Liên quan đến vấn đề chiến lược của Mỹ đang dịch chuyển về phía Đông, Giáo sư Du Thúy thuộc Viện Khoa học Tự nhiên và Xã hội Trung Quốc cho rằng hiện trên thế giới đang tồn tại ba cách nói khác nhau gồm, chiến lược của Mỹ dịch chuyển về phía Đông, trọng điểm chiến lược của Mỹ dịch chuyển về phía Đông và trọng tâm chiến lược của Mỹ dịch chuyển về phía Đông. Xét về thực lực tổng thể, Mỹ trong nhiều năm tới đây vẫn là siêu cường duy nhất trên thế giới, chỉ có điều Oasinhtơn trong giải quyết các sự kiện quốc tế trọng đại không thể không dựa vào sự hỗ trợ của các nước lớn khác. Mỹ luôn có dã tâm xưng bá toàn cầu cùng chiến lược để thực hiện mưu đồ đó, do vậy Trung Quốc không nên gọi “Chiến lược của Oasinhtơn dịch chuyển về phía Đông”. Vấn đề đặt ra là chiến lược toàn cầu của Mỹ bao gồm một trọng điểm hay nhiều trọng điểm. Xét theo góc độ bố trí chiến lược, đương nhiên sẽ thấy không phải chỉ có một trọng điểm nên quan điểm cho rằng “trọng điểm chiến lược của Mỹ đang dịch chuyển về phía Đông” cũng không đúng. Chiến lược của Mỹ mang tính toàn cầu và nó có thể "di động", do đó cách nói “trọng tâm chiến lược của Mỹ dịch chuyển về phía Đông”, hoặc Oasinhtơn tăng cường chiến lược của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ hợp lý và có cơ sở hơn. Trọng tâm chiến lược của Mỹ dịch chuyển trước tiên được bắt nguồn từ chính lợi ích bản thân của nó bởi Trung Quốc là một trong những trọng điểm đối phó. Trong đó, trọng điểm này hoàn toàn không phải được xây dựng trên luận điểm “Trung Quốc và Mỹ cùng lãnh đạo thế giới”. 

Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế hiện đại (Trung Quốc) Dương Minh Kiệt khẳng định, Trung Quốc chính là mục tiêu dịch chuyển chiến lược của Mỹ, nhưng không phải là mục tiêu duy nhất. Oasinhtơn mặc dù tăng cường chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng sẽ khó có thể trở thành người lãnh đạo khu vực này trong tương lai bởi một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, vai trò quốc tế của các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày một nâng cao, không thể chỉ đơn giản thực hiện giải pháp “chia để trị”; Thứ hai, Trung Quốc luôn quán triệt cũng như thực hiện chính sách hòa hợp, hữu hảo với láng giềng nên hiện nay cơ bản đã được các nước xung quanh ghi nhận, vai trò hợp tác và điều hòa của Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực cũng được phát huy nhất định; Thứ ba, hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với các nước xung quanh hiện đã bước sang giai đoạn mới, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên ngày càng cao nên các nước láng giềng chắc chắn sẽ không chỉ đơn giản lựa chọn giải pháp dựa vào Bắc Kinh về kinh tế, dựa vào Mỹ về an ninh. Bổ sung các ý kiến phân tích và nhận định kể trên, ông Triệu Xương Hội, chuyên gia phân tích rủi ro quốc gia thuộc Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, cho biết hội nghị về năng lượng vừa được tổ chức tại Cata với chủ đề “Mỹ trong chiến lược năng lượng dịch chuyển về phía Đông” cho rằng, khu vực Trung Đông - ngoại trừ ý nghĩa địa chính trị chiến lược - đang dần trở nên không mấy quan trọng đối với Oasinhtơn. Lượng dầu mỏ nhập khẩu từ khu vực Trung Đông của Mỹ hiện đang ở mức dưới 7%, Oasinhtơn sớm muộn cũng sẽ rút khỏi khu vực này. Do vậy, đích thị trọng tâm chiến lược của Mỹ đang dịch chuyển về phía Đông và hiện nay nó đang nằm trong giai đoạn chuẩn bị hoặc “bày binh bố trận”.

