Dưới thời ban lãnh đạo mới, Trung Quốc đã khởi động một loạt sáng kiến chính sách đối ngoại và kinh tế vượt ra xa khu vực châu Á. Chính phủ Mỹ có thái độ phản đối các kế hoạch của Trung Quốc và trước hết coi các thể chế tài chính do Trung Quốc thúc đẩy như là thách thức đối với các thể chế lâu đời và do phương Tây thống trị. Ngược lại, Trung Quốc lập luận rằng những sáng kiến của nước này là những sự bổ sung có ích và quan trọng cho cấu trúc hiện nay. Các nước châu Âu không đồng tình với quan điểm của Mỹ và nhiều nước đã trở thành thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Tầm nhìn bao quát của Trung Quốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” trên bộ và trên biển có mục tiêu là hội nhập châu Á và châu Âu thông qua các mạng lưới cơ sở hạ tầng và vì vậy cũng yêu cầu một sự xác định quan điểm từ phía châu Âu. Để có được một sự điều phối tốt hơn giữa các nước như trong trường hợp của AIIB, EU và các nước châu Âu phải thảo luận và đánh giá những khía cạnh kinh tế và chính trị của các sáng kiến của Trung Quốc trong bối cảnh chung.

Dưới thời ban lãnh đạo mới lên nắm quyền trong giai đoạn 2012-2013, Trung Quốc đã phát triển chủ nghĩa hoạt động tích cực đáng lưu ý về chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Chủ nghĩa này có thể làm thay đổi lâu dài địa kinh tế, hay các cấu trúc trung tâm-vùng ngoại vi về kinh tế của châu Á, nếu không muốn nói của thế giới.

Những sáng kiến đối ngoại mới của Trung Quốc

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của nhóm BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 7/2014 ở Fortaleza, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của khối này đã chính thức được thành lập với số vốn thành lập được thông qua lên tới 50 tỷ USD và các nước thành viên cam kết sẽ đóng góp 100 tỷ USD. Đồng thời, 5 quốc gia này cũng khởi động một thỏa thuận tài chính trao đổi với Quỹ Dự trữ khẩn cấp (CRA) có trị giá 100 tỷ USD, thỏa thuận này nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đồng USD. 

Ngay từ tháng 9/2013, Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình đã giới thiệu tầm nhìn của ông về một “Con đường tơ lụa mới” trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình tới Trung Á (“Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”), và ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” trong chuyến công du Đông Nam Á một tháng sau đó. Kết nối chính trị và thương mại của Trung Quốc qua các tuyến đường trên bộ và trên biển là nhằm hướng tới các nước láng giềng trong khu vực, Tây Á và cuối cùng tới tận châu Phi và châu Âu. Qua đó, khái niệm này về mặt địa lý đã vượt xa quy mô của con đường tơ lụa mới do Trung Quốc quảng bá vào những năm 1990. Hiện nay, Bắc Kinh đã thiết lập một quỹ trị giá 40 tỷ USD cho sáng kiến kép này, được gọi ngắn gọn là “Một vành đai, một con đường”.

Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập một ngân hàng phát triển của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), với sự ủng hộ ít ỏi của Nga, cho đến nay đã thất bại. Nhưng trong năm 2015, SCO có thể sẽ lần đầu tiên tiếp nhận thành viên mới là Ấn Độ và Pakistan.

Trong lần họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 10/2013 tại Bali (Indonesia), ASEAN đã tuyên bố về việc thành lập một ngân hàng phát triển: Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ chỉ tập trung vào việc tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng. Theo quan điểm của Trung Quốc, ngân hàng này sẽ bổ sung cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tồn tại từ năm 1966. Giống như trong trường hợp của NDB, số vốn thành lập của AIIB sẽ lên tới 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc sẽ đóng góp nhiều nhất một nửa số vốn.

Song song với cả hai sáng kiến ngân hàng phát triển đa phương này, Trung Quốc đã hứa hẹn sự hỗ trợ tài chính đáng kể và các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên cấp độ song phương. Sự can dự trải rộng khắp toàn cầu. Trong số những bên được nhận sự hỗ trợ có châu Phi (5 tỷ USD), Mỹ Latinh (35 tỷ USD), Trung và Đông Âu (10 tỷ USD), Venezuela (20 tỷ USD) và Pakistan (46 tỷ USD). Với nước láng giềng phía Tây Pakistan, Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận thiết lập một hành lang vận chuyển tới Ấn Độ Dương trong chuyến thăm nhà nước của mình vào tháng 4/2015, bên cạnh một loạt dự án sản xuất điện.

