PV: Tạp chí Foreign Affairs số mới nhất đã vẽ một bức tranh về Trung Quốc như một quốc gia đang đối mặt với những thách thức kinh điển đang trong giai đoạn phát triển. Bài viết cho rằng các thể chế hiện hành của Trung Quốc có thể không đủ khả năng giải quyết những vấn đề của nước này trong dài hạn và Bắc Kinh dường như cũng không thể tiến hành những cải cách có thể hữu ích bởi chúng sẽ đe dọa vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Martin Jacques: Trung Quốc đã làm đặc biệt tốt trong hơn 35 năm qua. Họ đã cho thấy khả năng cải cách rất lớn, không chỉ với kinh tế mà còn cả chính trị. Bởi nếu tăng trưởng với tốc độ khoảng 10%/năm, nền kinh tế sẽ tăng gấp đôi quy mô sau mỗi 7 năm. Giờ đây, dường như tốc độ này sẽ là 10 năm với mức tăng trưởng hiện tại. Sẽ là không khả thi để các thể chế hiện nay có thể ứng phó với mức độ thay đổi này nếu không liên tục được đổi mới. Nhìn chung, vấn đề này đang bị phương Tây đánh giá quá thấp. Foreign Affairs là một tạp chí của giới chính sách đối ngoại Mỹ, và về tổng thể, họ không thừa nhận cải cách chính trị ở Trung Quốc bởi cải cách chính trị duy nhất mà họ thừa nhận là cái sẽ đẩy Bắc Kinh lại gần phương Tây hơn. Vì thế, nếu Trung Quốc không làm vậy, họ sẽ không được thừa nhận.

Điều đầu tiên cần phải nói là Trung Quốc có một hồ sơ rất rất tốt, đặc biệt về quản trị. Điều này, hơn bất kỳ các yếu tố đơn lẻ nào khác, ngoại trừ những lý do lịch sử lớn hơn, là lý do tại sao Trung Quốc tự chuyển đổi. Bạn cần phải nhớ, đây là sự chuyển đổi kinh tế đáng nói nhất trong lịch sử nhân loại. Nó vượt xa bất kỳ thành tựu nào của phương Tây, của Anh hay Mỹ…Giờ đây, sự thật là Trung Quốc đang đối mặt với một loạt vấn đề mới. Nếu là một nước đang phát triển nghèo khó như Trung Quốc trước đây, người ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất lớn, chính vì thế, có vấn đề không phải là điều mới mẻ. Các vấn đề này cần phải được tách biệt, bởi ở mỗi giai đoạn phát triển, người ta sẽ có những vấn đề mới, và vấn đề đơn lẻ lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là thay đổi bản chất nền kinh tế từ một nền kinh tế được thúc đẩy bởi xuất khẩu và đầu tư, sang một nền kinh tế tập trung hơn vào thị trường trong nước, và chú trọng hơn vào nền sản xuất giá trị gia tăng và năng suất lao động cao hơn. Đó là một quá trình chuyển đổi khó khăn, nhưng không phải là không thể.

Vì thế câu hỏi đặt ra là liệu các thể chế quản trị, Đảng Cộng sản, hệ thống chính trị... sẽ có thể tiếp tục thành công chỉ khi họ chấp nhận một hệ thống chính phủ kiểu phương Tây hay không. Tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến này. Tôi cho rằng người ta sẽ không chứng kiến một quá trình cải cách lớn hướng đến một hệ thống kiểu phương Tây và tôi không cho rằng đây là điều kiện tiên quyết cho sự chuyển đổi của Trung Quốc.

Trái lại, tôi cho rằng hệ thống chính phủ của Trung Quốc, theo cách nào đó, ngày càng trở thành một hệ thống mà phương Tây sẽ phải học tập. Ý tôi không phải là họ sẽ áp dụng hệ thống của Trung Quốc, mà là hệ thống của Trung Quốc có những ưu điểm hơn phương Tây, cũng như một số khó khăn. Ưu điểm là nó có quyền lực tuyệt đối. Quả thực, những gì hệ thống Trung Quốc thực sự làm tốt là rất hiệu quả và, cũng như năng lực cải cách, là quá trình tiếp diễn. Tôi cho rằng nhà nước Trung Quốc, đặc biệt là vì nó là một nhà nước đang phát triển, có thẩm quyền lớn. Vấn đề với cách tư duy đó là quan điểm của phương Tây về Trung Quốc, với rất nhiều phiên bản khác nhau trong hơn 30 năm qua, và nó luôn sai. Đến nay, nó luôn sai.

