Quân đội Trung Quốc những ngày gần đây đang rung chuyển bởi vụ bê bối liên quan nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Từ Tài Hậu. Theo kết quả các cuộc điều tra được nhà chức trách Trung Quốc công bố, Tướng Từ Tài Hậu đã nhận các khoản hối lộ trị giá nhiều triệu nhân dân tệ để thăng chức cho một loạt sĩ quan cấp cao. Trong khi đó, cũng có nhiều thông tin cho rằng vụ việc của Tướng Từ Tài Hậu còn liên quan đến cả nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang, người hiện đã bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng, dù thông tin về vụ bắt giữ này chưa được công bố chính thức. Những ngày gần đây, ban lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện một loạt động thái cho thấy chiến dịch chỉnh đốn sau vụ bê bối Từ Tài Hậu đang được đẩy mạnh nhằm làm trong sạch và nâng cao uy tín của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ra ngày 18/7, Trung tướng Dương Kim Sơn, Phó Tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô, một trong 7 Đại Quân khu của PLA, đã bị bắt giữ trong một vụ án chống tham nhũng. Như vậy, Tướng Dương Kim Sơn là sĩ quan cấp cao bị “ngã ngựa” trong một nỗ lực lớn của ban lãnh đạo Trung Quốc nhằm “rửa sạch” hình ảnh của lực lượng vũ trang lớn nhất trên thế giới. Ngoài việc là Phó Tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô, Tướng Dương Kim Sơn còn là một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông này cũng từng là Tư lệnh Quân khu cấp tỉnh ở Tây Tạng.

Bốn nguồn tin nói rằng các nhà điều tra đã áp giải Trung tướng Dương Kim Sơn tới Bắc Kinh. Động thái này là một phần của một cuộc điều tra chống tham nhũng. Các thành viên gia đình và thư ký của Tướng Dương Kim Sơn cũng đã bị bắt giữ.

Theo các nguồn tin, bao gồm một số người có các mối quan hệ với quân đội Trung Quốc nói rằng cuộc điều tra Tướng Dương Kim Sơn, 59 tuổi, và các quan chức quân đội cấp cao khác, là một phần của cuộc điều tra mở rộng nhằm vào Thượng tướng Từ Tài Hậu.

Dương Kim Sơn đã gia nhập Quân đoàn số 14, đóng quân ở tỉnh Vân Nam và thuộc quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô. Một trong những người sáng lập Quân đoàn số 14 là ông Bạc Nhất Ba, cha đẻ của cựu Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai – hiện đang phải thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Bạc Hy Lai đã đến thăm Vân Nam không lâu sau khi kẻ từng được coi là cánh tay phải của ông ta – Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân - tìm cách tị nạn ở Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 2/2012. Kể từ chuyến thăm đó, một số sĩ quan cấp cao của Quân đoàn số 14 đã được thay thế, làm dấy lên những đồn đoán về khả năng rằng liệu cuộc cải tổ đó có phải là động thái liên quan đến Bạc Hy Lai hay không.

Trước đó, hai Thiếu tướng PLA với những nền tảng tương tự như Tướng Dương Kim Sơn cũng đã bị bắt giữ. Hai viên Thiếu tướng này là Diệp Vạn Dũng, vị Chính ủy đã về hưu của Quân khu tỉnh Tứ Xuyên, và Vệ Tấn - Phó Chính ủy Quân khu Tây Tạng. Một nguồn tin cho biết Tướng Diệp Vạn Dũng, 60 tuổi, bị cho là đã đưa cho Tướng Từ Tài Hậu một lượng lớn vàng. Nhà chức trách cũng đã khám xét nhà riêng của Tướng Diệp Vạn Dũng.