Kể từ lâu, ngoại giao kinh tế Trung Quốc sử dụng chính sách thương mại như là một công cụ. Khi Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vào tháng 11/2014, Tập Cận Bình đã quảng bá cho khu thương mại tự do trên quy mô APEC đã được thảo luận từ lâu (Khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, FTAAP). Ngay trước cuộc gặp, Trung Quốc đã hoàn tất các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương không chỉ với Australia mà còn với Hàn Quốc. Những hiệp định tương tự đã được ký kết với các nước ASEAN, Hong Kong, Đài Loan, Pakistan, New Zealand, Chile, Peru, Costa Rica, Thụy Sĩ và Iceland. Tuy nhiên, ưu tiên trong chính sách thương mại của Trung Quốc hiện nằm ở Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và qua đó sự hòa hợp các hiệp định thương mại tự do song phương đang tồn tại giữa nhóm các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và 6 đối tác của nhóm này.

Ngoại giao chủ động mới của Trung Quốc cũng được thể hiện qua sự sẵn sàng trở thành nước chủ nhà cho các cuộc gặp quốc tế, ví dụ như Hội nghị cấp cao về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin tại châu Á (CICA) vào tháng 5/2014. Đây là một tổ chức rất hỗn hợp khi xét tới các thành viên và được Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev kêu gọi thành lập vào những năm 1990. Tại hội nghị, Tập Cận Bình đưa ra quan điểm đã đến lúc các nước châu Á tự đảm bảo an ninh của chính mình (mà không có Mỹ), điều đã tạo sự chú ý lớn trong truyền thông phương Tây. Với việc nâng cấp Diễn đàn Hương Sơn thành một hội nghị tổ chức hàng năm với sự tham gia chính thức, Bắc Kinh muốn thiết lập một đối trọng với Đối thoại Shangri-La tại Singapore do phương Tây thống trị.

Nhìn chung, Trung Quốc dưới thời ban lãnh đạo mới đã theo đuổi một chính sách đối ngoại chủ động. Với chính sách này, Trung Quốc nỗ lực hơn rất nhiều để định hình khu vực xung quanh, thay vì chỉ phản ứng. Ở vị trí nổi bật trong nỗ lực này là ngoại giao kinh tế. Về mặt địa lý, ưu tiên nằm ở khu vực láng giềng của Trung Quốc, nơi một sự hiểu biết rộng rãi (“khu vực láng giềng lớn hơn”) được sử dụng. Tập Cận Bình cũng đề cập tới một “cộng đồng chung lợi ích, mục tiêu và trách nhiệm” hay một “cộng đồng chung vận mệnh”.

Động cơ và lợi ích

Với những tầm nhìn nói trên cũng như các thể chế và khuôn khổ mới, Trung Quốc đã thể hiện rằng nước này sẵn sàng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trên toàn cầu và trong khu vực. 

Có một điều rõ ràng là các tổ chức tài chính mới ra đời là nhờ vào sự thất vọng về cải cách không thành công tại Ngân hàng Thế giới (WB), ADB và IMF mà đem lại lợi ích cho các nước không thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Một sự phân chia lại quyền bỏ phiếu biểu quyết có lợi cho các nền kinh tế mới nổi tại IMF (tất cả các nước BRICS chỉ có 11% quyền bỏ phiếu, Trung Quốc chỉ có 3,81%) đã được thông qua vào năm 2010, nhưng cho tới nay vẫn chưa được thực hiện do sự phản đối của Quốc hội Mỹ. Tại ADB, Mỹ và Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn sự thay đổi cần thiết đối với việc phân chia quyền bỏ phiếu và hạn ngạch cổ phần. Nếu cả hai hiệp định thương mại tự do lớn giữa Mỹ và châu Âu (Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương - TTIP) và giữa 12 nước thành viên APEC, trong đó có Mỹ và Nhật Bản (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) trở thành hiện thực, không chỉ Trung Quốc, mà cả các nước thành viên còn lại của khối BRICS sẽ nằm ngoài cả hai khối thương mại lớn này.

