Ngày 18/5/2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của Quốc vụ viện về đập Tam Hiệp. Bản thông cáo ngắn ngủi được Tân Hoa xã công bố vào buổi tối thừa nhận con đập khổng lồ này gây ra nhiều hậu quả “cần phải giải quyết khẩn cấp”. 

15 năm từ khi thi công dự án 24 tỷ USD cho đến lúc hoàn thành, Chính quyền Trung Quốc gián tiếp thú nhận là chưa giải quyết thỏa đáng nơi ăn chốn ở của 1,4 triệu dân phải di cư đi nơi khác. Những thiệt hại về môi trường từ khắc phục đến đề phòng đều bất cập. 

Theo báo chí châu Á, đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc công nhận đập thủy điện lớn nhất châu Á, xây dựng trên con sông dài nhất châu Á, gây ra những vấn đề to lớn cho con người và môi trường. Từ trước đến nay, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn hết sức tự hào về dự án này, giấc mơ của lãnh tụ Mao Trạch Đông đã được Thủ tướng Lý Bằng thực hiện, bắt đầu vào năm 1994. Cái giá phải trả đầu tiên là một vùng đất đai trù phú gồm 13 thành phố, 140 huyện và 1.350 làng mạc bị chôn vùi trong biển nước. Ngoài 1,4 triệu dân bị đập thủy điện gây tác hại trực tiếp phải di cư, người ta tính toán có khoảng 5 triệu người khác ở những vùng lân cận cũng phải di dời vì môi trường thiên nhiên bị thay đổi không thể tiếp tục sống bằng nghề truyền thống. Hồ nước khổng lồ cao 185 m với sức chứa 39 tỷ m khối nước hiện bị ô nhiễm trầm trọng và điều nguy hiểm hơn nữa là do áp suất quá cao đã gây ra nạn đất lở. Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc thông báo kế hoạch gia cố tốn kém hơn 12 tỷ USD. Tuy nội dung buổi họp của Quốc vụ viện về các vấn đề “khẩn cấp” của đập Tam Hiệp không được công bố chi tiết nhưng đã xác nhận một thực tế là giấc mơ của Mao Trạch Đông cách đây hơn 40 năm rất có thể đang biến thành cơn ác mộng cho ban lãnh đạo hiện nay và cho người dân Trung Quốc ở hạ nguồn sông Dương Tử. 
Để tìm hiểu thêm về hậu quả của đập thủy điện Tam Hiệp, RFI đặt câu hỏi với Kỹ sư Đỗ Văn Tùng. Ông là chuyên gia thủy điện của
Canađa và cũng là thành viên của Hiệp hội Sinh thái Việt.

- Thưa ông, những đập thủy điện khổng lồ như Tam Hiệp thường gặp phải những “vấn đề” gì? 

+ Trước tiên cần nhấn mạnh rằng khi xây dựng những đập lớn, tạo ra các hồ chứa khổng lồ thì rất khó tiên đoán trước những tác động của nó lên môi trường, hệ sinh thái, cụ thể là tác động lên dòng sông, lên lưu vực và cây cỏ sinh vật sống trong vùng lân cận. Kinh nghiệm của con người trong lĩnh vực này còn ít ỏi, nhất là ở các vùng nhiệt đới. Vì vậy, tuyệt đối phải thận trọng trong những loại dự án này. Thủy điện được xem là một dạng năng lượng sạch và tái tạo, nhưng những đập thủy điện lớn thường gặp các vấn đề như sau: Ngăn cách dòng sông thiên nhiên thành hai thế giới riêng biệt ở trên và ở dưới đập hệ sinh thái tự nhiên trong lưu vực sẽ bị chia cắt thành nhiều mảnh vì những đập và hồ chứa do con người tạo ra. 

Một hồ chứa lớn sẽ làm ngập vĩnh viễn một vùng đất rộng lớn, tiêu diệt cây cỏ và sinh vật trong vùng bị ngập, đó là chưa kể những di tích lịch sử vô giá hay những phong cảnh đẹp cũng nằm dưới nước mãi mãi. Cư dân sống hai bên bờ sông trước đây phải dời đi chỗ khác. 

