Các nhà quan sát cho rằng tầng lớp quan chức địa phương mới này sẽ là bước quan trọng để mở đường cho sự chuyển giao lãnh đạo thuận lợi tại Trung Quốc dự kiến vào tháng 8 tới. Trong những tuần gần đây, lưỡng hội, kỳ họp thường niên của cơ quan lập pháp và nhóm tham vấn chính trị tại các cấp thành phố, tỉnh và khu vực đã diễn ra trên cả nước, trong đó các tỉnh Hà Bắc, Quảng Đông, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Hải Nam và Vân Nam đã thông qua việc bổ nhiệm các thị trưởng mới. Hà Bắc, Vân Nam, Hải Nam, Can Túc và Trùng Khánh đã thông qua việc bổ nhiệm các vị trí cao cấp trong cơ quan lập pháp. Hà Bắc, Giang Tây, Vân Nam, Thanh Hải và Quảng Tây đã có lãnh đạo mới tại hội nghị chính hiệp của tỉnh.

Tất cả 17 cán bộ chủ chốt mới của các tỉnh này đều sinh sau năm 1950 và 15 người có bằng Thạc sĩ trở lên và 3 có bằng Tiến sĩ. Trương Khánh Vĩ, 50 tuổi hiện đang giữ chức quyền tỉnh trưởng Hà Bắc, vốn là người đứng đầu Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc vào mùa hè năm 2011. Ông Trương cùng với tỉnh trưởng Phúc Kiến Tô Thụ Lâm và Bí thư tỉnh Hồ Nam Chu Cường, đều là những người sinh sau năm 1960 và trở thành một trong những quan chức tỉnh trẻ nhất.

Ông Zhu Lijia, giáo sư Học viện Quản lý Trung Quốc cho biết hiện có xu hướng ngày càng tăng là đưa các cán bộ sinh sau những năm 1960 vào vị trí lãnh đạo. “Trong số 397 thành viên các Ủy ban Thường vụ cấp tỉnh, thành phố và khu vực trên toàn Trung Quốc thì hầu hết đều sinh vào những năm 1960 và nhóm này sẽ đóng vai trò quyết định, tiên phong trong công cuộc cải cách mới của Trung Quốc. Khoảng 20% trong số các quan chức này có bằng tiến sĩ và điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi xem tới sự phát triển toàn diện hiện nay của Trung Quốc. Ông Trương Khánh Vĩ và ông Tô Thụ Lâm, đã từng là người đứng đầu tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nhà nước Sinopec, và cả hai đều được coi là những nhà kỹ trị. Một số nhà quan sát còn nhận định chính nền tảng quản lý doanh nghiệp của họ có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Ông Zhu cũng kêu gọi các quan chức này cần chuyển kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp nhà nước lớn sang quản lý hành chính bởi điều này hoàn toàn khác giữa quản lý một doanh nghiệp lớn và một xã hội. Những thay đổi lớn liên quan đến mâu thuẫn xã hội và những phức tạp của Trung Quốc cùng với nhiều vấn đề sẽ gia tăng nếu xã hội được quản lý theo cách điều hành một công ty. Ngoài ông Trương Khánh Vĩ và tỉnh trưởng Giang Tây Lục Tâm Xã, người đã làm việc tại Bộ Tài nguyên và đất đai trong hơn 20 năm qua, 5 tỉnh trưởng mới khác đều có nhiều kinh nghiệm quản lý ở cấp địa phương. Tỉnh trưởng Quảng Đông Chu Hiểu Đan đã có 41 năm công tác tại tỉnh. Tỉnh trưởng Chiết Giang Hạ Bảo Long và tỉnh trưởng Vân Nam Lý Kế Hằng đã được bổ nhiệm trở thành người đứng đầu các tỉnh sau khi là phó tỉnh trưởng trong hơn 5 năm. Bà Lý Bân, nữ tỉnh trưởng mới duy nhất đã được chuyển tới An Huy từ tháng 12/2011 từ vị trí chủ tịch Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa Gia đình. Với bằng tiến sĩ kinh tế, bà đã trở thành người phụ nữ đứng đầu tỉnh thứ 3 của Trung Quốc.

Tờ Nhật báo Phương Nam bình luận việc cử các quan chức từng làm việc trong các cơ quan trung ương tới các địa phương để giúp họ tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc và củng cố sự nghiệp chính trị của họ. Ngoài ra, luân chuyển cán bộ từ tỉnh này sang tỉnh kia nhằm tránh xung đột lợi ích. Việc thăng chức cho các cán bộ trong tỉnh cũng tạo cơ hội cho các cán bộ mới phát huy hết năng lực của mình./.

Theo Thời báo Hoàn cầu (ngày 28/2)

Lê Sơn (gt)