Trước hết, TPP được nhìn nhận tại Bắc Kinh như là nỗ lực của Mỹ nhằm gây thiệt hại cho Trung Quốc về mặt kinh tế và cô lập nước này về mặt chính sách đối ngoại tại châu Á. Việc thành lập AIIB và các sáng kiến khác của Trung Quốc có thể được hiểu như là phản ứng đối với các hành động này. Không chỉ thể chế này cho phép tất cả các nước tham gia mà không cần điều kiện, AIIB cũng có thể trở thành động cơ cho sự hội nhập khu vực về kinh tế đối ngoại, vì việc giải quyết tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng hứa hẹn đem lại lực đẩy có ý nghĩa hơn đối với sự phát triển chung của châu Á và sự kết nối các chuỗi cung ứng trong khu vực hơn là việc loại bỏ thuế và các rào cản thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, AIIB còn có sự tham gia của toàn bộ các nước ASEAN, trong khi TPP trong kết cấu hiện nay chỉ kết nối 4 quốc gia là Brunei, Singapore, Malaysia và Việt Nam, điều giống với một sự chia rẽ trong ASEAN.

Các thể chế khu vực của Trung Quốc (AIIB và Con đường tơ lụa) cũng phục vụ mục tiêu đánh bóng hình ảnh bị tổn hại của Trung Quốc trong những năm qua tại khu vực láng giềng. Các tranh chấp lãnh thổ mà Bắc Kinh đã theo đuổi một cách cương quyết hơn trong giai đoạn 2009-2010 so với những năm đầu thập niên 2000, tuy không thể biến mất với sự can dự mới này, nhưng Trung Quốc lại nỗ lực quay trở lại cuộc chơi với tư cách là một đối tác hấp dẫn. Ngoài ra, từ việc đầu tư vào một khuôn khổ gần như là đa phương, Trung Quốc hứa hẹn nhiều tính hợp pháp và sự chấp nhận trong các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đối tác. Tại Myanmar, Kyrgyzstan và Sri Lanka, đã có nhiều chỉ trích rõ ràng được đưa ra về hợp tác với Trung Quốc và sự phụ thuộc bắt nguồn từ đó. 

Hơn nữa, các sáng kiến này có một khía cạnh chính sách kinh tế quốc gia, vì Trung Quốc hy vọng nhận được từ đó động lực cho sự phát triển kinh tế trong nước đang chậm lại, hay “tình trạng bình thường mới” của nền kinh tế Trung Quốc với tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn ở mức 7%. Nhiều tỉnh thành và khu vực đang nỗ lực giành được các dự án trong khuôn khổ hai Con đường tơ lụa. Nhiều người trông đợi rằng số lượng đơn hàng từ các dự án do AIIB tài trợ sẽ đa phần rơi vào tay các công ty Trung Quốc. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều đơn vị doanh nghiệp lớn có năng lực mà hiện có thể thắng thầu tại nước ngoài với giá rẻ, chất lượng có thể chấp nhận được và kinh nghiệm đã được chứng minh tại các dự án.

Vượt ra ngoài những lợi ích cho nền kinh tế nội địa, các sáng kiến về kinh tế đối ngoại cũng mang ý nghĩa địa kinh tế. Nhiều người cho rằng các khoản đầu tư sẽ củng cố hiệu ứng thu hút của Trung Quốc và “vương quốc ở trung tâm” cuối cùng sẽ phát triển thành một trung tâm có sức hút về kinh tế của châu Á. “Công xưởng châu Á” tìm thấy trung tâm của mình tại Trung Quốc. Địa chính trị của Trung Quốc khuyến khích việc xây dựng các cấu trúc kinh tế khu vực của châu Á lấy Trung Quốc làm trọng tâm.

