Dưới đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn của Jean-Luc Domenach, Giám đốc nghiên cứu danh dự, Chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc trường Đại học khoa học chính trị Paris (Sciences Po) về các chính sách đối nội và đối ngoại của ông Tập.

Sau các sự kiện Thiên An Môn, năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã chủ chương "giấu mình chờ thời" trên trường quốc tế nhằm đánh bóng lại một chút hình ảnh của Trung Quốc. Chính sách này hiện như thế nào? Những lời khuyên bảo đó vẫn được lắng nghe hay ván bài đã thực sự thay đổi? Nếu thay đổi thì bắt đầu từ thời điểm nào?

Jean-Luc Domenach: Tôi nghĩ rằng động lực cho sự thay đổi gần đây trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là kế hoạch của Đặng Tiểu Bình đã có hiệu quả. Thực vậy, ưu tiên phát triển kinh tế và cải cách đã tạo điều kiện cho người dân Trung Quốc làm giàu. Rồi thì, đối với Đặng Tiểu Bình và những người thân cận của ông rõ ràng là không nên nói mạnh mồm chừng nào Trung Quốc còn thiếu tiền. Ở thời điểm đó, chỉ có thể làm những việc cần thiết hơn: cải thiện tình trạng xã hội của người dân và phát triển chính sách quốc tế của đất nước. Và những tiến bộ quan trọng đã được ghi nhận ở cả hai mặt này.

Tôi muốn nói thêm rằng để có được sự thành công về kinh tế và xã hội này, Đặng Tiểu Bình đã dựa vào một êkíp những người trung thành và có khả năng sử dụng các công cụ của chủ nghĩa tư bản: các "hoàng tử đỏ" – vốn đã đóng một vai trò chủ yếu và từ nay đứng đầu nhà nước – trong bao lâu, đó lại là vấn đề khác.

Như vậy, kế hoạch của Đặng Tiểu Bình đã hoàn thành trên lĩnh vực kinh tế, và kể từ đó, lĩnh vực quốc tế và lĩnh vực xã hội có thể trở thành những nhiệm vụ chủ yếu.

Trong tư duy chính trị của giới tinh hoa Trung Quốc đang tồn tại một mối liên hệ với Liên Xô, và ngay cả với nước Nga hiện nay. Liệu người ta có thể nói, như đã đôi lần nghe thấy, về một xu hướng "Putin hóa" chế độ Trung Quốc hay không? Nói rộng hơn, ông có ý kiến như thế nào về sự tiến triển của mối quan hệ Trung-Nga?

Jean-Luc Domenach: Thực sự, tôi không tin rằng Trung Quốc có một sự bắt chước nhau giữa hai nước. Trong việc đào tạo giới tinh hoa Trung Quốc hiện nay, nội dung chủ yếu là tìm hiểu chủ nghĩa tư bản Mỹ. Trong thời gian gần đây, người ta nói công khai về chuyến du học tại Mỹ của Tập Cận Bình hồi năm 1984. Những "hoàng tử" khác cũng đã du học ở Mỹ. Đó là một bước khởi động cơ bản.

Ngược lại, do họ đã lĩnh hội được những kiến thức kinh tế và hiểu được sự cần thiết của chủ nghĩa tư bản, tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất coi thường Vladimir Putin. Tuy nhiên, họ biết sử dụng ông ta có lợi cho mình. Họ là người duy nhất làm được điều đó, vì nói chung chính Putin mới sử dụng những người khác. Trung Quốc đã được hưởng sự giảm giá dầu mỏ và khí đốt, và Nga cũng đã dạy cho Trung Quốc nhiều điều trong lĩnh vực các quan hệ quốc tế: chẳng hạn, những bài học thực sự về Trung Đông. Do vậy, tôi tin rằng V.Putin rất quan trọng với Trung Quốc, nhưng việc bắt chước ông ta không nằm trong những tham vọng của Trung Quốc.

Dù sao, liệu có thể nói rằng chúng ta đang chứng kiến một sự trượt dần tới chế độ độc tài kể từ khi Tập Cận Bình cầm quyền hay không?

Jean-Luc Domenach: Tôi không thể bị nghi ngờ là quá ưu ái chế độ Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng giới trí thức phương Tây có thiếu sót thực sự trong cách nhìn nhận, đặc biệt liên quan tới vấn đề quyền con người ở Trung Quốc. Nhìn chung xã hội Trung Quốc đã có những thay đổi nhất định, giờ đây, hàng triệu người Trung Quốc được phép đi du lịch nước ngoài. 

