Tranh chấp này liên quan tới không chỉ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Sensaku mà còn cả vấn đề vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn trên biển và thềm lục địa. 

Có lẽ các nhà chiến lược Trung Quốc cho rằng các tuyên bố chủ quyền sẽ được củng cố thông qua việc thể hiện sự ''kiểm soát'' hành chính đối với khu vực tranh chấp, mà hành động cụ thể là thiết lập ADIZ. Tuyên bố này cũng góp phần hỗ trợ các mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc trong việc hình thành ảnh hưởng đối với khu vực ngoại vi nước này, đồng thời hạn chế ảnh hưởng chiến lược của Mỹ tại khu vực. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh có lẽ đã không lường trước được phản ứng của các nước đối với tuyên bố thiết lập ADIZ. Trên thực tế, thiết lập ADIZ là hành động phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã có ADIZ trên biển Hoa Đông. ADIZ hiện hành của Nhật Bản chồng lấn một phần không phận phía trên vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc tuyên bố sở hữu. Người Trung Quốc có lẽ đã cho rằng các cường quốc sẽ không có lý do chính đáng để chỉ trích. 

Tuy nhiên, cả khu vực đều coi tuyên bố ADIZ của Trung Quốc là hành vi gây hấn. Có bốn nguyên nhân dẫn tới kết luận này. Trước hết, Trung Quốc yêu cầu máy bay nước ngoài phải xin phép, thậm chí cả trong trường hợp những máy bay này không có ý định đi vào không phận của Trung Quốc mà chỉ bay ngang qua ADIZ. Điều này đã vượt quá những quy định về ADIZ thông thường của các nước khác, kể cả Mỹ. 

Thứ hai, Trung Quốc không hề thảo luận kế hoạch của mình với Tokyo hay Washington trước khi ra tuyên bố trên. Vấn đề ở đây không phải việc Trung Quốc phải xin phép Mỹ hay Nhật Bản trước khi thực hiện chính sách của mình mà là Trung Quốc đã hành động đơn phương trong một khu vực có lưu lượng hàng không lớn của Mỹ và Nhật Bản. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đáng nhẽ nên hành động thận trọng và tiến hành tham vấn, cũng như hợp tác với các chính phủ Mỹ và Nhật Bản khi muốn thay đổi quy tắc tại khu vực này. 

Thứ ba, hành động của Trung Quốc đã gia tăng các căng thẳng vốn đang hết sức phức tạp liên quan tới tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, đặc biệt là vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Sensaku. Nguy cơ xảy ra các xung đột quốc tế nghiêm trọng trên không, cho dù có cố ý hay không, ngày càng leo thang. 

Cuối cùng, hành động của Bắc Kinh cho thấy người Trung Quốc đang ép buộc Nhật Bản phải xuống thang thay vì theo đuổi biện pháp đàm phán hòa bình ít rủi ro hơn. Hơn nữa, nhiều người coi tuyên bố ADIZ là một dấu hiệu gây rối cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục chèn ép các nước láng giềng, phủ nhận điều mà Trung Quốc từng hứa hẹn là không bao giờ tìm cách theo đuổi tham vọng bá quyền. Trong khi đó, Mỹ coi tuyên bố ADIZ của Trung Quốc là một thách thức đối với sự ổn định của khu vực, vốn đang hết sức bấp bênh do các tranh chấp lãnh thổ, và đối với cả trật tự khu vực mà Mỹ duy trì.

Các nước cho rằng máy bay nước ngoài nên phớt lờ ADIZ của Trung Quốc để tỏ rõ thái độ phản đối, tránh tạo cớ để Bắc Kinh được thể tiếp tục thiết lập các ADIZ tương tự trên Biển Đông và nhiều khu vực khác. 

Vấn đề được đặt ra là liệu tuyên bố ADIZ có phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc hay không? Theo giới phân tích, nếu mục đích của hành động này là nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền tại Biển Hoa Đông thì kết quả sẽ ngược lại. Các chính phủ nước ngoài từ chối yêu cầu của Trung Quốc về việc các máy bay phải tuân thủ quy định mới khi bay qua ADIZ. Hoạt động quân sự của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực thậm chí đã được tăng cường nhằm chống lại tham vọng bá chủ khu vực của Bắc Kinh. Thái độ phản đối công khai và nhanh chóng của các nước, mà cụ thể là việc Mỹ cho hai máy bay B52 bay qua khu vực, đã biến chính phủ Trung Quốc thành đối tượng "giễu cợt" và bị so sánh là một "con hổ giấy". Trong hoàn cảnh ấy, chính phủ Trung Quốc cũng không thể hủy bỏ ADIZ. Khả năng lớn nhất là Bắc Kinh sẽ tuyên bố tiến hành giám sát các máy bay quân sự nước ngoài không tuân thủ quy định trong khu vực ADIZ mới. Điều này có thể giúp những lực lượng chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc dịu giọng lại và không gây áp lực kêu gọi chính phủ nước này triển khai đối đầu trên không. 

Có ý kiến cho rằng Trung Quốc đã đánh mất nền tảng chiến lược kể từ năm 2009. Hiện có một ý kiến được nhiều người chia sẻ là các hành động "càn quấy" của Trung Quốc khiến khu vực ngày càng có nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc lại đang tỏ dấu hiệu muốn điều chỉnh quan hệ ngoại giao thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung với lý luận ''quan hệ cường quốc kiểu mới''. 

Có lẽ Tập Cận Bình, người cần có sự ủng hộ lớn để có thể triển khai chương trình tái cơ cấu kinh tế tại Trung Quốc, phải theo đuổi một chính sách ngoại giao đối đầu nhằm thỏa mãn một phần yêu cầu của những người ủng hộ trong việc "đòi nợ" Nhật Bản và các đối thủ khác. Chính phủ Trung Quốc có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai kế hoạch đầy mâu thuẫn của mình, để vừa hoàn thành ''giấc mơ Trung Quốc'' về thịnh vượng kinh tế vừa tránh khả năng phải áp dụng chính sách đối ngoại có nguy cơ dẫn tới bị bao vây và cô lập về quân sự.

 Theo Tạp chí Diễn đàn Đông Á

Thùy Anh (gt)