Thứ nhất là trường phái ủng hộ vũ lực, cho đó là cần thiết, chủ trương nói chuyện bằng quả đấm thép, lập luận rằng khủng hoảng biên giới biển của Trung Quốc hiện nay xảy ra một cách tập trung, chủ yếu do Trung Quốc quá mềm yếu, quá chú trọng môi trường quốc tế để phát triển hòa bình mà từ bỏ sử dụng vũ lực.

Thứ hai là trường phái ủng hộ luật pháp, chủ trương Trung Quốc cần tôn trọng tinh thần trong “ Công ước Liên hợp quốc về luật biển”, hoạch định đường ranh giới trên biển một cách hợp lý trên cơ sở lý giải “chính xác” nội hàm của tinh thần này, từ bỏ chủ trương lãnh thổ truyền thống như “đường đứt khúc 9 đoạn”. Vậy trong quá trình bảo vệ lợi ích biển, Trung Quốc cuối cùng cần phải đi trước bằng vũ lực hay phải lấy lý lẽ để chinh phục mọi người? 

Với cách đặt vấn đề như vậy, bài viết đưa ra giải pháp theo hướng dung hòa giữa hai trường phái này như sau: 

I- “Mình sống cũng phải để cho người khác sống” 

Thời kỳ đầu thế kỷ 20, cộng đồng quốc tế luôn trong tình trạng cá lớn nuốt cá bé, lôgích xuyên suốt giữa các nước là kẻ thắng làm vua. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, vai trò của các tổ chức quốc tế mà đại biểu là Liên hợp quốc ngày càng mạnh lên, chuẩn mực quốc tế ngày càng được coi trọng, tầm quan trọng của phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội tăng lên. Cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế, mức độ lệ thuộc nhau giữa các nước ngày càng sâu sắc, nhiều nước thuộc địa được độc lập, xu hướng dân chủ hóa chính trị quốc tế có được bước tiến bộ nhất định. Nguyên tắc chủ quyền lần đầu tiên được công nhận trong phạm vi thế giới, tuy chiến tranh vẫn là điều không thể tránh được, cũng có một số ít trường hợp thông qua chiến tranh để tước đoạt chủ quyền và sự sinh tồn của nước khác, chẳng hạn như quân đội Mỹ dù đã chiếm được toàn bộ đất nước Irắc, nhưng tất cả các quốc gia trong đó kể cả Mỹ đều không thể phủ nhận được chủ quyền của Irắc là thuộc về nhân dân Irắc, không thể bị người Mỹ thay thế. Hơn một nửa thế kỷ sau chiến tranh, trong rất nhiều vấn đề, loại hình văn hóa chính trị quốc tế tôn trọng luật pháp quốc tế, coi trọng vai trò của tổ chức quốc tế, “mình sống cũng phải để người khác sống” có xu hướng thịnh hành, việc các nước tuân thủ cơ chế của WTO để giải quyết tranh chấp thương mại giữa nước này với nước khác chính là một ví dụ điển hình. 

Quá trình diễn tiến của trật tự biển quốc tế cũng thể hiện bước tiến triển như vậy. “Công ước Liên hợp quốc về luật biển” được ký kết năm 1982 là một thành công lớn của các nước đang phát triển trong nền chính trị quốc tế, trật tự biển quốc tế lần đầu tiên được kiến tạo lại thông qua đàm phán chứ không phải chiến tranh, hơn nữa địa vị của Công ước này ngày càng trở nên quan trọng, trở thành cốt lõi và là cơ sở của trật tự biển hiện nay. 

Tuy thế, nếu căn cứ vào đó để cho rằng luật quốc tế là toàn bộ của nền chính trị quốc tế, “Công ước Liên hợp quốc về luật biển” là toàn bộ của nền chính trị biển quốc tế thì như vậy là đã mắc phải sai lầm đặc biệt lớn. Song hành với diễn biến của luật quốc tế nói trên là sự bành trướng của siêu cường Mỹ trên biển dựa vào sức mạnh hơn hẳn về quân sự, là cạnh tranh sức mạnh quân sự trên biển ngày càng mạnh lên giữa các nước. Trong thế giới ngày nay, quốc gia chủ quyền vẫn là bên tham gia quốc tế quan trọng nhất, động lực căn bản trong hành vi đối ngoại của quốc gia vẫn là lợi ích quốc gia. Trong bối cảnh thiếu vắng “đại pháp quan thế giới quyền uy” (tức chính phủ thế giới), thực tế tranh chấp biển và hoạch định biên giới biển lại đã từng phát sinh những vấn đề phải cần đến pháp luật quốc tế thuần túy như thế nào, hơn nữa bản thân “Công ước Liên hợp quốc về luật biển” chỉ là một kết quả thỏa hiệp, có nhiều điều khoản mơ hồ, chính những điều khoản mơ hồ này đã và đang để lại cho thời gian tới những vấn đề phải được đặt ra để giải quyết hoàn chỉnh. 

