Ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đang khiến các nhà lãnh đạo trên thế giới phải thấp thỏm lo âu. Nhưng Bắc Kinh lại là một cường quốc bất thường. Tiềm năng phát huy sức mạnh trên trường quốc tế của Trung Quốc bị hạn chế bởi những khiếm khuyết của nền kinh tế trong nước, và giới lãnh đạo có xu hướng hướng nội của Trung Quốc vẫn chưa tạo dựng được một vị thế linh hoạt và mang tính xây dựng trên cộng đồng quốc tế. Và khi mà nền kinh tế Trung Quốc trở nên bình thường thì những khiếm khuyết cứ tăng dần và ngày càng lộ rõ. Tất cả những điều này sẽ gia tăng rủi ro và bất an đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, và các nước ngoài khu vực.

Đây không phải là chiều hướng mà các nước mong muốn Bắc Kinh theo đuổi. Robert Zoellick khi còn là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng khi Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, nước này được kỳ vọng sẽ hành xử như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh được trông chờ sẽ giúp định hình các chương trình nghị sự quốc tế phù hợp với các nguyên tắc, luật lệ xây dựng bởi phương Tây, hơn là tiếp tục theo đuổi lợi ích quốc gia lâu dài của mình. Tuy nhiên trên thực tế thì Bắc Kinh dường như lại đi theo hướng đó.

Nhìn lại thời điểm tháng 4 năm 1974, một lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố ý định hòa bình của Trung Quốc. Trong một bài phát biểu đặc biệt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng "Trung Quốc không phải là một siêu cường, và cũng sẽ không bao giờ có ý định trở thành một siêu cường. Nếu một ngày nào đó Trung Quốc thay đổi và trở thành một siêu cường, và nếu Trung Quốc trở thành kẻ hung bạo trên thế giới, đi khắp nơi để bắt nạt, đàn áp và bóc lột các nước khác thì cộng đồng thế giới hãy xem đó là nhà nước đế quốc xã hội chủ nghĩa, hãy vạch tội, phản đối nó, và hãy cùng với những người dân Trung Quốc lật đổ nó." Năm 2003, nhà lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc Zheng Bijian, đã nhắc lại ý này và cho rằng sự trỗi dậy về kinh tế Trung Quốc nên được nhìn nhận như là một "sự phát triển hòa bình", không gây đe dọa đối với các nước láng giềng mà còn mang đến nhiều lợi ích cho thế giới.

Tuy nhiên những kỳ vọng này rõ ràng khó trở thành hiện thực. Tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của Trung Quốc khiến Bắc Kinh ngày càng để trở nên hung hăng hơn. Hầu hết các nhà quan sát nhìn nhận Trung Quốc suy giảm vai trò là một quốc gia tích cực trong các vấn đề toàn cầu. Các chủ đề đang được thảo luận tại Trung Quốc hiện nay tập trung vào vấn đề làm sao để đẩy cao chủ nghĩa dân tộc và các lợi ích an ninh liên quan. Các vấn đề này khiến lập trường về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn. Điều này đã tạo ra ấn tượng - đôi khi không hẳn thật công bằng - rằng Bắc Kinh đang ngày càng có xu hướng sử dụng sức mạnh kinh tế để thúc đẩy các lợi ích cốt lõi hơn là tăng cường mối quan hệ chính trị.

Mặc dù Trung Quốc bị chỉ trích là ngày càng trở nên quyết đoán, hung hăng và đe doạ hơn, nhưng trong thực tế thì Trung Quốc nên được nhìn nhận là đang phản ứng thái quá.

Quan điểm hiện nay của Trung Quốc bắt nguồn từ sự thật rằng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cảm thấy cần thiết phải ổn định trong nước trước khi theo đuổi các nhiệm vụ quốc tế. Bắc Kinh là một cường quốc lớn mới nổi đang cố gắng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Hiện nay mức lương nội địa của Trung Quốc đã tăng cao nên Trung Quốc không còn là nhà sản xuất chi phí thấp đối với các mặt hàng giá rẻ nữa; trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa thể cạnh tranh hiệu quả với các nước có nền công nghệ tiên tiến. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang đối mặt với một số thách thức riêng mà các cường quốc đang lên khác không gặp phải. Và trong quá trình chuyển giao sang một nền kinh tế tăng trưởng chậm và bình thường hơn thì dấu hiệu bất ổn và rủi ro đã xuất hiện. Chính vì vậy, trái với những gì được mong đợi, sự thành công về kinh tế của Trung Quốc chưa hẳn đã là một sự đảm bảo chắc chắn hơn cho vị thế của Trung Quốc trong giai đoạn phát triển này.

Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn cố gắng giấu mình trong việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm mang tính toàn cầu, thay vào đó Bắc Kinh ưu tiên xây dựng những khả năng riêng và chờ đợi một sự chuyển đổi phù hợp nhất trong cục diện thế giới. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khiến Trung Quốc phải có những hành động sớm hơn thời điểm mà nước này dự định. Thế bị động này thường không phải là ý hay và có thể coi là thất sách.

Xu hướng bị động này đã dẫn đến xuất hiện các cọ sát ở một số lĩnh vực, trong đó bao gồm cả yêu sách mang tính nhạy cảm xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư/ Senkaku. Tuy vậy, lập trường mang tính phản ứng này bắt nguồn từ một loạt các vấn đề trên diện rộng, bao gồm các vấn đề liên quan đến đầu tư và thương mại, vi phạm về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hay là những quan hệ qua lại với các quốc gia "có vấn đề", cũng như các mối quan tâm khác về địa chính trị.

Những căng thẳng này có thể kiểm soát được. Bắc Kinh sẽ sớm cần phải có hành động linh hoạt và có tầm nhìn thực tế hơn, khi thế bị động của Trung Quốc không còn tác dụng phục vụ những ý đồ của Trung Quốc nữa. Trong bối cạnh hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ cần tập trung vào xây dựng quan hệ giữa hai nước đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và xây dựng những chính sách quốc tế.

TRỞ THÀNH MỘT NỀN KINH TẾ BÌNH THƯỜNG CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CƯỜNG QUỐC BẤT THƯỜNG

Sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc đã đẩy quốc gia này tới một vị thế đặc biệt, và trở thành một cường quốc sớm hơn mong đợi. Trung Quốc đã có một thành công về kinh tế đáng kinh ngạc, mức thu nhập trong nước đã được nâng từ mức thấp đến hơn trung bình; giúp hơn 600 triệu người dân thoát khỏi đói nghèo chỉ trong vòng 3 thập kỷ. Bắc Kinh được đánh giá là có khả năng gây nên những ảnh hưởng đáng kể với thế giới, tuy nhiên trong thực tế thì khả năng này còn nhiều mặt hạn chế.

Trong quá trình chuyển đổi từ lập kế hoạch tập trung, kinh nghiệm và nền tảng mang tính thể chế của Trung Quốc trong việc giải quyết những vấn đề nhạy cảm mang tính toàn cầu thì lại bước sau những thành công ấn tượng về kinh tế, điều này đã khiến Trung Quốc rơi vào thế bất lợi khi tham gia hợp tác với các cường quốc khác. Và một phần cái giá phải trả để có một nền kinh tế "bình thường" là Trung Quốc phải làm chậm tăng trưởng, cũng như bị gia tăng khả năng hứng chịu những tác động bởi sự vận hành của nền kinh tế toàn cầu.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với một con đường gập ghềnh phía trước. Nước này sẽ không thể mãi duy trì sự ổn định kinh tế bằng cách kiểm soát các giá cả cơ bản của nền kinh tế, chẳng hạn như lãi suất và tỷ giá hối đoái, và hạn chế sự luân chuyển của dòng vốn. Tự do hóa trong bối cảnh quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ sẽ dẫn đến đến những nguy cơ và rủi ro.

Và viễn cảnh này chỉ làm tăng thêm mối lo ngại trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Những lo ngại này sau đó lại tác động đến các quyết định thuộc chính sách đối ngoại nhằm chuyển hướng chú ý dư luận khỏi các vấn đề trong nước tới các mối đe dọa thật hay giả tưởng ở bên ngoài.

