Hiện nay nhiệm vụ cấp bách của nền ngoại giao Trung Quốc là phải xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới, theo đó Trung Quốc cần xây dựng được tư duy ngoại giao mới, chiến lược ngoại giao mới và thực thi chính sách ngoại giao mới. 

I-Đặc điểm cơ bản trong quan hệ nước lớn thời kỳ mới 

Từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đến nay, so sánh lực lượng trên thế giới có sự thay đổi lớn, quan hệ nước lớn cũng xuất hiện vòng điều chỉnh lớn. 

Thứ nhất, quan hệ đối thoại và đối tác hợp tác có phần tăng lên. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa với sự thúc đẩy của kỹ thuật thông tin và mạng Internet, mức độ lệ thuộc lẫn nhau giữa các nước lớn không ngừng tăng lên. Do động lực của lợi ích chung, giữa các nước lớn phần lớn duy trì mối quan hệ hợp tác tương đối ổn định và có thể dự liệu được, thông qua hợp tác để làm to “chiếc bánh” lợi ích, thông qua phân công để thực hiện cùng phát triển, thông qua cạnh tranh dựa trên nguyên tắc quốc tế để nâng cao khả năng và sức cạnh tranh của mỗi nước. Tuy nhiên, mâu thuẫn chiến lược giữa các nước lớn hoàn toàn không vì hợp tác mà mất đi, ván cờ nước lớn cũng không thay đổi được xu hướng cơ bản trong hợp tác. Chính vì thế, quan hệ hợp tác theo các loại hình khác nhau và tính chất khác nhau như “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”, “quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng”, “quan hệ đối tác toàn diện”, “quan hệ đối tác hợp tác hữu nghị”… không ngừng xuất hiện thêm và thể hiện ở các hình thức linh hoạt khác nhau. 

Thứ hai, lợi ích quốc tế vẫn tạo ra động lực chủ yếu trong quan hệ quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, xu hướng lợi ích trong chiến lược phát triển của nước lớn không ngừng tăng lên. Tuy thế, từ khi có cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công đến nay, nước lớn tuân thủ nguyên tắc đồng tâm hiệp lực, chung tay đối phó các loại thách thức khác nhau, bảo vệ lợi ích chung, thực hiện phát triển chung. Ở thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, giữa nước lớn điều chỉnh quan hệ, mục tiêu hàng đầu vẫn là mưu cầu phối hợp và cân bằng lợi ích kinh tế. Do mưu cầu cùng phát triển lợi ích chung, các nước liên quan phần lớn không cố ý coi đối phương là đối thủ chiến lược; trong khi xử lý vấn đề quốc tế trọng đại, các nước hữu quan thường cố gắng tránh đối đầu, dù đấu tranh với nhau cũng vẫn hy vọng trong mắc mớ từng bước tiến về phía trước. 

Thứ ba, các nước lớn truyền thống phổ biến rơi vào khó khăn mang tính kết cấu. Kinh tế Mỹ và thực lực quân sự của Mỹ qua hai cuộc chiến Ápganixtan và Irắc cũng như trong cuộc khủng hoảng tài chính bị tổn thương nặng, buộc phải thu hẹp chiến lược, từ cố gắng “mở rộng dân chủ” đến cố gắng khôi phục kinh tế; từ chống khủng bố toàn diện sang chống khủng bố trọng điểm, từ bố trí phòng thủ quân sự toàn cầu đến bố trí phòng thủ khu vực trọng điểm, từ đánh đòn phủ đầu đến chú trọng “thực lực khôn ngoan”, từ chủ nghĩa đơn phương đến chủ nghĩa đa phương. Tương ứng với bức tranh của Mỹ như vậy, các nước lớn châu Âu dồn dập chịu sự tác động kép của khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công, lần lượt rơi vào khủng hoảng tài chính. Ở châu Á, sau khi trải qua hai lần “thập kỷ mất mát”, tình hình kinh tế Nhật Bản có khả năng bị kéo vào “thập kỷ mất mát thứ ba” trong bối cảnh tác động nặng nề bởi bốn lần tai hại của khủng hoảng tài chính thế giới, động đất, sóng thần và sự cố rò rỉ nhà máy điện hạt nhân. 

