Ngoài Bắc Kinh bị kiểm soát nghiêm ngặt, từ ngôi chùa dành cho các nhà sư dân tộc Tạng, đồng cỏ ở Nội Mông tới các tỉnh thành lớn như Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, Phúc Kiến, Giang Tây, Nam Kinh, Thiên Tân đều có “khói lửa”. Tình trạng “gió thổi mạnh báo hiệu cơn giông sắp tới” rốt cuộc đã gây ra những bất đồng trong giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, giữa chủ trương đàn áp mạnh hoặc tiến hành cải cách.

Cuộc đấu tranh lâu dài của các nhà sư dân tộc Tạng và người du mục Mông Cổ 

Vào ngày 17/3 vừa qua, nhân kỉ niệm sự kiện bạo loạn ở Tây Tạng, nhà sư trẻ Bành Thố người dân tộc Tạng ở châu tự trị A Bối (Tứ Xuyên) đã tự thiêu, dẫn tới xung đột giữa toàn thể sư chùa Cách Nhĩ Đăng với chính quyền. Lực lượng quân cảnh được điều động tới bao vây ngôi chùa này và đến nay vẫn không có bất cứ tin tức nào lọt ra, ngoài thông tin ngày 22/4 có 300 nhà sư đã bị bắt giải đi và xung đột với lực lượng quân cảnh đã nổ ra khi có 200 người dân tộc Tạng đến ngăn cản, hai cao niên người Tạng bị đánh chết

Trong khi đó, phong trào biểu tình ở khu tự trị Nội Mông lại bắt nguồn từ việc hai người dân du mục bị lái xe chở than cố tình cán chết. Việc hai người dân du mục này xảy ra cãi vã với lái xe chở than phản ánh sự thù hận của toàn thể người dân du mục đối với việc các công ty khai thác than phá hoại thảo nguyên trên một diện tích lớn. Người dân du mục sống nhờ thảo nguyên, nhưng khắp nơi ở Nội Mông là mỏ than lộ thiên (trong số 5 mỏ than lộ thiên lớn nhất Trung Quốc, ngoài mỏ Bình Sóc ở Sơn Tây, 4 mỏ còn lại đều thuộc Nội Mông). Dựa thế chính quyền, các doanh nghiệp khai thác than ở Nội Mông hoàn toàn coi nhẹ quyền lợi của người dân du mục, khai thác than hoàn toàn trên mặt đất, mỗi khi khai phá một điểm mỏ mới đều phá hoại mấy chục km2 thảo nguyên. Cộng thêm các tuyến đường vận tải, tổn hại gây ra cho người dân du mục là rất lớn. Ngày 10/5, Mạc Nhật Căn, một người dân du mục ở Tây Ô Kỳ, đã cãi nhau với lái xe mỏ than và bị cán chết trong khu vực mỏ than. Ngày 15/5, chàng thanh niên dân tộc Mãn tên là Diêm Văn Long lên tiếng phản đối mỏ than A Ba Ca Kỳ Mã Ni Đồ gây ô nhiễm, cũng bị xe cán chết trong khu vực mỏ than. Làn sóng phản đối của người Mông Cổ dấy lên với sự tham gia biểu tình của hàng nghìn dân du mục, học sinh, sinh viên và giáo viên từ thành phố Tích Lâm Hạo Đặc lan tới thủ phủ Hô Hòa Hạo Đặc của khu tự trị Nội Mông, rất nhiều người đã bị bắt, tới nay tình hình vẫn chưa giải quyết xong và chính quyền phải cử quân đội tới trấn giữ, sử dụng xe tăng, bao vây trường học, tái diễn sự kiện 4/6 ở Thiên An Môn năm 1989, nhưng ở quy mô nhỏ. Một sinh viên Đại học Sư phạm Nội Mông đã cắt tay lấy máu viết huyết thư rằng: “Các người coi khinh người Mông Cổ chúng tôi như thế này, chúng tôi phải liều mạng với các người”. Điều đó cho thấy thù hận đã sâu sắc thì mới tới mức tuyệt tình như vậy. Tuy chính quyền cuối cùng đã tuyên án tử hình những tên lái xe cán chết người và xử chung thân phụ lái nhằm hóa giải nỗi tức giận của người dân, nhưng vẫn có hàng trăm giáo viên, học sinh, sinh viên và dân du mục bị bắt chưa được thả. Vào ngày 10/6 vừa qua, nhân dịp Mạc Nhật Căn chết được một tháng, học sinh, sinh viên chuẩn bị tuần hành hoặc tưởng niệm trong khuôn viên nhà trường, nhưng do trường vẫn bị quân cảnh bao vây, nên không thể tiến hành được. 