Việc tăng áp lực lên giới lãnh đạo để từ đó mang lại sự ổn định và sự thành công cho đất nước đã có trong lịch sử lâu đời của Trung Quốc. Trung Quốc trở thành cường quốc "bất thường" so với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn của châu Âu. Không giống như các nước khác, những cường quốc đã có sự phát triển sâu rộng liên tục và kéo dài, Trung Quốc hiện là nước duy nhất đang trở lại là một cường quốc, quốc gia này đóng góp 30% tổng sản lượng toàn cầu trong 2 thập kỷ qua, tuy nhiên thị phần của nước này lại tụt xuống thấp hơn 5% so năm 1950. Thậm chí trong giai đoạn hiện nay, sau 3 thập kỷ với tăng trưởng ở hai con số thì thị phần ở mức 15% chỉ bằng một nửa so với trước đây.

Hơn nữa, dù có hồi phục được nền kinh tế thì khả năng Trung Quốc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vẫn không phải là một đáp án hoàn toàn có thể tính được trước. Chỉ có một số ít các quốc gia có mức thu nhập trung bình đã thực hiện thành công việc chuyển đổi sang mức thu nhập cao trong một phần tư thế kỷ qua, nhưng không nước nào trong số đó có những trở ngại lớn như Trung Quốc.

Thách thức lớn nhất trong những thách thức kể trên là việc Trung Quốc sẽ già đi trước khi trở nên giàu có. Lực lượng trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã được thu hẹp lại, và nhu cầu của người cao tuổi sẽ là một gánh nặng tài chính lớn đối với kinh tế Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát đã không nhìn nhận được rằng Trung Quốc có vẻ như vẫn là nước nghèo, theo như bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người trên thế giới thì Trung Quốc chỉ đứng ở mức 90. Thậm chí vào năm 2030, chỉ có khoảng 10% dân số Trung Quốc chỉ được coi là tương đối khá giả so với khoảng 90% dân số ở Hoa Kỳ.

Với một di sản để lại và các vấn đề trong nước cần phải vượt qua. Việc Trung Quốc duy trì xu hướng hướng nội làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Căng thẳng đã phát sinh trong một số lĩnh vực, có thể thấy như việc giới lãnh đạo Trung Quốc cố gắng cân bằng đấu tranh nội bộ với xu hướng thế giới đang lan toả không ngừng.

 

CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ

Trong phần lớn thập kỷ qua, căng thẳng với Trung Quốc thường diễn ra thường xuyên nhất trong các vấn đề thương mại. Các phê phán tập trung vào việc Bắc Kinh thao túng tỷ giá hối đoái và trợ cấp xuất khẩu không công bằng. Kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc đã trở thành mục tiêu số một đối với các khiếu nại từ Hoa Kỳ và Châu Âu. Thực trạng này liên quan tới phương thức  phát triển của Trung Quốc, chứ không dính dáng đến chính sách cứng rắn của quốc gia này nhằm lấn át phần còn lại của thế giới.

Các vụ kiện tụng gia tăng chống lại Trung Quốc không đi đôi với thặng dư thương mại đang giảm của nước này,  giảm mạnh từ mức 8% năm năm trước đây xuống còn khoảng 2% GDP . Tuy nhiên, căng thẳng thương mại với phương Tây vẫn tồn tại bởi vị trí độc tôn của Trung Quốc trong mạng chia sẻ sản xuất ở Đông Á. Các linh kiện sản xuất tại các nước láng giềng được xuất sang Trung Quốc để lắp ráp và cuối cùng xuất khẩu  phần lớn sang Mỹ và châu Âu. Trung Quốc thực chất được hưởng lợi ích rất ít về tài chính, song chủ yếu phải gánh chịu căng thẳng thương mại với phương Tây mà trên lý thuyết việc này nên được chia sẻ với các quốc gia khác ở châu Á.

Chiến lược phát triển của Bắc Kinh tập trung vào đầu tư theo định hướng xuất khẩu. Sự tiếp thu nhanh chóng công nghệ nước ngoài thông qua đầu tư trực tiếp của các công ty đa quốc gia cùng với việc thay đổi kỹ thuật đã dẫn đến thành công về kinh tế cho Trung Quốc. Chiến lược này đã giúp thúc đẩy Trung Quốc từ một nước nghèo tới một quốc gia có thu nhập trung bình.

