Ngày 2/12, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, việc này đã phá vỡ điều cấm kỵ kể từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Việc này nhìn bề ngoài tưởng chừng là một quyết định điên khùng, nhưng Donald Trump trên mạng xã hội Twitter lại giải thích cho mình một cách thờ ơ. Cuộc điện đàm này khiến cả thế giới cảm thấy bất an. 

Đây chắc không phải là sơ xuất mang tính kỹ thuật của Donald Trump với tư cách là người mới vào nghề ngoại giao, cho dù không phải là kết quả tính toán tỉ mỉ nhưng cũng đã phản ánh suy nghĩ thật sự của ông: Trung Quốc sẽ là đối thủ mà Mỹ cần phải chiến thắng – nếu ông muốn để “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Donald Trump đã thành lập một đội ngũ mang “màu sắc diều hâu” đậm nhất về lĩnh vực quốc phòng và an ninh trong lịch sử nước Mỹ từ xưa đến nay, với tư cách là người lãnh đạo nước Mỹ, ê kíp như vậy có thể khiến ông giành được ưu thế tâm lý trong đàm phán với các nước, làm cho đối phương khuất phục. 

Trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay, Donald Trump đã lợi dụng sự bất mãn của một bộ phận người Mỹ đối với chủ nghĩa tinh hoa giá trị quan và ngoại giao mềm mỏng của Obama. Đặc biệt là ngoại giao mềm mỏng khiến sự tự tin của người Mỹ bị cản trở. Donald Trump cao giọng ca ngợi Putin chính là muốn lộ rõ sự yếu đuối và bất lực của Chính quyền Obama của đảng Dân chủ. Hơn nữa Donald Trump không có ý định cứng rắn hơn đối với Nga. Trong quá trình tranh cử, quốc gia mà ông nhắc đến nhiều nhất là Trung Quốc. Ông coi Trung Quốc là nguồn gốc rắc rối của nền kinh tế Mỹ, đồng thời cho rằng xu thế Trung Quốc ngày càng trỗi dậy sẽ đe dọa đến vị thế của nước Mỹ. Do vậy, ông cần phải giảm quan hệ căng thẳng với Nga. 

Đúng vậy, tân Tổng thống Mỹ có thể đã coi Trung Quốc là một đối thủ chính. Trong lịch sử sau chiến tranh, những năm 1980 và 1990, Mỹ đã liên tiếp chiến thắng hai nước là Liên Xô và Nhật Bản, Trung Quốc có lý do gì mà không trở thành nước thứ 3? Mặc dù trọng điểm chính sách ngoại giao của Chính quyền Obama cũng là “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” nhằm vào Trung Quốc, chỉ có điều ông đã lập ra một mạng lưới chiến lược để cân bằng Trung Quốc. Tuy từ chối thừa nhận “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, nhưng cũng không làm tổn hại nó. Donald Trump có thể không thích sự đối đầu chiến lược có lợi về mặt thời gian cho Trung Quốc, hơn nữa Trung Quốc cũng có sự đọ sức về không gian lớn. Donald Trump có thể cho rằng đó là lãng phí thời gian và lợi bất cập hại, trực tiếp “nhúng tay” vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc giống như dùng kim đâm, không ngừng kích động Trung Quốc và khiến nước này bị giày vò, có thể là sách lược để onald Trump chèn ép hoặc làm Trung Quốc sụp đổ. Ông thích phong cách ngang ngược của “cây gậy và củ cà rốt”. 

Ngoại trưởng Mỹ James Addison Baker thời kỳ Bush (cha) từng nói: “Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nước thắng trong Chiến tranh Lạnh là Nhật Bản”. Đầu những năm 1990, Nhật Bản trở thành đối thủ kinh tế tiềm tàng lớn nhất của Mỹ sau khi Liên Xô tan rã. Vì vậy trong suốt những năm 1990, Mỹ liên tục chèn ép kinh tế Nhật Bản, cho đến khi nền kinh tế Mỹ phồn vinh trở lại và nền kinh tế Nhật Bản sụp đổ. “Toàn cầu hóa đã kết thúc, nước thắng trong toàn cầu hóa là Trung Quốc”, quan điểm này sớm đã trở thành tiếng nói chung của nước Mỹ. Việc Donald Trump thành lập một chính phủ thuộc “phe diều hâu” có thể phải nhắc lại lịch sử thập niên 90 của thế kỷ 20, chiến thắng đối thủ tiềm tàng. 