Bạo động lớn ở Triều Châu và Tăng Thành thuộc tỉnh Quảng Đông 

Ngày 1/6, một công nhân người Tứ Xuyên ở Triều Châu đòi tiền lương, bị ông chủ thuê người cắt đứt gân tay gân chân, trở thành tàn phế, khiến những người công nhân Tứ Xuyên và Hồ Nam trong toàn thành phố căm giận. Tên chủ bỏ trốn, chính quyền coi thường công nhân, không hề hỏi thăm, liên tục trong nhiều ngày, một lượng lớn công nhân đã kéo đến chính quyền thị trấn Cổ Hạng ở Triều Châu để phản đối. Cảnh sát tới, người bị bắt, người bị đánh, số bị thương lên tới hàng chục, khiến công chúng tức giận, tụ tập ngày càng đông, lúc cao điểm lên tới trên 10.000 người. Họ bao vây tấn công đồn cảnh sát và tòa nhà chính quyền thị trấn, phóng hỏa đốt xe, ném đá tấn công cảnh sát, trật tự rơi vào rối loạn, bạo động thực sự nổ ra, ngay cả lực lượng chống bạo động cũng phải trốn trong trụ sở. Bắt đầu từ ngày 3/6, bạo động kéo dài liên tục ba ngày, sau đó diễn biến thành xung đột giữa công nhân ngoại tỉnh với người bản địa. Tình hình giống như cuộc xung đột giữa công nhân người Duy Ngô Nhĩ và công nhân người Hán ở nhà máy đồ chơi Húc Nhật tại Thiều Quan, Quảng Đông tháng 7/2009, sau đó diễn biến thành đại bạo loạn ở Tân Cương. Công nhân ngoại tỉnh thấy người bản địa là đánh, người Triều Châu thì mang vũ khí ra đường đánh trả, cửa hàng đóng cửa, chính quyền cử quân đội tới trấn giữ, thực hiện quân quản, phong tỏa thông tin. Tới ngày 14/6 vẫn có cư dân mạng tiết lộ là khắp đường phố đâu cũng là quân cảnh. Ban đêm, toàn thành phố bị cắt điện, trời tối như hũ nút và thành phố biến thành thành phố chết. 

Cuộc bạo động ở thị trấn Cổ Hạng (Triều Châu) chưa nguôi, ở Tăng Thành (Quảng Châu) lại xảy ra bạo động

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc một cặp vợ chồng trẻ người Tứ Xuyên bày bán quần áo cũ ở thôn Đại Đôn thuộc thị trấn Tân Đường, Tăng Thành bị nhân viên trị an đòi “tiền bảo kê”. Họ từ chối thì bị tịch thu hàng hóa. Xô xát xảy ra khiến người vợ mang thai ngã xuống đất, người đi đường trông thấy tức giận. Theo báo cáo điều tra của một nhân sĩ độc lập, ban đầu số người tụ tập chỉ khoảng 500, nhân viên trị an bỏ chạy, quan chức chính quyền tới hiện trường hòa giải, có vị quan chức nói: “Người phụ nữ mang thai này mà chết chúng tôi bồi thường 500.000 nhân dân tệ là được chứ gì”. Câu nói này như đổ thêm dầu vào lửa, kích động tình cảm của quần chúng. Họ bắt đầu ào lên, quan chức chính quyền rút lui, người dân tụ tập ngày càng đông hơn, đội phòng chống bạo động sử dụng đạn khói, sử dụng dùi cui đánh người, cuối cùng đã gây ra bạo động. Đêm đó, người dân đã xông vào tòa nhà đảng ủy thôn, đốt xe cảnh sát, thậm chí còn đốt một tòa nhà văn phòng của lực lượng trị an. Bạo động diễn ra liên tục trong 4 ngày, từ Tân Đường lan sang Thái Dương và Sa Phố. Có tin nói rằng một sư đoàn thuộc quân khu Quảng Châu đã tiến vào Tân Đường để dẹp loạn, tại hiện trường, người ta nghe có tiếng súng, hơn 100 người bị chết và bị thương, hàng trăm người bị bắt. Công nhân ngoại tỉnh ở khu vực gần đó đã đổ về Tân Đường chi viện. Chính quyền cố ý gọi đây là sự kiện công dân gây rối. Trên thực tế, đến người dân bản địa đều nhấn mạnh đây là xung đột giữa quan chức và người dân chứ không phải xung đột giữa người ngoại tỉnh với người bản địa vì người bản địa cũng bị chính quyền hiếp đáp như người ngoại tỉnh, mở cửa hàng hay nhà máy đều phải nộp hàng nghìn, thậm chí là hàng vạn nhân dân tệ “tiền bảo kê” hàng tháng; mỗi mẫu đất nông nghiệp ở Tân Đường bị trưng thu, hãng bất động sản trả chính quyền hơn 200.000 nhân dân tệ, nhưng chính quyền chỉ bồi thường cho nông dân 200 nhân dân tệ, nhân dân đấu tranh không được, khiếu nại không được, nên đã tham gia vào bạo động. 