Cuối cùng, các sáng kiến kinh tế đối ngoại nói trên hỗ trợ một cách hiệu quả chính sách tài chính và tiền tệ theo hướng độc lập của Trung Quốc. Theo quan điểm của nước này, việc sử dụng dự trữ USD của chính mình cho các mục đích đầu tư tại các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài là một cách “xoay vòng ngoại tệ” hợp lý hơn về mặt kinh tế và chính trị so với việc đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Đồng thời, các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng theo kế hoạch trực tiếp thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ (RMB) như là phương tiện thanh toán trong giao dịch thương mại và dịch vụ quốc tế. Trong trung hạn, đồng nhân dân tệ cũng có thể giành được sức hút như là phương tiện đầu tư. Đối với Trung Quốc, AIIB là bước đi tiếp theo hướng tới sự đa cực về tiền tệ và tài chính toàn cầu và sự độc lập nhiều hơn khỏi các hệ thống Bretton-Woods do Mỹ thống trị.

Nhìn tổng thể, một bước đi hợp nhất chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Trung Quốc đã được thể hiện. Sáng kiến AIIB mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn là một ngân hàng phát triển khu vực.

Các sáng kiến của Trung Quốc trước bài kiểm tra thực tế

Các thành viên sáng lập NDB chỉ là 5 nước khối BRICS. Nhưng nhiều nước khác có thể tham gia, chừng nào họ có đại diện trong Liên hợp quốc. Ngân hàng này sẽ lên kế hoạch cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và – ít cụ thể hơn – vào phát triển bền vững trước hết ở chính các nước BRICS, nhưng cũng tại các nước đang phát triển và mới nổi khác. Khác với đó, cả AIIB lẫn dự án Con đường tơ lụa ngay từ đầu đã được thiết kế mở về mặt tư cách thành viên hay sự tham gia.

Trong trường hợp của AIIB, Trung Quốc mời các quốc gia khác tham gia ngân hàng này với tư cách là thành viên sáng lập. Tuy nhiên, các chi tiết về việc ngân hàng này sẽ hoạt động theo những quy tắc nào vẫn còn phải được xác định. Hiến chương cho AIIB sẽ được soạn thảo cho tới ngày 30/6/2015, để ngân hàng này có thể đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Theo tình hình mới đây, các nước thành viên châu Á sẽ nắm giữ phần lớn vốn thành lập. Cổ phần của các nước không thuộc châu Á sẽ bị giới hạn ở mức 25% và qua đó thấp hơn mức cổ phần tại ADB. Chừng nào Nhật Bản quyết định không tham gia, Trung Quốc có thể nắm giữ khoảng 40% cổ phần. Mục tiêu của ngân hàng này là tài trợ cho việc xây dựng đường giao thông (đường bộ, đường sắt), sân bay và cảng biển, kết nối viễn thông, quản lý nước và nhà ở có giá cả hợp lý tại các nước đang phát triển ở châu Á.

Các sáng kiến Con đường tơ lụa – “Một vành đai, một con đường” – là một tầm nhìn toàn diện, và những đường nét phác thảo của nó mới đây đã được Ủy ban Nhà nước về cải cách và phát triển (NDRC) giới thiệu trong một tài liệu. Về cơ bản, tài liệu này nói về việc xây dựng các hành lang vận chuyển và năng lượng để có được sự kết nối và liên kết mới giữa châu Á và châu Âu. Sáng kiến này kết nối các dự án đã được khởi động như hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar trong một cách tiếp cận rộng hơn. Dự án này trước hết sẽ đem lại các hợp tác song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia riêng lẻ dọc theo cả hai tuyến đường lớn trên biển và trên đất liền. Ngay cả sau khi quỹ Con đường tơ lụa chính thức được thông qua vào tháng 11/2014 (với trị giá 40 tỷ USD), khó có thể dự đoán hợp tác cụ thể sẽ được định hình như thế nào.

Một vấn đề cơ bản là tình hình an ninh bất ổn tại một số nước nằm trong sáng kiến này. Ví dụ, các kế hoạch cho hành lang đi qua Pakistan đã phải được sửa đổi: Thay vì ở miền Tây Pakistan qua Balochistan, hành lang trước hết sẽ ở miền Đông đi qua Lahore và Islamabad tới cảng Gwadar. Nhưng qua đó, chính các khu vực có nhu cầu cấp thiết nhất đối với phát triển lại bị bỏ qua. Khi Tập Cận Bình yêu cầu rằng phát triển phải tạo ra sự ổn định, ví dụ này cho thấy phát triển cũng đòi hỏi một mức độ ổn định nhất định.