Trong 8 năm qua, Obama đã nỗ lực không ngừng để tái cân bằng nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy quy hoạch “tái công nghiệp hóa” và chiến lược sáng tạo quốc gia, khuyến khích ngành sản xuất quay trở về. Nhưng ông cũng tập trung vào việc bảo vệ toàn cầu hóa và thương mại tự do, đồng thời cùng nỗ lực trên phương diện ổn định kinh tế và tiền tệ quốc tế với nhóm G20. 

Donald Trump có lẽ muốn nhanh chóng thực hiện lời hứa của mình đối với những người ủng hộ khu vực Rust Belt (vùng vành đai công nghiệp) của Mỹ, hơn nữa ông cũng không có ý định tôn trọng trật tự và quy tắc sáng lập của Mỹ. Do vậy, so sánh “tái cân bằng” nội sinh chậm chạp, ông có thể bằng lòng xây dựng và thực hiện “tái cân bằng” mang tính cưỡng chế hơn. Chẳng hạn như hiện giờ ông cam kết với các doanh nghiệp Mỹ là giảm mạnh thuế (điều này sẽ dẫn đến khủng hoảng mang tính cạnh tranh ở các nước trên thế giới), đồng thời đe dọa thu thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm của công ty nước ngoài. “Nước Mỹ trên hết” có nghĩa là Donald Trump không cần chịu trách nhiệm cho quy tắc quốc tế và cạnh tranh công bằng, ông có thể bất chấp thủ đoạn hơn để mang lại tăng trưởng kinh tế và ưu thế phát triển cho nước Mỹ. 

Một tổng thống không tính đến hậu quả thì có thể đi xa hơn trên con đường mang tính phá hoại. Thời Clinton, Mỹ cũng dồn tâm trí gây sức ép với Nhật Bản. Trong suốt những năm 1990, trước khi “nền kinh tế mới” giúp Mỹ khôi phục phồn vinh, Mỹ đã tiến hành chèn ép Nhật Bản từ hai phương diện. Một là phương diện thương mại, để giảm bớt nhập siêu thương mại với Nhật Bản, Chính quyền Clinton đe dọa sử dụng và thực tế sử dụng “bộ luật thương mại tổng hợp” lấy “Điều khoản Siêu 301 (Super 301)” làm cốt lõi, Nhật Bản nhiều lần thỏa hiệp và bị xúc phạm. Donald Trump có thể cũng sẽ sử dụng “Điều khoản 301”, “Điều khoản đặc biệt 301”, “Điều khoản Siêu 301”…, tiến hành cấm vấn trên phương diện thương mại, quyền sở hữu trí tuệ thông thường… đối với Trung Quốc. Đương nhiên, điều khác với Nhật Bản là Trung Quốc có một thị trường rộng lớn, có khả năng tiến hành phản kích với hàng hóa của Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc nắm giữ hàng trăm tỷ USD trái phiếu Mỹ, nếu xảy ra cuộc chiến không thể tránh khỏi về mặt kinh tế, Trung Quốc có thể khiến cho Mỹ bị tấn công thông qua việc bán tháo trái phiếu Mỹ. Mặt khác, bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ 20, Mỹ ở mức độ rất lớn đã gây ảnh hưởng đến tài chính của Nhật Bản, sự biến động về tỷ giá hối đoái, lãi suất và cải cách tài chính của Nhật Bản đều tuân theo ý của Mỹ. Kể từ khi Donald Trump bắt đầu tranh cử đến nay, ông luôn chỉ trích Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái, cho rằng việc này đã gây tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ, dẫn đến các doanh nghiệp Mỹ thiếu khả năng cạnh tranh. Do vậy, ông có ý đồ gây sức ép để đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá và làm cho đồng USD sụt giá, dựa vào đó giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ. Nhưng việc này không thể thực hiện được, bởi Trung Quốc đang siết chặt cơ chế quản lý vốn nhằm ngăn chặn việc đồng NDT mất giá, cho dù đồng NDT tăng giá thì việc thu hẹp nhập siêu thương mại đối với Mỹ cũng vô ích, bởi quan hệ cạnh tranh giữa hai nước về kinh tế thương mại không có tính đồng nhất, và trước đây Mỹ gây sức ép khiến đồng yên Nhật tăng giá có hiệu quả là bởi các ngành ô tô, điện gia dụng… tồn tại quan hệ cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ. 

