Tuy nhiên, Bắc Kinh rốt cuộc có thể (dù không sớm) vẫn thành công trong việc mở rộng doanh số bán vũ khí toàn cầu. Một bài viết trên tờ "Thời báo New York" số ra ngày 20/10/2013 đã nêu bật sự nổi lên của Trung Quốc như một nhà xuất khẩu vũ khí hiện đại lớn. Theo truyền thống, thị trường vũ khí toàn cầu thường do một nhóm các nhà cung cấp chủ yếu là phương Tây thống trị: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và gần đây là Israel. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang tạo ra sự cạnh tranh nghiêm túc, với khả năng cung ứng những vũ khí phức tạp với giá thành cực thấp. Theo báo này, danh sách bán của Trung Quốc gồm máy bay không người lái kiểu Predator, hệ thống phòng không tương tự như tên lửa Patriot, và thậm chí có thể cả máy bay tiêm kích tàng hình.

Những thành công gần đây của Trung Quốc với tư cách nhà xuất khẩu vũ khí là ấn tượng. Nước này luôn nằm trong top 5 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu những năm gần đây, với doanh thu trung bình khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Họ đang mở rộng nền tảng khách hàng truyền thống ở Nam Á và châu Phi cũng như bắt đầu thâm nhập những thị trường mới như Mỹ Latinh và Trung Đông. Đặc biệt, những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng các thương vụ lớn tới Venezuela, Bolivia. Thậm chí cả thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9 đã nhất trí mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc có giá lên tới 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, có thể còn quá sớm để tuyên bố Trung Quốc là quyền lực mới trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu. Vị trí của Trung Quốc như là nhà xuất khẩu vũ khí vẫn khá mong manh, đặc biệt đối với những hệ thống công nghệ cao như chiến đấu cơ siêu thanh, tàu ngầm, vũ khí dẫn đường chính xác. Hầu hết thương vụ vũ khí lớn nhất của Trung Quốc vẫn chỉ hướng tới một số khách hàng nhất định, chủ yếu là Pakistan và Bangladesh. Theo thống kê của Tạp chí quân sự "HIS Jane’s", riêng hai quốc gia này đã chiếm tới phân nửa tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc năm 2012. Ngoài ra, cũng không chắc Trung Quốc có thể duy trì số khách hàng mới của mình trong dài hạn.

Myanmar đã mua lượng lớn vũ khí của Trung Quốc trong những năm 1990 và đầu thập niên 2000, song đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Iran cũng vậy, từng là nhà nhập khẩu vũ khí lớn của Trung Quốc, song nhiều năm qua không còn đặt đơn hàng mới với Bắc Kinh. Ngoài ra, ngoài một số sản phẩm công nghệ cao mang tính cạnh tranh, như tên lửa đạn đạo HQ-9 Sam hay C-802 chống hạm, hầu hết vũ khí bán ra của Trung Quốc vẫn thuộc loại bình dân. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng tương đối đơn giản như xe vũ trang hạng nhẹ, hệ thống pháo, máy bay tuần tra, và tên lửa SAM vác vai. Một trong những mặt hàng bán chạy nhất của Trung Quốc là máy bay K-8. Đây là loại máy bay tiêm kích và huấn luyện dưới tốc độ âm thanh tương đối không phức tạp, phù hợp với phần lớn các nước đang phát triển ít tiền hoặc không có điều kiện huấn luyện để vận hành máy bay tiêm kích hiện đại. Nhiều hệ thống vũ khí hiện đại hơn của Trung Quốc, như chiến đấu cơ J-10 và JF-17, nhận được rất ít đơn đặt hàng. 

Điều đáng nói hơn về những thương vụ xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc là những thứ mà nước này không bán, phần lớn là loại vũ khí biến đổi như đạn thông minh, hệ thống giám sát theo dõi, hệ thống chiến đấu hiện đại và thiết bị điện tử phòng vệ. Chẳng hạn như theo bài viết trên 'Thời báo New York", Algeria đặt mua tàu hộ tống của Trung Quốc, song lại trang bị rađa và phụ tùng liên lạc của Pháp cho chúng. Trung Quốc vẫn còn kém phương Tây trong các loại tên lửa SLAM và máy bay tấn công không người lái.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trên thị trường vũ khí toàn cầu có thể tác động đến việc quyết định mua sắm vũ khí ở nội bộ Đông Nam Á. Nhiều nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã mua một số loại vũ khí Trung Quốc. Myanmar dĩ nhiên là khách hàng lớn nhất ở Đông Nam Á, khi mua máy bay huấn luyện K-8, xe bọc thép, tàu hộ tống và tàu khu trục nhỏ trang bị tên lửa hành trình chống hạm. Campuchia và Malaysia cũng mua tên lửa SAM của Trung Quốc. Lào mua máy bay trực thăng và máy bay vận tải hạng nhẹ, còn Timor Leste mua tàu tuần tra nhỏ. Thái Lan mới đây mua hai tàu khu trục nhỏ từ Trung Quốc, trong khi Jakarta không chỉ mua tên lửa SAM và tên lửa hành trình chống hạm, nước này còn tham gia nhiều dự án chung với Bắc Kinh để phát triển lĩnh vực tên lửa của Indonesia.

Dù các thương vụ này vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, song các nước ASEAN có thể đang cảm thấy gia tăng áp lực phải mua thêm vũ khí từ Bắc Kinh trong bối cảnh sức mạnh Trung Quốc gia tăng ở châu Á cũng như khả năng Mỹ giảm sự hiện diện trong khu vực. Vì thế, với hầu hết các nước Đông Nam Á, mua vũ khí từ Trung Quốc vẫn là quyết định mang tính chính trị nhiều hơn xuất phát từ nhu cầu quân sự thực sự. Một vài nước ASEAN, đặc biệt là Philippines, Singapore và Việt Nam, có vẻ sẽ không bao giờ mua vũ khí Trung Quốc.

Việc Trung Quốc dần nổi lên như là nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn sẽ có tác động lớn đến Đông Nam Á, có nguy cơ làm thay đổi sự cân bằng quân sự khu vực. Ngoài ra, việc Trung Quốc sẵn sàng bán tất cả các loại vũ khí có thể tạo ra một biến số mới không thể dự đoán trên thị trường vũ khí ASEAN, thậm chí có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang khu vực. 

Theo "RSIS"

Vũ Hiền (gt)