Sách trắng Quốc phòng năm 2010 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chủ trương xây dựng khả năng tác chiến hỗn hợp thống nhất (IJO) là một bộ phận của nỗ lực hiện đại hóa quân đội giai đoạn 3, dài hạn. PLA đang nghiên cứu cơ sở lý thuyết của học thuyết tác chiến hỗn hợp mới và tăng cường thử nghiệm trong các cuộc diễn tập quân sự. Ảnh hưởng của sự thay đổi này đối với tác chiến hỗn hợp thống nhất diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Khi được thống nhất và kết hợp đầy đủ với các hệ thống vũ khí và công nghệ mới, các nỗ lực này sẽ thúc đẩy khả năng tác chiến hỗn hợp của PLA trong mọi tình huống bất ngờ của các cuộc xung đột lớn trên biển và đất liền. Học thuyết tác chiến hỗn hợp mới sẽ thúc đẩy khả năng tác chiến hỗn hợp lên mức chiến thuật và chiến dịch, tạo chiều sâu chiến lược cũng như cơ động và linh hoạt hơn cho các hoạt động quân sự. Hai nhân tố quan trọng để phát triển học thuyết tác chiến hỗn hợp mới là thống nhất các đơn vị và huấn luyện lực lượng. PLA đang chuyển từ tác chiến hỗn hợp hợp đồng sang tác chiến hỗn hợp thống nhất mà họ tin sẽ tạo ưu thế hơn khi tiến hành chiến tranh. PLA cho rằng đạt được khả năng tác chiến hỗn hợp thống nhất đòi hỏi phải xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại, chiến đấu và đánh thắng các cuộc chiến tranh trong điều kiện thông tin hóa.

- Tác chiến hỗn hợp thống nhất

Học viện Chỉ huy Quân sự Nam Kinh đang đi đầu trong việc ứng dụng cơ sở lý thuyết về tác chiến hỗn hợp thống nhất và nhiều thay đổi khác trong PLA. Việc triển khai học thuyết IJO của học viện được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu các chiến dịch quân sự của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Irắc năm 2003. Học viện đã phát hành tài liệu đầu tiên về IJO trong PLA với nhan đề: "Chỉ huy Tác chiến Hỗn hợp Thống nhất" khẳng định tầm quan trọng của công tác chỉ huy và kiểm soát để đạt được khả năng tác chiến hỗn hợp thống nhất. Học viện thành lập nhóm nghiên cứu và giảng dạy gồm các nhân viên và các cơ quan mới tổ chức lại về "Tự động hóa Chỉ huy", "Thông tin Tình báo" và "Kế hoạch Quân sự" kết hợp với 2 cơ quan khác trong học viện: "Chỉ huy Tác chiến" và "Học thuyết Quân sự". Các nhà nghiên cứu của Đại học Tổng hợp Quốc phòng (NDU) cho biết, năm 2004, PLA thành lập một bộ chỉ huy hỗn hợp, dưới sự lãnh đạo của một tư lệnh quân khu, để chỉ huy lực lượng hỗn hợp trong chiến đấu. Các đơn vị cấp chiến thuật và chiến dịch chủ yếu vẫn tiến hành tác chiến hợp đồng giữa các lực lượng. Sở chỉ huy hỗn hợp vẫn chủ yếu chỉ đạo và hợp đồng các đơn vị. Vấn đề chủ yếu của tác chiến hỗn hợp là thành lập một bộ chỉ huy thống nhất cấp cao để phối hợp tác chiến hỗn hợp giữa các lực lượng ở các khu vực khác nhau và trong các giai đoạn tác chiến. Tác chiến hỗn hợp thống nhất là sự phát triển quan trọng về khái niệm tác chiến hỗn hợp của PLA. Kế hoạch tác chiến hỗn hợp sẽ hợp nhất các kế hoạch hoạt động của các đơn vị cấp dưới, không giống sự chú trọng hiện nay về các vấn đề hợp đồng tác chiến. Trên cấp độ chiến dịch và chiến thuật, các đơn vị sẽ được thống nhất hơn, tạo nên sự thống nhất hơn từ đó nâng cao hiệu quả và sức chiến đấu. Những nỗ lực này bao gồm:

Đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng cơ sở lý thuyết về tác chiến hỗn hợp thống nhất và học thuyết chỉ huy yểm trợ; 
Phát triển các loại lực lượng chiến đấu mới bằng cách sử dụng các nhóm lực lượng đã được điều chỉnh ở cấp độ hỗn hợp và hợp đồng;

Cải tiến các hệ thống C4ISR hỗ trợ thống nhất các đơn vị;

Thúc đẩy các khả năng hậu cần hỗn hợp thống nhất;

Thực hiện dự án chiến lược để phát triển đội ngũ nhân viên có trình độ cao;

Tăng cường huấn luyện chỉ huy và kiểm soát; huấn luyện hỗn hợp các hình thức đặc nhiệm; các cuộc diễn tập giữa các khu vực, cải tạo các căn cứ huấn luyện thống nhất quy mô lớn và phát triển huấn luyện mô phỏng.

