Thứ nhất, Trung Quốc phải chuẩn bị một giai đoạn mới cho mối quan hệ Trung-Mỹ, nhất là khi chính sách đối ngoại của Bắc Kinh cần thời gian để điều chỉnh sau giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo. Báo cáo của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 cho rằng Trung Quốc sẽ cố gắng thiết lập các mối quan hệ ổn định lâu dài và phát triển lành mạnh với các nước lớn khác. Là cường quốc thế giới quan trọng nhất, Mỹ sẽ tiếp tục là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Hai nước sẽ bước vào một giai đoạn điều chỉnh chính sách và thích nghi trong năm 2013, nhưng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các biện pháp để đối phó với chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mới của Mỹ.

Thứ hai, Trung Quốc phải đối phó với những thách thức từ khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ tăng cường hiện diện chiến lược ở đó. Tổng thống Mỹ Barack Obama chọn Mianma - nơi đang trải qua quá trình chuyển đổi chính trị - là nước đầu tiên đến thăm sau khi tái đắc cử, cho thấy ông rất coi trọng khu vực này. Trung Quốc cũng rất quan tâm tới vấn đề an ninh tại Đông Nam Á, bởi khu vực này có vị trí địa lý quan trọng và đóng vai trò then chốt trong hợp tác năng lượng Trung Quốc-Mianma. Tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt Mianma-Trung Quốc có khả năng được hoàn thành cuối năm nay. Nhưng những thay đổi chính trị, xung đột sắc tộc ở Mianma và cuộc tranh luận về đường ống dẫn dầu, cùng với chính sách thay đổi của Oasinhtơn đối với Mianma có thể làm cho bức tranh chính trị của Mianma trở nên phức tạp hơn, từ đó gây nhiều trở ngại mới cho hợp tác năng lượng Trung Quốc-Mianma và đe dọa an ninh năng lượng của Trung Quốc. 

Thứ ba, Trung Quốc phải giải quyết những thách thức xuất phát từ các tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tranh chấp quần đảo Điếu Ngư đã trở thành trở ngại ngoại giao lớn trong quan hệ Trung-Nhật. Tại một cuộc họp gần đây của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố quân đội phải luôn luôn ưu tiên bảo đảm chủ quyền và an ninh của đất nước, nâng cao khả năng ngăn chặn và khả năng tác chiến thực sự để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc. Điều này thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang triển khai kế hoạch chiếm đóng lâu dài quần đảo Điếu Ngư. Nhiều khả năng Chính phủ mới của Nhật Bản sẽ tiếp tục chính sách quốc hữu hóa để hợp pháp hóa quần đảo Điếu Ngư và không thỏa hiệp với Trung Quốc. Do đó cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông có thể trở thành mối quan tâm thường trực của cả hai bên. Và Trung Quốc sẽ phải tìm cách tăng cường các cơ chế bảo vệ pháp lý và sáng kiến để giải quyết tranh chấp. 

Khi Trung Quốc đang trên đường phát triển, mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và các nước láng giềng sẽ đặt ra những thách thức lớn. Một mặt, bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài, Bắc Kinh phải có một thái độ bình tĩnh, hợp lý và khách quan để đánh giá đúng sức mạnh của họ. Mặt khác, Bắc Kinh cần nhận thức được rằng họ nhất thiết biến tất cả sức mạnh thành năng lượng để bảo vệ lợi ích quốc gia. Bởi điều này sẽ khiến Trung Quốc sử dụng sức mạnh quyết đoán và khiến cho Mỹ cũng như các nước láng giềng nhận thấy Trung Quốc chỉ cam kết phát triển hòa bình trong lời nói, nhưng thực tế đang tăng cường sức mạnh toàn diện. 

Như vậy, năm 2013 không những sẽ là năm quan trọng của Trung Quốc trên con đường xây dựng một xã hội thịnh vượng trên tất cả các lĩnh vực, mà cũng là sự khởi đầu của một giai đoạn khó khăn trong việc tìm các sáng kiến giảm bớt rủi ro nhằm giải quyết các tranh chấp lâu dài với các nước láng giềng. 

Theo Chinadaily (ngày 10/1)

Hương Trà (gt)