Nhưng bị hạn chế bởi các cuộc xung đột nội bộ, Trung Quốc từ bỏ các nỗ lực hải quân và năm 1500, người Trung Quốc lại bắt đầu xây dựng những chiếc tàu hiện đại và có nhiều cột buồm để vươn đến các vùng biển xa. Hiện nay khi nền kinh tế phát triển, sức mạnh của lực lượng hải quân Trung Quốc cũng đang gia tăng trở lại. Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã và đang sản xuất các loại tàu khu trục lớn và nhỏ, tàu ngầm và tàu chiến được trang bị tên lửa với tốc độ chưa từng thấy. Tháng 9/2012, hải quân Trung Quốc được bàn giao tàu sân bay đầu tiên mang tên “Liêu Ninh” cho lực lượng hải quân. Các tư lệnh hải quân Mỹ, được lệnh di chuyển phần lớn hạm đội đến chiến trường Thái Bình Dương, nhận định rõ ràng Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân có khả năng hoạt động lâu dài khắp các đại dương và có thể triển khai sức mạnh ở các khu vực biển xa.

Mặc dù phủ nhận “Chính sách trở lại Thái Bình Dương” nhằm bao vây ngăn chặn Trung Quốc, nhưng Chính phủ Mỹ thường xuyên yêu cầu PLA phải “minh bạch” hơn nữa về ngân sách quốc phòng, quân số, vũ khí, chiến lược quân sự... Ông Jan Van Tol, thuyền trưởng nghỉ hưu của hải quân Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược ở Oasinhtơn, nhận xét: “Hải quân Trung Quốc không cho biết rõ lý do tại sao họ cần có các loại tàu chiến đó”. Ông cho rằng Trung Quốc không cần một hàng không mẫu hạm để đánh chiếm Đài Loan, bởi vì hòn đảo này bị Trung Quốc coi là tỉnh nổi loạn đang nằm trong tầm hoạt động của các máy bay của Đại lục. Ông Van Tol dự đoán rất có thể Trung Quốc cần xây dựng lực lượng hải quân hoạt động trên các vùng biển xa nhằm bảo vệ các tuyến đường hàng hải thương mại của họ chứ không dựa vào Mỹ để đảm bảo tự do hàng hải.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm 2012 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đạt 3.870 tỷ USD, lần đầu tiên vượt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 3.820 tỷ USD của Mỹ. Trung Quốc cũng có thể đang tìm cách cạnh tranh với Mỹ để tăng cường sức mạnh hải quân và xây dựng ảnh hưởng. Ông Van Tol nói: “Hiện nay, Trung Quốc muốn làm bất cứ điều gì mà người Mỹ có thể làm và họ có thể nói rằng chúng tôi đang có mặt ở đây, trong khu vực”. Đại tá Lưu Minh Phúc thuộc Đại học Quốc phòng của PLA, tuyên bố trước các phương tiện truyền thông Ôxtrâylia tháng 2/2013 rằng mục tiêu của Trung Quốc là ép Mỹ rút khỏi Tây Thái Bình Dương. Ông Minh Phúc cho rằng ảnh hưởng chiến lược của Mỹ sẽ chỉ hạn chế ở “phía Đông của đường trung tâm Thái Bình Dương” bởi vì sức mạnh của Trung Quốc đã thay thế Mỹ khắp khu vực Đông Á, kể cả Ôxtrâylia. 

