TS. Yearn Hong Choi (phải)

Giới thiệu

Tất cả các quốc gia ven biển đều cố gắng mở rộng lãnh thổ biển của mình bằng cách kéo dài hoặc mở rộng vùng đặc quyền kinh tế đến tối đa có thể. Vùng đặc quyền kinh tế là một khái niệm mới và là một quy chế pháp lý cụ thể trong Công ước Luật biển, được xây dựng dựa trên khái niệm "vùng đánh bắt cá độc quyền" và "vùng bảo tồn đánh bắt cá". Chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước chủ yếu nhằm vào tài nguyên sinh vật của các vùng nước phía trên đáy biển. Mặc dù Điều 56 (1) (a) quy định rằng trong vùng đặc quyền kinh tế, "Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”, nhưng Điều 56 (3) khẳng định rằng các quyền liên quan đến đáy biển và lòng đất nêu trong điều này sẽ được thực hiện theo phần VI của Công ước." Theo đó thì vùng đặc quyền kinh tế phải là một khái niệm mang ý nghĩa bảo vệ môi trường: Tuy nhiên, đây không phải là một khái niệm mới lạ trong thực tế. Nó được coi như hoặc giải thích như là một đặc quyền của các quốc gia ven biển để khẳng định chủ quyền trên biển. Các quyền không kèm theo nghĩa vụ hoặc trách nhiệm đã được tuyên bố, một cách khá mù quáng. Đây là điều sai trái hoặc rất vô lý. Trong những trường hợp này, tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là vô lý.

Việc thăm dò và khai thác vô độ nguồn cá, dầu khí và các kim loại quý hiếm khác đã trở nên khả thi với công nghệ tiên tiến và lòng tham vô tận của con người vì sự thịnh vượng của quốc gia. Nỗ lực bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên chưa được cân bằng hoặc tương xứng với việc khai thác và thăm dò các nguồn tài nguyên ở biển khơi. Ngoài vùng đặc quyền kinh tế, một quốc gia ven biển còn có thể tuyên bố Thềm lục địa là "phần kéo dài tự nhiên” lãnh thổ đất liền của quốc gia đó lên đến 350 hải lý. Ai mà biết được? Độ dài 350 hải lý này chắc chắn sẽ bị tranh cãi trong tương lai không xa.

Bài nghiên cứu này hướng đến tìm hiểu những phát hiện của giới học thuật tập trung vào vùng đặc quyền kinh tế trong năm 2011, từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng tám. Những vấn đề nào liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế trong mối quan hệ với các vấn đề trên biển và đại dương đã được thảo luận? Điều gì đã được đề xuất để mang lại vùng biển và đại dương hòa bình và để bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển và đại dương? Cơ sở dữ liệu của công trình nghiên cứu này là ProQuest. Cơ sở dữ liệu này có sẵn trong hệ thống thư viện công cộng ở Hoa Kỳ, tập hợp 80 tạp chí chuyên ngành và các tờ báo lớn.

Cơ sở dữ liệu ProQuest là gì?

Dưới đây là thông tin về ProQuest tại Google:

ProQuest kết nối mọi người với những thông tin đáng tin cậy và đã được thẩm định. Nó được coi là chìa khóa đối với công tác nghiên cứu. Công ty đã với 70 năm danh tiếng được coi như một cánh cửa đối với tri thức của thế giới bao gồm các bài luận văn, các tài liệu lưu trữ về văn hóa và chính phủ, tin tức về tất cả các lĩnh vực. Nó đóng vai trò cần thiết đối với các thư viện và các tổ chức có sứ mệnh phụ thuộc vào việc cung cấp các thông tin đầy đủ và đáng tin cậy,

Kho thông tin khổng lồ ProQuest, được xây dựng thông qua quan hệ đối tác với những người sáng tạo nội dung, thường xuyên được đổi mới công nghệ cho phép người dùng nhanh chóng tìm thấy thông tin chính xác. Công ty hiện đang tung ra tất cả các cơ sở dữ liệu ProQuest®mới, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu sử dụng, tạo ra, và chia sẻ nội dung qua đó thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu.

Là một tổ chức năng động và phát triển nhanh chóng, trong năm 2009 ProQuest đã cho ra mắt dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên web Summon™, mang lại lợi ích cho các thư viện đại học trên toàn thế giới. Trong năm 2010 ProQuest mở rộng vào thị trường doanh nghiệp và chính phủ, phát động dịch vụ Dialog ProQuest ™  và giành được Dịch vụ Thông tin Quốc hội và Các ấn phẩm đại học của Châu Mỹ. Đầu năm 2011, công ty này cho ra đời thư viện điện tử, mở rộng nội dung của ProQuest bao gồm các sách điện tử và tuyển dụng thêm các nhân viên thành thạo công nghệ vào khắp tổng công ty, trong đó bao gồm các đơn vị như Serials Solutions®, RefWorks-COS™, và Bowker®.