Sau một vài hoạt động mở cửa, Tập Cận Bình dường như đã co lại về mặt chính trị. Ông ta đã thực hiện vài "bước lùi" và dành ưu tiên cho việc củng cố chế độ.

Thành thực mà nói ông có cho rằng chế độ Trung Quốc đang trên bờ vực của sự sụp đổ, như Giáo sư David Shambaugh (Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc trường Đại học George Washington) đã tuyên bố hay không?

Jean-Luc Domenach: Tôi không nghĩ như vậy, nhưng không phải là hoàn toàn không nghĩ như vậy. Tuy nhiên, Tập Cận Bình rất mạo hiểm. Ban đầu, với một cuộc đấu tranh chống tham nhũng và suy thoái, ông ấy đưa ra một chính sách mà tôi nghĩ là thông minh, tương đối cởi mở, nhưng vẫn khép kín. Nhưng giờ đây, cuộc đấu tranh đó đã trở thành một phong trào phần nào mang hơi hướng Mao-ít, điều mà tôi thấy không khôn ngoan lắm, bởi xã hội Trung Quốc đang đầy biến động, và Tập Cận Bình không có thời gian theo sát những ủy ban mà ông đứng đầu: do đó, ông không thể ngăn chặn những hành động sai lầm và thái quá. 

Thực vậy, kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải đấu tranh chống nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Cuộc đấu tranh này đang được tiến hành đến đâu? Liệu nó có nguy cơ làm suy yếu, thậm chí làm thay đổi sự vận hành của một chế độ Đảng-nhà nước hay không?

Jean-Luc Domenach: Tôi tin rằng Tập Cận Bình hoàn toàn hiểu rõ chế độ Trung Quốc không thể vận hành mà không có một sự tham nhũng tối thiểu. Ông ấy đã có ý tưởng ngây thơ là phải đổi mới đội ngũ lãnh đạo, nhằm trước mắt giảm bớt quy mô tham nhũng. Nhưng ông ấy bắt đầu ra oai và tấn công nhiều người cùng một lúc – đây là cách làm mạo hiểm bởi ông ấy không thể "phân thân" để theo dõi mọi chiến dịch.

Cũng cần nói rằng trong khi ông ta bận rộn với những vụ việc này thì những vấn đề rất cần phải giám sát lại bị xao nhãng.

Tôi thấy ấn tượng trước việc quân đội Trung Quốc mới bắt đầu có chút phản ứng mà Tập Cận Bình đã phải xử lý một vài nhân vật quan trọng. Bởi vì nếu như có một nơi nào đó mà về lý thuyết Tập Cận Bình ưa thích, thì đó chính là ở bên quân đội. Bởi vì quân đội là chỗ béo bở nhất do có thể tiếp cận những khoản tiền khổng lồ. Bằng cách này hay cách khác, tôi nghĩ rằng các sĩ quan quân đội Trung Quốc phải cảm thấy bị đe dọa bởi chủ trương "cho vào quy củ" này. Không phải vô cớ khi "hoàng tử đỏ" ưu tiên lựa chọn các ngành nghề quân sự. Đó là những ngành dễ "kiếm ăn" nhất, nơi người ta có thể chiếm lấy "phần bánh lớn nhất".

Nếu như các cuộc thanh trừng được tiến hành ở Trung Quốc, sự phản kháng dường như rất yếu ớt?

Jean-Luc Domenach: Cho dù có sự phản kháng mạnh mẽ, thì có lẽ người ta cũng không thể biết được điều đó. Một sự phản kháng hiệu quả có lẽ phải được bí mật trong chế độ này. Nhưng cần phải lưu ý rằng viên tướng bị cách chức gần đây nhất, ban đầu, được xem như là thuộc phe của ông Tập. Tôi cũng nhận được những thông tin dạng này đối với những nhân vật bị kết án khác. Giới tinh hoa Trung Quốc bắt đầu than thở: họ cảm thấy bị đe dọa và tự hỏi phạm vi trấn áp sẽ được mở rộng đến đâu.