Những tuyên bố như vậy đã cảnh báo các quan chức chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ. Gần đây thuyền trưởng James Fanell, phó tham mưu trưởng phụ trách hoạt động tình báo và thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương phát biểu trước các quan chức của Viện Hải quân Mỹ tại San Diego rằng hải quân Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và duy trì sự hiện diện mạnh mẽ xung quanh biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông cho rằng những hoạt động tiến ra các khu vực biển xa của một quốc gia lớn như Trung Quốc là không tránh khỏi. Nhưng điều đáng nói là sự bành trướng của Trung Quốc ở các khu vực xa chủ yếu nhằm mục đích chống lại hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Mới đây Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết đầu năm nay một tàu khu trục lớn và hai tàu khu trục nhỏ của hải quân PLA đã tổ chức diễn tập ở Tây Thái Bình Dương với các tình huống như: đối đầu trên biển, tác chiến cơ động trên vùng biển xa đất liền, tăng cường luật pháp và chỉ huy hải quân ở vùng biển xa. Ông Fanell khẳng định rõ ràng Hải quân Trung Quốc đang chú trọng chiến lược chiến tranh trên biển và đánh chìm hạm đội của đối phương. Nhiều bằng chứng cho thấy hải quân Trung Quốc có tham vọng vươn ra các vùng biển bên ngoài Thái Bình Dương.

Năm 2011, Trung Quốc đưa một tàu khu trục nhỏ vượt qua kênh đào Xuyê để thực hiện nhiệm vụ sơ tán công dân trong thời gian xảy ra tình trạng bất ổn ở Libi và nhiều tàu chiến của Trung Quốc đã tham gia các nỗ lực chống cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Xômali. Theo bản báo cáo tháng 12/2012 về hiện đại hóa lực lượng hải quân Trung Quốc của Cơ quan Nghiên cứu trực thuộc Quốc hội Mỹ, hải quân Trung Quốc có 275 tàu, trong đó có 75 tàu chiến, 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và 85 tàu trang bị tên lửa. Trong khi đó sức mạnh chủ yếu hiện nay của hải quân Mỹ gồm 285 tàu chiến và tàu ngầm. Mặc dù hai lực lượng hải quân Mỹ và Trung Quốc tương đương về số lượng, nhưng khó có thể so sánh. Trung Quốc mô tả một tàu chiến của họ giống như một “tàu khu trục nhỏ” không thể ngang bằng với các tàu chiến của Mỹ, tuy nhiên hiện nay hải quân Trung Quốc đã và đang đóng mới nhiều tàu chiến với tốc độ chóng mặt. Trung Quốc có một ngành công nghiệp đóng tàu thương mại rất lớn có khả năng sản xuất các tàu chất lượng cao. 

Hải quân Trung Quốc có một số thiết kế mới như các tàu khu trục lớp Lan Châu, được trang bị các loại radar hiện đại. Từ năm 2004 đến nay, hải quân Trung Quốc trang bị hơn 80 tàu tên lửa lớp Hầu Bắc mới và hiện đang đặt mua nhiều tàu ngầm chạy bằng động cơ điêden ngày càng hiện đại. Ông Ralph Cossa, quan chức của Diễn đàn Thái Bình Dương ở Haoai, cho biết hải quân Trung Quốc có hạm đội tàu ngầm hiện đại nhờ mua của Nga hoặc sao chép từ các loại tàu ngầm của các nước. Tất nhiên, Nga không bao giờ bán loại tàu ngầm tốt nhất của họ cho Trung Quốc. Vì vậy, nhiều khả năng Trung Quốc đã sao chép các mẫu tàu ngầm kiểu mới để sản xuất trong nước. Nhưng ông Lyle Goldstein, phó giáo sư của Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, đánh giá khả năng chiến tranh chống ngầm của Trung Quốc vẫn còn yếu. Trung Quốc nỗ lực rất lớn để nghiên cứu và cải thiện khả năng định vị mục tiêu dưới nước của các tàu ngầm nhưng khả năng vẫn tụt hậu ít nhất hai thập kỷ so với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Ông Goldstein nói: “Chắc chắn trong thập kỷ tới hải quân Mỹ và Trung Quốc sẽ tồn tại một khoảng cách lớn về lực lượng tàu ngầm. Vì vậy, Mỹ cần đầu tư hơn nữa để duy trì khoảng cách đó”. Tàu ngầm tấn công của Mỹ có ưu thế hỏa lực mạnh và khả năng tồn tại, do đó đây sẽ là phương tiện răn đe mạnh mẽ và cần được bảo vệ để không bị ảnh hưởng bởi các chương trình cắt giảm ngân sách. Tất nhiên, loại tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) do Trung Quốc phát triển sẽ là loại vũ khí mạnh mặc dù chưa dấu hiệu nào cho thấy các vụ thử tên lửa nhằm vào mục tiêu di động trên biển thành công. 