Vùng Đặc Quyền Kinh Tế

Có rất nhiều bài viết bao gồm từ khóa “vùng đặc quyền kinh tế” trong cơ sở dữ liệu ProQuest. Vì vậy, người viết chỉ giới hạn các bài viết trong năm 2011. Vùng đặc quyền kinh tế đã tạo ra tranh chấp biên giới và các quan hệ quốc tế căng thẳng ở Biển Đông nhiều hơn ở bất kỳ vùng biển nào khác. Đối với nhiều nước ven biển, vùng đặc quyền kinh tế chỉ là một phần mở rộng của lãnh hải: EEZ 200 hải lý được coi là lãnh thổ của quốc gia, bởi vì nó là một vùng đặc quyền về kinh tế. Vùng kinh tế bao gồm tất cả những gì có ý nghĩa trong biển từ đường bờ biển của một quốc gia. Kinh tế có nghĩa là hầu như mọi thứ. Hai hay nhiều quốc gia có chung một phần biển tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đã không thể giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp liên quan vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Vùng đặc quyền kinh tế có thể là một trong những khái niệm tồi tệ nhất trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Các quốc gia khác nhau sẽ có giải thích khác nhau về vùng đặc quyền kinh tế và việc này bắt nguồn từ Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Harry Truman. Có thể tìm hiểu  tình hình hiện tại và các vấn đề của vùng đặc quyền kinh tế bằng việc xem xét các bài viết của các hãng truyền thông lớn có chứa từ khóa “vùng đặc quyền kinh tế” trong năm 2011. Nội dung của bài báo về vùng đặc quyền kinh tế có thể chia thành 10 nhóm chủ đề dưới đây:

1.            Biển Đông và sức mạnh hải quân Trung Quốc.

2.            Môi trường đại dương và vấn đề bảo vệ môi trường

3.            Ấn Độ Dương

4.            Hàn Quốc

5.            Nhật Bản

6.            Hoa Kỳ và vùng biển Caribê

7.            Các đảo Thái Bình Dương

8.            Biển Địa Trung Hải

9.            Các đảo nhỏ của châu Phi ở Đại Tây Dương

10.         Bắc Băng Dương

 

1.    Biển Đông

Chủ đề có liên quan đến Vùng đặc quyền kinh tế được bàn đến nhiều nhất là về tình hình xung đột và căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN và giữa các quốc gia ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Có 43 bài báo về chủ đề này trong cơ sở dữ liệu ProQuest từ ngày 1 tháng 1 năm 2011 đến thời điểm hiện tại. Trung Quốc đã khiêu khích Việt Nam khi những chiếc thuyền đánh cá trá hình của Hải quân Trung Quốc quấy rối cuộc khảo sát dầu khí của Petro Việt Nam. Việt Nam đã quyết tâm đi đến chiến tranh chống lại Trung Quốc. Mặc dù lời tuyên bố về chiến tranh đã không trở thành cuộc chiến thực sự, nhưng Biển Đông đã thu hút sự chú ý rất lớn từ thế giới trong năm 2011. Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ không can dự vào Biển Đông. Hai siêu cường này giải thích vùng đặc quyền kinh tế theo hai cách khác nhau: Mỹ cho rằng vùng đặc quyền kinh tế có nghĩa là sự tự do hàng hải, bao gồm sự tự do đi lại của các tàu Hải quân Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển độc quyền của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, có một thực tế đã và đang xảy ra là các tàu hải quân Trung Quốc vẫn tự do đi qua các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.Vẫn tồn tại sự khác biệt về không gian của vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia. Các quốc gia có chung biển như Biển Đông và Biển Hoa Đông vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

Các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được biết đến trong những năm qua và được các phương tiện truyền thông quan tâm theo dõi. Ngoài  các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam, các xung cuộc giữa Trung Quốc và Philippines trong tháng 6 năm 2011 (ngày 2 và 3 tháng 6) cũng được Asian Pulse đưa tin. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Alberto del Rosario đã cảnh báo rằng "bất cứ trường hợp xây dựng nào của Trung Quốc tại vùng biển gần khu vực không có người ở Iroquois Bank tại Biển Đông đều vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết năm 2002" và cáo buộc rằng tàu hải giám Trung Quốc đang đi lại trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Các tàu quân sự của Trung Quốc được đưa tin đã bắn vào các tàu đánh cá của Philippines tại bãi san hô Jackson, cách đảo Palawan 140 hải lý vào ngày 15 tháng hai năm 2011. Trong tháng 3 năm 2011, tàu tuần tra hải quân Trung Quốc bị cáo buộc quấy rối một tàu khảo sát dầu khí của Philippines tại khu vực Reed Bank (bãi Cỏ Rong), một phần của tỉnh Palawan và không thuộc Trường Sa. Trong tháng 5 năm 2011, các máy bay MIG được cho là của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động quấy rối máy bay trinh sát của Không quân Philippines trên vùng trời Bãi Cỏ Rong. Tờ Malaya cho rằng công trình mà Trung Quốc xây dựng trên các rạn san hô của Trường Sa là một căn cứ quân sự chứ không phải là nơi trú ẩn cho ngư dân. Sự thiếu tin tưởng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng là điều đáng chú ý.

Tăng ngân sách quốc phòng lên hai chữ số và thực hiện chính sách ngoại giao thô bạo, Trung Quốc đã làm náo động các quốc gia láng giềng trong vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương cũng được một số bài báo đề cập đến. Căng thẳng tại Biển Đông không phải là một vấn đề pháp lý phức tạp, nhưng nó lại là một mối đe dọa cận kề và nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu và hệ sinh thái khu vực. Các tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông kết nối Châu Âu với Châu Á, đã giúp Biển Đông trở thành một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Gần một nửa thương thuyền của thế giới đi qua Biển Đông và vận chuyển từ Trung Đông một lượng dầu đáng kể cho Đông Bắc Á.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

TS. Koh Choong-suk và TS. Yearn Hong Choi

Tiến sĩ Koh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Cheju, là Chủ tịch của Hiệp Hội Nghiên cứu Ieodo (Society of Ieodo Research) và Tiến sĩ Choi là học giả cao cấp của  Hiệp Hội Nghiên cứu Ieodo và Nghiên cứu viên của Hiệp hội Nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn Năm đại dương (Research Associate of Five Oceans Consultants), Hoa Kỳ.

Bản gốc tiếng Anh: “Exclusive Economic Zone in Major Media and academic journals in 2010: South China Sea and other seas”

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực"  do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.