Thực tế, qua xem xét các chương trình mua sắm vũ khí trang bị quân sự ban đầu của một số nước láng giềng của Trung Quốc - chưa kể chính phủ Mỹ quyết định tái cân bằng lực lượng quân sự như một phần trong cái gọi là chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương – rõ ràng Mỹ và các đồng minh khu vực đã ký kết các thỏa thuận nhằm đối phó với những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Nhưng trước khi đổ lỗi cho Bắc Kinh gây nên một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, các nhà phân tích cần xem xét kỹ chính sách của Bắc Kinh. Nhưng sau khi xem xét, bất cứ ai cũng sẽ nhận ra rằng những hành động quyết đoán gần đây của Trung Quốc thường không kèm theo vũ lực.

Trước hết, hiện nay Trung Quốc đang trải qua sự thay đổi chiến lược lớn về lĩnh vực biển. Sự thay đổi đó nên được coi là tiến bộ tự nhiên của một nước lớn đang phát triển do chuyển từ một nước tự coi mình là cường quốc lục địa chủ yếu quan tâm đến các vấn đề nội bộ sang tự coi mình như một cường quốc biển liên quan đến các đường biên giới trên biển. Chẳng hạn, trước đây Mỹ chỉ hướng ra biển sau khi hoàn thành việc phát triển về phía Tây, giải quyết vấn đề biên giới phía Nam sau cuộc Chiến tranh Mỹ-Mêhicô và kết thúc kế hoạch mua Alaska. Tương tự, khi Bắc Kinh ngày càng trở nên tự tin hơn về khả năng của họ trong việc giải quyết các vấn đề trong nước cũng như các tuyến biên giới trên bộ (Trung Quốc đã giải quyết nhiều tranh chấp biên giới trước đây với các nước láng giềng), các nhà lãnh đạo đã chuyển mối quan tâm sang những yếu kém của Trung Quốc ở các vùng biển liền kề lãnh hải. Không ai có thể đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của sự thay đổi mang tính lịch sử và chiến lược này của Trung Quốc. Các hoạt động chống cướp biển do Hải quân Trung Quốc thực hiện từ năm 2008 là những hoạt động bên ngoài khu vực đầu tiên của quân đội Trung Quốc trong hơn 600 năm qua. Nói rộng hơn, Trung Quốc ngày càng nhận ra rằng họ phải dựa rất nhiều vào thương mại hàng hải để bảo đảm nhập khẩu các nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô cũng như xuất khẩu hàng hóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Năm 2004, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhắc đến “tình thế tiến thoái lưỡng nan ở eo biển Malắcca” của Trung Quốc khi 85% khối lượng nhập khẩu dầu lửa và khí đốt nhập khẩu của nước này buộc phải đi qua eo biển này và Biển Đông. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định rõ trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tháng 10/2004 về mục tiêu xây dựng Trung Quốc “trở thành một cường quốc hàng hải”. Và năm 2012, Bắc Kinh thành lập cơ quan đầu tiên với nhiệm vụ xây dựng các chính sách biển cho Bộ Chính trị. 

Một số nhà quan sát châu Á đánh giá động thái mới của Bắc Kinh như một sự mở đầu của giai đoạn phát triển các loại vũ khí hiện đại. Nhưng đó là lời giải thích gây hoang mang lo sợ. Đúng, một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã và đang nỗ lực sản xuất và mua sắm các loại vũ khí trang thiết bị quân sự hiện đại để hiện đại hóa quân đội, nhất là lực lượng hải quân. Nhưng hiểu một cách chính xác các chính sách biển quan trọng nhất mà Trung Quốc thực hiện trong những năm gần đây – hợp nhất 4 trong số 5 cơ quan biển của Trung Quốc - là sự hợp nhất đó không liên quan đến quân đội Trung Quốc. Đây là một chính sách nhằm áp dụng những hành động quyết đoán mà không gây đối đầu. Thực tế, cuộc cải cách này của Bắc Kinh là nhằm thành lập một cơ quan thực thi pháp luật thống nhất, nhưng về bản chất là lực lượng bảo vệ bờ biển thống nhất đầu tiên của Trung Quốc. Trước đây 5 cơ quan - Cơ quan giám sát biển Trung Quốc (CMS), Cơ quan Thực thi Luật ngư nghiệp (FLEC), Cục Chống Buôn lậu, Lực lượng Cảnh sát Biển và Cục Quản lý An toàn Hàng hải – thường cạnh tranh ảnh hưởng và ngân sách với nhau. Trong số 5 cơ quan đó, hiện nay 4 cơ quan sẽ được sáp nhập vào Cục Hải dương quốc gia trực thuộc Bộ Tài nguyên đất đai, nhưng Cục quản lý an toàn hàng hải vẫn không nằm trong tổ chức mới. Cục Hải dương quốc gia đã thành lập Ủy ban hải dương Quốc gia giúp hoạch định chính sách hàng hải. Việc Trung Quốc sắp xếp lại các cơ quan này là tất yếu. Cho đến nay, mỗi cơ quan phải báo cáo một bộ riêng, từ đó gây nên các thủ tục hành chính và biên chế các đội tàu rất phức tạp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể chấp nhận tình trạng đó, nhất là khi các đội tàu của CMS và FLEC phát triển cả về số lượng và chất lượng cũng như nhiệm vụ trong những năm gần đây (CMS được trang bị 11 tàu hải quân cũ tháng 12/2012 và FLEC vừa nhận được một số tàu hải quân, trong đó có 1 tàu bổ sung với trọng tải 15.000 tấn, 1 tàu cứu hộ tàu ngầm, nhiều tàu vận tải và một tàu chở dầu). Về lý thuyết, lực lượng bảo vệ bờ biển thống nhất sẽ cho phép Trung Quốc phối hợp hành động dễ dàng hơn với các cơ quan khác trong khu vực và hạn chế nguy cơ xảy ra xung đột ngoài ý muốn. Trước đây nếu xảy ra một sự cố, đặc biệt một sự cố liên quan đến nhiều cơ quan, không cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết sự cố đó. Hiện nay Cục Hải dương quốc gia sẽ bảo đảm liên lạc và giải quyết mọi tình huống khi xảy ra các căng thẳng trên biển. 