PV: Ông có nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sử dụng tăng trưởng kinh tế để hợp pháp hóa quyền lực của họ hay không? Với việc tăng trưởng đang giảm tốc và những lo ngại ngày càng tăng về một cuộc hạ cánh cứng, ông có nhìn thấy trước sự thay đổi nào trong cách thức Đảng Cộng sản hợp pháp hóa sự lãnh đạo của mình? Liệu người dân Trung Quốc có chấp nhận nó?

Martin Jacques:  Trong mọi cuộc thăm dò, như cuộc thăm dò được Pew Global Attitudes thực hiện, Trung Quốc được ghi nhận với mức độ thỏa mãn cao nhất về chính phủ so với mọi quốc gia khác trên thế giới. Tôi cho rằng đang có thiện chí rất lớn ở Trung Quốc đối với chính phủ. Ý tôi không phải là không có các cuộc biểu tình và chỉ trích – dĩ nhiên là có, điều này hoàn toàn nằm trong trông đợi. Song, về cơ bản, đang có thiện chí rất lớn đối với chính phủ ở Trung Quốc. Nếu thực sự có cuộc hạ cánh cứng nghiêm trọng, nếu họ làm giống như Nhật Bản vào cuối thời kì bong bóng, điều này rõ ràng sẽ tác động đến sự ủng hộ của dư luận. Song, tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra. Tôi cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm bởi đã đến mức tới hạn về kinh tế, song sẽ không xảy ra bất kỳ điều gì như với Nhật Bản.

Mặt khác, mức độ thỏa mãn cao với chính phủ ở Trung Quốc dĩ nhiên có liên quan đến thành công kinh tế của họ. Song tôi không cho rằng điều này chỉ vì thành công kinh tế. Tôi nghĩ điều ta cần làm là phải hiểu Trung Quốc là gì, hoạt động ở đâu, bản chất văn hóa thế nào... Nhà nước Trung Quốc là một thể chế đặc biệt quan trọng ở Trung Quốc. Nó thậm chí còn quan trọng hơn chính phủ ở đây (Singapore) dù chính phủ ở đây quan trọng bởi Singapore có cộng đồng người Hoa chiếm đa số, chắc chắn sẽ có những truyền thống Nho giáo nhất định tại Singapore. Dĩ nhiên, ở Trung Quốc, chúng sẽ mạnh mẽ hơn.

Cách chính phủ được nhìn nhận ở Trung Quốc hay các xã hội Nho giáo là khác biệt với xã hội phương Tây. Xã hội phương Tây có cái nhìn theo thuyết công cụ, vị lợi về những gì họ trông đợi từ chính phủ. Điều này không đúng ở Trung Quốc. Chính phủ trong xã hội là một hiện tượng bén rễ sâu hơn, người dân không nhìn nhận theo quan điểm công cụ hay vị lợi, mà theo một cách thân thuộc hơn, giống như cha mẹ. Điều này cũng đúng ở đây (Singapore). Và vì thế, đây cũng là cơ sở về tính hợp pháp cực kỳ quan trọng của Chính phủ Trung Quốc.

Trên thực tế, nếu bạn hỏi tôi, về dài hạn, tôi cho rằng nó thực sự còn quan trọng hơn cả thành công kinh tế. Trung Quốc không giống phương Tây, chưa bao giờ, không phải lúc này và sẽ không như thế. Và lý do người ta, đặc biệt là người phương Tây, vốn thường xuyên nhìn nhận sai lầm về Trung Quốc, là bởi họ nghĩ Trung Quốc nên giống như họ.

PV: Nhìn nhận Trung Quốc khác biệt với phương Tây và như ông từng đề cập trước đó rằng họ thậm chí còn có thể học hỏi từ hệ thống Trung Quốc, vậy phương Tây có thể học gì từ Trung Quốc?

Martin Jacques:  Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển, một quốc gia đang phát triển thành công và quyền lực nhất. Vậy những gì mà Trung Quốc có thể đưa ra cho thế giới vào lúc này là, đầu tiên và trước nhất, những bài học cho các nước đang phát triển chứ không phải các nước phát triển. Song, điều này cũng rất quan trọng, bởi cần nhớ rằng 85% dân số thế giới hiện sống ở các nước đang phát triển. Và ở các nước đang phát triển, như người ta có thể thấy, bất kể ở châu Phi, hay Đông Á, hay Trung Quốc, hay Mỹ Latinh, Trung Quốc được xem là một hình mẫu về những gì có thể đạt được. Do đó, họ đặt ra một câu hỏi: “Chúng ta có thể học được gì từ Trung Quốc?”