Chúng ta cũng có thể hồi tưởng cách làm từ thời Clinton. Năm 1993, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Lloyd Bentsen bày tỏ, đồng yên Nhật mạnh có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Sau đó, đồng USD liên tiếp mất giá dưới sự chủ đạo của Chính phủ Mỹ, còn các nước phương Tây lại liên tục yêu cầu đồng yên Nhật tăng giá. Tháng 4/1995, đồng yên Nhật tăng mạnh lên mức cao trong lịch sử là 79,75 yên/1USD, điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nhật Bản vừa mới vỡ bong bóng giá cả tài sản. Tuy nhiên năm 1995 bỗng nhiên xuất hiện một sự đảo ngược lớn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Robert Rubin cho biết đồng USD mạnh phù hợp với lợi ích của Mỹ, sau đó đồng USD tăng giá mạnh. Quyết định này đã thu hút đồng USD ở các nước trên thế giới quay trở về, đã cung cấp lượng vốn lớn để Mỹ bù đắp thâm hụt, sự đảo ngược này đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á, đồng thời đã tạo điều kiện cho tư bản Mỹ thu được tài sản giá rẻ của các nước khủng hoảng. Thời Reagan trước đó, Mỹ cũng từng thông qua chính sách đồng USD mạnh dẫn đến kinh tế của Liên Xô khó khăn hơn, đồng thời đã làm trầm trọng cuộc khủng hoảng nợ ở các nước Mỹ Latinh. 

Tuy nhiên, điểm mâu thuẫn trong chính sách kinh tế của Donald Trump (nếu có) là ở việc ông vừa muốn thông qua đồng USD mất giá để kích thích xuất khẩu và đầu tư doanh nghiệp, giảm bớt nhập siêu thương mại, vừa muốn được vốn giá rẻ để tiến hành xây dựng cơ bản, mà việc được vốn giá rẻ cần phải có đồng USD mạnh thu hút tiền vốn toàn cầu đổ vào. Chính vì nguyên nhân này, sau khi Donald Trump tuyên bố kế hoạch đầu tư tài chính của mình, đồng USD đã xuất hiện xu thế tiếp tục mạnh lên, đồng thời dẫn đến rủi ro vốn chảy ra ngoài ở các nước thị trường mới nổi, tiền tệ các nước mất giá mạnh. 

Trong thời gian tới điều đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc là chính sách “đồng USD mạnh” có thể dẫn đến dòng vốn tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc, từ đó dẫn đến bảng cân đối tài sản thay đổi và tài chính không ổn định, có thể làm cho kinh tế Trung Quốc dùng đòn bẩy quá mức đối mặt với áp lực lớn. Donald Trump rất khó đạt được thành tích to lớn trong thời gian ngắn trên phương diện thương mại có thể sẽ lựa chọn chính sách “đồng USD mạnh”, thông qua kích thích tỷ lệ đầu tư để trước tiên báo cáo kết quả và khoe khoang với cử tri, chính sách giảm thuế của ông cũng có thể sẽ thu hút một lượng lớn đầu tư từ Trung Quốc chuyển dịch sang Mỹ. 

Một mối đe dọa tiềm tàng mà người Trung Quốc không để ý là kể từ năm 2000, nền kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ cao đến nay luôn ở trong chu kỳ đồng USD giảm lãi suất, chưa từng trải qua một chu kỳ tăng lãi suất hoàn chỉnh và môi trường đồng USD mạnh nào. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, môi trường nới lỏng định lượng của Mỹ không những làm cho Trung Quốc buông lỏng cảnh giác, mà còn lao nhanh trên con đường gia tăng đòn bẩy. Trên thực tế, bất kỳ một sự đảo ngược chu kỳ đồng USD nào đều gây nguy hiểm cho các nước đang phát triển. 