Nhưng thực tế là cách tiếp cận như vậy sẽ ít hữu ích trong tương lai. Nước này hiện đang phải đối mặt với thách thức trong việc sản xuất các thành phần phức tạp hơn dựa trên công nghệ bản địa. Quá trình chuyển đổi cơ cấu này sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực khiTrung Quốc bắt đầu cạnh tranh với các nền kinh tế châu Á phát triển hơn cũng như Hoa Kỳ và Châu Âu. Điều này đã thể hiện qua việc gần đây  Mỹ và châu Âu khiếu nại việc Trung Quốc sản xuất pin năng lượng mặt trời và thiết bị tuabin gió.

Hơn nữa, Trung Quốc đang ngày càng bị công kích vì đẩy mạnh sự đổi mới nội địa thông qua việc bắt buộc phải chuyển giao công nghệ hoặc đánh cắp. Ở đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức về thái độ của Trung Quốc với tư cách là một cổ đông quốc tế khi mà Trung Quốc đang phải thực hiện các biến đổi cấu trúc và quy phạm pháp luật một cách sâu rộng, một điều cần thiết để cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể thấy tầm quan trọng về lượng của đầu tư nước ngoài trực tiếp cho nền kinh tế Trung Quốc đang giảm. Bắc Kinh muốn thay thế bằng việc khai thác chất xám từ nước ngoài thông qua đầu tư trực tiếp vào các dự án ở nước ngoài. Nhưng ở đó Trung Quốc cũng có vấn đề.

Những nỗ lực của Bắc Kinh thường bị lệ thuộc vào hạn chế bảo mật trong các điểm đến đầu tư. Điều đó đã được chứng minh trong một báo cáo gần đây của Quốc hội nêu lên những lo ngại an ninh quốc gia mà vẫn chưa được kiểm chứng về Huawei Technologies và ZTE, hai công ty viễn thông lớn của Trung Quốc. Những nghi vấn này được chủ yếu dựa trên các yếu tố được cho là các liên hệ của công ty này tới chính phủ Trung Quốc.

Những sự cố này chỉ làm nổi bật hình ảnh một Trung Quốc không đáng tin cậy, khiến người ta càng khó hi vọng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một đối tác có trách nhiệm.

Nhu cầu nguồn lực, Các Quốc gia bất hảo

Tìm kiếm nguồn năng lượng mới và nguồn tài nguyên thiên nhiên là các vấn đề chính gây thêm phức tạp trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài và các nguồn viện trợ hiện vượt xa các nhà tài trợ đa phương và song phương khác. Chiến lược đó, cũng không phải là không có nhược điểm.

Sự đón tiếp không thân thiện và các quy định cồng kềnh tại các nước phát triển đã dẫn Trung Quốc chuyển sang các thị trường được mô tả trong một số trường hợp là các quốc gia "bất hảo" để thúc đẩy tăng trưởng của mình. Hoạt động kinh doanh dưới các chế độ này, Bắc Kinh đôi khi đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích đến từ việc trốn tránh hay không tích cực thực hiện các biện pháp trừng phạt. Những điều khoản hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc được xem là vi phạm các hướng dẫn của OECD . Và bởi vì Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc không can thiệp và tôn trọng những mong muốn của chính quyền sở tại thế nên một phê phán thường được trích dẫn là Trung Quốc đã không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế có từ lâu của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng và làm ngơ các vấn đề nhạy cảm.

Tuy nhiên, chính sách này không có khả năng thay đổi trong tương lai gần, có nghĩa là những tác động tiêu cực đến từ phương pháp tiếp cận của Trung Quốc có nhiều khả năng tồn tại. Sự thèm muốn các nguồn tài nguyên ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ không giảm bớt bởi lẽ cơ cấu công nghiệp của nước này sẽ vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên trong các năm còn lại của thập kỷ. Tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp tục tăng do nhiều người Trung Quốc được nâng lên thành tầng lớp trung lưu. Mô hình này sẽ không được giảm nhẹ dù có những nỗ lực gần đây để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, và không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc còn kém xa rất nhiều trong khả năng để khai thác mỏ đá phiến dầu.