Trước đó, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) ra ngày 27/6 dẫn hai nguồn tin cho biết, 2 Thiếu tướng PLA này có các mối liên hệ với tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt giữ để phục vụ một cuộc điều tra chống tham nhũng. Các nguồn tin này đều gần gũi với quân đội Trung Quốc, tiết lộ rằng cả hai sĩ quan cấp cao PLA này đều đã bị tống giam từ hồi tháng 5 vừa qua. Ông Diệp Vạn Dũng ngày 25/6 vừa qua đã bị bãi bỏ tư cách thành viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp – tương đương Mặt trận Tổ quốc), cơ quan tư vấn chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, lý do dẫn đến việc ông Diệp Vạn Dũng bị bãi bỏ tư cách thành viên Chính Hiệp không được cơ quan này tiết lộ cụ thể.
Trong khi đó, Thiếu tướng Vệ Tấn, 55 tuổi, đã được đề bạt làm Phó Chính ủy Quân khu Tây Tạng vào năm 2011. Tướng Vệ Tấn đã nắm giữ các vị trí quân sự cấp cao ở tỉnh Tứ Xuyên thuộc khu vực Tây Nam Trung Quốc, trong đó có cương vị sĩ quan tuyên truyền cấp cao ở thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Cuộc điều tra mới nhất nhằm vào Tướng Diệp Vạn Dũng và Tướng Vệ Tấn cũng được cho là một phần của chiến dịch chống tham nhũng mở rộng trong PLA. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đứng đầu quân đội nước này trên cương vị Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã nhiều lần cam kết “làm trong sạch” quân đội Trung Quốc, một lực lượng từ lâu đã bị cho là tham nhũng tràn lan.

Trong khi đó, trang tin Đa Chiều đưa tin, Cục Hậu cần Liên hợp của Đại Quân khu Thẩm Dương thuộc PLA đã tiến hành một cuộc cải tổ nhân sự lớn sau vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tướng Từ Tài Hậu, người đã chính thức bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị cáo buộc nhận hối lộ. Trang tin này cho biết theo thông tin từ tờ Nhật báo Quân Giải Phóng, Cục Hậu cần Liên hợp của Đại Quân khu Thẩm Dương, nơi Tướng Từ Tài Hậu đã bắt đầu sự nghiệp quân sự và phục vụ một phần đáng kể thời gian trong sự nghiệp quân nhân chuyên nghiệp của mình, đã trải qua một cuộc cải tổ nhân sự lớn vào hôm 13/7 vừa qua với 88 “vị trí nhạy cảm” liên quan đến hơn 170 người. Tờ nhật báo chính thức của PLA nói rằng những vị trí nhạy cảm ở cấp sư đoàn, bao gồm các vị trí quản lý nhân sự và tài chính, các trưởng ban tổ chức cán bộ, các trưởng ban tài chính, người đứng đầu các doanh trại và các sĩ quan liên quan đến lĩnh vực kinh doanh. Ở cấp quân đoàn, cuộc cải tổ này ảnh hưởng đến các sĩ quan phụ trách ngân sách hoạt động, điều chỉnh nhân sự, xây dựng và quản lý tài chính.

Thẩm Dương là Đại Quân khu duy nhất trong số tổng cộng 7 Đại Quân khu của PLA tiến hành một cuộc tái cơ cấu như vậy. Động thái này dẫn đến việc các chuyên gia phân tích cho rằng đây là một nỗ lực rõ ràng nhằm dọn dẹp sạch những tàn dư của Tướng Từ Tài Hậu ở Đại Quân khu Thẩm Dương bằng việc loại bỏ những nguồn tham nhũng tiềm tàng trong tương lai.