Về nội dung dịch chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sẽ tác động như thế nào đối với an ninh Trung Quốc, ông Tiền Văn Vinh thuộc Phòng Nghiên cứu Vấn đề Thế giới, Tân Hoa Xã cho rằng, chiến lược của Oasinhtơn đối với Bắc Kinh hiện nay giống với chiến lược đối với Liên Xô trước kia ở chỗ đều chú trọng cũng như tăng cường đồng minh và thực hiện bao vây về chính trị. Tuy nhiên, nó lại khác ở nội dung, Oasinhtơn ngày nay áp dụng chính sách “vừa tiếp cận vừa kiềm chế” đối với Bắc Kinh. Điều này cho thấy, Oasinhtơn một mặt rất cần Bắc Kinh, nhưng mặt khác lại thông qua tiếp cận để từng bước thay đổi và chuyển hóa Trung Quốc. Trong đó, giải pháp của Mỹ sẽ là thông qua hợp tác kinh tế để chuyển hóa chế độ tư pháp cùng ý thức tư tưởng, từng bước làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Oasinhtơn cùng với đó sẽ thực hiện kiềm chế trên lĩnh vực quân sự, thu hẹp không gian chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề khống chế đường vận tải hàng hải quốc tế, bao gồm cả các tuyến vận tải dầu mỏ. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh kinh tế, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế hiện đại Giang Dũng cho rằng áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc trong tương lai sẽ được quyết định bởi hai vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ và mâu thuẫn nội bộ tại Trung Quốc. Trung Quốc sau Đại hội 18 nếu có được tiếng nói cũng như nhận thức chung rõ ràng Mỹ chắc chắn sẽ không dám khinh suất. Ngược lại, trong trường hợp Trung Quốc vẫn bất ổn, không biết làm thế nào cho tốt thì Oasinhtơn sẽ quyết không bỏ qua cơ hội “nghìn năm có một”. 

Liên quan đến nội dung Bắc Kinh nên hay không nên xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược với nước khác để đối phó với Oasinhtơn, Chủ nhiệm Quỹ Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế (Trung Quốc) Vương Hải Viễn cho rằng Trung Quốc không thể “đơn thương độc mã” trong thế giới đa cực tương lai. Trung Quốc cần trở thành nước lớn thực sự, một trong những trung tâm sức mạnh của thế giới và tập hợp lượng lớn bạn bè xung quanh. Bắc Kinh phải căn cứ vào thời thế để điều chỉnh phương châm sách lược của mình. Sự thay đổi của tình hình an ninh quốc tế buộc Trung Quốc phải xem lại chính sách “không liên kết”, tuy nhiên, nếu hiện nay công khai ngay và giương lên ngọn cờ liên minh sẽ thiếu tính khả thi. Phát triển quan hệ chuẩn liên minh đang trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay đối với Trung Quốc, trong đó cần đặc biệt chú trọng quan hệ với Nga vì hai bên có sự gần gũi rất lớn về khái niệm cũng như lợi ích chiến lược. Cùng quan điểm, ông Hoàng Tinh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Nghiên cứu Khoa học, Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho rằng về lâu dài việc tăng cường quan hệ Trung-Nga sẽ rất cần thiết và đây chính là sự lựa chọn của chính trị. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần khôi phục tư tưởng “hai mặt trận thống nhất” trong và ngoài nước, tận dụng tối đa các vấn đề mâu thuẫn cũng như điểm yếu của đối phương để mở rộng ưu thế của mình. Tương tự, ông Tiền Văn Vinh cũng khẳng định nay là lúc Trung Quốc buộc phải suy nghĩ và tính toán đến vấn đề liên minh. Trong cuộc chiến tương lai, bất luận là đối kháng về chính trị hay quân sự, Trung Quốc cơ bản sẽ không thể giành được thắng lợi khi đơn phương chống lại mạng lưới liên minh toàn cầu do Mỹ dựng lên.

Theo Mạng “Thời báo hoàn cầu”

Lê Sơn (gt)