Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đang giảm do cách xử lý của Chính quyền Kan đối với thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 và cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima cũng như các quan ngại ngày càng tăng về sự an toàn của năng lượng hạt nhân, hầu như không có nhiều người ngạc nhiên trước tuyên bố của Thủ tướng Kan rằng cần phải xem xét lại từ đầu chính sách năng lượng của nước này. 

Tuyên bố này, bao gồm quyết định từ bỏ kế hoạch xây dựng thêm 14 lò phản ứng mới được công bố hồi năm ngoái, đã được đưa ra ngay sau khi Chính phủ yêu cầu Công ty Điện lực Chubu đóng cửa Nhà máy Điện hạt nhân Hamaoka vì các lý do an toàn. Tuy nhiên, những hàm ý trong tuyên bố của Thủ tướng Kan đã vượt ra ngoài lãnh thổ của Nhật Bản. Các quốc gia theo chế độ dân chủ và đang sử dụng năng lượng hạt nhân khác như Hàn Quốc và Ấn Độ cũng kêu gọi rà soát lại vấn đề an toàn mặc dù vẫn tiếp tục ủng hộ năng lượng hạt nhân. Trong bối cảnh các phương tiện truyền thông phương Tây tiếp tục đưa các câu chuyện kinh hoàng về bụi phóng xạ từ Fukushima một cách định kỳ, rõ ràng Trung Quốc có thể là một nước giành chiến thắng lớn từ cuộc khủng hoảng này của Nhật Bản.

Ít bị hạn chế hơn bởi dư luận, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng hạt nhân khổng lồ của mình để trở thành nền tảng của ngành công nghiệp hạt nhân. Trước cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, các nhà chức trách Trung Quốc tin rằng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc nước này phải tìm cách giảm sự phụ thuộc truyền thống vào than đá.

Hiện nay, Trung Quốc có 13 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và hơn 27 lò phản ứng đang được xây dựng, trong khi đang có kế hoạch xây dựng hàng chục lò phản ứng khác. Phát biểu sau các sự cố ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, Thứ trưởng phụ trách việc bảo vệ môi trường Trung Quốc Zhang Lijun nói: “Trung Quốc sẽ không thay đổi quyết tâm và kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân”. 

Hiện nay, Trung Quốc có các kế hoạch xây dựng một “thành phố hạt nhân” đầu tiên tại Hải Diêm. Vào năm 2012, nước này sẽ đưa vào hoạt động thùng áp lực của lò phản ứng (RPV) có công suất lớn nhất trên thế giới. Khả năng chế tạo các bộ phận của lò phản ứng lớn của Trung Quốc đang được tích lũy khi nước này đề xuất xây dựng 2 lò phản ứng công suất 1.000 MW cho Pakixtan.

Kết quả là, có vẻ như Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ bất cứ sự suy sụp nào trong ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản. Nếu điều này dẫn tới sự thoái trào ở bất cứ nước nào có ảnh hưởng lớn khác ở châu Á, Trung Quốc có thể sẽ nổi lên thành một động lực chính không thể tranh cãi bằng cách thu gom các công nghệ cần thiết và các nguồn tài nguyên hạt nhân. Chẳng hạn, Toshiba-Westinghouse đã chuyển giao đủ kiến thức cho Trung Quốc để nước này nâng cấp lò phản ứng AP-1000 của liên doanh này thành lò phản ứng CAP-1400 và theo dự kiến, lò phản ứng CAP-1400 đầu tiên sẽ được xây dựng vào năm 2013.

Ngược lại, Nhật Bản có vẻ như sẽ từ bỏ năng lượng hạt nhân sau khi đã sử dụng năng lượng này để bù đắp cho sự khan hiếm các nguồn nhiên liệu. Năng lượng hạt nhân là sự lựa chọn mang tính lôgíc để đảm bảo cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang nổi lên của Nhật Bản trong thời hậu chiến bởi vì, năng lượng này cho phép cung cấp điện một cách liên tục trong thời gian dài và với công suất cao – những yêu cầu chủ chốt nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ cho các hoạt động công nghiệp và thương mại. 