Toàn cảnh thời gian trên các vấn đề địa chính trị

Tuy nhiên, các phản ứng toàn cầu mạnh mẽ  ở những mức độ khác nhau từ các nước châu Á và EU đối với sự cứng rắn của Trung Quốc như người ta cảm nhận xuất phát từ các tác động qua lại được xem là ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ và lợi ích nhân đạo.Cho ví dụ về ý định thực sự của Trung Quốc trong việc hỗ trợ các cuộc đàm phán sáu bên của Bắc Triều Tiên, vẫn là vấn đề còn phải tranh luận. Đài Loan tiếp tục là một điểm còn tranh cãi với Hoa Kỳ, và lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Tây Tạng gây nên sự phê phán xuất phát từ tình cảm từ  nhiều nước.

Về vấn đề địa chính trị, Trung Quốc đã kiên định ủng hộ nguyên tắc căn cốt không can thiệp được định hình bởi một lo ngại rằng có thể một ngày nào đó sẽ nhằm vàoTrung Quốc. Tuy nhiên, sự tác động qua lại cũng chịu ảnh hưởng bởi sự khác biệt về khái niệm thời gian. Trong các tranh chấp như vậy, Trung Quốc thường né tránh giải quyết.Cách tiếp cận này phản ánh niềm tin của họ rằng nhiều vấn đề nhạy cảm như Đài Loan sẽ tự giải quyết theo thời gian mà không cần thiết phải đối đầu hoặc chờ đợi sẽ thúc đẩy các kết quả tốt hơn.

Những khác biệt chính trị giữa Trung Quốc và các cường quốc phương Tây chỉ làm gia tăng sự bất đồng. Các nền dân chủ như Hoa Kỳ với các chu kỳ bầu cử thường xuyên có xu hướng suy nghĩ từ tác động chính sách theo năm, trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem xét các lựa chọn chính sách theo các thế hệ. Trong vấn đề của Bắc Triều Tiên, cả Trung Quốc và phương Tây có lợi ích chung trong một trạng thái ổn định, phi hạt nhân. Nhưng Trung Quốc không muốn gây sức ép lên Bình Nhưỡng bởi vì họ hy vọng Bắc Triều Tiên cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia biết điều hơn mà vẫn có thể hoạt động như một quốc gia  xã hội chủ nghĩa.Bắc Kinh tin rằng trò chơi chờ đợi này sẽ phục vụ tốt hơn cho lợi ích lâu dài của họ.

Nhưng sự kiện này thường buộc Trung Quốc phản ứng trước khi Trung Quốc thực sự muốn. Kết quả là các hành động của nó có thể không được cân nhắc đầy đủ. Thái độ này gây hại cho hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là một cổ đông có trách nhiệm nếu như các nước khác nhìn nhận Trung Quốc như một quốc gia cố tình bất hợp tác.

 

 

TRANH CHẤP LÃNH THỔ VÀ DỊCH CHUYỂN ĐỒNG MINH CHÂU Á

Lời răn dạy của Đặng Tiểu Bình về việc Trung Quốc không nên tham gia vào các vấn đề bên ngoài vẫn là một nguyên tắc chỉ nam đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu hành động của bất kỳ quốc gia nào bị Bắc Kinh đánh giá là có khả năng gây thiệt hại cho lợi ích lâu dài của Trung Quốc, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ cảm thấy vị thế đã tồn tại hàng thập kỷ qua của mình bị đe dọa và sẽ dẫn đến những rủi ro cho cả hai bên. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ những lợi ích của mình không được Trung Quốc xem như là đang trở nên quyết đoán hơn mà thay vào đó là để nhằm đảm bảo cho đất nước có thể tiến lên phía trước trên một “con đường đúng đắn” vào thời điểm thích hợp. Điều này đã trở nên khá rõ ràng khi được đặt vào trong bối cảnh của những vụ tranh chấp lãnh thổ đang xảy ra, chẳng hạn như xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà cả hai phía đều yêu sách chủ quyền, và trong cách ứng xử của Trung Quốc đối với kế hoạch trở lại Châu Á của Mỹ.