Tiếng kêu ai oán ở khắp Trung Quốc 

Ngoài các vụ bạo động nêu trên, tại các tỉnh thuộc Trung Quốc còn không ngừng xảy ra các sự kiện mang tính tập thể. 

Ngày 4/5, trên đường đến dự hội nghị biểu dương thanh niên, Dư Huy, giáo viên chủ nhiệm ở trường trung học Xạ Hồng, huyện Xạ Hồng, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị 7 cảnh sát vô cớ đánh đập. Sự việc khiến học sinh bất mãn, ngay trong đêm kéo đến huyện ủy đòi công bằng, không ít giáo viên và phụ huynh đã đi theo, nhân dân hai bên đường cũng rầm rộ tham gia, tổng số lên tới trên 10.000 người, trở thành cuộc tuần hành lớn nhất Tứ Xuyên trong năm nay. Chính ủy Cục Công an huyện lập tức lên tiếng xin lỗi học sinh và người dân, nói rằng đây là do công an bắt nhầm người và sẽ cách chức 7 cảnh sát liên quan. Những người tham gia tuần hành thấy đã đạt được mục đích liền giải tán dần. 
Ngày 11/5, một người đàn ông ở huyện Hoành Đông, tỉnh Hồ Nam đưa con đi học, trên đường trở về nhà thì bị cảnh sát giao thông chặn lại, nói rằng ông ta đã vi phạm luật, yêu cầu giữ xe và phạt tiền. Hai bên nổ ra cãi vã, dẫn tới việc hơn 1.000 người dân hò nhau lật đổ xe cảnh sát. Sau sự việc, một người dân địa phương nói: Việc cảnh sát ở đây bắt người vòi tiền không phải là hành vi cá biệt của cảnh sát giao thông. Tất cả cơ quan chấp pháp đều như vậy. Sự căm phẫn của người dân tích tụ đã lâu, hôm nay mới xả ra. 

Ngày 14/5, một người ăn mặc giống như sĩ quan quân đội ở huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc điều khiển xe quân sự, bực mình khi thấy chiếc xe điện của một cặp vợ chồng già ngáng đường liền rút súng hăm dọa. Người đi đường thấy thế liền bao vây chiếc xe quân sự. Một viên cảnh sát đặc nhiệm đã giúp “tên sĩ quan” giải vây, người đi đường không phục. Đội cảnh sát đặc nhiệm liền vào cuộc, khua dùi cui nhằm vào người đi đường, bắt giữ hai người đi đường. Rốt cuộc, xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát và người dân, hơn 10.000 người đã xuống đường ồn ào, lật đổ chiếc xe quân sự. Chính quyền phong tỏa thông tin, nhưng những tấm ảnh phản ánh cảnh rối loạn đã được tung lên mạng. Nhờ vậy, người nước ngoài mới biết đến sự kiện này. Nghe nói sau đó chính quyền đã giải thích với người dân rằng người điều khiển chiếc xe quân sự trên không phải là sĩ quan, mà là công nhân duy tu kĩ thuật của một nhà máy quốc phòng, khẩu súng là giả… Nhưng ai sẽ tin vào lời giải thích đó? 