Các chính phủ kế tiếp nhau ở Nhật Bản đã coi đầu tư để phát triển năng lượng hạt nhân là một ưu tiên chiến lược. Kết quả là Nhật Bản đã trở thành trung tâm trong chuỗi cung cấp năng lượng hạt nhân. Chẳng hạn, tập đoàn Japan Steel Works hiện đang chiếm tới 80% thị phần trên thị trường cung cấp thùng áp lực cho các lò phản ứng (RPV), một cấu phần chủ chốt của đa số các lò phản ứng ngày nay, trên thế giới. Cùng với việc có một ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân thương mại lớn, Nhật Bản cũng là nước đi đầu trên thế giới trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân, từ các chu kỳ nhiên liệu chống phân hạch hiện đại cho đến việc quản lý chất thải và đảm bảo an toàn cho các lò phản ứng. Ở một khía cạnh nào đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima đã cho thấy chất lượng xây dựng của Nhật Bản bởi vì, các lò phản ứng cũ kỹ này đã chịu được trận động đất có cường độ tới 9 độ Richter và chỉ bị hỏng khi sóng thần phá hủy các máy phát điện dự phòng chạy bằng nhiên liệu diesel cần thiết để duy trì hoạt động cho hệ thống làm mát của các lò phản ứng này. 

Vị trí trung tâm trong ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản đã trở nên rõ ràng hơn khi những lo lắng về sự an toàn kể từ sau thảm họa Chernobyl đã có các tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp hạt nhân ở Mỹ. Mỹ vẫn chưa xây dựng thêm bất cứ lò phản ứng hạt nhân mới nào trong vòng hơn 30 năm qua và đang tiếp tục phụ thuộc vào các chương trình mở rộng nhà máy nhằm duy trì hoạt động của 104 lò phản ứng.

Việc không có các đơn đặt hàng mới đã khiến ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ phải quay sang các thị trường khác và ngày nay, phần lớn ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ hoặc đang được sở hữu trực tiếp của Nhật Bản hoặc là một phần trong liên doanh với một tập đoàn lớn của Nhật Bản. Do vậy, mặc dù Ủy ban Quy tắc Hạt nhân Mỹ đã cấp hàng chục giấy phép cho các lò phản ứng hạt nhân mới nhưng rất ít lò phản ứng có thể được xây dựng trong tương lai gần bởi vì, việc thiếu cơ sở cung cấp trong nước đã khiến việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới trở nên đắt đỏ ở Mỹ. Ông John Rowe, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Exelon, tập đoàn điều hành nhà máy hạt nhân lớn nhất ở Mỹ, nói: “Trong bất cứ trường hợp nào, các nhà máy điện hạt nhân mới không phải là các khoản đầu tư mang tính kinh tế do các dự báo về khí thiên nhiên hiện nay”. Vì vậy, Exelon sẽ “tập trung vào việc đảm bảo cho các nhà máy điện hạt nhân hiện nay hoạt động một cách an toàn”. 

Tuy nhiên, điều này không diễn ra ở châu Á. Việc năng lượng hạt nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng năng lượng ở Nhật Bản (chí ít cho đến trước cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima) cũng diễn ra ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt khác của châu Á. Hàn Quốc, nước đang tìm cách cạnh tranh với Nhật Bản trong ngành công nghiệp này, đã tiếp bước Nhật Bản. Hiện nay, năng lượng hạt nhân đang chiếm hơn 35% trong tổng nguồn cung điện năng ở Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng tái khẳng định cam kết với năng lượng hạt nhân ngay sau cuộc khủng hoảng ở Fukushima. Phát biểu ở một sự kiện kinh doanh gần đây, Bộ trưởng bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc Choi Joong-kyung nói: “Câu trả lời của chúng tôi đối với ngành công nghiệp hạt nhân đó là chúng tôi cần phải tiếp tục đi”. Ông nhấn mạnh: “Một phần khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chúng tôi chính là năng lượng hạt nhân nhờ các chi phí năng lượng thấp. Vì vậy, thật khó để từ bỏ (năng lượng hạt nhân)”.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang nổi lên thành một nhà cung cấp quan trọng trong chuỗi cung cấp năng lượng hạt nhân toàn cầu sau khi đánh bại các đối thủ đến từ Pháp và liên doanh Nhật-Mỹ để giành được các gói thầu thực hiện dự án điện hạt nhân có tổng trị giá tới 40 tỷ USD ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vào tháng 12/2009.