Vị thế của đồng USD hiện nay được duy trì từ “hệ thống Bretton Woods II”, đó là đồng USD thương mại ở Đông Á và đồng USD dầu khí ở Trung Đông liên tiếp đổ vào thị trường vốn của Mỹ, sau đó Mỹ thông qua tiêu dùng xuất khẩu USD, duy trì sự quay vòng. Donald Trump có thể phá hủy triệt để hệ thống này, bởi ông muốn thực hiện việc Mỹ tự cấp năng lượng đồng thời xuất khẩu năng lượng, việc này sẽ dẫn đến đồng USD dầu khí ở Trung Đông giảm mạnh. Thứ hai, chèn ép xuất siêu thương mại ở Đông Á, cũng sẽ giảm bớt số lượng USD thương mại. Trong điều kiện như vậy, toàn cầu có thể xuất hiện hiện tượng đồng USD mạnh do thiếu tính thanh khoản đồng USD, đồng USD mạnh cũng sẽ giúp nước Mỹ có tính thanh khoản nhiều hơn, đương nhiên cách làm này có thể cũng sẽ hủy hoại trật tự tài chính quốc tế hiện nay lấy đồng USD làm chủ thể. Việc hệ thống Bretton Woods sụp đổ từng gây ảnh hưởng lớn cho thể chế kinh tế Nhật Bản, nếu hệ thống Bretton Woods II tan biến, nền kinh tế Trung Quốc trong khi chuyển đổi mô hình sẽ đối mặt với một môi trường bên ngoài bất ổn và không xác định, việc này khiến cho quá trình chuyển đổi mô hình càng khó khăn và đầy mạo hiểm hơn. 

Trung Quốc liệu có khả năng ứng phó với cuộc chiến kinh tế của Mỹ hay không? 

Rất khó nói, thời gian vốn đứng về phía Trung Quốc, nhưng năm 2008, Trung Quốc đã kích thích mất kiểm soát không đáng có, mà đến năm 2014, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu đảo ngược chính sách nới lỏng định lượng, Trung Quốc vốn cần phải nhanh chóng thực hiện cân bằng thị trường, giảm bớt đòn bẩy, ứng phó với sự tác động. Nhưng điều khiến người ta khó có thể lý giải được là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại đơn độc đi sâu thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng NDT, cải cách tự do hóa tài chính nhiều hơn, đồng thời thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế, cách làm này trực tiếp dẫn đến bong bóng tài sản lớn hơn, tài chính hóa quá mức, đòn bẩy cao hơn… Năm 2014 cần thu hẹp mà chưa thu hẹp, hoàn toàn khiến cho Trung Quốc rơi vào rủi ro tài chính lớn, kết quả là khi đối mặt với sự tác động của Donald Trump, Trung Quốc sẽ trở nên yếu đuối. 
Trung Quốc là nước lớn về chính trị và nước lớn về kinh tế có đủ đặc điểm của Liên Xô lẫn Nhật Bản, nhưng Liên Xô và Nhật Bản đều thua trong cuộc chiến về kinh tế. Liên Xô là do trọng trách quá nặng, khả năng kinh tế không thể chống đỡ được sự bành trướng và tranh bá của đế quốc, cải cách bất lực dẫn đến tình hình kinh tế ngày càng xấu đi; Nhật Bản lại do thiếu tính tự chủ về chính sách, cũng thiếu không gian chiến lược và khả năng đấu trí. Hiện nay, mặc dù so sánh riêng Nhật Bản và Trung Quốc có thể không thích hợp lắm, nhưng vẫn có ý nghĩa nêu gương. Trong những năm 1990, Nhật Bản đã trở thành nước phát triển, đều có thương hiệu quốc tế trên các lĩnh vực. Hàng hóa Nhật Bản trên các phương diện kỹ thuật, chất lượng, giá cả… đều có sức cạnh tranh quốc tế rất mạnh, các doanh nghiệp Âu-Mỹ lần lượt bị đánh bại, hiệu quả sản xuất của Nhật Bản cũng cao hơn nhiều so với các nước phương Tây. Hiện Trung Quốc rất thiếu thương hiệu có sức cạnh tranh quốc tế, ưu thế chỉ ở nhà sản xuất thiết bị gốc (made in China) với giá thành thấp. Năng suất lao động của Trung Quốc năm 2008 tương đương với Mỹ và giống với mức độ của Nhật Bản năm 1950. Năm 2015, mức năng suất lao động của Trung Quốc tương đương với 7,4% năng suất lao độngcủa Mỹ. 