Một thập kỷ trước, Trung Quốc nổi lên như một nguồn hỗ trợ dành cho các quốc gia láng giềng khi những nước này bị phương Tây bỏ rơi ngay giữa cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. Với hàng loạt  chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới các nước láng giềng nhằm thể hiện thiện chí giúp đỡ kết hợp với những đề nghị viện trợ kinh tế cả trực tiếp và cả thông qua các khuôn khổ khu vực, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cho thấy một khả năng sử dụng sức mạnh mềm hết sức linh hoạt trong suốt nửa đầu của thập kỷ trước. Đây là chính sách có lợi cho Trung Quốc và nó tương phản với chính sách của Mỹ khi  nước này từ bỏ những lợi ích truyền thống của mình ở Châu Á. Tuy vậy, những tranh chấp lãnh thổ cũng như việc đánh bắt cá ồ ạt tại Biển Đông và các vùng nước giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã hủy hoại những thiện chí này và khiến nhiều quốc gia trong khu vực chào đón việc Mỹ mở rộng vai trò của mình tại Châu Á để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Trung Quốc cũng có những nghi ngờ sâu sắc đối với những dự định của Mỹ khi nước này triển khai kế hoạch “xoay trục” hay tái cân bằng về Châu Á, một kế hoạch mà Bắc Kinh cho rằng là một nỗ lực nhằm kìm hãm sức mạnh của Trung Quốc. Động thái này đã làm dấy lên câu hỏi về thiện chí của Washington trong việc liệu Mỹ có cung cấp nhiều không gian hơn cho một Trung Quốc đang phát triển hay không. Chính cái cách hung hăng đang được Mỹ áp dụng để thúc đẩy Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hàng loạt các quốc gia Châu Á là một ví dụ. Việc một thỏa thuận thương mại và đầu tư lớn của khu vực  không bao gồm quốc gia thương mại và đầu tư lớn nhất của khu vực đó tỏ ra là một điều khá khó hiểu. Tuy vậy, những điều kiện trong TPP đã không cho Trung Quốc bất kỳ sự lựa chọn nào ngoài việc tránh để khôngtrở thành một thành viên của nó.

Trung Quốc cũng đã đưa ra một lập trường mạnh mẽ đối với các tranh chấp lãnh thổ. Phản ứng của nước này giống như một dấu hiệu cho sự đi lên của chủ nghĩa dân tộc, nó châm ngòi cho sự quyết đoán gia tăng ở nước ngoài. Tuy nhiên, nó cũng có thể được xem như một phản ứng vô điều kiện đối với những hành động bên ngoài bị Bắc Kinh đánh giá là hành vi khiêu khích của các quốc gia khác. Chủ nghĩa dân tộc đang phát triển không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Nhật Bản và nhiều nơi khác trong khu vực.

Phát triển kinh tế trong nước cũng có vai trò trong các tranh chấp biển đảo. Những quốc gia ASEAN đang phát triển có một nhu cầu lớn về năng lượng và các loại tài nguyên khác và thường tìm kiếm dầu và hải sản ở những khu vực này cũng như vùng nước xung quanh.

Sự dịch chuyển cân bằng quyền lực giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã kéo những tranh chấp lãnh thổ lâu đời thành vấn đề thời sự. Hàng loại dụng cụ hải quan cùng với các tàu phi quân sự từ cả hai phía được triển khai trong khắp khu vực – một vài trong số đó thậm chí hoạt động độc lập không nằm dưới sự điều khiển của Bắc Kinh – và hoạt động đánh bắt cá tư nhân mở rộng khi lượng tiêu thụ trong nước tăng cao cũng đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho ngư dân. Những động thái này làm tăng khả năng xảy ra các rủi ro va chạm vô ý hoặc những sự kiện khác mà có thể bắt nguồn cho những xung đột trong khu vực.

Trung Quốc không hẳn là kẻ gây hấn trong tất cả các cuộc xung đột này. Tuy vậy, nước này có thể bị coi là đã sai khi đã không thông báo trước một cách rõ ràng về phạm vi mà Trung Quốc có thể chấp nhận và vì thế đã khiến các nước khác trở nên hung hăng hơn. Ví dụ, Trung Quốc nhìn nhận hành động của Nhật Bản trong năm 2012 về việc mua lại một phần của Quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku là một nỗ lực khiêu khích nhằm quốc hữu hóa lãnh thổ - kể cả khi ý định của Tokyo tỏ ra lành tính hơn. Khi chịu sức ép theo hướng đó, Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp mạnh mẽ nhằm thiết lập những khung thành vững chắc hơn. Trong khi nếu như trong quá khứ, Bắc Kinh chỉ có thể thể hiện sự không đồng tình của mình thông qua các thông điệp hay qua kênh ngoại giao, thì hiện nay Trung Quốc đã có đủ sức mạnh để hành động.