Do vậy, tôi nghĩ rằng Tập Cận Bình khá mạo hiểm. Tất nhiên, đó là một bổn phận khi người ta giữ những trách nhiệm như ông ấy. Nhưng khi làm chính trị, và đặc biệt khi giữ cương vị lãnh đạo, người ta không thể làm mọi việc cùng một lúc.

Một hệ quả khác gắn với cuộc đấu tranh chống tham nhũng là sự tham gia ngày càng tích cực của người dân Trung Quốc thông qua mạng Internet, đôi khi với những quan điểm chỉ trích chính quyền rất mạnh mẽ. Ông có nghĩ rằng điều đó cũng có thể dẫn đến một sự thay đổi chế độ hay không?

Jean-Luc Domenach: Nếu có thì quá trình này sẽ diễn ra rất chậm. Sự bùng nổ sẽ chỉ xảy ra khi nền kinh tế ngừng tăng trưởng, bởi vì kể từ những năm 1980, tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho tính chính đáng của chế độ Trung Quốc. Người Trung Quốc không ngốc nghếch, họ hiểu rõ chế độ của mình là gì. Nhưng chừng nào đạt được sự tăng trưởng, thì ủng hộ vẫn tốt hơn là phản đối, để tránh những phiền toái. Khi tăng trưởng chậm lại hoặc ngừng tăng trưởng, bất ổn nghiêm trọng sẽ xảy ra.

Điều đó sẽ xảy ra khi nào? Trong một năm, cũng như trong 10, 20, 30 năm tới? Dù sao đi chăng nữa, trong thời gian đầu, hai yếu tố có thể làm trì hoãn một cách đáng kể sự suy thoái kinh tế và thảm họa: một là tài năng thực sự của Thủ tướng, một chuyên gia về quản lý kinh tế và tài chính mang tính thực dụng; hai là, lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1950, Bộ chính trị Trung Quốc có một đa số gắn kết. Hai yếu tố này đóng vai trò quan trọng, vì Chính phủ Trung Quốc hiện có một ưu điểm mà Trung Quốc thiếu từ thời Chu Ân Lai: những bộ trưởng đáng tin cậy, nghiêm túc và gần như đồng thuận.

Trên thực tế, dường như không còn lực lượng đối trọng trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Jean-Luc Domenach: Thực vậy, không còn lực lượng đối trọng nữa. Trái lại, có những vấn đề khá phổ biến: nạn tham nhũng, cũng như sự tranh giành giữa các vùng – một thực tế còn ít được đề cập tới. Những khó khăn trong quản lý cũng thực sự tồn tại, nhưng ở cấp vĩ mô hơn là trong phạm vi các vùng vốn thường xuyên xảy ra tranh chấp với nhau. Một đại biểu đã thuật lại diễn biến một phiên họp Quốc hội: Ban đầu, tất cả đại biểu đều bỏ phiếu phản đối Thượng Hải, sau đó, quay sang phản đối các tỉnh ven biển; để rồi, cuối cùng, là "mỗi người vì mình". Mỗi người đều tìm cách "kéo cái chăn" về phía mình, đặc biệt khi ngân quỹ eo hẹp.

Liên quan tới chính sách quốc tế, sự nổi lên của Trung Quốc bị các nước láng giềng nhìn nhận một cách rất tiêu cực. Làm thế nào để Chính quyền Bắc Kinh có thể thay đổi điều này và cải thiện hình ảnh của mình?

Jean-Luc Domenach: Đây là một sai lầm khác của Tập Cận Bình, và ông ta đang rơi vào chính cái bẫy mà hầu hết những nhà lãnh đạo chuyên quyền vướng phải: Ông ta muốn "quét dọn" các khu vực lân cận của Đế chế Trung Hoa nhằm dựng lên một hàng rào bảo vệ. Song rõ ràng chính những nước gần Trung Quốc nhất cảm thấy bị đe dọa và phản ứng mạnh mẽ nhất. Do vậy, tôi nghĩ rằng chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng hoàn toàn mang tính thảm họa.