Các loài cá đẻ trứng ở thượng nguồn sẽ không thể vượt qua chướng ngại khổng lồ là cái đập trừ phi có những phương tiện để giúp cá lên được đầu sông. 
Ngăn chặn phần lớn phù sa trong sông làm ảnh hưởng đến nông nghiệp và ngư nghiệp ở hạ lưu và có thể làm thay đổi dòng sông phía hạ lưu đập. 
Các hồ chứa phân hóa những chất hữu cơ và thải khí carbon và methane góp phần gây hiệu ứng nhà kính. 

Hồ chứa cũng là nơi nuôi dưỡng những tác nhân gây bệnh cho con người. 
- Những khó khăn nào mà Tam Hiệp đang gặp phải? 
+ Tam Hiệp là một dự án thủy điện khổng lồ trên sông Dương Tử dài nhất châu Á với chi phí 24 tỷ USD. Đập Tam Hiệp tạo ra một hồ chứa dài 660 km, công suất hơn 18.000 MW (hơn 9 lần thủy điện Hòa Bình) và vì làm ngập hơn 600 km2 đất đai phì nhiêu nên buộc 1,4 triệu người phải dời nhà định cư ở chỗ khác. Nhiều nhà chuyên môn và nhà khoa học ở Trung Quốc cũng như trên thế giới đã nhiều lần cảnh báo các tai họa của dự án Tam Hiệp vì đó là một dự án thủy điện khổng lồ xây dựng ở một địa điểm dân cư đông đúc, có một hệ sinh thái phong phú đa dạng và cũng là nơi tiềm ẩn động đất nhưng Chính quyền Trung Quốc vẫn làm ngơ và tiến hành việc xây dựng từ 1994 và mất hơn 15 năm mới xong. Những vấn đề đập Tam Hiệp đang gặp phải gồm có: Mực nước hồ dao động mỗi năm đến 30 m làm cho đất đai dọc bờ hồ mất ổn định và tạo ra đất trượt khiến hơn 300 nghìn người phải di dời chỗ ở. 

Đập Tam Hiệp chặn phù sa của sông Dương Tử nên hạ lưu thiếu phù sa bồi lấp, khiến vùng đồng bằng Dương Tử bị lún xuống, nước mặn xâm nhập sâu hơn, ảnh hưởng đến nông nghiệp và nước sinh hoạt. 

Từ khi hồ Tam Hiệp tích nước, các vùng dân cư xung quanh ghi nhận có nhiều cơn địa chấn xảy ra. 

Đồng bằng sông Dương Tử đang trải qua một cơn hạn hán tệ hại nhất trong 50 năm qua. Chính quyền cho rằng vì thiếu mưa nhưng một số chuyên gia cho rằng đập Tam Hiệp đã làm thay đổi thời tiết. 

Rác và các chất thải độc hại từ thượng lưu sông Dương Tử thay vì được nước chảy cuốn ra biển thì nay lại tích tụ trong hồ chứa Tam Hiệp làm tăng mức ô nhiễm trầm trọng của nước. 

- Ông thẩm định ra sao về qui mô các khó khăn đó, và làm cách nào để giải quyết? Nếu không thì nguy cơ xảy ra tai họa gì? 

+ Các vấn đề nêu ở trên mà đập Tam Hiệp đang gặp phải đều có qui mô lớn. Một số vấn đề đó có thể giải quyết về mặt kỹ thuật tương đối dễ dàng, nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Ví dụ, vấn đề đất trượt ở hai bờ hồ có thể giải quyết bằng cách gia cố các bờ này nhưng chúng ta đang nói đến hàng trăm cây số như vậy thì việc giải quyết rất tốn kém. Tương tự, với vấn đề các chất thải công nghiệp ở phía thượng lưu của đập tích tụ trong hồ chứa mặc dù trên lý thuyết thì các nhà máy công nghiệp này phải xử lý nước thải trước khi xả ra sông. Trên thực tế, không biết đến lúc nào mới có thể buộc các nhà máy này tôn trọng luật pháp. Một số vấn đề khác như hồ Tam Hiệp gây ra nhiều cơn địa chấn trong vùng hay làm thay đổi thời tiết thì không đơn giản chút nào và hiện nay vẫn còn đang tranh cãi. Một điểm khác cần lưu ý là với những dự án lớn như Tam Hiệp, biết bao tiền bạc của người dân đổ vào và có một số ít doanh nghiệp và quan chức được hưởng lợi ngay, nhưng sau đó thì cũng chính người dân phải chi thêm tiền để chỉnh sửa những tác hại mà các công trình đó gây ra. Như vậy, trong một xã hội mà người dân và trí thức không được tham gia trong những quyết định lớn của xã hội thì một nhóm nhỏ những người có quyền lực và tiền bạc sẽ thao túng theo chiều hướng có lợi cho cá nhân họ nhưng có hại cho toàn xã hội. 

