Cả KMT và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có nhiều điều để lo ngại về cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Đài Loan. Cuộc bầu cử này được dự báo sẽ rất khó khăn đối với KMT. Trung Quốc muốn KMT thắng cử vì đảng này thường ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ kinh tế gần gũi giữa hai bờ Eo biển, và điều này khiến Bắc Kinh nuôi hy vọng một ngày nào đó có thể đưa Đài Loan trở về với Trung Quốc. Tuy nhiên, KMT dường như đang mất dần vị thế so với đảng Dân Tiến (DPP), đảng vốn thúc đẩy chủ quyền và quyền tự quyết cho Đài Loan. Trong các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức vào tháng 11/2014, KMT đã thể hiện sự kém cỏi. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, KMT kiểm soát 15 trong tổng cộng 22 thành phố, quận của Đài Loan nhưng sau bầu cử, đảng này chỉ còn giữ được quyền kiểm soát 6 khu vực và thất bại trong phần lớn khu vực còn lại trước DPP và liên minh.

Tại Đài Loan, thất bại đó được xem như cuộc trưng cầu dân ý về chiến lược quan hệ hai bờ Eo biển của KMT và là điềm xấu cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mã Anh Cửu, chiến lược của đảng cầm quyền đối với Trung Quốc đã giúp củng cố nền kinh tế suy giảm của Đài Loan thông qua tự do hóa thương mại với Trung Quốc và làm hòa với Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền, duy trì độc lập trên thực tế và tìm cách mở rộng không gian quốc tế của Đài Loan. KMT đã có thể giành được một số thành công khiêm tốn ở điểm thứ hai này. Dưới thời ông Mã Anh Cửu, Đài Loan đã có thể ký hiệp định thương mại tự do với Singapore và New Zealand, tham gia một số tổ chức quốc tế mà trước đây bị cấm, với sự chấp thuận của Trung Quốc, ngầm ý rằng Đài Loan sẽ không nhận được điều này dưới sự lãnh đạo của DPP.

Tuy nhiên, chiến lược này chỉ có thể giúp tăng trưởng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 của Đài Loan, thấp hơn nhiều so với cam kết 6% của ông Mã Anh Cửu. Tỷ lệ tăng trưởng kém này đã tác động xấu đến kết quả bầu cử năm 2014. Ngoài việc không thực hiện được lời hứa với cử tri về kinh tế khiến KMT thất bại, một nguyên nhân nữa là do DPP thực hiện chiến dịch tuyên truyền rằng KMT và Tổng thống Mã Anh Cửu đã thất bại trong chiến lược an ninh quốc gia. DPP lập luận rằng chiến lược của ông Mã Anh Cửu đã làm tăng sự phụ thuộc của Đài Loan vào Trung Quốc mà không mang lại bất kỳ lợi ích cụ thể nào cho Đài Loan. DPP đã tô vẽ KMT như một phần của Bắc Kinh, bán lợi ích của Đài Loan cho bên ngoài. Cách nhìn nhận này đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn vào tháng 3/2014 khi KMT thúc đẩy thông qua một hiệp định thương mại giữa hai bờ Eo biển. Kịch bản này sẽ gần như chắc chắn được lặp lại hướng vào KMT trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2016.

Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Hoa Đông có thể giúp Bắc Kinh chia cắt Đài Loan từ cả phía Bắc và Nam. Tệ hơn nữa, những hành động gây hấn trên biển của Trung Quốc đã khuyến khích Mỹ, nước bảo trợ lớn nhất của Đài Loan, tập trung xây dựng các mối quan hệ với Nhật Bản và Philippines khi tái cân bằng các nguồn lực quân sự tới khu vực. Dù có rất nhiều nỗ lực muốn làm thân với Mỹ, song Đài Loan hiếm khi trở thành tâm điểm chú ý của Washington dưới thời Tổng thống Barack Obama. Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế kém dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu và nhận thức về mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc sẽ giúp DPP dễ dàng thuyết phục người Đài Loan từ chối chương trình tăng cường quan hệ chính trị giữa hai bờ Eo biển.

Dù kết quả bầu cử tổng thống năm 2016 tại Đài Loan thế nào đi chăng nữa, Trung Quốc cũng có thể sẽ có nhiều điều để lo ngại về tương lai. Thậm chí, nếu ông Chu có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, các điều kiện dài hạn dường như cũng chống lại KMT. Dân số Đài Loan đang già nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á, kể cả Nhật Bản. Dân số già sẽ làm cho Đài Loan khó khăn hơn trong cạnh tranh, làm giảm khả năng của KMT trong việc tạo ra những thành tích kinh tế cần thiết cho chiến thắng trong bầu cử. Trong ngắn hạn, Trung Quốc đang gặp khó nhưng về dài hạn cũng không dễ dàng hơn.

Theo "Stratfor" (ngày 5/5)

Hương Trà (gt)