- Thử nghiệm Lực lượng Đặc nhiệm hỗn hợp (JTF)

Yếu tố cơ bản trong việc triển khai IJO của PLA là thúc đẩy các khả năng tác chiến hỗn hợp thành cấp chiến thuật và chiến dịch và tạo ra các lực lượng nhiều tầng thống nhất trong đội hình bậc thang để thực hiện các nhiệm vụ hỗn hợp riêng. PLA đề ra kế hoạch tổ chức các đơn vị hợp đồng tác chiến nhiều tầng để yểm trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cụ thể. PLA đang xem xét các nhóm lực lượng khác nhau để tiến hành IJO ở cấp độ và quy mô chiến thuật và chiến dịch và trên cơ sở các lực lượng tham gia. Các nhóm lực lượng trên cơ sở cấp độ và quy mô gồm: Đội hình/Quân đoàn Chiến dịch Hỗn hợp Lớn gồm các đơn vị cấp quân đoàn của hai hoặc nhiều quân chủng tiến hành tác chiến cấp chiến dịch. Đội hình/Quân đoàn Chiến thuật Hỗn hợp gồm các đơn vị cấp chiến thuật (sư đoàn hoặc lữ đoàn và các đơn vị cấp dưới) của hai hoặc nhiều quân chủng. Các Nhóm Chiến thuật Binh chủng Hợp thành là các tiểu đoàn binh chủng hợp thành được tăng cường các đơn vị không quân hợp đồng tác chiến với lực lượng bộ binh nhằm thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Các nhóm dựa trên cơ sở các lực lượng tham gia và có thể tiến hành các hoạt động bao gồm không quân-bộ binh: thực hiện các chiến dịch phản công và phòng thủ biên giới chung (các chiến dịch chống nổi dậy hoặc ổn định nội bộ, hoặc yểm trợ một chế độ Trung Á dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải như đã thực hành trong các cuộc diễn tập Nhiệm vụ Hòa bình hoặc tiến hành các chiến dịch ổn định nội bộ ở Tây Tạng hoặc Tân Cương); không quân-hải quân: tiến hành các chiến dịch phong tỏa hoặc chống phong tỏa (khả năng các tình huống ở biển Đông hoặc biển Đài Loan); không quân-hải quân-bộ binh: các chiến dịch hỗn hợp đổ bộ trên đảo (khả năng tình huống ở đảo Đài Loan). Các nhóm lực lượng có thể được thành lập ở cấp độ chiến dịch hoặc cao hơn chiến thuật. Nếu được triển khai đầy đủ, lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp cấp chiến dịch có thể bao gồm các hình thức chiến thuật hỗn hợp, phụ thuộc tình hình cụ thể.

- Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp Cấp Chiến thuật

PLA cho rằng xu hướng của tác chiến hỗn hợp là thống nhất các lực lượng hỗn hợp ở cấp chiến thuật, sử dụng các đội hình nhỏ hơn để có thể thực hiện các chiến dịch và thậm chí các mục tiêu chiến lược. PLA đang thử nghiệm các loại Đội hình Chiến thuật Hỗn hợp khác nhau, xem xét các vấn đề hỗn hợp khác nhau, đặc biệt công tác chỉ huy, kiểm soát và hợp đồng. Trong khi các quân khu khác nhau và các cuộc diễn tập đã thử nghiệm các lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp, hàng loạt cuộc diễn tập hỗn hợp ở quân khu (MR) Tế Nam, khu vực chủ yếu của PLA, đang thử nghiệm JTF, đặc biệt về vấn đề chỉ huy và kiểm soát. Các đơn vị của các quân chủng khác nhau được giao nhiệm vụ đi đầu trong một cuộc diễn tập đặc biệt hoặc trong một giai đoạn của cuộc diễn tập. Các Khu vực Phối hợp Huấn luyện Quân sự (MTCZ) dự định thay đổi từ chú trọng huấn luyện các đơn vị lục quân là chủ yếu trong các cuộc diễn tập hỗn hợp sang cho phép lực lượng không quân và hải quân giữ vai trò lãnh đạo, từ đó thúc đẩy tinh thần huấn luyện hỗn hợp trong các quân chủng khác. MTCZ đã thông qua chương trình huấn luyện 3 năm, trong đó mỗi năm lại thay đổi các cuộc diễn tập: Diễn tập Liên hợp 2004 bắt đầu thử nghiệm các đội hình chiến thuật hỗn hợp bằng cách thành lập một bộ chỉ huy hỗn hợp thống nhất. PLA nhận thấy bộ chỉ huy hỗn hợp nhóm thống nhất này của một JTF hoạt động hiệu quả cho một chiến dịch quy mô nhỏ, thời gian ngắn nhưng không phù hợp cho chiến dịch hỗn hợp quy mô lớn; Diễn tập Liên hợp 2006 và Liên hợp 2007 thử nghiệm hình thức bộ chỉ huy hỗn hợp "hiệp đồng được phân bổ" của một lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp nhiều quân chủng. Trong hai cuộc diễn tập, các nhóm hiệp đồng được phân tán thành các đơn vị. PLA nhận thấy việc làm này đã làm giảm những mâu thuẫn trong các hệ thống chỉ huy quân chủng hiện nay và thúc đẩy mức độ tham gia của các đơn vị. Tuy nhiên, việc hiệp đồng giữa các quân chủng lại lỏng lẻo; Diễn tập-2008 thử nghiệm hình thức chỉ huy hỗn hợp "gắn liền phân tán", nghĩa là "các nhóm hiệp đồng chỉ huy" được triển khai đến các đơn vị. Chỉ huy JTF thảo luận các vấn đề tác chiến với các chỉ huy cấp dưới để xác định các vấn đề tác chiến cơ bản và đưa ra các quyết định. Có sự thay đổi về chỉ huy trên cơ sở từng giai đoạn tác chiến. Ví dụ, trong giai đoạn lên tàu và vượt biển, chỉ huy hỗn hợp hải quân đóng vai trò chỉ huy chính. Những người tham gia diễn tập cho rằng phương pháp chỉ huy hỗn hợp này là sự tiến bộ so với các hình thức trước đây, nhưng họ nhận thấy PLA vẫn trong giai đoạn đầu của sự phát triển hỗn hợp.

- Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp Cấp Chiến dịch (CLJTF)

PLA bắt đầu chú trọng huấn luyện hỗn hợp ở cấp chiến thuật và hiện đang đạt tiến bộ về việc triển khai lực lượng theo đội hình bậc thang. Năm 2009-2010, PLA bắt đầu chuyển sang thử nghiệm cấp chiến dịch lớn hơn. Sở chỉ huy MR ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc chỉ đạo huấn luyện hỗn hợp. PLA đang có ý định tổ chức hợp lý hơn tiến trình phát triển giai đoạn tiêu chuẩn 5 thông qua thử nghiệm trên chiến trường để xác định hiệu quả và sau đó viết thành tài liệu và học thuyết. PLA chú trọng các đội hình chiếc dịch hỗn hợp lớn, trên cơ sở một đội hình chiến dịch cấp quân chủng, bắt đầu trong cuộc diễn tập 2009 do sở chỉ huy quân khu Tế Nam tổ chức. Ủy ban Quân sự Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu coi chương trình huấn luyện phi công hỗn hợp là "nhiệm vụ chiến lược quan trọng" và giao cho quân khu Tế Nam thực hiện.

- Kết luận

Hiện nay, PLA đang phát triển một học thuyết tác chiến hỗn hợp hiện đại hơn. Khi được thực hiện đầy đủ, PLA có khả năng sử dụng các lực lượng tác chiến hỗn hợp ở cấp chiến thuật và chiến dịch để có thể thực hiện các mục tiêu chiến dịch cũng như chiến lược trong các tình huống. Nỗ lực của PLA trong việc phát triển một lực lượng nhiều tầng hơn và tổ chức lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp là chìa khóa để phát triển khái niệm tác chiến hỗn hợp thống nhất của PLA. Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp nhiều tầng này có thể đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ riêng của các chiến dịch trên các chiến trường khác nhau.

Vấn đề chỉ huy và kiểm soát là trọng tâm của PLA do quân khu Tế Nam thực hiện trong cuộc thử nghiệm hỗn hợp. Sự phát triển khả năng tác chiến hỗn hợp hiện đại hơn, phát triển huấn luyện hỗn hợp và sử dụng lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp là sự mở đầu của PLA trong việc dần dần loại bỏ lực lượng bộ binh thuần túy, chuyển sang lực lượng cân bằng hơn. Vai trò của các chỉ huy lực lượng không quân và hải quân ngày càng tăng khi họ chỉ huy các lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp trong các cuộc diễn tập và tham gia nhiều hơn vào việc hoạch định kế hoạch và tác chiến. Các sĩ quan chỉ huy cũng có điều kiện hiểu biết các đơn vị khác nhiều hơn khi họ tham gia các cuộc diễn tập huấn luyện và phối hợp chặt chẽ với các đối tác. Nhưng lực lượng bộ binh sẽ tiếp tục là chủ yếu chừng nào họ vẫn là thành phần lực lượng lớn nhất trong PLA. Hiện nay dường như có sự tái cân bằng hơn giữa các quân binh chủng của PLA.

PLA bắt đầu xem xét các chiến dịch hỗn hợp một cách nghiêm túc sau cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh đầu tiên. Sau gần một thập kỷ phát triển lý thuyết, giờ đây PLA bắt đầu chú trọng phương thức tác chiến hỗn hợp thống nhất, sau khi được thử nghiệm trên chiến trường. Tuy nhiên, PLA cho biết: "Thiết lập các tổ chức chỉ huy huấn luyện hỗn hợp trong quân đội Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm". Nhưng thời gian còn lại của thập kỷ này, PLA có thể phát triển đầy đủ và triển khai lực lượng khái niệm hỗn hợp mới rộng rãi. Nếu thực hiện thành công học thuyết quan trọng này, sức mạnh chiến đấu của PLA sẽ tăng đáng kể trong tương lai.

  Theo Jamestown

 Vũ Hiền (gt)