Nhưng những năm gần đây chính sách tiền tệ thận trọng dẫn đến giá thành sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh. Xét từ giá thành đơn vị lao động của Trung Quốc và Nhật Bản tính bằng đồng USD cho thấy, năm 1995 giá thành ở Nhật Bản hơn gấp 3 lần Trung Quốc, đến năm 2013, Trung Quốc lại vượt Nhật Bản, hiện lại đang đuổi kịp Mỹ. Do việc tăng giá thành lao động, ngành sản xuất của Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đương nhiên, người Trung Quốc có thể cho rằng hiệu quả sản xuất thấp có nghĩa là không gian có thể mở rộng, nhưng hiện nay vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu Trung Quốc có khả năng nâng cao hiệu quả sản xuất, trái lại tiếp tục phụ thuộc vào cuộc chiến giá cả để duy trì sinh tồn. Hơn nữa, Trung Quốc hiện rơi vào tình trạng mê muội nào đó, đó là mong muốn toàn dân sáng tạo thúc đẩy nâng cấp ngành nghề theo kiểu phong trào, cách làm không ngừng phụ thuộc vào bất động sản lại tiếp tục nâng cao giá thành của ngành sản xuất, từ đó dẫn đến thị trường không ngừng chuyển hướng sang tài chính, bất động sản và các loại đầu cơ, ngành sản xuất lại đang không ngừng bị xói mòn. 

Ưu thế duy nhất của Trung Quốc mạnh hơn so với Nhật Bản là có thị trường rộng lớn với 1,3 tỷ dân. Nhưng điều không may là chính sách tiền tệ của Trung Quốc liên tục tạo ra bong bóng tài sản và lạm phát dẫn đến sự phân hóa lưỡng cực về phân phối của cải, khả năng tiêu dùng của phần lớn những người có thu nhập thấp và trung bình không đủ, còn nhu cầu nâng cấp tiêu dùng của những người giàu có chỉ có thể được đáp ứng bởi hàng hóa nhập khẩu và thị trường quốc tế. Vì vậy, quy mô của thị trường Trung Quốc đối với các doanh nghiệp trên lãnh thổ Trung Quốc chỉ là một ưu thế ảo, tồn tại phổ biến năng suất dư thừa và rủi ro cuộc chiến giá cả. Biện pháp phụ thuộc chính sách tiền tệ kích thích đầu tư cũng sẽ gây sức ép hơn nữa đến khả năng tiêu dùng của người dân. 

Nhật Bản trước đó ở thời đại mở cửa tiền vốn, cuộc cải cách tự do hóa tài chính của Nhật Bản trước sức ép và sự can thiệp của Mỹ vào tỷ giá hối đoái, lãi suất của Nhật Bản dẫn đến bong bóng tài sản và sự luân chuyển tiền vốn mang tính phá hoại khác của Nhật Bản. Hiện Trung Quốc thực thi chế độ quản lý tiền vốn chặt chẽ, nhưng chính sách tỷ giá hối đoái và lãi suất của Trung Quốc cũng chịu sự ràng buộc bởi đồng USD. Nhật Bản trước đó không có bất kỳ sự chuẩn bị nào khi ứng phó với cuộc khủng hoảng đồng thời không thể tự quyết định được bởi các nhân tố như chính trị trong nước, các ràng buộc và sức ép của Mỹ…, Trung Quốc lại có sự chuẩn bị ứng phó với cuộc khủng hoảng, hơn nữa có tính độc lập về chính sách kinh tế. Nhưng sự chuẩn bị ứng phó với cuộc khủng hoảng của Trung Quốc chỉ dừng lại ở mặt tâm lý và giấy tờ, thực tế là Trung Quốc một mặt cảnh giác với rủi ro mang tính hệ thống, một mặt lại dùng hành động thực tế không ngừng tạo ra vấn đề đồng thời tích lũy nguy cơ lớn hơn. Trung Quốc có thể sẽ không chú trọng “cuộc khủng hoảng tài chính châu Á”, bởi chế độ quản lý tiền vốn của Trung Quốc hiện vẫn có hiệu quả, hơn nữa quy mô nợ nước ngoài không lớn hơn so với dự trữ ngoại hối. Nhưng do các nhân tố cải cách không đủ, tính bất ổn ngày càng nhiều dẫn đến thiếu lòng tin về tiền vốn, trong bối cảnh thiếu không gian lợi nhuận và cảm giác không an toàn gia tăng, Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với cuộc chiến tranh tiêu hao tiền vốn lâu dài. Còn sự tác động của chính sách kinh tế Donald Trump có thể sẽ khiến Trung Quốc trả cái giá lớn hơn trong chiến tranh tiêu hao, đó là tiền vốn nhanh chóng chảy ra bên ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể sẽ tìm mọi cách ổn định tăng trưởng kinh tế và dự báo, từ đó bội chi nguồn vốn tài chính nhiều hơn và tung ra tiền tệ nhiều hơn, dẫn đến kinh tế Trung Quốc ngày càng kém hiệu quả và bong bóng vỡ. 

