Sau khi giành được quyền kiểm soát đối với cái mà các nhà bình luận Trung Quốc gọi là “khẩu súng và con dao” – ám chỉ quân đội, cảnh sát, điệp viên và các đơn vị chống tham nhũng có mọi quyền lực – “người khổng lồ” của Thế hệ thứ Năm đang nhanh chóng phát triển một số lượng lớn châm ngôn và chỉ thị của ông về ý thức hệ, sự quản trị và các vấn đề liên quan. Bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ca tụng những lời nói sáng suốt của Tập Cận Bình với sự nhiệt tâm khiến người ta nhớ đến sự sùng bái cá nhân từng đi cùng với “Nhà lãnh đạo Vĩ đại”, Mao Trạch Đông.

Tinh thần Tập Cận Bình “ám ảnh” hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Điều mà các chuyên gia xây dựng hình ảnh của Tập Cận Bình gọi là “tinh thần trong loạt bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình” đang được đặt ngang hàng với Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình. Chính tại Hội nghị toàn thể lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa 18 được tổ chức vào tháng 10/2014, “Tinh thần Tập Cận Bình” được nâng lên ngang tầm với những lời dạy của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Quyết định về các vấn đề lớn có liên quan đến việc thúc đẩy toàn diện pháp trị, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4, là văn kiện chính thức đầu tiên ở cấp cao nhất đặt “tinh thần trong loạt bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình” ngang tầm với “Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, những tư duy quan trọng của thuyết ‘Ba đại diện’ và ‘Quan điểm Phát triển Khoa học’”, những thứ từng được cho là các nguyên tắc chỉ đạo của đảng và nhà nước. Thuyết “Ba đại diện” và “Quan điểm Phát triển Khoa học” lần lượt được coi là những đóng góp lớn về mặt lý luận của các cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, một phần do chủ trương của Đặng Tiểu Bình về những ưu điểm của quyền lãnh đạo tập thể, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào không được thừa nhận là tác giả của những “câu khẩu hiệu” nổi tiếng của họ trong các văn kiện đảng. Quả thực, ủy viên Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh, người từng là phụ tá chính trị của Giang Trạch Dân, được cho là đã đóng một vai trò lớn trong việc đưa ra thuyết “Ba đại diện”. Và Ôn Gia Bảo, thủ tướng dưới thời Hồ Cẩm Đào, là một trong số ít cán bộ cấp cao đã giúp thẩm tra “Quan điểm Phát triển Khoa học”. Khả năng rõ ràng của Tập Cận Bình trong việc thuyết phục các cán bộ cấp cao đón nhận “Tư tưởng Tập Cận Bình” chứng minh cho sự quay trở lại của truyền thống “hoạt động chính trị kiểu người hùng” trong thế giới quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với việc xuất bản ít nhất 4 tuyển tập gồm các bài phát biểu và các bài viết của ông trong suốt 2 năm qua, Tập Cận Bình cũng đã phá vỡ truyền thống có từ lâu là các nhà lãnh đạo đảng chỉ xuất bản sách sau khi họ nghỉ hưu.

Việc ca ngợi Tinh thần Tập Cận Bình bắt đầu chỉ sau 1 năm Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư kiêm Tổng Tư lệnh tại Đại hội Đảng lần thứ 18 vào cuối năm 2012. Tháng 12/2013, tờ Nhân dân nhật báo đã đăng 9 bài bình luận tóm tắt các chỉ thị của Tập Cận Bình về các lĩnh vực bao gồm “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, Giấc mộng Trung Hoa, các cải cách kinh tế và chính trị, văn hóa, chính sách đối ngoại và xây dựng đảng. Nhân dân nhật báo nói rằng những cuộc trò chuyện và các chỉ thị sáng suốt của Tập Cận Bình đã cho thấy “tư duy mới, những quan điểm mới, những kết luận mới và những yêu cầu mới [đối với đảng và quốc gia]”. Cơ quan ngôn luận này của đảng nói thêm rằng Tập Cận Bình đã “nắm bắt được những yêu cầu mới của kỷ nguyện, cũng như những kỳ vọng mới của quần chúng nhân dân”.