- Ông có nhận định chung như thế nào về chính sách thủy điện của Chính quyền Bắc Kinh? Cái giá phải trả cho con người, môi trường? 

+ Trung Quốc giàu tài nguyên thủy điện, ước tính có khoảng 500 nghìn MW công suất và hiện nay mới khai thác khoảng 1/3. Trung Quốc có đông đảo lực lượng làm thủy điện có kinh nghiệm, đây là một dạng năng lượng mà họ có thể tự túc làm từ đầu đến cuối, không phụ thuộc vào kỹ thuật của nước ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc có mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nên có thể ước đoán là tỉ trọng năng lượng từ than đá sẽ giảm. Từ những lý do trên, thủy điện được xem là ưu tiên trong bức tranh năng lượng tương lai của Trung Quốc. Thủy điện nếu phát triển đúng đắn thì không những đáp ứng được một phần nhu cầu năng lượng mà còn giải quyết được vấn đề cung cấp nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, chống hạn và lũ lụt. Năng lượng sạch từ thủy điện sẽ được tái tạo mỗi năm không phụ thuộc vào các nguyên liệu thải nhiều khí cácbon như than đá hay dầu khí. Thủy điện nếu không phát triển đúng đắn thì sẽ trở thành một tai họa. Nguyên tắc quan trọng nhất là phải xem tài nguyên thiên nhiên là của chung của xã hội, và chính phủ phải công bằng trong việc phân phối tài nguyên chung cho toàn xã hội. Một khi những người có quyền lực cấu kết với những người có tiền bạc để khai thác tài nguyên quốc gia cho mục đích riêng thì thiệt hại sẽ xảy ra cho phần đông dân chúng. Ở Trung Quốc, vấn đề ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng tai hại lên hệ sinh thái vì phát triển kinh tế không phải là vấn đề gì mới lạ. Chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu nhận thức được là họ không thể phát triển kinh tế thoải mái như trước đây mà trái lại họ phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường. Câu hỏi ở đây là: làm sao Trung Quốc có thể cân bằng giữa phát triển kinh tế để giữ sự ổn định xã hội và cứu nguy môi trường ngày càng suy thoái trầm trọng. 

- Xin ông so sánh với chính sách thủy điện của Canađa để chúng ta có thể mường tượng được sự khác biệt giữa “giấc mơ của Mao” bất chấp tốn kém với nhu cầu lợi ích thực tế? 

+ Canađa cũng như Mỹ có nền kinh tế phát triển cao nên mức độ tăng trưởng hàng năm khá nhỏ. Chính sách tiết kiệm năng lượng cộng thêm việc tăng hiệu suất sử dụng làm cho nhu cầu năng lượng không tăng nhiều mỗi năm. Trong mấy chục năm gần đây, Mỹ và Canađa hầu như không xây dựng thêm một nhà máy thủy điện cỡ vừa hay cỡ lớn nào. Ngoài 2 lý do kể trên cần phải kể thêm là tiêu chuẩn về môi trường rất khắt khe nên khó mà vượt qua được cửa ải này. Thật ra, Trung Quốc cũng có những quy định về môi trường trong việc phát triển thủy điện, kể cả yêu cầu phải có ý kiến của dân chúng. Về mặt lý thuyết và bài bản không khác mấy với các nước phương Tây nhưng trên thực tế việc thi hành những quy định này rất lỏng lẻo hoặc hoàn toàn không diễn ra. Lý do là khi chính quyền và doanh nghiệp đã muốn xây dựng một nhà máy thủy điện thì họ sẽ tìm mọi cách để tiến hành cho dù có sự phản đối từ dân chúng hay những người chuyên môn. Một điểm đáng chú ý là các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Liên Xô trước đây có khuynh hướng thích xây dựng những công trình to lớn mặc dù hiệu quả kinh tế rất đáng nghi ngờ./.

NCBĐ (giới thiệu)