Thứ tư, các nước mới nổi đang trở thành chủ thể mới trong quan hệ nước lớn. Từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đến nay, các nước mới nổi dựa vào nhau để có sức chống đỡ, cùng đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, duy trì được xu hướng tăng trưởng kinh tế liên tục, trở thành động lực chính cho nền kinh tế thế giới phục hồi và phát triển, trở thành bên tham gia và ra quyết sách chủ yếu trong quản lý khủng hoảng và quản lý kinh tế. Tập thể các nước mới nổi phất lên nhanh, đang tác động đến địa vị chủ đạo của các nền kinh tế nước lớn truyền thống, đang làm thay đổi xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tiến trình điều chỉnh của quan hệ nước lớn. Cựu Giám đốc Ngân hàng thế giới Robert Bruce Zoellick nói trong tương lai một đặc điểm rõ nét trong bố cục của nền kinh tế thế giới là sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi chủ chốt. Cuộc khủng hoảng tài chính đã đẩy nhanh bước trỗi dậy của một số nước. 

II- Quan hệ Trung Quốc với nước lớn đứng trước thách thức 

Chính phủ Trung Quốc và người lãnh đạo Trung Quốc đã nắm vững đặc điểm trong tình hình quốc tế nói trên và đại cục chiến lược phát triển quốc gia, tích cực đẩy mạnh xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, phá vỡ lôgích xung đột truyền thống, đối đầu nước lớn trong lịch sử, tìm biện pháp hoạch định quan hệ nước lớn kiểu mới hợp tác cùng thắng, chung tay cùng tiến với nước mới nổi. Giữa Trung Quốc và nước lớn chủ chốt vừa có lợi ích chung ngày càng nhiều, cũng vừa đứng trước mâu thuẫn và tranh chấp ngày càng nghiêm trọng. 

Tình trạng “thâm hụt” về độ tin cậy lẫn nhau mang tính chiến lược trở thành tiêu điểm trong điều chỉnh quan hệ nước lớn. Chiến tranh Lạnh kết thúc đã lâu nhưng trong quan hệ của nước lớn với Trung Quốc vẫn bị chế ngự bởi tư duy Chiến tranh Lạnh, mặt cạnh tranh trong hợp tác với Trung Quốc tăng lên, mặt kiềm chế trong nhờ cậy đang phát triển. Những năm gần đây, nhân thời cơ Trung Quốc mạnh nhưng chưa thành cường quốc, các nước lớn chủ chốt của EU, Nhật Bản và Ôxtrâylia khó thích ứng được với tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc, đã tới tấp tăng cường quan hệ liên minh với Mỹ, cùng thúc đẩy chiến lược đề phòng Trung Quốc, bắt tay kiềm chế Trung Quốc phát triển, tìm kiếm lợi thế chiến lược linh hoạt hơn với Trung Quốc. Về mặt chính trị, các nước này lợi dụng cơ chế quốc tế hiện hữu hướng Trung Quốc hội nhập vào hệ thống quốc tế do nước phát triển chủ đạo; về kinh tế, lợi dụng quy tắc luật chơi quốc tế tạo dựng lại một Trung Quốc khác với Trung Quốc hiện nay, khiến Trung Quốc hòa nhập vào với nền kinh tế chủ lưu của thế giới do nước phát triển chủ đạo; về văn hóa, các nước đó lợi dụng giao lưu hợp tác thúc đẩy, làm cho Trung Quốc tiếp nhận quan điểm văn hóa phương Tây, đồng thời chuyển sang quỹ đạo của hệ thống văn hóa phương Tây; về an ninh, ráo riết thành lập vòng vây chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự để đề phòng và kiềm chế Trung Quốc. 