Phần lớn lý do thành công của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là Trung Quốc có một hồ sơ tốt, họ hiểu vấn đề phát triển bởi họ cũng là một quốc gia đang phát triển và họ hiểu tính trung tâm của hạ tầng để phát triển, theo cách mà, chẳng hạn, người Mỹ không biết. Vì thế, ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển và sự tôn trọng dành cho họ là rất cao.

Như tôi đã nói, với các nước phát triển, đây là một hệ hình khác, bởi Trung Quốc không phải là quốc gia phát triển, do đó những gì nó đưa ra cho các nước phát triển là một quá trình tiếp diễn thay vì một thành phẩm hoàn chỉnh. Song, theo thời gian, tôi cho rằng Trung Quốc cũng sẽ trở nên rất giàu có như các nước phát triển, nếu họ tiếp tục duy trì phát triển thành công, điều mà tôi trông đợi.

PV: Những sáng kiến như AIIB và “Một vành đai, Một con đường” cho thấy sự háo hức của Trung Quốc trong việc phô diễn ảnh hưởng của mình trong khu vực và cả ở bên ngoài. Liệu Trung Quốc có trở thành một “cường quốc tử tế”?

Martin Jacques:  Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một kiểu cường quốc rất khác với Mỹ và Anh. Nếu nhìn vào các nước này, sức ảnh hưởng toàn cầu của họ đã và đang dựa vào sức mạnh quân sự và chính trị. Ý tôi là, Mỹ đang bao vây thế giới với các căn cứ quân sự và dựa rất nhiều vào vũ lực. Và nếu đề cập đến các cường quốc châu Âu, họ từng xâm chiếm phần lớn thế giới.

Truyền thống của Trung Quốc là rất khác biệt. Người Trung Quốc chưa bao giờ là một đế chế thực dân, họ từng có hệ thống các nước chư hầu.

Về mặt lịch sử, Trung Quốc rất lo ngại về chính bản thân họ và tôi cho rằng đây luôn là ưu tiên với Trung Quốc. Thách thức đó là quá lớn để đối phó, điều không thể tránh khỏi, và trọng tâm vẫn sẽ là trong nước. Tôi không cho rằng với các lý do về lịch sử và văn hóa, Trung Quốc sẽ phát triển thành một cường quốc thế giới giống phương Tây. 

Tôi cho rằng một trong hai hình thức ảnh hưởng chính của Trung Quốc với thế giới sẽ là kinh tế, bởi Trung Quốc sẽ phát triển rất lớn, thậm chí dù rằng tiêu chuẩn sống của họ mới chỉ bằng 1/5 so với Mỹ, song quy mô kinh tế là tương đương, và dự đoán rằng đến năm 2030, kinh tế Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, và có quy mô kinh tế gấp đôi Mỹ. Do Trung Quốc sẽ phát triển rất lớn về kinh tế, họ sẽ có một thị trường lớn, sẽ có những công ty rất lớn, sẽ có những công ty rất hiện đại về công nghệ bởi họ có một thị trường lớn như vậy, chắc chắn sẽ tác động đến tiêu chuẩn của các sản phẩm và công nghệ khác nhau. Không phải ngay bây giờ, mà trong dài hạn, trong 20 năm tới, người ta sẽ nhận thấy một sự thay đổi lớn. 

Hình thức ảnh hưởng khác là văn hóa. Tôi cho rằng, về mặt lịch sử, điều quan trọng với Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh cao là việc họ rất tự hào về văn hóa của mình. “Mảnh đất dưới thiên đường”, “Vương quốc trung tâm”, họ coi mình là nền văn hóa hiện đại nhất thế giới, với những hình thức quản trị và quản lý đất nước rất hiện đại...

Trung Quốc luôn có một kiểu trật tự đạo đức theo Nho giáo về cách hành xử và thế nào là cách hành xử chấp nhận được. Sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục là rất khác biệt với phương Tây. Người Trung Quốc, về mặt lịch sử, có 2.000 năm thừa nhận tính trung tâm của giáo dục. Vì thế, tôi nghĩ Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục thể hiện, rõ ràng không phải bây giờ mà theo thời gian, khi đã phát triển hơn, một sức ảnh hưởng văn hóa lớn.