Tuy nhiên, các nước láng giềng của Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại trước các cuộc diễn tập trên biển gần đây của Trung Quốc. CMS và FLEC đi đầu trong những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chính những con tàu của hai cơ quan đó đã ngăn chặn tàu USNS Impeccable của Mỹ năm 2009, cắt dây cáp của các tàu khảo sát hải dương của Việt Nam và Philíppin năm 2011 và đối đầu với tàu chiến của hải quân Philíppin tháng 4/2012. Do không được trang bị vũ khí tấn công và sơn trắng, các tàu chiến của FLEC và CMS đã giúp Trung Quốc không tạo nên tình trạng đối đầu khi xuất hiện ở các khu vực biển tranh chấp, mặc dù thực tế họ đã chiếm đóng các vùng biển gần các quần đảo tranh chấp. Ví dụ, trường hợp xảy ra gần đây là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philíppin từ tháng 4/2012 ở bãi cạn Scarboroug/Hoàng Nham, cách phía Tây Philíppin 125 dặm, nhưng cả Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền. Ý định bắt giữ các ngư dân Trung Quốc của một tàu chiến Philíppin đã bị đáp trả bằng việc triển khai nhiều tàu chiến của CMS và FLEC. Sau đó các tàu chiến của Philíppin phải rút khỏi khu vực và điều đó có nghĩa Trung Quốc đã cưỡng chế thành công và buộc Philíppin từ bỏ vị trí của họ. Hiện nay, ngư dân Trung Quốc tiếp tục khai thác ngư trường phong phú trong khu vực dưới sự bảo vệ của nhiều tàu dân sự, trong khi đó các ngư dân Philíppin hầu như vắng bóng. Mặc dù cơ quan bảo vệ bờ biển của Bắc Kinh được phối hợp tốt hơn trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, nhưng các nước láng giềng của Trung Quốc và Mỹ nên thận trọng trong phản ứng của mình. Trước hết, các nước nên tránh khiêu khích Trung Quốc đưa lực lượng quân sự của họ can dự các tranh chấp trên biển-nơi Trung Quốc đến nay hầu như vẫn kiềm chế hành động như vậy. Do đó các nước láng giềng của Trung Quốc nên chú trọng sự hiện diện phi quân sự ở các vùng biển và quần đảo tranh chấp. 

Bằng cách đó, gần đây Chính phủ Nhật Bản cũng đang đầu tư rất lớn cho lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Tháng 1/2013, Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản thông báo sẽ bổ sung 12 tàu chiến cho các đội tàu chiến hiện đang triển khai dọc bờ biển Tây Nam nước này. Nhật Bản cũng sẽ hoàn tất các kế hoạch triển khai một nhóm tàu ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong 3 năm với tổng số 10 tàu tuần tra mới. Các nước khác đang tranh chấp biển với Trung Quốc, trong đó có Philíppin, cũng đang đầu tư cho các cơ quan bảo vệ bờ biển của họ. Hiện nay, các tranh chấp chủ quyền trong khu vực vẫn chủ yếu tập trung vào lực lượng cảnh sát chứ không phải quân sự. Điều đó không có nghĩa các tranh chấp biển sẽ được giải quyết. Ngược lại, chính sách biển quyết đoán của Trung Quốc cho thấy rõ ràng rất ít hy vọng thành công trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp trong thời gian ngắn. Thực tế việc hợp nhất các cơ quan của Trung Quốc đã thể hiện rõ động cơ của nước này. Trước kia Trung Quốc có thể che đậy chính sách quyết đoán của họ đằng sau tấm bình phong cạnh tranh liên ngành và thiếu sự phối hợp. Nhưng hiện nay rõ ràng bất cứ hành động quyết đoán nào trên biển đều do sự chỉ đạo của Bắc Kinh chứ không phải do một cá nhân hay cơ quan chính quyền địa phương cấp tỉnh hoặc địa phương. Và khu vực cũng không nên ảo tưởng Trung Quốc có ý đồ sử dụng lực lượng hải quân để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại, mặc dù Chính phủ Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng tháng 4/2013, trong đó lần đầu tiên tuyên bố Quân Giải phóng Nhân dân chịu trách nhiệm “bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải” và “bảo vệ các lợi ích của đất nước ở nước ngoài”, và điều đó cho thấy Trung Quốc đang thay đổi chiến lược hướng ra biển. Nhưng các nước láng giềng của Trung Quốc hoặc Mỹ chưa có đủ lý do để khẳng định rõ rằng một cuộc chạy đua vũ trang đang xuất hiện trong khu vực. Nếu những dự đoán về một cuộc chiến tranh trên biển tất yếu xảy ra ở châu Á là đúng, điều đó có thể chỉ do những dự đoán mang đặc điểm của những lời tiên đoán./. 

Theo Tạp chí "Các Vấn đề Đối ngoại"

Vũ Hiền (gt)