Xây dựng sự sùng bái cá nhân

Những so sánh cao nhất này đã trở nên ngày một khoa trương hơn. Cuối năm 2014, tờ Quang minh nhật báo lưu ý rằng Tinh thần Tập Cận Bình gồm có một số lượng lớn “lý luận và thực tiễn khoa học… mà sẽ mở ra những triển vọng mới cho đảng và đất nước”. Tờ báo chính thức này lưu ý rằng những chỉ thị của Tập Cận Bình chẳng khác gì “những chương mới trong việc ‘Trung Quốc hóa’ chủ nghĩa Mác”. Theo tờ Báo cáo thời sự, một tạp chí do Ban Tuyên giáo điều hành, Tinh thần Tập Cận Bình “đã đem lại câu trả lời toàn diện cho các câu hỏi về lý luận và thực tiễn liên quan tới sự phát triển của đảng và nhà nước trong thời đại lịch sử mới”. Tờ Báo cáo thời sự cho biết thêm: “Nó đã phát triển và làm phong phú thêm lý luận khoa học của Đảng Cộng sản”.

Ngoài ra, những người đứng đầu các bộ ngành và các nhà lãnh đạo địa phương – trong bối cảnh sự trở lại của các chiến dịch ý thức hệ thời đại Maoít – đã tranh nhau thể hiện sự trung thành mang tính nghi thức đối với nhà lãnh đạo cao nhất. Sự bày tỏ thái độ công khai này được dẫn dắt bởi Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lưu Kỳ Bảo, người đã lưu ý rằng tất cả các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc phải thấm nhuần và sử dụng “nội dung phong phú, tư duy sâu sắc và những lập luận xuất sắc” chứa đựng trong Tinh thần Tập Cận Bình. Lưu Kỳ Bảo nói thêm rằng các chỉ thị của chủ tịch nước đã “tạo điều kiện cho đảng và nhà nước đạt được những thành tựu mới, tạo ra một phong cách mới, và mở ra những khả năng mới”. Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang Hạ Bảo Long, được cho là được Tập Cận Bình bảo trợ, là một trong số những quan chức địa phương ca ngợi Tinh thần Tập Cận Bình. Trong cuộc trò chuyện vào năm 2014, Hạ Bảo Long hối thúc các đồng nghiệp của ông ở Chiết Giang sử dụng những lời lẽ thông thái của Tập Cận Bình “để trang bị kiến thức cho họ”. Ông lưu ý: “Chúng ta càng hiểu biết [về Tinh thần Tập Cận Bình], chúng ta càng vững tin và chúng ta càng kiên định hơn khi thực hiện nó”.

Những giáo lý của “Tinh thần Tập Cận Bình”

Tinh thần Tập Cận Bình bao gồm những gì? Đúng là trong 2 năm qua, vị Chủ tịch kiêm Tổng tư lệnh đã đưa ra những sáng kiến gây chú ý về chính sách đối ngoại và trên các mặt trận quân sự. Chẳng hạn, ông đã công bố Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới nhằm thúc đẩy những liên kết với các nhà nước Trung Á, cũng như Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 nhằm lôi kéo các nước Đông Nam Á và Nam Á, từ Indonesia và Malaysia tới Sri Lanka và Pakistan.