Liệu họ có trở thành một “cường quốc tử tế”? Nhìn chung, câu trả lời là có, và tôi nghĩ họ sẽ là một cường quốc tử tế.

PV: Theo thuật ngữ phương Tây, Trung Quốc đang tìm cách để “thách thức hiện trạng” theo nhiều cách, và thể hiện sự quyết đoán của mình trong khu vực và bên ngoài, ông có đồng ý với quan điểm này không?

Martin Jacques: Tôi muốn tránh việc dùng thuật ngữ “quyết đoán”; ý tôi là chúng ta nên tìm một từ khác bởi Trung Quốc hiện chiếm 20% dân số thế giới, tăng trưởng bằng quy mô kinh tế của Mỹ; điều không thể tránh khỏi là những hệ quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đang được cảm nhận ngoài lãnh thổ của họ. Toàn bộ hiện tượng về điều kỳ diệu châu Á, những con hổ châu Á, là về việc họ thành công trên thị trường quốc tế. Theo nhận thức đó, Trung Quốc không khác biệt với những con hổ châu Á khác, ngoại trừ nó có quy mô lớn do có dân số đông.

Sự chỉ trích của người Mỹ với Trung Quốc là: “Anh là kẻ ăn không, và khi làm việc, anh làm theo ý mình; tại sao anh không đảm nhận trách nhiệm như một bên liên quan trên trường quốc tế?” Và Trung Quốc đã làm thế. Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013 đã đề xuất ý tưởng về AIIB, đây là sáng kiến đầu tiên như vậy của Trung Quốc, và điều gì xảy ra? Người Mỹ phản đối. Và một loạt nước ở Đông Á, Nam Á, và Trung Á đã ký thỏa thuận tham gia. Không chỉ có vậy, thậm chí người châu Âu cũng đã tham gia. Và đây là một phản hồi rất tích cực. Với các nước đang phát triển ở châu Á, vấn đề lớn là hạ tầng. Đây là rào cản tăng trưởng lớn nhất. Và chúng ta cần rất nhiều tiền, rất nhiều nguồn lực lớn, để cấp vốn. Ngân hàng này là để phục vụ mục đích đó.

Rõ ràng đây là một điều tốt và đó là lý do tại sao các nước lại ủng hộ và Mỹ cảm thấy phiền muộn vì tất cả bạn bè đều bỏ rơi họ. Không phải tất cả, mà là hầu hết, trừ Nhật Bản.

PV: Trong bối cảnh Trung Quốc đảm nhận những trách nhiệm mang tính toàn cầu hơn, họ lại ngập ngừng trong nỗ lực kéo Hong Kong và Đài Loan về gần hơn với Đại lục. Tại sao người dân ở hai vùng lãnh thổ này lại kháng cự Trung Quốc? Bắc Kinh có thể tác động đến họ như thế nào?

Martin Jacques:  Hong Kong đã bị Anh cai trị trong 155 năm. Toàn bộ kinh nghiệm hiện đại của Hong Kong là dưới thời thực dân Anh, do đó nó phát triển, trong nghĩa nào đó, bị tước khỏi gốc rễ Trung Quốc của mình. Hong Kong như là con nuôi của Anh, và hướng về phương Tây.155 năm là quãng thời gian dài, với rất nhiều thế hệ, vì thế nó bắt rễ sâu trong thế giới quan của người Hong Kong. Họ rất bướng bỉnh, bởi từng nằm dưới sự cai trị của Anh, trước quốc gia phía Bắc của mình. Họ là người gốc Hoa, song biết rất ít về Trung Quốc. Mặt khác, họ lại rất hiểu biết, theo nhiều cách khác nhau, về thế giới phía Tây của mình, đặc biệt là Anh, và ở bối cảnh nhỏ hơn, về các quốc gia khác ở châu Âu, và dĩ nhiên là cả Mỹ nữa.

Và rồi người ta có cuộc trao trả, Trung Quốc thừa nhận đây sẽ là vấn đề, bởi họ thừa hưởng một đất nước mà, theo nhiều cách, rất xa lạ. Người dân rất xa lạ với họ và không có bản sắc chung, ngoại trừ một vài khía cạnh nhất định. Vì thế, họ đưa ra ra giải pháp “một quốc gia, hai chế độ”, một giải pháp rất mới, rất Trung Quốc, rất không phải kiểu phương Tây để Hong Kong có thể duy trì một số thứ có ý nghĩa quan trọng với họ trong khi vẫn là một phần của Trung Quốc.

