưng của không gian biển, an ninh hàng hải theo nghĩa này nhấn mạnh đến trật tự trên biển. Theo đó, biển là một nguồn tài nguyên, nhưng cũng là môi trường cho giao thông, thông tin liên lạc và thương mại.[2] Trật tự trên biển cần được duy trì nhằm phục vụ cho sự phát triển của con người và trật tự này có thể bị đe dọa từ các nguyên nhân như chiến tranh, cướp biển, khủng bố, phổ biến vũ khí, buôn lậu ma túy, và các hành vi bất hợp pháp khác. Việc kiểm soát các mối đe dọa với an toàn hàng hải sẽ giúp đảm bảo an ninh trên đất liền, đảm bảo sự ổn định toàn cầu và việc duy trì tự do hàng hải sẽ mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia.[3]

Biển Đông là biển nửa kín nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên phong phú và điểm kết nối của nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng.[4] An ninh ở biển Đông có tầm quan trọng không chỉ với các quốc gia ven biển mà còn có ý nghĩa với các quốc gia khác.[5] Hiện nay, cho dù theo cách hiểu rộng hay hẹp, an ninh hàng hải tại biển Đông đang bị đe dọa.

Thứ nhất là khả năng sử dụng vũ lực và xảy ra xung đột vũ trang tại khu vực biển Đông. Trong hai năm trở đây, các quốc gia trong khu vực biển Đông đã không ngừng nâng cao và hiện đại hóa hải quân và lực lượng quân sự của mình. Trung Quốc dẫn đầu với ngân sách quân sự khổng lồ và tăng đều đặn hàng năm. Đến năm 2010, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã lên đến 78 tỉ đô la Mỹ.[6] Đặc biệt, Trung Quốc đã tập trung phát triển lực lượng hải quân, xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại Sanya (đảo Hải Nam), trang bị tàu sân bay cùng các vũ khí hiện đại khác. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực. Việt Nam có kế hoạch trang bị thêm 6 chiếc tàu ngầm hạng kilo từ Nga. Singapore, Indonesia và Malaysia cũng trang bị thêm 2 chiếc tàu ngầm cho mỗi nước. Philippines gần đây cũng tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và nhập khẩu thêm các trang thiết bị quân sự mới.[7] Tất cả những diễn biến này cho thấy các quốc gia dường như đang chuẩn bị sẵn sàng cho diễn biến xấu nhất của việc sử dụng vũ lực và xung đột vũ trang tại biển Đông. Giả thiết này càng được khẳng định khi Trung Quốc thực hiện các hành động quấy rối hoạt động nghiên cứu khoa học, thăm dò tài nguyên của các quốc gia ven biển[8] và phát đi những thông điệp về khả năng các quốc gia ven biển Đông sẽ phải “chuẩn bị nghe tiếng súng thần công nếu còn tiếp tục theo đuổi chiến lược chống lại Trung Quốc”[9].

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông;

Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao

 

Bản gốc tiếng Anh: “UNCLOS and maritime security of the South China Sea”

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực"  do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.



[1] Michael McNicolars, Maritime Security: An introduction, Butterworth- Heinemann, 2007

[2] Geoffrey Till, Seapower: A Guide for the Twenty-first Century, Taylor &Francis, 2009 p.311

[3] US National Strategy for Maritime Security: A Cooperative Strategy for the 21st century seapower, p.8

[4] Biển Đông là biển nửa kín và là một trong những biển nhiệt đới có sự đa dạng sinh học cao nhất. Trữ lượng và các loài cá của biển Đông vô cùng phong phú, cùng với đó là tiềm năng về dầu lửa, khí đốt và băng cháy. Ngoài ra, hơn 41000 tàu thuyền, chiếm tới một nửa lượng tàu thuyền vận tải hàng hoá hàng năm qua lại tại các tuyến đường hàng hải trên biển Đông.

[5] Ví dụ như Nhật Bản hay Hàn Quốc không phải là quốc gia ven biển Đông nhưng hàng năm 80% lượng dầu thô nhập khẩu của hai quốc gia này được vận chuyển qua biển Đông.

[6] Số liệu thống kê chính thức về ngân sách quốc phòng do Chính phủ Trung Quốc công bô vào ngày 4 tháng 3 năm 2010. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin phương tây, con số này cho thấy ngân sách này không tính đến kinh phí dành cho nhập khẩu vũ khí. Riêng năm 2009, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thống kê rằng tổng cộng ngân sách quốc phòng kể cả kinh phí nhập khẩu của Trung Quốc lên đến 150 tỉ đô la Mỹ. Trung Quốc không công bố số liệu này. Thống kê từ  Nga cũng cho thấy Trung Quốc đã sử dụng 17 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu vũ khí từ Nga từ năm 2001 đến 2010.

[7] Vinod Saighal, “Is Time Running Out: The Urgency for Full, Final and Equitable Resolution of the South China Sea Imbroglio”, Bài trình bày tại Hội thảo biển Đông: Hướng tới một khu vực Hoà bình, An ninh và Hợp tác, Hồ Chí Minh, 2010

[8] Như sự kiện đe doạ tàu thăm dò của Philippines tại Reed Bank vào tháng 3 năm 2011 và cắt cáp khảo sát biển của tàu Bình Minh 02 và Viking của Việt Nam vào tháng 5 và 6 năm 2011.

[9] Thời báo Hoàn cầu, ngày 25 tháng 11 năm 2011. Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định đây không phải là chính sách chính thống của chính quyền Bắc Kinh, việc một tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra quan điểm này ít nhất cho thấy đây là quan điểm thắng thế trong bộ phận lớn lãnh đạo Trung Quốc hoặc ít nhất đây là chiến lược răn đe của Trung Quốc trước các quốc gia trong khu vực. Trước đó, vào tháng 6, thời báo này cũng đã đưa ra một bài xã luận nêu rõ khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào Việt Nam nếu Việt Nam tiếp tục khiêu khích Trung Quốc ở biển Đông. Global Times,