1-b955a.jpg

Là quốc gia có quy mô dân số và kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị khu vực và toàn cầu. Trong đó, tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình (Peace keeping operation - PKO) của Liên Hợp Quốc (LHQ) được Bắc Kinh coi trọng, thể hiện quyết tâm thúc đẩy quản trị quốc tế và các nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong thời kỳ hiện nay.

Vào thời điểm dường như Trung Quốc đang giữ khoảng cách với các thể chế quốc tế phương Tây như IMF, WB, NATO (bằng sự ra đời của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á), việc Trung Quốc ngày càng đóng góp nhiều hơn cả về tài chính lẫn nhân lực cho PKO có thể xem như là một điểm đối nghịch. Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu các nước P5 đóng góp số lượng quân nhân tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình, gồm lực lượng bộ binh, công binh và quân y và đứng thứ 6 thế giới về đóng góp tài chính cho PKO.

Trung Quốc tham gia ngày càng tăng vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ

Trong giai đoạn từ năm 1971-1989, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, luôn từ chối tham gia bỏ phiếu cũng như đóng góp tài chính cho PKO nhằm đảm bảo đường lối bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. Quan điểm này của Trung Quốc chỉ được thay đổi từ năm 1981 khi lần đầu tiên bỏ phiếu ủng hộ Lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ tại Síp (UNFICYP). Kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, LHQ mới thực sự triển khai được các hoạt động nhằm đảm bảo an ninh thế giới. Cũng chính từ năm 1989, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân chủ trương đường lối ưu tiên thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực và quyết định cử những quan sát viên quân sự đầu tiên tham gia PKO. Với mục tiêu trở thành một nhân tố gìn giữ hòa bình tại khu vực, củng cố vai trò tại khu vực Đông Nam Á thông qua khuôn khổ LHQ, trong giai đoạn từ năm 1989 - 2002, Trung Quốc đã cử hơn 700 công binh và 97 quan sát viên quân sự tham gia Chính quyền Quá độ của LHQ tại Campuchia (UNTAC) và 207 cảnh sát tham gia Chính quyền Chuyển giao LHQ tại Đông Timor (UNTAET). Giai đoạn từ năm 2002 - 2012, Trung Quốc dưới thời của ông Hồ Cẩm Đào, đã triển khai một chiến lược “tham gia tích cực” trong các PKO và bắt đầu hướng sang khu vực châu Phi, nhất là khu vực Tây Sahara, tham gia vào các hoạt động tái thiết hậu xung đột.

Sự tham gia của Trung Quốc được LHQ đánh giá cao và lần đầu tiên Trung Quốc có sỹ quan chỉ huy đảm nhiệm ví trí tư lệnh lực lượng mũ nồi xanh tại Síp và tại khu vực Tây Sahara. Sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc trong các PKO tại lục địa đen được coi là một bước đi mang tính chiến lược. Cùng với sự hiện diện và hỗ trợ quân sự mà Trung Quốc coi như một hình thức hợp tác Nam - Nam, kể từ năm 2000, các cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Trung Quốc và các nước châu Phi được tổ chức thường xuyên và với số lượng tăng nhanh. Chính điều này được các nhà phân tích coi là những bước đi để Trung Quốc thực hiện chiến lược “chủ nghĩa thực dân mới”, theo đó, các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, tái thiết đất nước tại các nước châu Phi thường đi đôi với điều kiện được phép khai thác tài nguyên tại các nước này. Giai đoạn dưới thời Tập Cận Bình là giai đoạn Trung Quốc triển khai mạnh mẽ nhất các PKO, nhằm tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, củng cố sự hiện diện tại các khu vực có lợi ích. Cùng với các mục tiêu về chính trị, ngoại giao, sự tham gia tích cực của Trung Quốc trong lĩnh vực này, dưới danh nghĩa nhân tố quan trọng trong nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế, còn ẩn chứa động cơ kinh tế, nhất là đối với các khu vực giàu tài nguyên, khoáng sản và nhiều biến động như châu Phi. Vấn đề quan hệ thương mại với các nước được Bắc Kinh chú trọng và coi đó là một trong những ưu tiên khi lựa chọn các phái bộ để thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Trung Quốc xây dựng hình ảnh thông qua chính sách tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế

