Kể từ thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu thực hiện "trỗi dậy hòa bình". Một phần tư thế kỉ đã trôi qua, bất chấp sự phát triển và tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự và quyền lực mềm, khi nói đến nước này, người ta vẫn chỉ dừng lại ở thuật ngữ "trỗi dậy", chứ hầu như không ai cho rằng Trung Quốc đã "nổi lên". Câu hỏi đặt ra hiện nay là cần có chất xúc tác nào, hay cụ thể hơn: Trung Quốc cần làm gì để nước này được nhìn nhận là một cường quốc đã "nổi lên"?

Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc, nhiều người có thể nghĩ rằng Trung Quốc đã "nổi lên". Về kinh tế, tháng 10/2014, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Xét về GDP dựa trên sức mua, Trung Quốc chiếm 16,5% GDP thế giới vào cuối năm 2014, trong khi Mỹ chỉ là 16,3%. Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng xác nhận điều này. Ở Đông Á, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn, thậm chí là lớn nhất, với hầu hết các nước trong khu vực. Có thể nói, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là không thể tranh cãi. Song như thế liệu đã đủ để Trung Quốc được xem là đã "nổi lên"?

Về quân sự, Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Trong bốn năm qua, chi tiêu quân sự của Trung Quốc luôn ở mức 2% GDP. Tỉ lệ này dường như là nhỏ, song GDP Trung Quốc liên tục tăng trong những năm qua. Quy mô ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là rất lớn. Trong quý I/2014, Trung Quốc thông báo ngân sách quốc phòng của năm 2014 là 132 tỉ USD, tăng 12% so với một năm trước đó. Các nước láng giềng đã phản ứng bằng cách đồng loạt tăng chi tiêu quân sự, song tổng cộng số tiền chi tiêu của họ vẫn ít hơn Trung Quốc. Vì thế, trong lĩnh vực quân sự, rất ít người có thể nghi ngờ năng lực quân sự của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực vẫn nói về một Trung Quốc đang "trỗi dậy", chứ không phải đã "nổi lên". Bất chấp sức mạnh kinh tế và quân sự gia tăng, Trung Quốc vẫn không được nhìn nhận là cường quốc hàng đầu. Mỹ vẫn giữ vị trí này trong nhận thức của hầu hết mọi người. Trung Quốc đã tìm rất nhiều cách để xác định "quyền lực mềm", chẳng hạn như: lập các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới để tuyên truyền về văn hóa và giá trị Trung Hoa hoặc phổ biến văn hóa bình dân chính thống thông qua các tên tuổi điện ảnh nổi tiếng như Lý Liên Kiệt hay Lý Thành Long, song như thế vẫn chưa đủ so với sự lan tỏa của văn hóa Hollywood và "Giấc mơ Mỹ".

Nhiều người đặt câu hỏi: Trung Quốc cần làm gì để được chấp nhận là cường quốc? Họ cần quyết đoán hơn hay bớt đi? Liệu họ có nên thể hiện ý định của mình rõ ràng hơn? Liệu "quyền lực mềm" ít áp đảo của Trung Quốc có phải là lí do duy nhất khiến họ không được xem là đã "nổi lên"? Những ai cho rằng Trung Quốc đã "nổi lên" có thể cần đưa ra một sự so sánh tương đối với Mỹ, có nghĩa Trung Quốc chỉ có thể trỗi dậy nếu Mỹ thụt lùi hoặc từ bỏ vị thế của mình. Theo thuyết tương đối luận, có thể Trung Quốc còn chưa "trỗi dậy" bởi vẫn là một quốc gia tương đối nghèo và kém phát triển. Theo số liệu Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2014 của IMF, Trung Quốc xếp thứ 89 thế giới về GDP tính trên đầu người, trong khi Mỹ xếp thứ 10 còn Singapore đứng thứ 3. Nếu không cải thiện được vị trí xếp hạng này, có lẽ Trung Quốc vẫn chỉ được xem là cường quốc đang "trỗi dậy".

Tóm lại, bất chấp những tiến bộ về kinh tế và quân sự, Trung Quốc vẫn chỉ được nhìn nhận là một cường quốc đang "trỗi dậy" chứ không phải đã "nổi lên". Bản thân Trung Quốc vẫn luôn cho rằng mình là một quốc gia đang phát triển. Vì thế sau 20 năm "trỗi dậy", có lẽ hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm để mọi dấu hiệu về một Trung Quốc đã "nổi lên" được thừa nhận.

Theo “RSIS

Hương Trà (gt)