Tuy nhiên, trên mặt trận trong nước, Tập Cận Bình vẫn chưa đưa ra các khẩu hiệu hay các chính sách có thể so sánh được với thuyết “Ba đại diện” hay “Quan điểm phát triển khoa học”. Cuối tháng 2/2015, tờ Nhân dân nhật báo và các phương tiện truyền thông nhà nước khác bắt đầu ca ngợi những ưu điểm của cái gọi là “Bốn toàn diện”, cụ thể là, “xây dựng một xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, thực hiện nhà nước pháp quyền toàn diện, và thực hiện kỷ cương đảng toàn diện”. Bài bình luận của Nhân dân nhật báo chỉ ra rằng “Bốn toàn diện” là “một hệ tư tưởng được xây dựng dựa trên [niềm tin của đảng] trước đây và điều đó thể hiện sự táo bạo trong đổi mới”. Tờ báo nói thêm rằng: “Đó là một chiến lược đổi mới trong việc điều hành đảng và đất nước, một chiến lược [cho thấy khả năng của đảng] tiến bộ cùng với thời đại. Đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác và thực tiễn [của việc quản trị] ở Trung Quốc”. Trong khi “Bốn toàn diện” được miêu tả là một “lý luận chính trị mới”, nó dường như chỉ là một sự pha trộn giữa các khẩu hiệu và châm ngôn từng được sử dụng bởi các cán bộ cấp cao nhất kể từ sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc. “Xây dựng một xã hội khá giả” là lời kêu gọi tập hợp của Đặng Tiểu Bình khi ông khởi động cải cách kinh tế vào đầu những năm 1980. Và cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào, hai cựu chủ tịch Trung Quốc, đã hùng biện về việc cải cách sâu sắc và điều hành đất nước theo pháp luật. Nhìn chung, Tập Cận Bình vẫn được biết tới nhiều hơn với tư cách là một nhà lý luận bảo thủ, người hối thúc 1,3 tỷ dân trung thành với tính chính thống xã hội chủ nghĩa thay vì đem lại điều gì đó mới mẻ. Do đó, đòi hỏi được nhiều người biết tới của ông là các đảng viên cũng như các công dân phải tiếp tục “tin tưởng vào lý luận, đường lối và các thể chế” của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Theo một bài báo đăng trên tạp chí của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Tinh thần Tập Cận Bình” gồm 1 mục tiêu hàng đầu – “đạt được Giấc mộng Trung Hoa”; và 2 điểm căn bản – “thực hiện cải cách toàn diện và duy trì đường lối đại chúng”. Đây dường như là sự tuyên bố lại câu khẩu hiệu nổi tiếng của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình về việc đảng kiên trì thực hiện nhiệm vụ trung tâm là tăng cường kinh tế trong khi theo đuổi hai mục tiêu: một mặt thúc đẩy cải cách và chính sách mở cửa, mặt khác duy trì Bốn Nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội chính thống.

Có lẽ chính vì những nội dung khá tẻ nhạt này của Tư tưởng Tập Cận Bình mà bộ máy tuyên truyền và ý thức hệ của đảng đã tăng tốc để nó được biết đến càng nhiều càng tốt. Cơ cấu bộ máy đảng-nhà nước đang áp đặt cùng một kiểu tư duy như nhau trong giới trí thức và sinh viên của Trung Quốc. Đầu năm 2015, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện đã ban hành văn kiện có tựa đề “Những ý kiến về việc tăng cường và mở rộng hơn nữa công tác tuyên truyền và tư tưởng tại các trường đại học trong những điều kiện mới”. Văn kiện được lưu hành toàn quốc này hối thúc các nhà quản lý và các giảng viên đại học “nghiêm túc đưa hệ thống lý luận của chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc lồng ghép vào trong tài liệu giảng dạy, lớp học và tư duy [của sinh viên]”. Nó nói thêm rằng “phẩm chất chính trị và tư tưởng của đội ngũ giáo viên phải được nâng cao” và rằng “sự lãnh đạo của đảng đối với công tác tuyên truyền và tư tưởng ở các trường học phải được tăng cường”. Trong một bài phát biểu về chiến dịch kiểm soát tư duy mới trong các trường đại học, Bộ trưởng Giáo dục Viên Quý Nhân đã lưu ý rằng “không bao giờ các trường đại học có thể cho phép tài liệu giảng dạy chứa đựng những giá trị và châm ngôn của phương Tây xuất hiện trong lớp học của chúng ta”. Ông cảnh báo rằng giáo viên và học sinh “hoàn toàn không được phép công kích hay nói xấu các nhà lãnh đảo đảng hoặc bôi nhọ và làm mất uy tín chủ nghĩa xã hội”. Mối liên hệ giữa chiến dịch khắc nghiệt về ý thức hệ này và sự “nịnh nọt” không giới hạn dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình đã được thể hiện rõ khi Viên Quý Nhân tâng bốc yêu cầu rằng “chúng ta phải đưa tinh thần trong loạt bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình vào tài liệu giảng dạy, các lớp học và tư duy [của sinh viên]”.