Bên cạnh đó, cũng có những tin tức nói rằng 4 viên Thiếu tướng PLA, những người trước đây từng làm thư ký cho Tướng Từ Tài Hậu, đều có liên quan hoặc tham gia hỗ trợ cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Từ Tài Hậu. Một trong 4 viên Thiếu tướng này được cho là Khang Hiểu Huy, người đã giữ chức Chính ủy Cục Hậu cần Đại Quân khu Thẩm Dương kể từ năm 2013.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trước đó đưa tin rằng Tướng Từ Tài Hậu, người hiện đang bị ung thư bàng quang, đã bị hàng chục cảnh sát vũ trang lôi ra khỏi giường bệnh trong một bệnh viện quân đội. Vợ, con gái và thư ký riêng của viên tướng này cũng đã bị tống giam. Theo báo này, Tướng Từ Tài Hậu là sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc bị truy tố vì tội tham nhũng. Nhà chức trách Trung Quốc đã thông báo vắn tắt đến các quan chức quân sự cấp cao của nước này về những phát hiện ban đầu trong cuộc điều tra Tướng Từ Tài Hậu. Các nguồn tin nói với phóng viên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng ông này đã bị phát hiện bỏ túi hơn 35 triệu nhân dân tệ tiền hối lộ từ cựu Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần PLA, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn. Hồi tháng 3 vừa qua, Cốc Tuấn Sơn đã bị cơ quan công tố quân sự buộc tội tham ô, hối lộ, sử dụng công quỹ sai mục đích và lạm dụng quyền lực.

Nhật báo Quân Giải phóng của PLA đã ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, và nói rằng việc khoan dung cho nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đồng nghĩa với việc để cho quân đội thất bại trong chiến tranh.

Một điểm đáng chú ý khác sau vụ bắt giữ hai viên Tướng Diệp Vạn Dũng và Vệ Tấn là tỉnh Tứ Xuyên đã trở thành một mục tiêu lớn của cuộc điều tra chống tham nhũng vì vai trò của tỉnh này được coi là một căn cứ quyền lực của cựu lãnh đạo “ngã ngựa” Chu Vĩnh Khang, người hiện cũng đã bị bắt giữ vì tội tham nhũng.

Các nguồn tin không kết nối các cuộc điều tra hai viên tướng này với cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang, nhưng nhấn mạnh rằng trọng tâm của đợt điều tra này tập trung vào tỉnh Tứ Xuyên. Đến nay, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa xác nhận liệu họ có chính thức buộc tội nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang hay không, nhưng các cựu trợ lý của Chu Vĩnh Khang trong chính phủ và ngành dầu mỏ Trung Quốc, cùng các cá nhân khác bị tình nghi có các mối quan hệ với ông này, đã bị kết án tù giam hoặc bị cách chức. Ngay cả người con trai cả của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân (còn gọi là Chu Tân), 41 tuổi, cũng đã bị bắt giữ từ tháng 12 năm ngoái do bị tình nghi nhận hối lộ. Ngoài ra, một số quan chức cấp cao khác có quan hệ với Chu Vĩnh Khang hiện cũng đang bị điều tra tội tham nhũng.

Chiến dịch chỉnh đốn PLA diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đẩy mạnh một cuộc “đại phẫu” ban lãnh đạo quân đội trong một nỗ lực nhằm nhổ tận gốc rễ nạn tham nhũng. Trong đợt thăng cấp mới nhất vừa diễn ra tháng này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã thăng quân hàm cho khoảng 20 sĩ quan trẻ lên cấp bậc Trung tướng, và 4 sĩ quan khác lên cấp Thiếu tướng. 4 tân Thiếu tướng này có nền tảng xuất thân từ Đại Quân khu Nam Kinh, đơn vị phụ trách các tỉnh thành như Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải, những nơi mà ông Tập Cận Bình đã có thời gian công tác trong hơn hai mươi năm. Các chuyên gia phân tích nói rằng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang cố gắng tìm cách đưa những nhân vật trung thành với ông ta vào các vị trí sĩ quan cấp cao.

Trong khi đó, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ra ngày 17/7 dẫn lời các chuyên gia phân tích nhận định rằng đợt thăng quân hàm cho các sĩ quan cấp cao PLA lần này cho thấy nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang tìm cách chuẩn bị cho một thế hệ các nhà lãnh đạo quân sự mới, những người được huấn luyện tốt hơn và không tham nhũng. Ít nhất 3 trong số các sĩ quan này đã được đào tạo tại Nga về các chiến dịch đa nhiệm vụ sau khi Bắc Kinh và Moskva khôi phục các cuộc trao đổi quân sự vào năm 1996. Một số sĩ quan còn có kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước (cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 – PV).

