08902358558c39b12f059f9130a3e2bb.jpg 

Năm 1919, chiến lược gia người Anh Halford Mackinder viết trong quyển “Các Lý tưởng và Hiện thực Dân chủ” rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ dẫn dắt thế giới bằng việc “xây dựng một nền văn minh mới cho ¼ nhân loại, không thực sự kiểu phương Đông, cũng không theo kiểu phương Tây”. Theo nhà phân tích địa chính trị Robert D Kaplan, tiên đoán của ông Mackinder đến nay đã được minh chứng là chính xác.

Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây đã tuyên bố các cải cách cơ cấu quân sự mang tính đột phá đối với cơ cấu tổ chức và ban chỉ huy quân đội Trung Quốc. Theo ông Tập Cận Bình, ban chỉ huy quân khu hiện nay sẽ được điều chỉnh và nhóm thành các cơ quan đầu não mới dưới sự giám sát của Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC). Cuộc cải tổ lần này sẽ thiết lập một hệ thống chỉ huy ba cấp bậc là “CMC- ban chỉ huy chiến khu- binh sĩ” và hệ thống điều hành từ CMC thông qua các quân chủng tới các binh sĩ. Cuộc cải tổ này sẽ giúp Trung Quốc giành thắng lợi trong cuộc chiến thời hiện đại.

Hiện đại hóa cơ cấu ban chỉ huy của lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới là vô cùng quan trọng và sẽ có ảnh hưởng đến cơ cấu an ninh của toàn châu Á. Trong bối cảnh các mối đe dọa đến an ninh toàn cầu đang tăng lên, Trung Quốc- với tư cách một cường quốc đang nổi- chắc chắn đang theo đúng hướng với việc thông qua cải cách cơ cấu quân sự. Vị thế quốc tế của Trung Quốc và mối quan tâm của nước này đối với an ninh và phát triển được xem là ưu tiên trong khi tiến hành các cải cách này. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đất nước ta đang phát triển từ một nước lớn thành một nước lớn và mạnh, việc phát triển quốc phòng và quân sự đang đứng trước vạch xuất phát mới mang tính lịch sử”.

Trong 5 năm tới, Trung Quốc hy vọng sẽ củng cố các kết quả từ những cải cách mới này và các bước đột phá trong việc cải tổ ban lãnh đạo và hệ thống chỉ huy chung. Đây là bước đi quan trọng để thúc đẩy sức mạnh quân sự và năng lực của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, hội nghị cấp cao ASEAN- Mỹ lần thứ ba đã được tổ chức hôm 21/11 tại Kuala Lumpur, Malaysia với các biện pháp an ninh được thắt chặt, với 4.500 binh sĩ sẵn sàng trực chiến.

Mối đe dọa an ninh từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang ngày một leo thang và hơn 30.000 tay súng từ 100 quốc gia đã gia nhập tổ chức khủng bố này. Giới chức Malaysia đã bắt giữ hơn 100 công dân bị tình nghi có liên quan đến IS, từ những người dân thường, giảng viên đại học, các công chức và thậm chí cả lực lượng an ninh. Đây là mối đe dọa đang ngày một tăng lên bởi các chi nhánh của IS ở Malaysia, Indonesia và Philippines có thể tập hợp thành một nhánh khủng bố ở Đông Nam Á. Một số quan chức cho rằng việc một cuộc tấn công lớn có thể xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

Cũng trong bối cảnh này, Tổng thống Obama đã tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Mỹ và ASEAN. Hai bên đã nâng tầm quan hệ đối tác lên thành chiến lược để hỗ trợ nhau trong 5 lĩnh vực quan trọng: hội nhập kinh tế, hợp tác hàng hải, các thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, các lãnh đạo mới nổi và cơ hội cho phụ nữ. Kế hoạch hành động đã được vạch ra trong giai đoạn từ 2016 đến 2020. Tuyên bố này trực tiếp ám chỉ đến việc Trung Quốc tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Một số học giả cho rằng quan hệ đối tác chiến lược này là nỗ lực nhằm kiểm soát và hạn chế vai trò của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Quan hệ đối tác này không đồng nghĩa rằng các nước thành viên ASEAN hiện đang tập hợp với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Lựa chọn mang tính chiến lược cho hầu hết các nước đó là cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, và tìm ra biện pháp. Việc nâng tầm quan hệ đối tác giữa ASEAN và Mỹ không nên bị loại bỏ.

Đáp trả tuyên bố chung Mỹ- ASEAN, Trung Quốc ngay lập tức đã khởi động đề xuất “5 hướng” nhằm giữ vấn đề Biển Đông trong phạm vi giữa Trung Quốc và ASEAN. Với diễn biến này, việc liệu Trung Quốc có trực tiếp vi phạm các lĩnh vực chính trong tuyên bố Mỹ- ASEAN khi họ đề cập đến việc tôn trọng chủ quyền quốc gia lẫn nhau hay không vẫn còn phải xem xét.
Trong bối cảnh này, việc cải tổ cơ cấu của quân đội Trung Quốc trong vài năm tới sẽ ảnh hưởng đến an ninh của toàn châu Á, bởi Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chính trị và kinh tế với nhiều nước trong đó có Sri Lanka. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc chiến thời hiện đại.

Theo “Ipcs.org

Mỹ Anh (gt)