Trong số “những quyết định quan trọng” ít nổi bật được đưa ra từ Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 gần đây có quyết định đưa Trung Quốc đạt mục tiêu trở thành một “cường quốc văn hóa” thế giới. Quyết định này đã được nêu rõ trong một thông cáo được công bố bởi Hãng Thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. 

Khi nói đến “sức mạnh mềm”, bản thông cáo đã cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc vẫn chưa có được điều đó. Thông cáo này và những tài liệu khác giống như vậy đã cho thấy một quan điểm thực tế của các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, coi văn hóa chỉ là một công cụ để thúc đẩy động cơ của chính quyền nước này. 

Chỉ riêng cái tít tin của Tân Hoa Xã cũng đã là một sự tố cáo rõ ràng: “Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc văn hóa: Nghị quyết đảng Cộng sản Trung Quốc”. Vậy là Trung Quốc sẽ trở thành một “cường quốc văn hóa” toàn cầu bởi vì đây là điều mà đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định. Không may cho Trung Quốc là mọi chuyện không diễn ra theo đúng như vậy. Không có tổ chức quyền lực văn hóa nào trên thế giới có được điều đó nhờ vào một quyết định được đưa ra bởi bất kỳ một đảng hay một chính phủ nào. 

Bản thông cáo tiếp tục một cách vụng về: “Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy cải cách hệ thống văn hóa và xây dựng đất nước ta thành một cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa. Để tăng cường “quyền lực mềm” của quốc gia, Trung Quốc phải tôn trọng triệt để con đường phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc và củng cố vai trò định hướng của chủ nghĩa Mác trong các lĩnh vực tư tưởng”. 

Một tuyên bố như vậy thậm chí còn cho thấy tình trạng thiếu những kỹ năng thông tin cơ bản của một nước được cho là sẽ trở thành một cường quốc lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, ẩn giấu đằng sau những kỹ năng thông tin kém cỏi này còn chí là những kỹ năng tư tưởng tồi tệ. 

“Cải cách hệ thống văn hóa ư?” Văn hóa không phải là một hệ thống có thể được “cải cách” giống như hệ thống ngân hàng hay hệ thống thuế quan. Văn hóa phải hoàn toàn được phép và có quyền phát triển một cách tự do, sau đó được thúc đẩy để thế giới cùng thưởng thức văn hóa đó. Một ý niệm như vậy dĩ nhiên sẽ là một điều hoàn toàn xa lạ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, một đảng mà các nhà lãnh đạo của nó tin tưởng chắc chắn rằng tất cả các lĩnh vực của đời sống con người phải được kiểm soát, điều chỉnh và được tạo ra để phục vụ những lợi ích của đảng và Nhà nước Trung Quốc. 

Chúng ta hãy xem xét những thành công của các “cường quốc văn hóa” châu Á: Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Những sản phẩm văn hóa của họ đã đạt được thành công toàn cầu vượt xa những sản phẩm văn hóa của Trung Quốc. Ngay cả ở trong Trung Quốc Đại lục, các bộ phim, các show truyền hình, âm nhạc và các sản phẩm khác của những “cường quốc văn hóa” này cũng được ưa chuộng hơn những sản phẩm của Trung Quốc. Tại sao lại như vậy? Bởi vì các nghệ sĩ của những “cường quốc văn hóa” đó được quyền hoàn toàn tự do bày tỏ, và bởi vì các chính quyền của họ ủng hộ và thúc đẩy văn hóa mà không can thiệp vào công việc của họ. Về điểm này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể dễ dàng xem bài viết của Evan Osnos trên tờ The New Yorker , với nhan đề “Tại sao Trung Quốc thiếu Gangnam Style?". 

Trung Quốc cũng có thể có được thành công nhiều hơn trên phạm vi thế giới trong lĩnh vực văn hóa nếu như Chính phủ Trung Quốc thay đổi cách làm hiện nay. Chắc chắn là Trung Quốc không thiếu những tài năng văn hóa. Tuy nhiên, điều đó sẽ không sớm xảy ra. Thay đổi cách làm và chính sách không phải là điều mà Chính phủ Trung Quốc làm. Nhiều tài năng người Trung Quốc đang bị lãng phí bởi vì chính phủ nước này. 

Văn hóa Pháp sẽ như thế nào nếu như Chính phủ Pháp đưa ra một tuyên bố rằng: “Pháp phải tôn trọng triệt để con đường phát triển của văn hóa tư bản chủ nghĩa mang đặc sắc Pháp và củng cố vai trò định hướng của chủ nghĩa Bonaparte trong các lĩnh vực tư tưởng”? Nếu không phải là chủ nghĩa Bonaparte thì là chủ nghĩa Gaulle hoặc bất kể chủ nghĩa gì. Chỉ có Chúa mới biết được văn hóa Pháp khi đó sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là nó sẽ không giống như bất kỳ thứ gì đang được treo trên những bảo tàng vĩ đại ở Paris ngày hôm nay. 

Cũng có thể có ích nếu như Chính phủ Trung Quốc chấm dứt việc đề cập một cách ám ảnh đến văn hóa như là một hình thức sức mạnh. Những nỗ lực của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc nhằm giành được uy tín quốc tế lớn hơn cũng đã được miêu tả là một cách để tăng cường “sức mạnh văn hóa” của Trung Quốc. Những tuyên bố như vậy tạo ra ấn tượng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỉnh giấc giữa ban đêm và suy nghĩ về quyền lực. Trên hết, văn hóa không được coi là sức mạnh. 

“Sức mạnh mềm” là thứ hiệu quả nhất khi nó không được biểu lộ rõ ràng như quyền lực. Sức mạnh mềm là sức mạnh về sự thu hút, sự hấp dẫn, chứ không phải là sự ép buộc hay sự lôi kéo. Đó là điều làm cho nó khác với sức mạnh cứng. Tuy nhiên, những sự tinh tế như vậy dường như hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. 

Hơn nữa, nền văn hóa của một đất nước không chỉ tồn tại để phục vụ những lợi ích quyền lực của đảng cầm quyền và nhà nước. Nó tồn tại vì riêng mục đích của nó và vì lợi ích của việc thể hiện sự sáng tạo và sự thưởng thức của công chúng. Một nền văn hóa của một đất nước không nên bị làm cho trở thành nô lệ của hệ tư tưởng. Có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ không hiểu được khái niệm đó. 

Bản thông cáo của Hội nghị Trung ương 3 cũng nêu rõ: “Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ quan tuân thủ một định hướng đúng đắn về ý kiến công chúng và cải thiện sự quản lý đối với Internet”. Nói cách khác, yêu cầu này có nghĩa là: hãy kiểm duyệt nhiều hơn nữa. Trung Quốc hi vọng giành được sức mạnh mềm toàn diện, không bớt sự kiểm duyệt mà là kiểm duyệt chặt chẽ, kiểm duyệt nhiều hơn. 

Nếu có bất kỳ sự lạc quan nào cho bất kỳ ai về vấn đề này thì đó là: Những đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trong việc trở thành một nền văn hóa có nhiều ảnh hưởng trên thế giới sẽ có ít điều phải lo lắng. Trung Quốc sẽ không thể chiếm được những vị trí của họ trong tương lai gần./.

Asia Times Online

Thùy Anh (gt)