Năm 2010 bị coi là một năm thất bại trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh với nhiều vấn đề do chính họ gây ra. Năm 2010 được nhớ đến như một năm mà thái độ gây hấn về Biển Đông của Trung Quốc khiến Việt Nam không chỉ đưa vấn đề trở lại chương trình nghị sự ASEAN mà còn khiến Mỹ hoàn toàn thể hiện sự ủng hộ với các nước trong khối này thông qua khẳng định lợi ích của Oasinhtơn trong tự do hàng hải ở Biển Đông. Năm 2010 cũng được nhớ đến như một năm mà Trung Quốc gây căng thẳng không cần thiết với Ấn Độ liên quan đến các vấn đề biên giới, với Hàn Quốc qua việc im lặng không chỉ trích Bình Nhưỡng trong vụ Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu Cheonan, với Nhật Bản qua sự cố va chạm tàu trên biển Hoa Đông, và còn nhiều hơn với những “cuộc chiến mạng” mà Bắc Kinh che đậy.

Giới lãnh đạo cũng như ngoại giao Trung Quốc đang cố khắc phục những "bước lùi" ngoại giao đó với chuyến thăm Mỹ hồi tháng 1/2011 của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tiếp sau là chuyến thăm của Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Trần Bính Đức hồi tháng 5/2011, những đề nghị trợ giúp lớn và những chia sẻ với Nhật Bản sau thảm họa động đất cũng như một loạt cuộc công du của Thủ tướng Ôn Gia Bảo với nụ cười thường trực.

Tuy nhiên, những nỗ lực lấy lại lòng tin, tránh đối đầu, hạ giọng và can dự với Mỹ để tái nhấn mạnh “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc đang vấp phải một xu hướng thay đổi quan điểm. Những cuộc gặp không chính thức gần đây của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức phân tích cũng như các nhân vật quân đội của châu Á với các đối tác Mỹ và quốc tế cho thấy họ không chỉ nghĩ về cách can dự với Trung Quốc mà còn tỏ rõ lập trường của mình.

Các nước khác ở châu Á không còn đơn giản là ung dung hưởng thụ lợi ích từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Họ cũng không còn coi Mỹ là một siêu cường quân sự đang giảm sút với nền kinh tế ngắc ngoải. Họ bắt đầu tin rằng Mỹ vẫn là một lực lượng hùng hậu và cơ bản “lành” hơn Trung Quốc. Bất chấp Oasinhtơn có xu hướng ngạo mạn và vươn xa, họ vẫn có nhiều bạn bè hơn Bắc Kinh.

Trung Quốc đối mặt với một số tình thế nan giải thực sự. Trước mắt, có thể là năm nay, tàu sân bay đầu tiên của họ sẽ đi vào hoạt động mà nhiều khả năng từ một căn cứ ở Biển Đông và phô trương ngọn cờ hải quân PLA ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Đương. Đây được coi là lời khẳng định cho sự lớn mạnh của Trung Quốc, song cũng là một lo ngại rất rõ ràng cho các nước láng giềng. Việc Trung Quốc phát triển được những hệ thống khí tài mới, trong đó có các tên lửa chống hạm, có thể đang làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự khu vực. Tuy nhiên, đừng cho là các quốc gia có kỹ thuật tiên tiến như Hàn Quốc và Nhật Bản đang mạnh mẽ vũ trang cho mình chỉ là nhằm chống lại Bình Nhưỡng. Họ cũng đang phản ứng lại với Trung Quốc.

Những va chạm với các nước láng giềng ở Biển Đông vẫn xảy ra, chẳng hạn tuần trước Trung Quốc đã gây hấn với một tàu thăm dò Việt Nam ở vị trí cách bờ biển Việt Nam 120 km, rõ ràng nằm trong phạm vi được coi là vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam. Dù Bắc Kinh có xúi giục hay không thì các lực lượng Trung Quốc vẫn luôn phô trương “cơ bắp”, ít nhất là với các láng giềng nhỏ hơn như Philíppin và Việt Nam.

Mỹ sẽ phải cắt giảm hơn nữa chi tiêu cho quốc phòng sau những tốn kém ở Irắc và Ápganixtan. Nhưng khó có chuyện thực lực không quân và hải quân của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương sẽ yếu đi bởi tầm quan trọng của khu vực này. Trong khi đó, hợp tác giữa Mỹ với Nhật Bản, Ôxtrâylia và Hàn Quốc đang được tăng cường. Chính sách của Mỹ là lịch thiệp ở mức có thể nhất với Trung Quốc, can dự đối thoại với PLA, không bình luận về các tranh chấp quần đảo nhưng giữ vững lập trường nguyên tắc tự do hàng hải là sống còn với thương mại khu vực và thế giới.

Điều này phù hợp với hầu hết các thành viên ASEAN, không chỉ với Việt Nam (nước đang tăng cường quan hệ với quân đội Mỹ) và Malaixia, dù Kuala Lămpơ nói rằng Trung Quốc đang hợp tác trong vấn đề biển.

Khả năng quân sự của các quốc gia ASEAN cộng lại vẫn khiêm tốn và một số khí tài của họ, ví dụ các tàu ngầm ít dùng ở vùng nước cạn của Biển Đông, giống như chủ yếu để trưng bày. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận của ASEAN ngày nay, chủ đề bao trùm cả thập kỷ qua là hợp tác kinh tế có phần ít được nhấn mạnh hơn. Thay vào đó là những vấn đề mang tính chiến lược.

Một điều quan trọng là Inđônêxia, trước đây dường như không coi trọng ASEAN bởi họ góp mặt ở nhóm G-20, nhưng giờ đang đưa ASEAN trở lại mặt trận tiên phong của chính sách.

  Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng

 Mỹ Anh(gt)