II- Sử dụng vũ lực là nguy hiểm, hành động theo luật pháp là ngây thơ 

Trong cuộc chơi chính trị biển quốc tế, răn đe sức mạnh và đấu tranh pháp lý đều không thể bỏ qua. Quyết sách của quốc gia nếu bị chi phối bởi dư luận của phái ủng hộ vũ lực thì Trung Quốc sẽ giẫm lên vết xe đổ của một số quốc gia trong lịch sử, ngược lại nếu bị gò bó bởi phái ủng hộ luật pháp, cứ để mặc cho các nước bên cạnh gặm nhấm, thách thức thì Trung Quốc sẽ rất khó trở thành nước lớn thế giới, thậm chí sẽ lại rơi vào vị thế của một quốc gia hạng hai. 

Biện pháp mà Trung Quốc đang cần hiện nay là khả năng răn đe sức mạnh trên cơ sở thực lực trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, khoa học công nghệ, là tỏ rõ sự thực, nói chuyện bằng đạo lý trên cơ sở ngoại giao, luật quốc tế, vừa thể hiện được “lực”, cũng vừa phải nói được “lý”. Phải tăng cường thể hiện sức mạnh, tiến hành răn đe toàn diện.

Răn đe truyền thống chỉ hạn chế ở phương diện quân sự, thậm chí chỉ trong lĩnh vực hạt nhân. Ngày nay sức răn đe rộng rãi trong chính trị quốc tế phần lớn là đáp trả mối đe dọa trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế. Dù là răn đe về phương diện an ninh cũng tuyệt đối không phải giản đơn, trần trụi theo kiểu “đâm giáo thấy máu ngay”. Trong tình huống cụ thể nào sẽ áp dụng biện pháp răn đe ra sao, vấn đề đó đòi hỏi phải căn cứ theo hiện trạng bị phá hoại đến đâu và tính chất lợi ích như thế nào, đây là nghệ thuật ngoại giao hết sức tinh tế, đồng thời không thể chỉ dựa vào sự phản đối mạnh mẽ và giao thiệp nghiêm khắc là có thể thay thế được, mà phải tạo nên được khả năng răn đe mạnh mẽ, ít nhất cũng phải nâng cao được ba thứ “lực” sau đây: 

1. Thực lực cứng về sức mạnh quân sự 

Một sức mạnh mang tính đáp trả sẽ là cơ sở răn đe hữu hiệu, tạo ra được thực lực, đặc biệt là thực lực quân sự sẽ hết sức quan trọng. Tục ngữ có câu “mười năm lục quân, trăm năm hải quân”. Xây dựng sức mạnh trên biển tuyệt đối không phải là việc trong ngày một ngày hai, cách biệt về trang bị dễ dàng lấp được nhưng nâng cao khả năng về ý thức biển, truyền thống biển và kinh nghiệm biển là nhiệm vụ nặng nề lâu dài.

Trong khi chú trọng đối phó với chiến tranh quy mô lớn trên biển, đánh thắng chiến tranh hiện đại trong điều kiện khoa học công nghệ cao, cũng đồng thời phải tăng cường rèn luyện khả năng thi hành pháp luật trên biển, duy trì sự hiện diện quân sự hữu hiệu, can dự và kiểm soát khủng hoảng cũng như đề phòng và đối phó với khủng hoảng và xung đột bất ngờ xảy ra. 

2. Thực lực về quyết sách 

Khả năng đe dọa thực sự hữu hiệu là điều kiện thứ hai của răn đe. Muốn thực sự hữu hiệu phải dựa vào ý nguyện và ý chí đáp trả kiên quyết của chủ thể hoạch định chính sách, cũng như khả năng nhận thức về lợi ích quốc gia và khả năng nắm bắt tình hình chuẩn xác. Điều này không chỉ liên quan đến phẩm chất của người hoạch định chính sách mà còn được quyết định bởi hiệu suất công tác của cơ quan chức năng phục vụ cho quyết sách. Các cơ quan liên quan đến các công việc về biển ở Trung Quốc rất nhiều, lợi ích phức tạp, làm thế nào để phối hợp các ngành, các cơ quan đó, hình thành lập trường chính sách thống nhất, trù tính đến mọi lực lượng và mọi nguồn lực cùng đồng tâm hiệp lực đạt mục tiêu đã định, điều đó trở nên hết sức quan trọng. 
3. Thực lực ngoại giao 