Tôi không mấy ngạc nhiên về những sự kiện xảy ra hồi năm ngoái ở Hong Kong, bởi tôi biết vùng lãnh thổ này có những nỗi đau ngày càng lớn. Tôi nghĩ người Hong Kong cảm thấy rất khó khăn - dù không phải tất cả, bởi quan điểm là rất chia rẽ về việc người biểu tình là học sinh sinh viên - để chấp nhận tình thế mới. Và tình thế mới của họ phức tạp hơn nhiều so với những gì nó được thể hiện.

Hong Kong đã gặp may bởi khi Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc vào năm 1978, họ không cho phép các công ty phương Tây và nước ngoài được dễ dàng ổn định ở Trung Quốc. Điều này chỉ xảy ra sau đó trong những năm 1990. Trong 20 năm, Hong Kong là cửa ngõ vào Trung Quốc và được hưởng lợi lớn. Các công ty nước ngoài đặt trụ sở ở Trung Quốc của họ tại Hong Kong. Giai đoạn này sắp đến hồi kết. Đó chỉ là một quãng thời gian thoáng qua, nhưng Hong Kong giống như là: "À, chúng ta rất sáng suốt". Họ trở nên kiêu ngạo, nghĩ rằng: "Không phải chúng ta sáng suốt sao?". Không, họ không sáng suốt, họ chỉ may mắn trong một khoảng thời gian, và giờ đây, thực tế là vấn đề Hong Kong ngày càng ít được Trung Quốc quan tâm như ở thời điểm chuyển giao. Đóng góp của Hong Kong trong nền kinh tế Trung Quốc đã giảm mạnh, từ khoảng – và con số này không chính xác - dưới 1/5 xuống còn khoảng 5 hoặc 6%. Vì thế, từ việc ngẩng cao đầu và nghĩ rằng họ là vô cùng quan trọng và rằng họ cũng có quan hệ đặc biệt với Anh và phương Tây, Hong Kong giờ đây sẽ phải tự chấp nhận một vị trí rất khác trên thế giới.

Hong Kong hiện vẫn còn nhiều đặc quyền, bởi họ có mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc. Song Hong Kong sẽ ở đâu nếu không được tiếp cận với kinh tế Trung Quốc? Mọi chuyện gần như hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

Vì thế, Hong Kong đang nhận thấy rất khó để đi đến quyết định. Và thành thực mà nói tôi không có nhiều thiện cảm với họ. Bởi họ đã may mắn, và giờ đây người Hong Kong vẫn có nhiều đặc quyền hơn so với người dân Đại lục. Họ vẫn có tiêu chuẩn sống cao hơn nhiều. Tôi nghĩ, theo thời gian, họ sẽ quen với tình hình mới. Tôi nghĩ họ sẽ phải điều chỉnh.

Một điều khác cần nhắc đến, mà tôi cảm thấy khó chịu, là việc họ phàn nàn về quy định bầu cử mới. Người Anh cai trị Hong Kong trong 155 năm và chưa bao giờ cho phép Hong Kong được bỏ phiếu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Thật là đạo đức giả! Người Anh hay bất cứ ai chỉ trích Trung Quốc đang làm sai. Nhưng tại sao họ chưa bao giờ áp dụng phổ thông đầu phiếu cho Hong Kong? Bởi vì Hong Kong là thuộc địa.

Vì thế, Hong Kong cần phải có một số bối cảnh để hiểu tất cả mọi chuyện. Song dĩ nhiên, cần kiên nhẫn. Người ta không thể trông đợi chỉ trong 18 năm mà mọi thứ có thể thay đổi. Những điều này cần nhiều thập kỷ. Và Đài Loan là câu chuyện khác. Đài Loan đang gần gũi với Trung Quốc hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ năm 1949, và sức hút từ Trung Quốc là rất rõ ràng.

Kinh tế Đài Loan phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc, điều này là tự nhiên, bởi mối thân thuộc giữa họ, do Trung Quốc quá lớn và bởi phương Tây, trong đó có Mỹ, đang trong quá trình sụt giảm kinh tế ở khu vực. Tuy nhiên, Đài Loan cũng phát triển trong bối cảnh tách biệt với Trung Quốc; họ là người gốc Hoa nhưng phát triển tách biệt khỏi Trung Quốc. Họ sống trên đảo, họ có ý tưởng về bản sắc độc đáo riêng, song họ tư duy mình là người Hoa.