Trung Quốc nhận thức rõ hệ lụy từ cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 dẫn đến sự cô lập của cộng đồng quốc tế, coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với trật tự thế giới được hình thành trên cơ sở các quy tắc dân chủ. Do vậy, việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự cũng sẽ dẫn đến một nhận thức của các nước phương Tây mà đứng đầu là Mỹ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa. Để phản bác nhận thức đó, Trung Quốc chủ trương xây dựng hình ảnh quân đội của mình như một nhân tố ngoại giao nhằm tái thiết vai trò và uy tín quốc tế. Do vậy, chính sách tham gia gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ của LHQ là một công cụ hữu dụng nhất để thực hiện mục tiêu này: Trung Quốc tham gia tích cực vào tất cả các cơ chế ra quyết định của LHQ như Hội đồng Bảo An, Đại hội Đồng cũng như các khu vực xung đột nhăm thúc đẩy hình ảnh nhân tố không thể thiếu trong PKO. Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn triển khai hoạt động quân sự quốc tế dưới mũ của LHQ, trong khuôn khổ đa phương, trái ngược với chính sách của các nước P5 khác như Pháp, Mỹ, Anh, đi đầu trong việc đơn phương triển khai hoạt động can thiệp quân sự. Vai trò của Trung Quốc tại khuôn khổ này cũng được củng cố khi là nước duy nhất trong số các nước P5 liên tục tăng số lượng quân nhân tham gia lực lượng mũ nồi xanh (năm 2013: 1.850; năm 2014: 2.181; năm 2015: 2.838). Về đóng góp tài chính, Trung Quốc hiện đứng thứ 6 trong số các nước đóng góp tài chính, sau Mỹ (28% ngân sách của các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ năm 2015), Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh và trước Italia, Nga, Canada, Tây Ban Nha.

Hình thành các nguyên tắc can thiệp

Thông qua khuôn khổ LHQ, Trung Quốc chủ trương thúc đẩy nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và sự công bằng giữa các quốc gia trong quá trình hình thành các nguyên tắc cơ bản của quản trị toàn cầu, theo đó, chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, chỉ các quốc gia liên quan mới là các bên chính đáng trong việc giải quyết xung đột liên quan. Với việc hình thành khái niệm “trách nhiệm bảo vệ”, chủ quyền ở đây được hiểu là trách nhiệm, trách nhiệm của chính quốc gia liên quan, trách nhiệm đối với các quốc gia bị tổn thương trong xung đột, trách nhiệm nhân đạo và tái thiết. Trong bối cảnh đang có một sự chênh lệch lớn và ngày càng tăng giữa hành động quốc tế được quy định rõ trong Hiến chương LHQ coi các quốc gia là trung tâm và tập quán quốc gia cũng như nguyên tắc can thiệp đa phương đang biến chuyển, nhấn mạnh đến các giới hạn của chủ quyền, Trung Quốc chủ trương sử dụng công cụ hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm thúc đẩy nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại và đa phương của mình, đó là bảo vệ các quốc gia.

Với mục tiêu tạo dựng hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, cải thiện hình ảnh của quân đội sau sự kiện Thiên An Môn, chính sách can thiệp trong khuôn khổ đa phương LHQ của Trung Quốc phù hợp với chiến lược gia tăng sự hiện diện quốc tế, song song với chính sách tăng cường hỗ trợ phát triển. Thông qua hai hình thức hoạt động “nhân đạo” này, Trung Quốc theo đuổi bảo vệ nguyên tắc chủ quyền quốc gia trong cộng đồng quốc tế./.

Theo “IFRI

Nhật Linh (gt)