Cũng trong ngày 14/5, Công ty Hoa Phi ở Nam Kinh bị đóng cửa. Hàng nghìn công nhân không hài lòng với phương án bố trí mới, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch công ty, đã xuống đường tuần hành. Chính quyền địa phương điều động hàng nghìn cảnh sát, dùng xe bịt bùng chắn đường. Hai bên nổ ra xung đột, nhiều người bị bắt và bị thương. 
Ngày 16/5, hàng nghìn giáo viên các địa phương thuộc các trường dân lập ở Cát Lâm đã tới trụ sở chính quyền tỉnh yêu cầu giải quyết vấn đề cuộc sống. Vì trường họ dạy là trường dân lập, nên khi về hưu sau mấy chục năm dạy học, họ không có lương hưu hay bất cứ khoản trợ cấp nào. Cuộc sống sinh hoạt sẽ trở nên khốn khó. Trong khi đó, chính quyền tỉnh lại phủi tay, đẩy trách nhiệm cho địa phương, khiến họ rơi vào cảnh đường cùng. Hàng triệu giáo viên dạy cho các trường dân lập ở Trung Quốc cũng ở trong tình cảnh giống như họ. 

Ngày 27/5, gần 600 công nhân doanh nghiệp nhà nước ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đã tới trụ sở thị ủy và chính quyền thành phố phản đối việc quan chức và doanh nghiệp cấu kết với nhau cắt xén phúc lợi. Nhiều công dân tham gia đã bị cảnh sát bắt giam. Cùng ngày, vì phản đối chính quyền xây dựng lò đốt rác phát điện, nông dân ngoại ô thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã xảy ra xung đột quy mô lớn với phía cảnh sát. 

Ngày 1/6, gần 400 nông dân mất đất ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến tới trụ sở chính quyền tỉnh thỉnh nguyện, bị công an và xã hội đen bao vây đánh đập, nhiều người có tuổi bị đánh gây thương tích phải đưa vào bệnh viện cấp cứu điều trị. 

Ngày 2/6, tại khu Thất Tinh, thành phố Quế Lâm, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã xảy ra tranh chấp đất trưng thu, mấy chục tên “vô công rồi nghề” ngoài xã hội cùng với các nhân viên thi công đã tới phá hoại ruộng rau của người dân nơi đây. Nhiều người ra đôi co, bị đối phương tấn công bằng xẻng. Không ít người đã bị thương. 
Ngày 12/6, do chống lại việc cưỡng bức phá dỡ, người dân thị trấn Thạch Phật, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã bị hàng trăm kẻ không rõ thân phận tấn công. Họ dùng ống sắt và bình cứu hỏa, xịt chất dập lửa, xua đuổi người dân. Tại thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam cũng có hơn 500 người dân cầm biểu ngữ bày tỏ sự phản đối với việc cưỡng chế phá dỡ. 

Các sự kiện phản kháng tập thể liên tục diễn ra với sự tham gia của nhiều người phần lớn đều bắt nguồn từ tranh chấp, bất đồng nhỏ, làm bật lên nỗi oan khuất và oán hờn tích tụ lâu ngày và trở thành rối loạn lớn, bạo động lớn. Nó cho thấy việc quan chức vơ vét của dân, tùy tiện bắt giữ, đánh người, gây ra nhiều vụ án oan sai, tư pháp bất công, ngay cả các luật sư bảo vệ quyền con người và các đoàn thể xã hội nhân dân ủng hộ nhóm người yếu thế cũng bị trấn áp, truyền thông bị phong tỏa, ý kiến của dân chúng bị tắc nghẽn, dân oan đâm đơn kiện không được, cầu cứu cũng không được, dẫn tới tình trạng quan ép dân làm phản, xã hội rơi vào mất trật tự, tình hình còn tệ hại hơn cả việc sai dịch nha môn triều đình khi xưa ức hiếp người dân.