So với chương trình phát triển của lực lượng hải quân Liên Xô trước đây - mỗi tháng dự kiến sản xuất một tàu ngầm mới trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh - các nỗ lực của Trung Quốc được cân nhắc kỹ hơn. Chương trình sản xuất tàu sân bay có nhiều tiến bộ nhưng khá chậm. Trung Quốc dường như không vội vàng. Mặc dù Trung Quốc có đủ khả năng để xây dựng một lực lượng hải quân giống như hải quân Mỹ trong 15 năm, nhưng họ vẫn kiềm chế. Thiếu kinh nghiệm tác chiến trên biển của hải quân PLA là một vấn đề khác. Hải quân Mỹ đã trải qua 90 năm mới đạt trình độ như hiện nay về các hoạt động của các tàu sân bay. Hải quân Mỹ mất khá nhiều thời gian huấn luyện và rủi ro trước khi đạt được mức độ tác chiến như vậy. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc mới chỉ bắt đầu và không ai có thể dự đoán họ sẽ đi đến đâu. Thậm chí ông Cossa xếp lực lượng hải quân Trung Quốc sau Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản. Ông nhận định người Trung Quốc đang phát triển nhưng rõ ràng hải quân Nhật Bản đã vượt xa Trung Quốc về công nghệ, huấn luyện và hoạt động dài ngày trên biển. Chẳng bao lâu nữa, hải quân Trung Quốc có thể so sánh sức mạnh với các hạm đội Tây Ban Nha và Italia, nhưng đưa vào sử dụng một tàu sân bay chưa đủ để cạnh tranh với các cường quốc hàng đầu trên thế giới. 

Thực tế, mỗi tàu sân bay cần phải có sự yểm trợ của các tàu chiến trang bị tên lửa và tàu ngầm, và Trung Quốc phải mất nhiều năm nữa mới đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó. Nhằm cố gắng đạt được kinh nghiệm về hoạt động biển xa, hiện nay hải quân Trung Quốc đang vươn tới các vùng biển cách xa đất liền. Trong những năm gần đây, các tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã đến thăm các bến cảng ở Phigi và Niu Dilân. Một báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định: “Trung Quốc đang xây dựng các mối quan hệ chiến lược dọc các tuyến đường biển từ Trung Đông đến Biển Đông bằng nhiều biện pháp cả phòng thủ và tấn công nhằm bảo vệ các lợi ích năng lượng và phục vụ các mục tiêu an ninh rộng lớn của Trung Quốc.

Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc mới đây đưa tin một công ty Trung Quốc đã giành quyền quản lý hoạt động của bến cảng chiến lược Gwadar ở Pakixtan, cửa ngõ đến eo biển Hormuz và là một căn cứ hải quân tiềm năng. Ông Goldstein cho biết sự hiện diện của Trung Quốc ở các bến cảng nước ngoài gần như hoàn toàn mang tính chất thương mại, nhưng nếu muốn hoạt động xa đất liền, hải quân Trung Quốc cần nơi để tiếp liệu và sửa chữa tàu thuyền. Ông nói: “Nhiều năm qua, Trung Quốc lên án các quốc gia có căn cứ ở nước ngoài. Chúng ta đã chứng kiến nhiều chuyến thăm của các tàu chiến Trung Quốc mà chưa thấy các nỗ lực xây dựng và duy trì một căn cứ ở nước ngoài. Nhưng tương lai không xa, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra”. 

Theo “Stripes

Lê Sơn (gt)