Trước hết, không nên coi người Nhật là những kẻ ngu xuẩn; họ không muốn chiến tranh, và chúng ta hiểu họ: Lịch sử của họ không khuyến khích điều đó. Nhưng tôi cho rằng họ sẽ không còn nhượng bộ. Và người Việt Nam lại càng ít rụt rè hơn. Gần đây, tôi mới phát hiện ra điều này. Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 phải đến năm 1986 mới kết thúc. Việt Nam và Trung Quốc đã ngấm ngầm tiếp tục chiến tranh và giới "hoàng tử đỏ" hiện đang lãnh đạo Trung Quốc hẳn còn nhớ điều này vì một số đồng chí của họ đã nếm mùi những trận đánh ác liệt. Một tư tưởng đối kháng khác từ nay liên quan tới Philippines, một nước chưa bao giờ tiến hành chiến tranh, song giờ đây đã mua cả tàu ngầm!

Do vậy, tôi nghĩ rằng chính sách khu vực của Trung Quốc là hết sức sai lầm, và hành động xây dựng các đảo nhân tạo sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá rất đắt. Trung Quốc sẽ không kiếm chác được gì. Ngược lại, chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ và châu Âu tích cực hơn nhiều.

Ở Mỹ, những đề tài liên quan tới Trung Quốc đã được tranh luận trong các chiến dịch bầu cử tổng thống kể từ 25 năm nay. Nhưng đó không phải là trường hợp ở châu Âu nói chung và ở Pháp nói riêng. Ông giải thích điều này như thế nào? Liệu điều đó có thay đổi hay không?

Jean-Luc Domenach: Tôi không nghĩ như vậy. Trung Quốc có lẽ không trở thành một đề tài thực sự, vì chúng ta có quá ít người biết tiếng Trung Quốc, quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nước này, và cuối cùng có quá ít trao đổi thương mại với họ.

Đó là điều đáng tiếc! Vì tôi cho rằng ông François Hollande rất kém cỏi trong việc thiết lập các mối quan hệ với Bắc Kinh. Hollande không nói chuyện lịch sử, không có những phát biểu quan trọng về Khổng giáo, ông tìm kiếm mối quan hệ con người. Ông ấy tránh những sai lầm lớn nhất và người ta thấy chính Laurent Fabius phụ trách những vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Mọi sự tốt đẹp hơn, với những trao đổi chính trị được chuẩn bị kỹ lưỡng. Song tình trạng thiếu sự quan tâm đến Trung Quốc và thiếu những mối quan hệ chặt chẽ với nước này đang tồn tại kéo dài trong xã hội Pháp. Điều này thật đáng tiếc!

Liên quan tới sự phát triển quốc tế của Trung Quốc, từ vài năm qua, người ta nhận thấy Trung Quốc tăng cường các hoạt động viện trợ phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng. Liệu có thể nói rằng Bắc Kinh đang tiến các quân cờ của mình một cách khôn ngoan để củng cố vị thế nước lớn của họ hay không?

Jean-Luc Domenach: Tôi có cảm tưởng rằng cho dù việc họ triển khai các hoạt động kinh tế và tài chính trong thế giới thứ ba là điều khôn ngoan, đó vẫn không phải là mối quan tâm chính của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong mắt họ, những nơi quan trọng nhất chính là Mỹ, châu Âu, đặc biệt là Đức, cũng như hai trục của khu vực mà đại diện là Nhật Bản (Trung Quốc đã tìm cách xích lại gần Hàn Quốc song không quá hy vọng vào Seoul) và Trung Á là những nơi mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thể dễ dàng đứng chân.

Ở Trung Á, tình hình trở nên ảm đảm hơn, với những nhà lãnh đạo chính trị già nua và ít có sự chọn lựa. Liệu điều này có thể tác động đến sự phát triển của Trung Quốc hay không?

Jean-Luc Domenach: Tôi không nghĩ mọi việc diễn ra theo chiều hướng đó. Ngược lại, chính Trung Quốc tác động tới sự phát triển của khu vực này. Dự án của Bắc Kinh trước hết nhằm giải quyết vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, hoặc bằng vũ lực, hoặc bằng sự phát triển – và có thể bằng cả hai cách. Tiếp đến, Trung Quốc đầu tư dần vào những khu vực có lợi nhất ở Trung Á.

Trung Quốc cũng duy trì những quan hệ đặc biệt với Triều Tiên. Ông có cách nhìn như thế nào về các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng? 