Tự thiêu tự sát và đánh bom liên hoàn 

Dữ dội như những vụ bạo động là các cuộc đánh bom kiểu tự sát. Đầu tiên là 5 vụ nổ liên hoàn xảy ra vào ngày 26/5 tại thành phố Phủ Châu, tỉnh Giang Tây. Mục tiêu gồm có Viện Kiểm sát thành phố, trụ sở chính quyền khu Lâm Xuyên, Cục Giám sát Dược phẩm, kho lưu trữ hồ sơ chính quyền, cung thể dục thành phố. Tất cả đều bị cùng một người tấn công bằng bom trong vòng nửa giờ đồng hồ. Trong đó, vụ nổ ở tòa nhà chính quyền khu Lâm Xuyên đã gây ra đám mây hình nấm, mảnh vỡ cửa sổ và vụn kính cũng như linh kiện ô tô bay xa hơn 100 m. Phía chính quyền nói rằng có 2 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Nhưng theo những người chứng kiến, có ít nhất 18 người bị thiệt mạng. 

Sau sự kiện, người ta biết hung thủ là Tiền Minh Kỳ, 52 tuổi, làm nghề buôn bán tủ lạnh đã chết trong một vụ nổ. Trước khi “đánh bom”, Tiền Minh Kỳ đã viết trên tiểu blog của mình rằng năm 2002, lấy cớ xây dựng đường cao tốc nối Bắc Kinh với Phúc Kiến, Bí thư Thị ủy khu Lâm Xuyên, thành phố Phủ Châu Tập Đông Thâm đã ra lệnh dỡ bỏ căn nhà mới xây hợp pháp của Tiền Minh Kỳ, ăn bớt hơn 10 triệu nhân dân tệ tiền bồi thường ổn định cuộc sống sau giải phóng mặt bằng, biến thành tiền thưởng để chia chác cá nhân, khiến Tiền Minh Kỳ bị thiệt hại hơn 2 triệu nhân dân tệ; Thẩm phán trưởng Trương Lợi của tòa án trung cấp thành phố Phủ Châu ngụy tạo chứng cứ, cố ý làm sai sự thật, đưa ra phán quyết liên quan không công bằng. Sau 10 năm đi kiện không có kết quả, Tiền Minh Kỳ đã buộc phải đi theo con đường mà mình không muốn đi. Tiền Minh Kỳ nói: “Có lên thiên đường thì cũng phải mang theo vài kẻ địch và người bạn đồng hành”. 

Một sự kiện đánh bom khác xảy ra ở trước cửa trụ sở thành phố Thiên Tân. Đây không phải là vụ đánh bom theo kiểu tự sát mà là ném bom. Kẻ ném bom là Lưu Trường Hải, một nhân viên về hưu. Lưu Trường Hải đã tự chế tạo được 20 quả bom đóng trong hộp, tại hiện trường chỉ mới sử dụng 4 quả và chúng được ném vào trước cửa trụ sở chính quyền Thiên Tân, làm ít nhất hai người bị thương, trong đó có nhân viên cảnh sát vũ trang đang trực ban. Lưu Trường Hải bị bắt tại chỗ. Có người nói Lưu Trường Hải gây án là do bức bách của hoàn cảnh gia đình: con tự sát, vợ li hôn. Nhưng việc Lưu Trường Hải chọn trụ sở chính quyền để ném bom rõ ràng còn có một nỗi oán hận khác. Nhiều người dân được hỏi đã đồng tình với hành động của hắn. Có người nói: Mâu thuẫn tích tụ rất dễ dàng, nhưng việc hóa giải nó không dễ chút nào. Hiện nay, khi biết là không có hi vọng giải quyết, thì dứt khoát sẽ có người làm theo cách của anh ta. Những vụ đánh bom tương tự cũng xảy ra ở Cục Công an thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, tòa nhà công an thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông và một đồn công an thị trấn ở thành phố Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, nhưng do thông tin bị phong tỏa, nên bên ngoài không rõ sự tình. 

Tự thiêu cũng là một biện pháp “bày tỏ”. Người tự thiêu không muốn làm tổn hại tới người khác mà muốn biến sự hi sinh của mình thành “bản tố cáo bằng máu”. Do nhà bị phá dỡ lâu ngày không được giải quyết, một cặp vợ chồng trí thức cao cấp ở khu Tây Thành, Bắc Kinh (chồng là Tô Hồng Đàm, một cán bộ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nghỉ hưu, vợ là Triệu Yến Linh, một giáo viên trung học nghỉ hưu) tự sát cả đôi và để lại lời nhắn: “Ngày 17/6 là ngày giỗ của chúng tôi. Chúng tôi không muốn chống đối chính quyền, cũng không muốn gây hại cho người vô tội. Chúng tôi ra đi chính với hi vọng sang năm vào giờ này có người tặng chúng tôi một nhành hoa”. 