Tên của những sĩ quan được thăng quân hàm mới nhất đã được công bố ngày 16/7, bao gồm 4 sĩ quan thuộc quân khu cấp tỉnh là Tứ Xuyên và Tây Tạng. Tư lệnh Quân khu Tây Tạng Hứa Dũng và người đồng nghiệp, Chính ủy Quân khu Tây Tạng Điêu Quốc Tân, đều là những nhân vật có kinh nghiệm trong cuộc xung đột biên giới với Việt Nam ở tỉnh Vân Nam. Ở tuổi 55, Hứa Dũng là một trong những sĩ quan trẻ nhất được thăng quân hàm lần này. Ông này là Thiếu tướng PLA đầu tiên dẫn đầu một lực lượng cứu trợ tới Ôn Xuyên sau trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên năm 2008, thảm họa làm 87.000 người thiệt mạng.

Cũng được thăng quân hàm lần này là Phó Tư lệnh Hải quân PLA Đinh Nghị, người vào những năm 90 của thế kỷ trước đã chỉ huy một đội ngũ thử nghiệm máy bay ném bom Xian JH-7 do Trung Quốc tự chế tạo. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cũng thăng quân hàm cho một số sĩ quan cấp cao ở các Đại Quân khu Lan Châu, Quảng Châu và các hạm đội Đông Hải, Bắc Hải. Phần lớn các sĩ quan được thăng quân hàm cấp Trung tướng lần này là những người được đánh giá cao tại các đơn vị thuộc lực lượng thiện chiến, có khả năng thực hiện các chiến dịch đa nhiệm vụ ở các lĩnh vực khác nhau.

Đại tá cấp cao Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân đã về hưu ở Bắc Kinh, nhận định: “Việc thăng quân hàm mới cho thấy rằng ông Tập Cận Bình sẽ thay đổi việc thăng quân hàm của quân đội Trung Quốc thành một chế độ thông thường. Tất cả những hoạt động mua hoặc bán các cấp bậc đều sẽ bị nghiêm cấm”.

Hình ảnh của quân đội Trung Quốc đã bị hoen ố nghiêm trọng bởi những nghi vấn Tướng Từ Tài Hậu nhận các khoản hối lộ để đổi lấy việc thăng chức cho nhiều sĩ quan cấp cao. Ông này sẽ bị tòa án quân sự xét xử, giống như cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần PLA, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn – người bị cáo buộc đã hối lộ hàng chục triệu Nhân dân tệ cho Từ Tài Hậu.

Theo Đại tá Lý Kiệt, trong đợt thăng quân hàm lần này, “hầu hết những vị Trung tướng mới đều dưới 60 tuổi, và đây là một dấu hiệu tốt đẹp, bởi điều đó có nghĩa là họ có thể sẽ tiếp tục được thăng cấp vào thế hệ các nhà lãnh đạo tiếp theo của quân đội Trung Quốc trước khi đạt đến ngưỡng tuổi về hưu đối với các sĩ quan cấp Phó Tư lệnh là 63 tuổi”.

Một vị Đại tá cấp cao khác đã về hưu của PLA tại Thượng Hải, nhận định rằng sự nhấn mạnh mới vào chất lượng của các sĩ quan được thăng quân hàm đã cho thấy nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang tập trung vào năng lực thực tế. Vị Đại tá yêu cầu giấu tên nhấn mạnh: “Chúng ta hi vọng chế độ thăng quân hàm sẽ được thực hiện công bằng và trong sạch hơn”.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong quá khứ, đặc biệt là trong kỷ nguyên lãnh đạo của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, những sĩ quan được thăng quân hàm và thăng chức trong PLA thường là nhờ các mối quan hệ cá nhân mà họ có với ban lãnh đạo.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng

Trần Quang (gt)