Mâu thuẫn và tranh chấp mang tính kết cấu trong lĩnh vực kinh tế tăng lên. Hợp tác và cạnh tranh mang tính trục lợi đã trở thành nội hàm quan trọng của quan hệ nước lớn đương đại. Cùng với quá trình giao lưu, tiếp xúc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao ngày một tăng, mâu thuẫn và cạnh tranh giữa Trung Quốc và nước lớn truyền thống cũng ngày một tăng theo. Trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, để mở rộng không gian phát triển quốc tế, tìm kiếm ưu thế đi trước về phát triển kinh tế xanh, các nước lớn sẽ coi trọng ngoại giao kinh tế hơn. Trong rất nhiều lĩnh vực như cải cách thể chế quốc tế, sáng tạo quy tắc quốc tế mới, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, tài nguyên chiến lược, cung cấp năng lượng, kim ngạch thị trường quốc tế và giao thông vận tải quốc tế…, mâu thuẫn và va chạm giữa Trung Quốc với nước lớn liên quan do cạnh tranh trục lợi sẽ không ngừng bộc lộ rõ hơn. 

Đề phòng, ngăn chặn lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh đang trở thành trạng thái thông thường. Từ khi bước vào thế kỷ mới đến nay, mặt thực dụng trong quan hệ nước lớn nổi lên rõ hơn, giữa các nước lớn hình thành nên những nhận định chiến lược khác nhau xung quanh các công việc quốc tế và khu vực, sinh ra những đòi hỏi lợi ích khác nhau theo những chủ trương khác nhau, thúc đẩy đi đến những lập trường chính sách khác nhau, sinh ra nghi ngờ lẫn nhau trong hàng loạt vấn đề, cuối cùng đi đến ngăn chặn, đề phòng lẫn nhau. Trong khi đó, Trung Quốc gia nhập WTO là một cơ hội, thực hiện phát triển kinh tế xã hội nhanh, đồng thời tiến thêm một bước thể hiện rõ xu hướng phát triển mạnh trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Tốc độ phát triển của Trung Quốc nhanh hơn cộng đồng quốc tế dự liệu, các nước trên thế giới, đặc biệt là nước lớn chủ chốt đều không có sự chuẩn bị tốt nên đã nảy sinh ra “chứng không thích ứng”, “chứng nghi ngờ”, và “chứng sợ hãi”. Đặc biệt là Mỹ, sự nghi ngờ, lo ngại đối với Trung Quốc của các giới trong xã hội Mỹ tăng lên mạnh, lại càng hối thúc Chính phủ Mỹ hoạch định và thực thi chiến lược ngăn chặn Trung Quốc quyết liệt hơn. 

III- Xây dựng chiến lược quan hệ nước lớn kiểu mới 

Xu hướng phát triển của Trung Quốc là không thể ngăn chặn được, nhưng quan hệ với nước lớn truyền thống cũng sẽ đứng trước thách thức lớn hơn. Trong tương lai việc Trung Quốc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới đòi hỏi phải xây dựng tư duy mới, hoạch định chiến lược mới và thực thi đối sách mới. 

1/ Tư duy sáng tạo, tăng cường cơ chế 

Trên thế giới hiện nay, quan hệ nước lớn đã không còn là cuộc đấu “được mất ngang nhau”, mà quan hệ giữa các nước ngày càng mật thiết hơn trong mối quan hệ trong anh có tôi, trong tôi có anh. Có thể nói, trên thế giới việc giải quyết bất kỳ vấn đề gì cũng đều gắn liền với sự ủng hộ và hợp tác của nước lớn. Vì thế, phát triển quan hệ nước lớn tới đây đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc hợp tác, tích cực kêu gọi và thúc đẩy chính phủ và người lãnh đạo nước hữu quan từ bỏ nguyên tắc “được mất ngang nhau”, xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới tin cậy lẫn nhau về chính trị, cùng có lợi về kinh tế, tương hỗ nhau về xã hội, kế thừa nhau về văn hóa, thông qua chính sách để phối hợp và hành động theo hướng đi cùng nhau, thông qua hợp tác thực hiện cùng phát triển, thúc đẩy quan hệ hỗ tương và phát triển hài hòa. Đồng thời Trung Quốc cần tăng cường thêm một bước hoạch định chiến lược về ngoại giao, đẩy nhanh thực hiện chính sách, phá bỏ một cách có hiệu quả tình trạng “bao vây” chiến lược của nước lớn liên kết áp dụng với Trung Quốc, lợi dụng triệt để chiến lược nước lớn đã có hoặc cơ chế đối thoại hợp tác kinh tế, xác lập và mở rộng điểm chung lợi ích, mở rộng lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, phát huy ưu thế so sánh của Trung Quốc về chính trị, kinh tế và nguồn lực ngoại giao, đẩy mạnh cục diện mới cùng có lợi và cùng thắng, đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực, từ đó cố gắng tạo dựng môi trường quốc tế tốt đẹp để thực hiện chiến lược phát triển khoa học. 