Cũng bị phá dỡ nhà, năm 2003, người chồng Triệu Cảnh Châu (có vợ là Trần Huệ Quyên) ở Hắc Long Giang, đã đến tự thiêu trước cửa tòa án tỉnh và bị bỏng nặng, phải nằm viện 8 tháng. Gần đây, Triệu Cảnh Châu đã viết thư kêu oan ở quảng trường tháp kỉ niệm chống lũ lụt tại thành phố Cáp Nhĩ tân và bị cáo buộc là làm rối loạn trật tự xã hội, phạt hành chính, câu lưu 15 ngày. Hoang đường hơn là chuyện của người nông dân có tên là Vương Đức Đông ở khu Tam Sơn, thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy. Ngày 30/10/2010, do đất đai bị trưng thu, Vương Đức Đông tới văn phòng đảng ủy thôn tự thiêu, may mắn không bị ngọn lửa đốt cháy đến chết. Sau sự việc này, chính quyền không những không cứu giúp, ngược lại còn bắt Vương Đức Đông vì tội phóng hỏa vào ngày 30/5 vừa qua. Phía tòa án nói rằng người nhà Vương Đức Đông có thể mời luật sư, nhưng người nhà Vương Đức Đông trả lời rằng: “Không cần phải mời vì chính quyền đã sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy rồi, công an, toà án và viện kiểm soát đều là của nhà nước, chúng tôi chỉ là một nông dân làm sao có thể theo kiện với chính quyền được”. Nhằm phản đối việc phá dỡ di rời, hàng loạt nông dân ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam còn tuyên bố sẽ tự thiêu tập thể.

Cuộc “đại giải quyết” đang tới gần 

Chỉ trong vòng hai tháng, Trung Quốc đã xảy ra nhiều sự kiện tập thể đến vậy, thậm chí bạo động cũng liên miên và lại còn xuất hiện cả vụ đánh bom liều chết liên hoàn lớn lấy chính quyền làm đối tượng tấn công chủ yếu, điều này đủ cho thấy người dân Trung Quốc đã bị đẩy tới chỗ không thể chịu đựng được sự thống trị trấn áp cao độ vô phép và vô lý của chính quyền nước này. Tuy Trung Quốc đã có sự phòng ngừa nghiêm ngặt từ trước đối với phong trào hoa nhài do giới trẻ phát động, thậm chí đã lạm dụng bắt bớ, giam lỏng, bắt cóc và giám sát các phần tử bất đồng chính kiến cũng như các nhân sĩ bảo vệ nhân quyền nổi tiếng, để có thể ngăn chặn hành động của họ từ lúc manh nha, nhưng Trung Quốc không thể loại bỏ “dòng dung nham” phản kháng của người dân sinh ra bởi sự xấu xa và bạo ngược của thể chế, “dòng dung nham” phản kháng ấy trào lên liên tục trên các phương diện. Và khi tần suất trào sôi của ‘dòng dung nham” tăng lên mạnh, nó dự báo “núi lửa” sắp hoạt động. Nói cách khác, đây cũng chính là sự chuyển biến lớn của lịch sử, là cuộc “đại giải quyết” đang tới gần. 

Cục diện này là một khảo nghiệm nghiêm túc đối với thể chế Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo trong hơn 1 năm cầm quyền còn lại trong nhiệm kỳ. Rốt cuộc, sự chuyển biến lớn của lịch sử có nảy sinh trong tay của Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo hay không? Rốt cuộc, việc dựa vào trấn áp cao độ có giúp họ tồn tại hết nhiệm kỳ, đẩy cuộc ‘đại giải quyết’ cho Tập Cận Bình gánh chịu được hay không? Đây là những vấn đề nan giải hiện nay Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo đang phải xem xét gấp. 