Các sáng kiến khác nhau sẽ có hoạt động chồng lấn lên nhau. Ví dụ, để tài trợ cho các dự án phát triển tại Ấn Độ, cả NDB lẫn AIIB đều có thể tham gia. Đối với các dự án tại các nước nằm trong tầm nhìn lớn của cả hai Con đường tơ lụa, tuy Quỹ Con đường tơ lụa có thể được sử dụng ngay lập tức, nhưng AIIB cũng sẽ đóng một vai trò trung tâm tại đây. Quỹ Con đường tơ lụa sẽ là một công cụ linh hoạt hơn, vì Trung Quốc một mình quản lý quỹ này và quỹ này hoạt động mà không có hiến chương. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng các thể chế quốc gia của riêng mình để cấp vốn cho viện trợ phát triển và kinh tế đối ngoại. Ở trung tâm của nỗ lực này là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, còn có hàng loạt quỹ đặc biệt để cấp vốn cho các dự án năng lượng và nguyên liệu thô tại nước ngoài. Kể từ năm 2010, Trung Quốc mỗi năm thường xuyên cung cấp nhiều tín dụng viện trợ phát triển hơn Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, bài kiểm tra thực tế sắp diễn ra đối với các thể chế tài chính mới do Trung Quốc thúc đẩy và tầm nhìn Con đường tơ lụa. Vẫn chưa có câu trả lời cho nhiều câu hỏi liên quan tới tính minh bạch, các tiêu chuẩn về việc làm và môi trường, các điều kiện hay quy trình đấu thầu. Những kinh nghiệm lẫn lộn từ viện trợ phát triển của phương Tây đã cho thấy việc thiếu vốn đầu tư không phải là rào cản khó khăn nhất cho phát triển. Sự thất bại của hàng loạt dự án lớn vô bổ nên là một cảnh báo rằng sẽ khó có thể tuân thủ các kế hoạch về chi phí và thời gian cũng như duy trì cơ sở hạ tầng hiện đại mới được xây dựng nếu không có sự lãnh đạo tốt từ chính phủ và và các thể chế quản lý có năng lực tại nước nhận viện trợ. Trung Quốc đã phải nhiều lần nhận định rằng các kinh nghiệm phát triển tại quê nhà không thể tự động được chuyển giao ra nước ngoài.

AIIB như là một bài học

Các phản ứng đối với sáng kiến AIIB

Bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB đã được ký kết vào ngày 24/10/2014 giữa 21 quốc gia (Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan và Việt Nam). Trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á ASEAN chỉ thiếu mỗi Indonesia, nước lấy lý do thay đổi chính phủ.

Trong Chính phủ Mỹ, các sáng kiến của Trung Quốc được nhìn nhận với sự nghi ngờ lớn, không chỉ trong trường hợp của AIIB. Về cốt lõi, các thể chế này được diễn giải như là một sự cạnh tranh với các thể chế do phương Tây thống trị và là thách thức đối với uy thế truyền thống của Mỹ. Tuy quan điểm hoài nghi này chưa đem lại hậu quả tiêu cực nào cho ngân hàng phát triển của nhóm BRICS và sáng kiến Con đường tơ lụa, nhưng trong trường hợp AIIB, Mỹ không chỉ từ chối tham gia, mà còn công khai gây áp lực ngoại giao lên “các đồng minh và bạn bè” để không ủng hộ ngân hàng cơ sở hạ tầng mới này. Chính phủ Mỹ hoài nghi về việc AIIB sẽ tuân thủ tốt các tiêu chuẩn về môi trường, đấu thầu và nhân quyền.

Ban đầu, những lời khuyên của Mỹ đã được nhiều nước lắng nghe. Các quốc gia quan trọng trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đều tỏ thái độ từ chối hoặc chờ đợi. Nhưng vài tháng sau, nhiều quốc gia, trong đó có cả một số đồng minh của Mỹ, quyết định đăng ký trở thành thành viên sáng lập của AIIB trước hạn chót vào ngày 31/3/2015. Trong số các quốc gia quan trọng của châu Á, chỉ có Nhật Bản chưa trở thành thành viên. Các nước như Australia và Hàn Quốc chủ yếu lập luận rằng sẽ hợp lý hơn khi cùng định hình việc xây dựng và cách thức hoạt động của AIIB từ bên trong hơn là cố gắng làm điều đó từ bên ngoài như là lý do cho sự thay đổi ý kiến.