Đương nhiên, nếu Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại, các công ty đa quốc gia của Mỹ có thể trở thành “con tin”, còn chuỗi cung ứng của ngành sản xuất có thể bị ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Vấn đề mà Donald Trump phải đối phó không phải là một nước, mà là di sản của thời đại toàn cầu hóa: Một thị trường toàn cầu liên quan lẫn nhau. Nếu Donald Trump thực thi chính sách đồng USD mạnh cũng sẽ kéo nhiều hơn các nước có thị trường mới nổi vào vũng lầy. Điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế lãnh đạo của Mỹ về mặt đạo nghĩa toàn cầu, nếu Trung Quốc có thể vượt qua cửa ải chấn động của Donald Trump này, dùng thái độ cởi mở hơn để ứng phó với chủ nghĩa bảo thủ của Donald Trump, đoàn kết tất cả lực lượng kể cả người dân Mỹ, thành lập mặt trận thống nhất quốc tế rộng rãi để ứng phó với Donald Trump. 

Hiện nay, điều có thể xác nhận là thái độ của Donald Trump không hữu hảo với Trung Quốc, nguyên tắc “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “nước Mỹ trên hết” đều chĩa mũi dùi vào Trung Quốc một cách tiềm tàng, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt có thể là tổng hòa thách thức mà trước đây Liên Xô và Nhật Bản phải đối mặt. Chính sách duy trì tăng trưởng kinh tế mà Trung Quốc kiên trì lâu dài đã mang lại bong bóng tài sản (Nhật Bản hóa) và giãn rộng khoảng cách giàu nghèo (Mỹ Latinh hóa). Nếu Donald Trump khởi xướng khiêu khích với Trung Quốc về mặt địa chính trị (ông ấy dường như chắc chắn sẽ làm như vậy), Trung Quốc bị buộc phải gia tăng quân bị có thể phải đối mặt với rủi ro tương tự như cuộc cạnh tranh Mỹ-Xô. 

Trước mắt, Trung Quốc cần phải phân rõ chủ yếu và thứ yếu, lấy cải cách và phát triển kinh tế trong nước làm chính, lấy cuộc đấu ngoại giao là phụ, đồng thời kiên định nguyên tắc “giới hạn đỏ”, tuyệt đối không nhượng bộ trong vấn đề lợi ích cốt lõi, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng đối đầu quân sự nhất định. Donald Trump nhìn tưởng như hung hăng, nhưng cũng có mặt ngoài mạnh trong yếu, cuộc cải cách chắp vá khiên cưỡng của ông e rằng khó có thể thành công, Mỹ cũng khó có thể tiếp tục chịu đựng một trận chiến sinh tử với nước lớn. Sách lược mà Donald Trump có thể áp dụng là dùng thủ đoạn gây rối để “hành hạ” Trung Quốc, nhưng điều này cũng có thể gây ra và làm trầm trọng thêm suy thoái ở nước Mỹ. Để đối kháng với Donald Trump, Trung Quốc cần phải liên tục dùng lời lẽ và hành động để nhấn mạnh và chứng minh quan hệ này với ông ta, buộc ông ta phải lựa chọn chính sách đối với Trung Quốc một cách lý trí, cùng có lợi.

Theo The Financial Times (Trung Quốc)

Hoàng Lan (gt)