Gần đây, bài phát biểu của Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Trương Quân nhấn mạnh tới việc tăng cường các biện pháp trấn áp cao độ được cho là một chiếc “chong chóng báo hướng gió”. Trương Quân chủ trương phải cương quyết tuyên án tử hình thi hành ngay lập tức đối với các phần tử phạm tội “thù địch cực đoan nhà nước và xã hội”. Cái mà Trương Quân gọi là “thù địch nhà nước và xã hội”, trên thực tế chính là thù địch với chính quyền do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, đặc biệt là đối với những người gây ra bao động và bạo lực thì phải lập tức tử hình, không được hưởng đặc xá. Chủ trương tăng cường trấn áp cao độ của Trương Quân nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Vương Lạc Tuyền, nhân vật đã bị người dân địa phương cho “rớt đài” trong sự kiện bạo động ngày 5/7/2009 ở Tân Cương. Hiện nay, Vương Lạc Tuyên đang cấu kết với Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Châu Vĩnh Khang, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội) Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Hội nghị chính trị Hiệp thương nhân dân Giả Khánh Lâm, hình thành thế lực bảo thủ ở Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cực lực phản đối chủ trương cải cách chính trị của Ôn Gia Bảo. 

Trước đây một thời gian, quan điểm cải cách chính trị của Ôn Gia Bảo rất cô lập trong giới chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ở Trung ương, giống như chủ bút tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu (tạp chí chính luận nổi tiếng của Trung Quốc) Đỗ Đạo Chính đã nói, ngay cả một số người ủng hộ Ôn Gia Bảo cũng không dám nói thẳng sự ủng hộ của mình. Nhưng tình hình hiện nay đã cấp thiết, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, ngay cả các tỉ phú trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đều rầm rầm di chuyển tài sản ra nước ngoài, cảm giác lo âu về nguy cơ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc lan ra. Ngay sau đó, một số hiện tượng đáng suy nghĩ đã xuất hiện ở Trung Quốc. Trước tiên là việc tờ Nhân dân Nhật báo đột nhiên đăng bài bình luận chủ trương bao dung các loại “tư duy dị chất”, chỉ trích kiểu tư duy “coi cái bất đồng là đối địch”. Tờ báo thậm chí còn dẫn câu nói nổi tiếng của Voltaire “Tôi không đồng ý với cách nhìn nhận của anh, nhưng tôi thề sẽ bảo vệ tới chết quyền phát biểu của anh”. Tiếp đó, tờ báo này đã tung ra loạt bài bình luận mang tên “Quan tâm chú ý tới tâm thái xã hội”, nhấn mạnh rằng các nhà cầm quyền nên tích cực giải quyết những vấn đề hữu hình thực chất, để thực hiện công bằng và chính nghĩa xã hội. Tờ báo còn đăng xã luận kêu gọi chính quyền địa phương nhìn thẳng vào những chỉ trích của dư luận, cho rằng dư luận không phải là thù địch, truyền thông là công cụ cảnh báo của xã hội. Sự phản ánh và quan tâm chú ý đối với một số vấn đề chủ đề nóng hổi và vấn đề nhạy cảm nhất thời có thể khiến chính quyền địa phương cảm thấy khó chịu, nhưng nó lại giúp bảo vệ lợi ích của quần chúng nhân dân, thúc đẩy tiến bộ xã hội. 

Những ngôn luận mà tờ Nhân dân Nhật báo phát đi rõ ràng là không hài hòa với hiện thực kiểm soát dư luận, phong tỏa mạng Internet nghiêm ngặt hiện nay của Trung Quốc. Nếu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không hạ quyết tâm xóa bỏ chức năng kiểm soát nghiêm ngặt dư luận của Ban Tuyên truyền Trung ương thì các loại “tư duy dị chất” và “chỉ trích của dư luận” làm sao có thể có chỗ dung thân trong xã hội. 

Sự bất đồng của hai phái trong Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc 

Một hiện tượng khác là tờ Nhật báo Bắc Kinh đăng bài của Du Khả Bình phê phán Tổng Thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Chu Bản Thuận. Trong một bài đăng trên tạp chí Cầu thị, Chu Bản Thuận cảnh báo: “Xã hội công dân” là cạm bẫy mà phương Tây thiết kế cho Trung Quốc, sự ưu việt của chế độ mà Trung Quốc có chính là đảng ủy lãnh đạo, chính quyền phụ trách, xã hội khác nhau và quần chúng tham gia, đây là cục diện củng cố vai trò cầm quyền của đảng. Trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, hệ thống chính trị và pháp luật là nhóm ngoan cố nhất, bảo thủ nhất, cho dù là Châu Vĩnh Khang, Vương Lạc Tuyền, Chu Bản Thuận đều như vậy. Du Khả Bình là Cục phó Cục Biên dịch Trung ương, thuộc nhóm những nhân sĩ khai sáng tư tưởng trong thể chế, trở nên nổi tiếng vì đã khởi xướng việc coi “dân chủ là cái tốt”. Du Khả Bình cho rằng không có một xã hội công dân lành mạnh thì không thể có xã hội hài hòa một cách thực sự, việc coi các tổ chức phi chính phủ (NGO) là sản phẩm đối lập tự nhiên của chính phủ là một loại thành kiến. Do đó, Du Khả Bình nhấn mạnh cục diện mới của quản trị xã hội phải là quan chức và nhân dân cùng quản trị, chủ trương nới lỏng sự quản chế, phải giúp đỡ và ủng hộ nhiều hơn đối với các tổ chức xã hội. 