Tôi nghĩ Trung Quốc đã rất kiên nhẫn. Có một giai đoạn trong thập niên 1990 họ đã không như vậy, nhưng giờ đây Bắc Kinh đã học được cách kiên nhẫn và sẽ không làm rối mọi chuyện.Trung Quốc sẽ kiên nhẫn.

Điều gì sẽ xảy ra trong dài hạn? Tôi nghĩ sẽ có một kiểu dàn xếp hiến pháp nào đó, tương tự như Hong Kong, song sẽ cho Đài Loan nhiều quyền tự trị hơn, bởi có quy mô lớn hơn, với khoảng 20 triệu người, và là một hòn đảo tách biệt khỏi Đại lục. Song, tôi nghĩ chúng ta đang nói về tương lai.

PV: Theo ông, cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ đi đến đâu?

Martin Jacques:  Tôi cho rằng không ai ngờ được sự tàn khốc và quy mô của chiến dịch đó. Điều đó nói cho chúng ta hai điều. Thứ nhất, vấn đề tham nhũng là rất nghiêm trọng và đến nay tràn lan ở mọi cấp của Đảng Cộng sản. Và thứ hai, nó cho chúng ta biết Tập Cận Bình quyết đoán, ở mức lớn nhất có thể, để nhổ tận gốc vấn nạn này.

Tôi không nghĩ ông ấy sẽ thành công. "Hồng bao" là biểu tượng của văn hóa Trung Quốc và của nạn tham nhũng Trung Quốc. Song, rõ ràng ông ấy đã tạo được ấn tượng lớn. Người ta có thể nhận thấy điều đó ở mức độ tiêu dùng hàng hóa xa xỉ giảm cũng như thái độ của giới giàu có trong bối cảnh những người giàu nhất đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều. Doanh số bán Mao Đài, một loại rượu mạnh rất đắt tiền, đã rơi vào khu vực tiêu cực và sẽ không thể phục hồi trong một thời gian dài.

Vì thế, tôi nghĩ động lực chống tham nhũng là có thực và rất lớn, và tôi cho rằng nó sẽ được tiếp tục. Bởi, trên thực tế, hầu hết hoặc có thể là đại đa số các cá nhân tham nhũng lớn vẫn chưa bị bắt.

PV: Vậy theo ông, đâu là những thách thức nghiêm trọng khác mà Trung Quốc hiện đối mặt?

Martin Jacques:  Tôi cho rằng điều trước tiên là sự chuyển đổi bản chất của nền kinh tế, từ một nền kinh tế sản xuất giá rẻ cho các thị trường xuất khẩu sang một nền kinh tế dựa trên quy mô sản xuất giá trị gia tăng, phức tạp hơn về mặt sản phẩm họ tạo ra, và dựa vào lao động có kĩ năng hơn. Chúng ta đều biết đây không phải một sự chuyển đổi dễ dàng đạt được.

Vấn đề thứ hai là Trung Quốc rõ ràng ngày càng trở nên can dự mạnh mẽ hơn vào các vấn đề quốc tế, mà theo cách nào đó, không may mắn cho Trung Quốc. Nước Anh đã hoàn tất cuộc cách mạng công nghiệp trước khi trở thành một cường quốc lớn. Mỹ đã không trở thành cường quốc cho đến sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi họ hoàn tất cuộc cách mạng công nghiệp. Song, hiện một nửa dân số Trung Quốc vẫn sống ở nông thôn, và Trung Quốc vẫn chưa, theo bất kỳ định nghĩa nào, hoàn tất cuộc cách mạng công nghiệp hay cất cánh kinh tế. Họ vẫn ở giai đoạn lưng chừng, song do quy mô của họ, bởi họ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ bị buộc trở thành một cường quốc trước khi sẵn sàng.

Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ “Đâu là chính sách đối ngoại của chúng ta?” Bởi Trung Quốc là khác biệt, họ sẽ có một chính sách rất riêng. Họ không thể nhìn sang Mỹ, với một nền văn hóa rất khác với những giá trị khác. Vì thế, họ sẽ phải tìm ra chính sách đối ngoại riêng của mình. Đối phó với sự trỗi dậy, xử lý mối quan hệ với phần còn lại của thế giới và với Mỹ - mối quan hệ quan trọng nhất, sẽ rất đáng chú ý.