Ngoại giao là kênh chủ yếu nhất để chuyển tải thông tin răn đe. Một quốc gia nếu chỉ có thực lực mạnh về chính trị, kinh tế và quân sự mà thiếu nghệ thuật ngoại giao cao siêu cũng không hẳn sẽ có khả năng làm cho đối thủ đi vào khuôn phép được. Ngoài ra, bản thân ngoại giao cũng là một nguồn lực để đáp trả, ví dụ như ngừng giao lưu quân sự giữa hai nước, trục xuất đại diện ngoại giao, phản đối ngoại giao v.v.. Việc nâng cao năng lực ngoại giao liên quan đến nhiều phương diện như hoạch định chiến lược ngoại giao, xây dựng chính sách ngoại giao, cải cách cơ chế và nâng cao chất lượng nhân viên. Mặt khác cũng phải bày tỏ rõ sự thực, nói mạnh đạo lý. Ngoài tăng cường nghiên cứu và đấu tranh pháp lý quốc tế, cũng phải tỉnh táo nhận thức được rằng các công việc về biển hiện nay sẽ ngày càng đi kèm nhân tố chính trị quốc tế, vấn đề phân định ranh giới biển và trật tự biển từ trước đến nay đều không phải là vấn đề luật pháp đơn giản. Nội hàm của bản thân điều khoản luật quốc tế đều có tính chất tương đối và ở trạng thái động, trong đấu tranh phân định ranh giới, chúng ta không những phải vận dụng thuần thục, linh hoạt luật quốc tế, mà còn phải tăng cường đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ chính trị quốc tế. 

Thứ nhất, cần mở rộng mức độ tuyên bố chủ quyền, xác định rõ phạm vi chủ quyền. Đường cơ bản lãnh hải là cơ sở để đo lường phạm vi lãnh hải, vùng giáp ranh, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành công tác xác định đường cơ sở lãnh hải, trước mắt mới chỉ xác định một bộ phận đường cơ sở của lục địa và đường cơ sở lãnh hải ở quần đảo Hoàng Sa. Tới đây cần phải tiếp tục tuyên bố đường cơ sở lãnh hải thuộc các đảo khác, trên cơ sở đó xác định rõ phạm vi cụ thể của vùng biển thuộc Trung Quốc. 

Thứ hai, tăng cường đấu tranh, giữ kiên nhẫn ở mức độ nhất định. Việc hoạch định biên giới biển liên quan đến chủ quyền và lợi ích kinh tế to lớn của các nước, các nước tất phải áp dụng biện pháp cứng rắn, lựa chọn các điều khoản trong luật quốc tế để vận dụng sao có lợi cho mình, cố gắng tranh thủ sự ủng hộ và lý giải của cộng đồng quốc tế. Xét ảnh hưởng mạnh mẽ của dư luận công chúng và chủ nghĩa dân tộc đối với ngoại giao láng giềng thì bất cứ quốc gia nào cũng đều không thể dễ dàng thỏa hiệp và nhượng bộ, từ đó công việc đàm phán hoạch định biên giới biển sẽ là một quá trình khó khăn, lâu dài. Trước hiện thực này Trung Quốc cần phải nhận thức rõ ràng, bền bỉ, giữ vững lập trường, không nóng vội, không tham vọng muốn thông qua cách riêng để thỏa hiệp nhượng bộ, giải quyết vấn đề xong ngay một lần.

Cuối cùng, gắn việc bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc với tham gia xây dựng trật tự biển quốc tế. Như trên đã nói, “Công ước Liên hợp quốc về luật biển” chỉ là một khuôn khổ lớn để xây dựng trật tự biển quốc tế, vẫn còn rất nhiều chi tiết cần phải được điều chỉnh, chính hiện thực này đã đem đến cho các nước đầy đủ không gian nghiên cứu và sáng tạo. Việc giải thích, vận dụng, sáng tạo trong luật biển quốc tế không những là đòi hỏi trong bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc, mà còn đòi hỏi Trung Quốc phải tham gia trật tự biển quốc tế và đóng góp một cách có trách nhiệm đối với luật biển quốc tế. 
Là nước lớn đang cố gắng trở thành cường quốc biển, Trung Quốc cần tham gia rộng rãi trong quá trình xây dựng luật biển quốc tế cụ thể, như việc giải quyết tranh chấp, quản lý biển quốc tế, địa vị pháp luật của các đảo, có cách lý giải hợp lý của mình về những chỗ chưa rõ ràng trong “Công ước Liên hợp quốc về luật biển”, tìm kiếm sự ủng hộ của nước khác. Trung Quốc cũng còn phải tích cực tham gia các công việc theo cơ chế biển quốc tế trong Tòa án luật biển quốc tế, Cục quản lý đáy biển quốc tế, không thể thiếu được sự ủng hộ và hỗ trợ của mình đối với nước khác trong quá trình vận hành của cơ chế biển quốc tế từ các phương diện nhân lực, vật lực và trí lực./.

 

Tạp chí “Tri thức thế giới” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc số ra ngày 16/9/2012.

Thùy Anh(gt)