Theo bản tin trang boxun độc quyền đưa ngày 14/6, sau sự kiện đánh bom của Tiền Minh Kỳ, ở Thiên Tân, Cáp Nhĩ Tân, Hồ Bắc đều xảy ra đánh bom. Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc một lần nữa phải triệu tập hội nghị mở rộng. Trong hội nghị xuất hiện nhiều ý kiến bất đồng. Vương Lạc Tuyền và Chánh án Tòa án Tối cao Vương Thắng Tuấn chủ trương kiên trì trấn áp cứng rắn, phó Chánh án Tòa án Tối cao Trương Quân thì đưa ra thông tin làm mạnh làm nghiêm việc tử hình ngay lập tức và quyết không nhẹ tay. Bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ thì chủ trương đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo vệ công bằng chính nghĩa xã hội. Mạnh Kiến Trụ còn chủ trương triệt để điều tra các vụ án oan sai mà chính quyền gây ra do thực hiện trưng thu đất đai và phá dỡ di dời phục vụ giải phóng mặt bằng trong 30 năm trở lại đây cũng như những vụ án oan sai vì các nguyên nhân khác, để tiến hành sửa sai. Mạnh Kiến Trụ cho rằng đây là biện pháp căn bản để giải quyết khủng hoảng mâu thuẫn xã hội. Kiến nghị của Mạnh Kiến Trụ nhận được sự ủng hộ của Ôn Gia Bảo, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn. 

Từ những gì nêu trên có thể thấy mỗi khi Trung Quốc gặp phải vấn đề trọng đại, quyết định không đơn thuần được đưa ra bởi 9 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, mà phải triệu tập họp Bộ Chính trị để thảo luận. Cục diện này không giống với thời nguyên lão Đặng Tiểu Bình nhiếp chính. Một khi vấn đề được đưa ra phạm vi Bộ Chính trị, đặc biệt là hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, người tham gia nhiều lên và ý kiến cũng nhiều lên, không cho phép số ít lũng đoạn hội nghị. Cái gọi là “bao dung tư duy dị chất”, “tôn trọng ý kiến bất đồng”, ngày nay lại được cho phép tồn tại trong Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc. Bản tin của boxun không để cập tới thái độ của Hồ Cẩm Đào, nhưng tờ Liên hợp Buổi sáng của Xinhgapo đưa tin trong hội nghị Bộ Chính trị ngày 30/5, Hồ Cẩm Đào thừa nhận các nhân tố bất ổn định xã hội tiềm ẩn trong cảnh duy trì ổn định bề ngoài của chính quyền, quản lý xã hội của Trung Quốc lạc hậu so với hiện thực, chủ trương “tích cực thúc đẩy sự sáng tạo trong quan niệm, thể chế, cơ chế và phương pháp quản lý xã hội”. Đây là câu nói miệng quan nước đôi, mơ hồ. Trên thực tế, suy nghĩ của Hồ Cẩm Đào cũng giống như Châu Vĩnh Khang, đều có khuynh hướng xiết chặt “con ốc” quản trị xã hội. Sáng tạo trong cái nhìn của Hồ Cẩm Đào chính là nghĩ ra biện pháp để xiết chặt một cách có hiệu quả hơn. Dưới sự nắm quyền của Hồ Cẩm Đào, bất cứ kiểu cải cách cải lương nào đều không có đất thực hiện. Vì thế, Trung Quốc nhất định sẽ để dòng “dung nham” gây ra sự phun trào của “núi lửa”./. 

Theo Tạp chí Khai Phóng (Hồng Công)

 Lê Sơn (gt)