TRỞ THÀNH MỘT CƯỜNG QUỐC BẤT THƯỜNG

Nhưng Trung Quốc không tự coi mình như một nền kinh tế khổng lồ không thể dừng lại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn đất nước từ góc độ của những lợi ích quốc gia thâm căn cố đế và một nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và dễ bị tổn thương – chính điều đó đã  hạn thế hành động của nước này trên trường quốc tế.

Một quỹ đạo phát triển chậm dần, khả năng để đạt thặng dư xuất khẩu kém khả quan hơn, từ chối tiếp cận chuyển giao công nghệ, giảm chất lượng đầu tư nước ngoài, và nhu cầu phát triển bền vững là tất cả những vấn đề mà Trung Quốc cần giải quyết trong quá trình dịch chuyển từ nhóm những nền kinh tế thu nhập tầm trung sang nhóm các nước phát triển. Trung Quốc cũng nhận ra  thực tế rằng một khi nếu nước này không chống đỡ nổi một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn thì việc có thể trông cậy vào một nguồn hỗ trợ tài chính đầy đủ từ phía cộng đồng quốc tế là khá xa vời do đất nước Trung Quốc quá rộng lớn và cũng chính do sự khác biệt trong giá trị được chia sẻ đối với từng cường quốc.

Tuy vậy, việc tiếp tục chờ đợi thời cơ cho đến khi mọi thứ trở nên thuận lợi hơn lại không phải là một lựa chọn khả thi cho Trung Quốc nếu như hành động của các bên khác ép buộc nước này phải phản ứng sớm hơn so với mong đợi. Bắc Kinh tin rằng việc đáp trả một cách hung hăng sẽ có thể ngăn chặn những tranh chấp trong tương lai, tuy nhiên, những động thái này lại chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực và tạo điều kiện cho Mỹ thiết lập một sự hiện diện lớn hơn trong khu vực – cả hai đều là những kết quả không được mong đợi từ một kế hoạch tự hủy hoại chính mình.

Một lập trường tham gia, tiếp cận và tìm kiếm một sự thỏa hiệp với những cân nhắc về lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực có lẽ sẽ phục vụ tốt hơn cho Trung Quốc.

Một lẽ dĩ nhiên, không thể mong đợi Trung Quốc sẽ thuận theo một thỏa hiệp quốc tế nếu nó gây thiệt hại cho những lợi ích của Trung Quốc –  cũng như không thể mong đợi điều này từ bất kỳ một cường quốc nào, bao gồm cả Mỹ. Và cũng chính vì vậy, Trung Quốc hầu như luôn đứng bên ngoài một hệ thống quốc tế được xây dựng bởi phương Tây. Trung Quốc không coi mình là một phần của hệ thống hay bị bó buộc bởi những luật lệ của nó.

Trong một thế giới lý tưởng, Trung Quốc sẽ không bị xem như một mối đe dọa cần phải được kiềm chế mà như một đối thủ cạnh tranh chiến lược có thể trở thành đối tác khi cần thiết để giúp làm giảm căng thẳng và đảm bảo một kết quả mang tính xây dựng hơn đối với những vấn đề toàn cầu có tính chất đặc biệt nhạy cảm. Việc để cho Trung Quốc có tiếng nói lớn hơn trong việc xử lý những vấn đề này có thể thúc đẩy cho một quan hệ hợp tác nhiều hơn với phương Tây.

Điều này đòi hỏi cả Trung Quốc và Mỹ đều phải thực hiện chính sách mở cửa hơn nữa. Bên cạnh đó, hai cường quốc nên tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại. Nó có thể giúp cho cả hai nước tránh được việc làm tăng căng thẳng trong những vấn đề nóng như vấn đề chủ quyền.

Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng cách đi đầu trong việc ủng hộ thị trường mở và chống lại chế độ bảo hộ công nghiệp trong nước. Điều này có thể giúp Trung Quốc chống lại những chỉ trích về hoạt động thương mại của mình và đặt áp lực lên chính Mỹ và các quốc gia phát triển khác đang dịch dần theo hướng áp dụng chế độ bảo hộ. Việc ủng hộ  hệ thống thương mại mở đối với thị trường hàng hóa là  khá thuận lợi cho Trung Quốc khi nước này tỏ ra dễ bị tổn thương nếu vấp phải những cắt giảm về nhập khẩu lương thực trong giai đoạn khan hiếm.