Thứ ba là về quản trị. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải tiếp tục thay đổi, tiếp tục thể hiện tốt, nếu không, nó sẽ không đồng bộ, mất cân bằng. Họ sẽ có mối quan hệ bất đối xứng với xã hội và sẽ tạo ra những vấn đề lớn. Họ phải duy trì những gì đã làm tốt đến nay, bởi nếu không, sẽ có những hậu quả chính trị nghiêm trọng, họ sẽ mất liên hệ với chính người dân của mình.

Tôi nghĩ Chính phủ Trung Quốc có thể làm được điều đó. Theo tôi, quản trị của Trung Quốc rất ấn tượng. Họ có nền quản trị lâu đời nhất thế giới. Tôi nghĩ gần như đây là truyền thống quản trị tốt nhất thế giới, và vì thế chính phủ rất có năng lực. Họ có rất nhiều kinh nghiệm lịch sử. Thế nhưng, chỉ nói suông thì không giải quyết được vấn đề. Hệ thống chính phủ sẽ phải ngày càng có năng lực hơn, mang tính đại diện hơn, minh bạch hơn, cải cách thể chế hơn, giảm bớt mệnh lệnh từ trên xuống – và đó là những thách thức lớn nhất.

Song, tôi tin Trung Quốc có thể thành công, và họ sẽ làm được. Tôi không nghĩ đến việc hạ cánh cứng, tôi không nói điều này là không thể. Tôi hi vọng họ sẽ có sự chuyển tiếp kinh tế mà chúng ta đã đề cập và duy trì tỷ lệ tăng trưởng khoảng 5-7% trong vài thập kỷ tới. Và đến khi đó, họ sẽ là một nền kinh tế rất khác.

Tôi cho rằng với truyền thống mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc và những thành tích lớn, họ sẽ có thể duy trì được kiểu động lực này với những đặc tính rất Trung Quốc, chứ không phải phương Tây. Những dấu hiệu là tích cực, song người ta chẳng bao giờ biết được tương lai, chẳng bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra.

PV: Bắc Kinh đang tiến hành các hoạt động cải tạo lấn biển ở Biển Đông, khiến các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực bất bình. Đánh giá chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo khía cạnh này, liệu họ có thực sự tử tế?

Martin Jacques:  Các nước khác cũng tiến hành hoạt động cải tạo. Trung Quốc không phải nước đầu tiên. Chắc chắn các bên tranh chấp khác, chủ yếu là Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines đang bất mãn ở nhiều mức độ khác nhau về những gì Trung Quốc đang làm. Malaysia có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, bất chấp bất đồng liên quan đến tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa. Tôi đã phỏng vấn Tiến sĩ Mahathir Mohamad, cựu Thủ tướng Malaysia, hôm 22/4, và ông cảm thấy rất tích cực về Trung Quốc. Ông nghĩ Trung Quốc sẽ là một thế lực tử tế. Ông cho rằng nếu Trung Quốc được đối xử đúng cách, họ sẽ là thế lực tử tế.

Hiện Việt Nam và Philippines đang ở những tình thế khác nhau. Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp của Trung Quốc, họ phải sống bên cạnh Trung Quốc mãi mãi. Và trong hàng nghìn năm qua, hai bên đã có mối quan hệ với rất nhiều vấn đề. Vì thế, đây chỉ là một phần sẽ tiếp diễn của lịch sử.

Tôi cho rằng Philippines đang chơi canh bạc Mỹ. Người Mỹ đã quyết định có một vai trò lớn hơn ở Philippines.

Điều gì sẽ xảy ra? Sẽ không có chiến tranh, sẽ không có bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào. Sẽ có sự dàn xếp, song sẽ mất thời gian, sẽ kéo dài và sẽ có lợi cho Trung Quốc, bởi Trung Quốc quá mạnh.

Song, về phía Trung Quốc, tôi không nghĩ họ quan tâm đến tài nguyên (ở Biển Đông). Tôi cho rằng phần lớn là vì vấn đề an ninh và cũng bởi quan điểm lịch sử của họ, rằng đây là vùng biển của Trung Quốc, "ao làng" của họ.