UAE không phải là quốc gia duy nhất ở Trung Đông đang tìm cách khai thác năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện năng. Vì vậy, việc giành thầu xây dựng điện hạt nhân ở UAE chắc chắn sẽ mang lại hy vọng cho Hàn Quốc là nước này có thể tiếp tục giành được các gói thầu. Mặc dù vậy, các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đang làm dấy lên các quan ngại về các vấn đề an toàn bất chấp Chính phủ Hàn Quốc lạc quan về năng lượng hạt nhân.

Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà vấn đề an toàn của năng lượng hạt nhân đang được đặt ra. Ấn Độ cũng đã thông báo rằng nước này đang xem xét lại hoạt động tại các nhà máy điện hạt nhân hiện nay. Điều này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ dự định sẽ tăng công suất phát điện hạt nhân lên 63.000 MW vào năm 2032, trong đó khoảng 1/2 sẽ được đáp ứng bởi các lò phản ứng Gen III nhập khẩu thế hệ thứ 3 được cho là có khả năng tránh các vấn đề giống như các vấn đề đã từng xảy ra ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. 

Các công ty cơ khí công nghiệp nặng của Ấn Độ đã có các liên kết kinh doanh với các tập đoàn năng lượng hạt nhân lớn trên thế giới nhằm tăng cường năng lực luyện kim cần thiết để chế tạo các bộ phận khổng lồ của các lò phản ứng hạt nhân như các RPV. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Ấn Độ, nước có chương trình hạt nhân dân sự lâu đời nhất ở châu Á, đã phát triển công nghệ hạt nhân cho riêng mình. Chẳng hạn, nước này đang trao đổi công nghệ chế tạo lò phản ứng nhỏ (công suất nhỏ hơn 300MW) với các nước như Cadắcxtan và Namibia để đổi lại urani tự nhiên cung cấp cho các lò phản ứng ở trong nước.

Tuy nhiên, cũng giống như Hàn Quốc, các phương tiện truyền thông ở Ấn Độ cũng đang ngập tràn các câu chuyện về cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima và có một tâm trạng bất an đáng kể trong dư luận nước này về Jaitapur - địa điểm dự kiến sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở bang Maharashtra. Địa điểm này, nơi sẽ có 6 lò phản ứng do Pháp cung cấp, là mục tiêu của các nhóm chống năng lượng hạt nhân bởi vì, họ cho rằng địa điểm này là nơi có khả năng xảy ra động đất và do vậy, có thể gây nguy hại cho ngành công nghiệp đánh cá của địa phương. 

Tuy nhiên, các quan ngại về vấn đề biến đổi khí hậu có thể sẽ lớn hơn các quan ngại về an toàn hạt nhân ở châu Á, nhất là ở Trung Quốc. Sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất đại trà công nghệ thấp của Trung Quốc vẫn đang dựa vào than đá. Nhưng điều này có tác động xấu tới môi trường của nhiều thành phố ở Trung Quốc. Một số thành phố thường được xếp hạng là ô nhiễm nhất trên thế giới. Chẳng hạn, năm 2007, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ước tính mỗi năm, có hơn 600.000 người Trung Quốc chết sớm do ô nhiễm không khí.

 Nếu các nguy cơ hạt nhân thực sự ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản hoặc dẫn tới nhiều cuộc biểu tình ở Ấn Độ, ngành công nghiệp hạt nhân sẽ dịch chuyển sang Trung Quốc theo cái cách mà phần lớn các ngành công nghiệp khác đang tập trung ở đó. Điều này có thể cho phép Trung Quốc sở hữu ngành công nghiệp có tính cạnh tranh nhất về lượng khí thải cácbon trên thế giới và làm tăng triển vọng một ngày nào đó, Trung Quốc trở thành một nước xuất khẩu điện hạt nhân duy nhất. 

Một ngày nào đó, Mỹ và châu Âu có thể sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc một lần nữa sử dụng năng lượng hạt nhân. Khi đó, họ có thể sẽ chỉ có một địa điểm duy nhất để tới, đó là Trung Quốc.

 

Theo The – diplomat

Hương Trà (gt)