Trong lúc tìm kiếm để tăng cường đầu tư bên ngoài, Trung Quốc cũng cần phải ủng hộ một sân chơi cân bằng. Những thị trường vốn mở hơn cùng với các thỏa thuận đầu tư song phương và đa phương có thể giúp đảm bảo một cách xử lý thích hợp và khả năng giải quyết một các linh hoạt hơn đối với các vấn đề an ninh. Trung Quốc cần phải theo sát hơn với những tiêu chuẩn quốc tế về vấn đề sử dụng tiền viện trợ, tuy nhiên phương Tây cũng có thể học Trung Quốc để sử dụng vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả hơn.

Một nỗ lực toàn diện hơn cần phải bao gồm cả kế hoạch xoay trục của Mỹ. TPP cần phải được thay đổi để trở nên linh hoạt hơn nhằm làm cho Trung Quốc thấy được lợi ích lớn khi bắt tay tham gia xây dựng để hướng tới một kết quả hiệu quả hơn thay vì chỉ là lợi ích không đáng kể khi đã thực hiện ký kết. Bài học này cần phải được ghi nhớ và áp dụng vào những giao dịch thương mại trong tương lai.

Đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền, có thể sẽ tốt hơn cho Trung Quốc và các quốc gia yêu sách khác tại Châu Á khi tạm gác lại vấn đề này và tập trung vào việc xây dựng lòng tin hẹp hay đàm phán về những vấn đề quyền tài nguyên ít căng thẳng hơn, ví dụ như mô hình Sáng kiến Hòa bình trên Biển Đông Trung Quốc của Đài Loan. Mỹ cũng nên tránh đưa ra những cam kết có thể làm mất ổn định tình hình hay thể hiện thiên vị đối với bất kỳ một bên yêu sách nào.

Đây đều là những tranh chấp mang tính phức tạp, với rất nhiều bên yêu sách cũng như lợi ích chống chéo, Trung Quốc nên nhận ra việc tiếp cận đa phương bao gồm tất cả các bên liên quan trong khu vực cùng với những nhóm lợi ích hay tư vấn khác có thể giúp đạt được những giải pháp công bằng và toàn diện hơn – một mục tiêu xuyên suốt trong lịch sử quan hệ quốc tế Trung Quốc.

Một Trung Quốc bị động không thể giúp gì được cho chính nó cũng như cho các nước khác. Mỹ và các cường quốc khác nên chịu khó nhấn mạnh những lợi ích của việc tham gia tích cực hơn vào việc định hình chương trình nghị sự quốc tế khi Trung Quốc đang đi vào giai đoạn chuyển đổi kinh tế mang nhiều tính rủi ro. Những tuyên bố và hành động gay gắt được Trung Quốc đánh giá như những nỗ lực để kiềm chế sự phát triển của nước này sẽ không giúp ích nhiều, trong khi đó việc tiếp cận và xây dựng các giải pháp hợp lý sẽ là một chính sách khôn ngoan hơn cho Washington. Điểm mấu chốt là phải thuyết phục Bắc Kinh rằng những lợi ích của họ sẽ được đáp ứng tốt nhất bằng cách hình thành những giải pháp ngay từ bây giờ, khẳng định rằng thỏa hiệp và hợp tác sẽ giúp Trung Quốc trong thời gian dài, và đảm bảo mọi lo ngại của Trung Quốc sẽ được lắng nghe.

 

Tiến sỹ Yukon Huang là cộng sự cao cấp với Chương trình Châu Á tại Viện Carnegie. Nghiên cứu của ông tập trung vào vấn đến phát triển kinh tế Trung Quốc và những tác động của nó đối với nền kinh tế Châu Á và Thế giới. Clare Lynch, nghiên cứu viên ở Carnegie, cũng đã góp phần vào việc thực hiện bài viết này. Bài viết đăng trên Carnegieen dowment (ngày 5/3).

Người dịch: Tiến Việt

Hiệu đính: Minh Ngọc