Tôi không nói rằng điều đó đúng hay sai. Tôi lắng nghe tuyên bố của Trung Quốc, bởi người ta phải lắng nghe chúng đến từ đâu. Và nó đến từ lịch sử, vị thế và quan điểm khác biệt với lịch sử, vị thế và quan điểm của các nước khác hoặc với luật biển quốc tế sau năm 1945. Trung Quốc sẽ là một cường quốc trên thế giới; rốt cuộc họ sẽ là cường quốc ngự trị. Tất cả luật pháp quốc tế hiện nay là của phương Tây. Và Trung Quốc sẽ ngày càng định hình luật pháp quốc tế hơn. Bắc Kinh quan ngại về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Người Mỹ đang có sự hiện diện quân sự ở Biển Đông lớn hơn Trung Quốc.

Song, tôi cho rằng đây là một vấn đề với các nước trong khu vực. Trung Quốc và Việt Nam có thể tiếp tục tranh cãi. Nó có thể bùng nổ, bởi họ từng gắn kết song cũng từng thù địch với nhau. Philippines dựa hoàn toàn vào Mỹ. Malaysia sẽ tìm kiếm một sự dàn xếp ngay khi có cơ hội và Brunei cũng vậy. Chỉ có 4 trong 10 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền tranh chấp ở Biển Đông. Đa số thì không. Singapore cũng không, vì thế họ vẫn duy trì vai trò trung lập lâu nay. 

PV: Trung Quốc đang tụt lại phía sau Mỹ về công nghệ. Làm thế nào và khi nào người ta có thể chứng kiến các công ty Trung Quốc tương xứng với Apple, Nike hay IBM?

Martin Jacques:  Những gì người ta cần phải nhớ đó là Trung Quốc là một xã hội hội tụ, một nền kinh tế hội tụ chứ không phải một nền kinh tế đổi mới. Ý tôi là họ đổi mới trong năng lực sao chép, và chúng ta không nên nghĩ về nó đơn thuần chỉ là một sự thụ động. Đó là sự đổi mới trong sao chép, dù về cơ bản vẫn là sao chép. Chúng không phải phát kiến, sự đổi mới, nguồn lực hay nghiên cứu và phát triển của riêng bạn. Tất cả các nước nghèo đều khởi đầu là các nền kinh tế hội tụ, và đó là lý do tại sao họ có thể tăng trưởng rất nhanh, bởi chúng giúp thu hẹp khoảng cách. Và tất cả các nền kinh tế trong khu vực, hoặc phần lớn, đều trải qua quá trình đó.

Nhật Bản là nước đi tiên phong và họ từng sản xuất hàng hóa sao chép. Họ từng là một xã hội tương đối nghèo nàn và rồi Nhật Bản trở thành ngạn ngữ cho rất nhiều loại sản phẩm ấn tượng. Hàn Quốc cũng trải qua con đường tương tự, cũng trong khoảng thời gian như Singapore, và có một số tập đoàn rất lớn như Samsung và Hyundai. Trung Quốc sẽ đi theo con đường đó, và tôi không cho rằng sẽ phải nghi ngờ việc họ sẽ có một số tập đoàn thực sự lớn.

Họ đã có một số tập đoàn lớn, như Lenovo, Huawei, Xiaomi. Trên mạng Internet, Baidu là một công cụ tìm kiếm rất hiệu quả và tôi cho rằng lý do Google rút khỏi Trung Quốc là bởi Baidu là đối thủ cạnh tranh quá đáng gờm. Và rồi người ta có Alibaba và Tencent. Trung Quốc đang sở hữu một vài tập đoàn rất tốt.

Thực tế, dường như Trung Quốc có thể phát triển những tập đoàn có năng lực và chất lượng rất cao trên mạng Internet, theo một cách mà sẽ khó khăn hơn nhiều để áp dụng cho những sản phẩm tiêu dùng. Đến nay, họ chưa thực sự có thể phát triển được một tập đoàn ô tô nội địa thành công. Có rất nhiều doanh nghiệp như Geely và Chery, song họ không có ảnh hưởng quốc tế lớn.

Theo thời gian, người Trung Quốc sẽ phát triển trong những lĩnh vực này. Có thể không nhanh như lẽ ra nó phải thế, song ở những lĩnh vực có thể, họ đã rất thành công, chẳng hạn như Alibaba, với đợt IPO lớn nhất trong lịch sử sàn giao dịch chứng khoán New York.

Theo Today Online, Singapore (bài gốc phần 1, phần 2)

Trần Quang (gt)