Sự sùng bái cá nhân đối với Tập Cận Bình thâm nhập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)

Một sự sùng bái gần như là cá nhân tương tự xung quanh Tổng Tư lệnh Tập Cận Bình đang được hình thành trong PLA. Lần đầu tiên trong lịch sử các lực lượng quân đội, những người trung thành với Tập Cận Bình đang thúc đẩy “Chế độ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Quân ủy Trung ương”. Điều này có nghĩa rằng chỉ riêng Chủ tịch Quân ủy Trung ương cũng có thể đưa ra các chính sách và ban hành chỉ thị về những vấn đề có liên quan tới quốc phòng. Như Nhật báo quân giải phóng Trung Quốc giải thích, chế độ chịu trách nhiệm này cũng đồng nghĩa rằng các quan chức và binh lính của PLA cam kết “tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình, tuyệt đối thi hành yêu cầu của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình, và tuyệt đối hoàn thành nhiệm vụ do Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đặt ra”. Điều đó được hiểu là Tập Cận Bình đang thúc đẩy “chế độ chịu trách nhiệm” này nhằm sửa chữa những sai lầm đã được nhận rõ trong ban lãnh đạo của hai người tiền nhiệm trước ông với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương: các chủ tịch nước trước đây là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Không phải là quân nhân chuyên nghiệp, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào nói chung đã để cho các tướng lĩnh cấp cao trong Quân ủy Trung ương ra quyết định trong những lĩnh vực gồm có chiến lược, nhân sự, nghiên cứu và phát triển vũ khí. “Chế độ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Quân ủy Trung ương” có lẽ phản ảnh việc Tập Cận Bình không tin tưởng vào các tướng lĩnh, những người được cất nhắc bởi các cựu Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Kể từ cuối năm 2014, Tập Cận Bình đã đề bạt một loạt tướng lĩnh từ Quân khu Nam Kinh ở ven biển Trung Quốc, mà các sĩ quan cấp cao nhất của quân khu này là “chiến hữu” của Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông phục vụ tại các doanh trại địa phương ở Phúc Kiến và Chiết Giang.

Tham vọng của Tập Cận Bình trở nên sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình sẽ được thể hiện một cách mạnh mẽ trong cuộc diễu binh dự định được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3/9. Lý do bề ngoài cho việc biểu dương quyền lực cứng của Trung Quốc năm nay là để kỷ niệm 70 năm “chiến thắng trong cuộc đấu tranh toàn cầu chống chủ nghĩa phát-xít”, cụm từ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để miêu tả việc Quân đội Đế quốc Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945. Cuộc diễu binh này, mà trong đó Tập Cận Bình sẽ kiểm tra vũ khí mới nhất của PLA như tên lửa đạn đạo và máy bay tàng hình thế hệ mới, đặc biệt sẽ làm vững chắc thêm vị thế của nhà lãnh đạo Thế hệ thứ Năm, giống như điều mà những trí thức Trung Quốc có tư tưởng tự do gọi là “Mao Trạch Đông của thế kỷ 21”. Hành động phô trương này lại là một ví dụ khác cho việc Tập Cận Bình phá vỡ truyền thống nhằm thực thi quyền lực của chính mình. Kể từ sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, những sự kiện lớn như vậy chỉ được tổ chức 3 lần – vào năm 1984, 1999 và 2009 – để đánh dấu các buổi lễ kỷ niệm quan trọng nhân dịp thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hơn nữa, Giang Trạch Dân đã chỉ huy cuộc diễu binh tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1999 – và Hồ Cẩm Đào đặt ra kế hoạch và điều hành cuộc diễu binh lớn vào năm 2009 – 3 năm trước khi ông thôi giữ chức Tổng bí thư. Khi Tập Cận Bình tiến hành duyệt binh vào tháng 9 này, thì chỉ còn 2 tháng là tròn 3 năm ông lên cầm quyền.