Jean-Luc Domenach: Về vấn đề Triều Tiên, Tập Cận Bình thực sự khó chịu, thậm chí nổi giận. Thái độ của Bình Nhưỡng đi ngược lại chính sách toàn cầu của Bắc Kinh, và các nhà lãnh đạo Triều Tiên không muốn nghe theo Chính quyền Bắc Kinh điều gì. Tập Cận Bình có lẽ muốn biến Triều Tiên thành kẻ ngu ngốc hữu ích, nhưng không thành công. Về điểm này, Tập Cận Bình cũng đối mặt với một trong những giới hạn quyền lực của ông: Sở dĩ, mọi việc bế tắc, tôi nghĩ rằng đó là do các cơ quan quân báo Trung Quốc có truyền thống bảo vệ Triều Tiên nhân danh sự đoàn kết giữa quân đội hai nước có từ 1950, và có lẽ cũng do sự ngờ vực từ lâu của Trung Quốc đối với Hàn Quốc.

Ông nhìn nhận như thế nào về khẩu hiệu "sự đồng thuận Bắc Kinh" – đối lập về mặt học thuyết với "sự đồng thuận Washington"?

Jean-Luc Domenach: Tôi không bao giờ tin tưởng vào khái niệm này. Tôi không nghĩ rằng sự đồng thuận này là khôn ngoan và chín chắn. Khái niệm này không phải do người Trung Quốc, mà do người Mỹ phát minh. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có chính sách cổ điển nhất, đó là gây ảnh hưởng mua chuộc, kích động và thao túng. 

Ông nhìn nhận như thế nào về tương lai của mối quan hệ Bắc Kinh-Washington?

Jean-Luc Domenach: Mối quan hệ này sẽ phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi chính phủ sắp tới ở Mỹ. Nếu chiến thắng trở lại với Hillary Clinton, người ta có thể hình dung một sự quản trị thế giới về một số vấn đề mang dáng dấp của một sự lưỡng cực. Người Trung Quốc, đặc biệt là Tập Cận Bình, chỉ trông mong điều đó, họ ngày càng muốn được B. Obama tham vấn và tìm thấy lợi ích trong đó. Trung Quốc sẵn sàng có những nhượng bộ, như đã được nhận thấy trong vấn đề về môi trường. Đối với Tập Cận Bình, đó là việc đáng làm, vì Trung Quốc sẽ được đặt lên thượng tầng, và tôi thực sự nghĩ rằng ông Tập tự coi mình là vị hoàng đế. Tôi cho rằng đó là chìa khóa của các mối quan hệ Trung-Mỹ hiện nay.

Liên quan tới vấn đề này, ông có cách nhìn nhận chính xác như thế nào về hình ảnh Tập Cận Bình?

Jean-Luc Domenach: Ban đầu, ông ấy gần như tạo cho tôi sự hứng khởi, tôi tự nhủ rằng ông ấy là một con người khôn ngoan, biết tận dụng từng giai đoạn trên con đường hoạn lộ, đôi khi khó khăn của mình. Nhưng giờ đây, tôi nghĩ rằng ông ấy tự coi mình là người kế vị ngôi hoàng đế. Điều đó rất mạo hiểm về mọi mặt. Đôi khi các vấn đề nội bộ không làm ông bị phân tán, như thể ông ấy nghĩ rằng sau tất cả những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế và xã hội và trong chính sách kinh tế, "nấc thang" tiếp theo của Trung Quốc chỉ là "tỏa sáng trên trường quốc tế".

Tóm lại, sự đi lên của Tập Cận Bình khá mang tính cổ điển: đứng đầu một đất nước có một lịch sử vẻ vang và trở nên rất hùng mạnh, Tập Cận Bình có xu hướng coi Trung Quốc như một đế chế, và muốn nâng cao tối đa vai trò của mình. Cần nhớ rằng Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân – một nhà du kích cách mạng lớn, một công chức giỏi, tương đối trung thực, và là người đã cứu rất nhiều người Trung Quốc thoát khỏi nạn đói khủng khiếp do chính sách Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông. Người ta có thể nghĩ rằng Tập Cận Bình có số mệnh hoàng đế. Rõ ràng, Tập Cận Bình không tuyên bố đế chế, nhưng không gì ngăn cản ông tích cực nghĩ đến điều đó, nhất là vì tham vọng sánh ngang hàng với Mỹ có thể thôi thúc ông nghĩ cách kéo dài quyền lực.

Bài viết được đăng trên Tạp chí La Revue Internationale Et Sstratégique (Pháp)

Hương Lan (gt)