Đài Loan cũng có nỗ lực tham gia ngân hàng mới. Bên cạnh đó, có một vấn đề cần được làm rõ, đó là tên gọi nào có thể được sử dụng cho Đài Loan trong AIIB, do Trung Quốc không công nhận hòn đảo này là một quốc gia độc lập. Đài Loan đã là thành viên của ADB và APEC với tên gọi “Đài Bắc, Trung Quốc”. Tuy Trung Quốc từ chối việc Đài Loan tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập, nhưng nước này không loại bỏ khả năng Đài Loan tham gia sau này.

Sau một thời gian do dự, Ngân hàng Thế giới, IMF và ADB đã chào đón việc thành lập ngân hàng phát triển khu vực mới. Chủ tịch người Nhật Bản của ADB Takehiko Nakao thậm chí đã tuyên bố về việc tài trợ chung các dự án với AIIB sau cuộc gặp với Liqun Jin, Tổng thư ký Ban thư ký của AIIB.

Cả các nước châu Âu cũng được Trung Quốc mời tham gia. Trong khi một quan điểm chung của nhóm G7 khó có thể thành hiện thực do Mỹ và Nhật Bản, các cuộc thảo luận đã diễn ra giữa các nước thành viên EU. Tuy nhiên, việc này đã không dẫn tới một cách hành xử có phối hợp.

Vào ngày 13/3/2015, Anh là nước thành viên EU đầu tiên tuyên bố muốn tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập của ngân hàng này. Pháp, Italy và Đức cũng có động thái tương tự vài ngày sau, với một Tuyên bố chung cho rằng ngân hàng mới sẽ đóng một vai trò tích cực cho sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực và tăng trưởng toàn cầu. Khi xét tới quan điểm tiêu cực của Mỹ, quyết định này của London là một sự ngạc nhiên. Chính phủ Mỹ đã chỉ trích Anh về “sự thỏa hiệp liên tục” của nước này với Trung Quốc.
Các quốc gia châu Âu khác cũng đã thể hiện sự quan tâm. Trên trang web của AIIB, các nước thành viên EU như Đan Mạch, Phần Lan, Luxemburg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thụy Điển và Tây Ban Nha được giới thiệu như là thành viên sáng lập tiềm tàng, ngoài ra còn có Iceland, Na Uy, và Thụy Sĩ.

Làm suy yếu hay bổ sung cho các thể chế lâu đời?

Có nhiều ý kiến khác nhau về AIIB, như liệu có phải Trung Quốc muốn làm suy yếu các thể chế tài chính được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai và luôn do phương Tây thống trị và thay thế chúng bằng một hệ thống của riêng mình không; hay các sáng kiến của Trung Quốc phần nhiều là những sự bổ sung hợp lý hoặc thậm chí cần thiết và Trung Quốc về mặt này đã đảm nhận vai trò “bên tham gia có trách nhiệm hơn” mà phương Tây từ lâu đã kêu gọi. Một câu hỏi có liên quan và cũng gây tranh cãi là liệu các bước đi này của Trung Quốc có đánh dấu sự khởi đầu của việc chấm dứt sự thống trị của phương Tây. Ngay tại Mỹ, nhiều viện nghiên cứu chiến lược đã chỉ trích quan điểm của nước này về AIIB như là cơ hội bị bỏ lỡ và nhìn nhận chương trình nghị sự của Trung Quốc đối với các thể chế lâu đời như là cải cách khiêm tốn hơn là một cuộc tấn công.

Những tính toán ít nhất cho thấy rằng NDB và AIIB có thể đóng một vai trò bổ sung mà các ngân hàng phát triển đa phương lâu đời đã thực hiện đối với nhu cầu về cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển và mới nổi. ADB ước tính nhu cầu vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ riêng tại châu Á trong giai đoạn 2010-2020 là 8.290 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra ước tính về nhu cầu hàng năm của các nước đang phát triển và mới nổi trên toàn cầu ở mức chiếm 7% GDP, dẫn tới mức đầu tư hàng năm là gần 2 nghìn tỷ USD. Do khoản tiền này là quá sức đối với các thể chế tài chính lâu đời, các ngân hàng phát triển mới có thể giúp đỡ. Với số vốn thành lập lên tới gần 160 tỷ USD và mức xếp hạng AAA, tuy ADB cho tới nay vẫn là bên cho vay quan trọng nhất cho việc cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và các hợp tác phát triển khác tại châu Á; nhưng AIIB, NDB và các cơ sở tài chính song phương khác của Trung Quốc lại sở hữu đủ nguồn dự trữ để lấp đầy những lỗ hổng về cấp vốn trong các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Á và cả ở những nơi khác trong tương lai.