Sự chỉ trích mang tính tự do đối với sự sùng bái Tập Cận Bình

Sự trở lại của việc sùng bái cá nhân kiểu Mao Trạch Đông đã dẫn đến những chỉ trích từ số lượng ít ỏi những trí thức thẳng thắn có tư tưởng tự do của Trung Quốc. Một nhà trí thức nổi tiếng trong công chúng là Trương Lập Phàm, một nhà sử học trước đây thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã phàn nàn về việc phương tiện truyền thông gần như “phong thánh” cho Tập Cận Bình. Trương nói: “Chúng ta không chắc liệu Tập Cận Bình có vui sướng với việc xây dựng hình ảnh chính trị này hay không. Nhưng việc xây dựng hình ảnh này đã đi quá xa… tới mức mà Tập Cận Bình đã trở thành một người có quyền lực tuyệt đối”. Lý Đại Thống, một nhà bình luận tin tức có tư tưởng tự do, nói rằng ông “khó chịu với khuynh hướng xấu xa của sự sùng bái cá nhân đang được xây dựng quanh Tập Cận Bình”. “Các hệ thống và thể chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc tồi tệ, và các cách tư duy truyền thống có thể kích động Tập Cận Bình lặp lại những sai lầm cũ [trong kỷ nguyên Maoít]. Ding Wang, một nhà Hán học kỳ cựu tại Hong Kong, nhìn ra sự thể của việc khôi phục lại “chính trị tập quyền” kiểu Mao Trạch Đông. Đinh Hương viết: “Tân Hoàng đế Tập Cận Bình đang cầm dao để đán áp các ý tưởng phương Tây và áp đặt tính chính thống. Đồng hồ đang được vặn ngược trở lại và chúng ta dường như đang ở giữa thời kỳ gần như Cách mạng Văn hóa”.

Có lẽ quan trọng hơn là thực tế rằng bất chấp sự phổ biến rõ ràng của thuyết tân chủ nghĩa độc đoán – rằng các cải cách có thể được xúc tiến nếu chúng đang được thúc đẩy bởi một người đứng đầu thực sự có quyền hành – không có bằng chứng nào cho thấy rằng bộ máy đảng-nhà nước đang “cải cách sâu sắc toàn diện” với một phương thức hiệu quả. Chẳng hạn, xét sự hình thành của Khu vực thương mại tự do (FTZ), một trong những đề xuất cấp tiến nhất được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 3 vào tháng 11/2013. Bất chấp những cam kết rằng gần 20 khu vực thương mại tự do sẽ được thành lập khắp Trung Quốc, nhưng đến nay mới chỉ có 4 khu vực thương mại tự do được công bố. Và Khu vực thương mại tự do Thượng Hải, một khu vực thí điểm mẫu được thành lập 2 tháng trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 3, đã bị các tập đoàn phương Tây đánh giá bằng sự hoài nghi, nếu không muốn nói là chán nản về khả năng dễ dàng thâm nhập vào các lĩnh vực bị các công ty Trung Quốc có quan hệ rộng rãi nắm độc quyền. Sự do dự tương tự dường như cũng xuất hiện với việc cải cách hơn 100 yangqi, hay là các tổ hợp doanh nghiệp sở hữu nhà nước quản lý tập trung. Châm ngôn duy nhất của Tập Cận Bình, tuyên ngôn dường như có tác động tới các doanh nghiệp nhà nước độc quyền khổng lồ này, là lương của những người quản lý cấp cao sẽ bị cắt giảm một cách đáng kể cho phù hợp với chiến dịch quản trị trong sạch của “người hùng” Tập Cận Bình. Việc thiếu những thành tựu rõ ràng đối với cải cách kinh tế đã củng cố niềm tin rằng Tập Cận Bình đang củng cố quyền lực bằng sự tự đề cao theo kiểu Mao Trạch Đông chứ không phải là một cam kết thực sự đối với tự do hóa kiểu Đặng Tiểu Bình./.

Theo “Jamestown Foundation” (ngày 6/3)

 Hương Trà  (gt)