Xét về mặt địa lý, Mỹ không phải là một quốc gia Châu Á, nhưng xét về mặt trật tự Châu Á và ý nghĩa chiến lược thì Mỹ là một nước lớn Châu Á. Trật tự này đã bắt đầu từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mặc dù trong thời gian này đã phát sinh rất nhiều biến đổi, nhưng khuôn khổ căn bản và cốt lõi thì không thay đổi. Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc với sự đối đầu công khai giữa Mỹ và Liên Xô, thế giới phân làm hai cực trong đó một bên là phe Tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu và một bên là phe Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Để kiềm chế Liên Xô và Trung Quốc, về quân sự, Mỹ đã tạo dựng một số đồng minh quân sự tương tự như NATO ở khu vực Châu Á; về kinh tế, Mỹ ngoài cung cấp viện trợ còn mở cửa thị trường của mình cho các đồng minh, từ đó tạo nên kỳ tích kinh tế Nhật Bản và 04 con rồng Châu Á (Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Công). Về mặt chính trị, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đều mô phỏng theo chế độ của Mỹ. Những năm 70 của thế kỷ XX, do mâu thuẫn và chia rẽ trong quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc cải thiện quan hệ với Mỹ và được đưa vào trật tự Châu Á của Mỹ, trở thành một thành viên bán chính thức trong trật tự này. Quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và một số quốc gia Châu Á khác cũng dần được hòa giải và phát triển.

Từ sau thập niên 90 của thế kỷ XX, Châu Á bước vào một thời kỳ tương đối hòa bình và ổn định, kinh tế phát triển nhanh chóng. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã góp phần thúc đẩy Trung Quốc và các nước Châu Á phát triển và trỗi dậy mạnh mẽ; mối liên kết lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia đã dẫn đến sự hình thành và phát triển nhất thể hóa của kinh tế khu vực Châu Á. Đồng thời, quá trình nhất thể hóa về kinh tế lại góp phần thúc đẩy Châu Á phát triển hướng tới nhất thể hóa chính trị và ngăn cản sự “Phương Tây hóa”. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đã khiến các quốc gia Châu Á thức tỉnh, họ ý thức được rằng không thể dựa dẫm vào Mỹ và Phương Tây, sự phát triển của Châu Á chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình, có thể xem đây là thời đại “Châu Á thức tỉnh”, “Châu Á trỗi dậy”, thời đại “Châu Á thuộc về người Châu Á”. Châu Á trở thành khu vực kinh tế phát triển năng động nhất của thế giới, trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thời đại hoàng kim này đang đi đến tàn lụi, cùng với việc Mỹ quay lại Châu Á.

Nước Mỹ đang suy thoái, nhưng Mỹ vẫn đang là cường quốc mạnh nhất thế giới đương đại và là người chủ đạo của hệ thống quốc tế hiện nay. Bởi vậy mục tiêu chiến lược của Mỹ là phải duy trì bằng được địa vị lãnh đạo thế giới của họ, do đó sự trỗi dậy của bất kỳ quốc gia nào, dù là lớn hay nhỏ, đều có thể trở thành mối đe dọa đối với Mỹ. Mỹ tuyên bố quay trở lại Châu Á, đưa mục tiêu chiến lược toàn cầu chuyển hướng vào Châu Á và khóa chặt Trung Quốc, mục đích là nhằm lấy lại địa vị lãnh đạo của họ ở Châu Á, gia cố cho trật tự Châu Á trong đó Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Chính sách của Mỹ là, trước hết về mặt dư luận Mỹ cổ súy cho cái gọi là “thuyết về mối đe dọa Trung Quốc”; tiếp đó là khơi dậy mâu thuẫn trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, quốc tế hóa những vấn đề lịch sử để lại và những vấn đề mang tính khu vực; thứ ba, xúc tiến thực hiện “ngoại giao giá trị quan”, lôi kéo các đồng minh cũ nhằm kiềm chế Trung Quốc; cuối cùng là luân phiên tiến hành các hoạt động tập trận chung với các nước liên quan.

Cùng với sự quay trở lại của Mỹ, Châu Á đang dần bị đưa trở về trật tự trong đó Mỹ chiếm vai trò chủ đạo; nòng cốt của trật tự này là đồng minh Mỹ - Nhật, thêm vào đó là Hàn Quốc, Australia… Khuôn khổ của trật tự này là hình thành một vòng vây hình chữ C bao vây Trung Quốc, tức cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”. Mục đích là nhằm cô lập và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ đó hình thành nên cái gọi là sự cân bằng chiến lược.

Đối mặt với cục diện này, Trung Quốc có 3 lựa chọn chiến lược:

Một là đối đầu trực diện, đoạt lấy địa vị chủ đạo cho mình. Nhưng rõ ràng là Trung Quốc hiện nay chưa đủ thực lực và cũng chưa có ý đồ làm việc này. Thực ra, cái gọi là thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc” cũng chỉ là cái cớ dư luận để kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy, mục đích thực chất là nhằm “đe dọa Trung Quốc”.

Hai là hội nhập vào hệ thống trật tự Châu Á hiện nay, đồng thời trên cơ sở đó từng bước tìm kiếm sự thay đổi, làm cho hệ thống đó cởi mở hơn và bao dung hơn. Thực tế là, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng chính là kết quả của việc hội nhập vào trật tự hiện có của Châu Á. Kinh tế Trung Quốc đã có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời với kinh tế các quốc gia Châu Á khác.

Ba là quay trở lại với chính sách “giấu mình chờ thời”, thu mình né tránh mọi xung đột và âm thầm phát triển. Lựa chọn này cũng giống như hoàn cảnh và đối sách của Mỹ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

So sánh ba lựa chọn trên, thì lựa chọn thứ hai có vẻ là thượng sách. Tuy nhiên điều này cũng còn phụ thuộc vào sự thay đổi của quan hệ Trung – Mỹ và sự lựa chọn lý tính của các quốc gia Châu Á khác. Sở dĩ nói lựa chọn thứ hai là lý tưởng nhất, vì một mặt nó có thể đảm bảo cho một Châu Á ổn định và phồn vinh, trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới; mặt khác cũng có thể đảm bảo cho Trung Quốc tiếp tục phát triển hòa bình, với cái giá phải trả là nhỏ nhất./.

Theo Mạng ‘Tin tức Trung Quốc’ (ngày 31/10/2011)

Vũ Hiền (gt)