Thứ nhất, ưu thế thể chế chính trị. Trung Quốc đã lãng phí quãng thời gian phát triển 30 năm (1949 – 1979). Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận giai đoạn này, Trung Quốc đã hoàn thành khá triệt để cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, công hữu hóa toàn diện đất đai và tư bản công nghiệp, tạo lập ý thức quốc gia tương đối mạnh, chính điều này đã tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh của Trung Quốc trong 30 năm tiếp theo. So sánh với Ấn Độ, có thể thấy vai trò của thể chế chính trị xã hội của Trung Quốc đối với phát triển kinh tế rõ nét hơn nhiều. Cùng xuất phát điểm vào những năm 50 thế kỷ 20, nhưng đến năm 2014, tỷ lệ người biết chữ của Ấn Độ vẫn chưa bắt kịp Trung Quốc những năm 90, các chỉ tiêu về sức khỏe, y tế, tuổi thọ đều kém Trung Quốc hơn 20 năm. Cái mác “quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới” mà phương Tây gắn cho Ấn Độ thực chất chỉ là hư danh, cơ bản không đem lại phúc lợi cho đại đa số dân chúng. Hầu hết các khảo sát so sánh thực tế tại hai nước đều thừa nhận, năng lực quản trị của chính thể Trung Quốc mạnh hơn nhiều Ấn Độ.

Thứ hai, ưu thế về quy mô. Trong kinh tế hiện đại, ngành nghề trụ cột của một quốc gia nếu không có thị trường và quy mô lớn rất khó trở thành một hệ thống độc lập. Quy mô thị trường giúp Trung Quốc đã xây dựng và hình thành hệ thống công nghệ hoàn chỉnh trong những lĩnh vực hạt nhân như đường sắt cao tốc, vệ tinh, hàng không…  Ví dụ công nghiệp hàng không trên thế giới chỉ có hai khu vực: một là Mỹ với đại diện là Boeing; hai là châu Âu với Airbus. Quy mô thị trường đang giúp Trung Quốc trở thành khu vực thứ ba có hệ thống công nghiệp hàng không hoàn chỉnh. “Hiệu ứng từ trường” của ưu thế quy mô cũng hết sức lớn. 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu cơ bản đều xây dựng chiến lược tại thị trường Trung Quốc. Tập đoàn ô tô Hyundai (Hàn Quốc) coi Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất, 5 trên 7 dây chuyền có công suất trên 300 nghìn xe của Hyundai đặt tại Trung Quốc, lượng xe tiêu thụ năm 2014 tại Trung Quốc gần 1 triệu xe, gấp 3 lần thị trường tại Hàn Quốc và cao hơn thị trường Mỹ 70%. Trong bối cảnh các tập đoàn xuyên quốc gia chen chân vào Trung Quốc, chính phủ có quyền đặt ra các điều kiện mà trong tình huống bình thường các tập đoàn nước ngoài không dễ chấp nhận. Thử hỏi liệu General Motor chấp nhận yêu cầu đặt Trung tâm nghiên cứu phát triển tại Thượng Hải nếu thị trường của Trung Quốc không lớn như vậy.

Thứ ba, ưu thế của người đi sau, tận dụng bài học của người đi trước, tránh sai lầm và đi đường vòng. Trung Quốc đã thực hiện được “đi tắt đón đầu” trong nhiều ứng dụng công nghệ (ứng dụng điện thoại công nghệ 4G, 5G; giao dịch tiền tệ điện tử….). Thậm chí, nhân việc năm 2013, Thống đốc bang California đi Trung Quốc xem xét nhập mua hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Phóng viên tờ New York Times đã bình luận, 150 năm trước người Trung Quốc đã từng giúp California xây đường sắt, nhưng là lao động khổ sai. Nay Trung Quốc đủ năng lực cung cấp thiết bị, công nghệ, kỹ sư và vốn vay. 150 năm đã làm thay đổi mọi thứ, cả vị trí của chủ và khách.

Bình luận của Thời báo New York Times phản ánh thay đổi lớn trong thái độ của phương Tây về Trung Quốc trong 20 năm lại đây. Trong hơn 100 năm qua, xã hội phương Tây đã quen với thế giới quan lấy mình làm trung tâm, quen với chỉ đạo xã hội “phi phương Tây”. Ngày nay, quan hệ Trung Quốc và phương Tây đã bước vào ngã tư, bước vào thời kỳ quá độ đầy cọ sát, mâu thuẫn, thậm chí xung đột nhưng cũng nói lên việc cộng đồng quốc tế đang đón đơi một trật tự quốc tế mới.

Thế kỷ 21 là thế kỷ cạnh tranh về “năng lực quản trị quốc gia”.

Hai mươi năm trước, nhà chính trị học Mỹ Fukuyama đã nổi tiếng với học thuyết “sự cáo chung của lịch sử”, nhưng nay ông không còn cao giọng đề cao quan điểm “dân chủ tối thượng”, gần đây đưa ra luận điểm mới “trụ cột cạnh tranh quốc gia thế kỷ 21 là xây dựng năng lực quản trị”. Thay đổi tư duy của Fukuyama chủ yếu xuất phát từ 2 xu thế: (i) rất nhiều quốc gia dân chủ mới nổi không đi theo con đường “quản trị tốt” mà ngược lại đã rơi vào thảm cảnh dân chủ yếu kém; (ii) trong hơn 30 năm qua, tư duy “tự do hóa”, “dân chủ hóa”, “thị trường hóa” xuất hiện tràn ngập, chức năng của nhà nước không ngừng bị suy yếu và dần bị mất đi khả năng cung cấp phúc lợi và bảo vệ công bằng xã hội. Do vậy Fukuyama đưa ra khẩu hiệu “không có quốc gia ưu việt thì sẽ không có dân chủ ưu việt”. Trước đây, Mỹ và phương Tây quá chú tâm mở rộng dân chủ trên toàn thế giới nhưng lại xem nhẹ việc xây dựng nền tảng quốc gia, đây là cách làm quá thiên lệch và ngây thơ, cũng đi ngược lại các kinh nghiệm lịch sử.

Đa số các nước phương Tây cách đây hơn 100 năm, trước khi tiếp nhận chế độ dân chủ phổ thông đầu phiếu, đều đã xây dựng được thể chế nhà nước với cơ cấu và chức năng khá hoàn chỉnh, bao gồm cơ chế bổ nhiệm quan chức dân sự, cơ quan tư pháp độc lập, quân đội chuyên nghiệp, giáo dục cơ bản, hệ thống thuế-tài chính hiện đại, năng lực giám sát thị trường, ngân hàng trung ương… Trong khi nhiều nước đang phát triển lại đang làm ngược lại, tiếp nhận dân chủ chế độ đại nghị hiện đại, nhưng bộ máy và chức năng của nhà nước còn nhiều khiếm khuyết. Gần đây, một số tổ chức quốc tế có vai trò viện trợ các nước đang phát triển đã ý thức được xây dựng nhà nước còn khó khăn và quan trọng hơn cả xây dựng dân chủ. Trong tình hình bộ máy và chức năng nhà nước còn chưa hoàn chỉnh, mạo hiểm thực hiện dân chủ phổ thông đầu phiếu có thể phản tác dụng, cản trở xây dựng năng lực nhà nước.

Theo Nhân dân Nhật báo

Hoàng Lan (gt)