Nhìn chung, nhiều người lên tiếng ủng hộ lập luận rằng bước đi của Trung Quốc không phải theo hướng chủ nghĩa xét lại. Quốc gia này phần nhiều đang nỗ lực đóng một vai trò chính trị quan trọng trong hệ thống kinh tế thế giới hiện nay mà phù hợp với sức mạnh kinh tế của mình. Xét cho cùng, sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ qua phần lớn nhờ vào sự hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế thế giới. Mỹ và châu Âu là những thị trường bán không thể từ bỏ và là nguồn chính cho đầu tư, phương thức sản xuất và công nghệ. Ngoài ra, Trung Quốc chắc chắn không từ bỏ các khuôn khổ đã thiết lập, thay vào đó cũng thể hiện trong các khuôn khổ này nhiều sự sẵn sàng tham gia chủ động hơn. Trong giai đoạn 2008-2012, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới là chuyên gia người Trung Quốc Justin Lin, và chuyên gia Zhu Min là Phó tổng giám đốc IMF từ năm 2011. Với sự khuyến khích của chính sách công nghiệp và sự cho phép trên nguyên tắc việc kiểm soát dòng vốn, Trung Quốc đã đặt ra những ưu tiên mới của riêng mình tại Ngân hàng Thế giới và IMF. Trong năm 2016, Trung Quốc sẽ đảm nhận chức Chủ tịch G20 và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại nước này. Rõ ràng Trung Quốc đang theo đuổi những mục tiêu và lợi ích của mình không chỉ trong các hệ thống đa phương lâu đời mà còn thông qua việc xây dựng các cấu trúc của riêng mình. Vì vậy, người ta có thể hiểu rằng các ngân hàng phát triển mới do Trung Quốc và các nước khác sáng lập khác là nhằm khuyến khích quá trình cải cách trong các thể chế Bretton Woods. Ngân hàng Thế giới và nhóm G20 cũng đã đưa các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng vào nghị trình của mình vào cuối năm 2014.

Người ta không trông đợi Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác cải thiện hệ thống hiện nay và sẽ giới thiệu những quy tắc, tiêu chuẩn và thủ tục hoàn toàn mới mà các thể chế tài chính mới hoạt động theo đó. Tất cả các bên tham gia phải hiểu rõ rằng các quy định lỏng lẻo hơn đồng nghĩa với nguy cơ cao hơn. Thay vì nói về một tầm nhìn, người ta nên đề cập tới một sự phát triển tiếp theo có khả năng thích ứng của hệ thống Bretton Woods. Ví dụ CRA, quỹ dự trữ mới của khối BRICS, đã có liên kết với IMF: Giống như trong quỹ tiền tệ của Sáng kiến Chiang Mai, 70% quỹ vốn chung chỉ có thể được tiếp cận dưới các điều kiện của IMF. Trong trường hợp của AIIB, các cuộc tham vấn với Ngân hàng Thế giới đã diễn ra ngay từ đầu và Trung Quốc đã thuê một nữ luật sư từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới trong 30 năm để soạn thảo Hiến chương. Cán bộ nhân viên cho ngân hàng sẽ được tuyển dụng trên toàn thế giới.

Một nhiệm vụ quan trọng của các nước thành viên châu Âu và châu Á, với tư cách là thành viên sáng lập và thành viên hội đồng giám sát AIIB trong tương lai, sẽ là chú trọng tới việc thiết lập và bảo vệ các tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực nhân quyền, xã hội, môi trường, tuân thủ và quản trị.

Khi xét tới nhu cầu lớn cho cơ sở hạ tầng, một quan điểm mang tính xây dựng là điều phù hợp. Nhưng việc các sáng kiến của Trung Quốc ngay từ đầu bị gắn mác là chống phương Tây và nỗ lực loại bỏ hệ thống đang tồn tại, sẽ nuôi dưỡng quan điểm phổ biến tại Trung Quốc rằng Mỹ và phương Tây muốn trì hoãn sự trỗi dậy của Trung Quốc và thúc đẩy một chính sách kiềm chế.

Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản đã nhìn nhận khách quan hơn về sự từ chối AIIB của mình. Trong một cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Washington vào đầu tháng 5/2015, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng ngân hàng này có thể đóng một vai trò tích cực, chừng nào nó tuân thủ các tiêu chuẩn cao trong việc cấp tín dụng. Abe cũng kêu gọi “quản trị công bằng” như là điều quan trọng. Tuy nhiên, sự nhìn nhận lại này không thể thay đổi điều gì trong sự chỉ trích thường xuyên được đưa ra tại Mỹ rằng Chính phủ Mỹ đã không tiếp cận vấn đề này một cách khéo léo.

Các bài học cho châu Âu

Trước lời mời tham gia AIIB, tổng cộng 13 nước thành viên EU đã phản ứng theo từng bước và thể hiện sự quan tâm của mình. Cách tiếp cận không được điều phối này của châu Âu là không phù hợp. Một cuộc thảo luận bên trong EU về mặt chính trị và nội dung được điều phối tốt hơn là cần thiết cho việc xác lập quan điểm hiện nay và trong tương lai. 

Người ta khó có thể trông đợi vào một quá trình cải cách quyền bỏ phiếu biểu quyết trong các thể chế tài chính lâu đời do vấp phải sự phản đối của Quốc hội Mỹ. Nhưng các nước thành viên IMF sẽ sớm phải quyết định, liệu đồng nhân dân tệ trong đợt kiểm tra diễn ra 5 năm một lần có được gia nhập giỏ tiền tệ không, thứ quyết định giá trị và thành phần cấu thành Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Cho tới nay, SDR bao gồm đồng USD (41,9%), đồng euro (37,4%), đồng yên (9,4%) và đồng bảng Anh (11,3%). Các tiêu chuẩn để được đưa vào giỏ tiền tệ là phần tham gia trong xuất khẩu trên thế giới và khả năng trao đổi tự do của đồng tiền. Liên quan tới tiêu chuẩn thứ hai, tuy Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng những giới hạn trong giao dịch vốn vẫn tồn tại và thị trường trái phiếu nội địa còn kém phát triển. Dù vậy, đồng nhân dân tệ nên được đưa vào giỏ tiền tệ trong một quyết định mang tính chính trị, có thể nói là một sự thay đổi hướng tới tương lai. Nhưng hành động này nên được ràng buộc với những điều kiện về tự do hóa và mở cửa thị trường vốn.

Trong sáng kiến Con đường tơ lụa, điều quan trọng với các quốc gia châu Âu và EU là hành động theo nhóm và không để bị tách ra thông qua những thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc và các nước thành viên riêng lẻ. Cả các cuộc đàm phán đang diễn ra về một hiệp định đầu tư giữa châu Âu và Trung Quốc cũng nên để ý tới các lợi ích của Trung Quốc trong một sự kết nối với Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã đưa khuôn khổ “16+1”, một cuộc gặp được tổ chức thường xuyên kể từ năm 2012 giữa 16 nước Trung và Đông Âu (trong đó có 5 nước không phải là thành viên EU) và Trung Quốc, vào tầm nhìn Con đường tơ lụa, vì tại các nước này đã có một số dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc như hiện đại hóa tuyến đường sắt Budapest-Belgrade.

Theo quan điểm của châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) có thể trở thành một khuôn khổ rộng hơn cho cả hai sáng kiến Con đường tơ lụa. Do số lượng lớn và cơ cấu thành phần các thành viên – tổng cộng 51 quốc gia châu Âu và châu Á cũng như Ủy ban châu Âu và Văn phòng thư ký ASEAN – hội nghị này có thể hình thành một khuôn khổ phù hợp cho các sáng kiến trên. Các hình thức hợp tác có thể và các điều kiện cần thiết cho việc đó có thể được đề cập tới tại hội nghị và được củng cố thông qua các cuộc gặp giữa các cấp, ví dụ như cấp Bộ trưởng Vận tải.

Theo Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh, Đức

Trần Quang (gt)