2/ Kiên trì đối thoại, nâng cao lòng tin cậy lẫn nhau 

Xét về mặt lý luận, quan hệ nước lớn kiểu mới trên cơ sở tin cậy lẫn nhau về chiến lược vừa là một cuộc chơi không phải “được mất ngang nhau”, cũng vừa là một phương thức hợp tác quốc tế kiểu mới. Trong quan hệ nước lớn “khiếm khuyết” lòng tin dễ dẫn đến nghi kỵ nhau, làm tăng thêm rủi ro phán đoán sai về chiến lược, tăng thêm giá đắt trong giao lưu, có thể dẫn đến xung đột chiến lược. Ở thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, do bị tác động bởi kết quả dự báo về không gian phát triển chung, dự báo về chiến lược, dự báo tính khiếm khuyết về nguồn lực kinh tế, hoặc để đối phó với đe dọa, hoặc thách thức chung, hoặc phải lấp đi những “thiếu thốn” về lợi ích chiến lược phát triển của chính nước mình nên giữa các nước lớn có thể trên cơ sở tương đối có ưu thế của mỗi nước, phát huy ưu tế nội tại của mỗi bên, kết thành các kiểu quan hệ đối tác, mưu cầu phát triển bằng hợp tác, lấy phát triển thúc đẩy cùng tồn tại. Xét từ hiện thực này, Trung Quốc cần tiếp tục thông qua hình thức trao đổi các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau để duy trì trạng thái thông suốt giữa lãnh đạo cấp cao của các bên, phát huy triệt để vai trò định hướng và thúc đẩy quan trọng của giao lưu cấp cao đối với quan hệ các bên, củng cố tiếng nói chung trong việc mở rộng phân công và hợp tác, phối hợp và xác lập quy tắc cạnh tranh lẫn nhau, tạo ra lợi ích phát triển chung. Lợi dụng triệt để nhu cầu và tình hình hợp tác cùng có lợi của nước lớn đối với Trung Quốc, tích cực đẩy mạnh phối hợp ngoại giao nước lớn, mở rộng điểm chung lợi ích, thực hiện đa nguyên hóa lợi ích hợp tác ngoại giao. 

3/ Đưa hợp tác đi vào chiều sâu, thúc đẩy cùng thắng 

Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất đến nay, các nước mới nổi như Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ đã phát triển mạnh, ảnh hưởng mở rộng nhanh, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy quan hệ nước lớn và những diễn biến trong tương quan lực lượng thế giới. Các nước mới nổi có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng, có vị trí địa lý ở mặt trận tuyến đầu chống khủng bố, xây dựng cơ chế đối thoại hiệp thương ở những mức độ khác nhau với các nước lớn truyền thống như nước Mỹ. Trong khi tạo dựng lại hệ thống đồng minh toàn cầu của mình, Mỹ cũng đồng thời đối thoại với các nước mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Trong lúc đó, sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc mạnh lên, vai trò của Trung Quốc trong các công việc của thế giới tăng lên, khiến cho quan hệ nước lớn có sự thay đổi mới. Vì thế, Trung Quốc cần nắm vững hai cục diện lớn về tình hình trong nước và ngoài nước, thuận theo đó thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống giữa các nước lớn về thương mại, đầu tư, chấp pháp, giáo dục, khoa học công nghệ, đồng thời mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, mở rộng lợi ích hợp tác, thực hiện cùng phát triển. 

4/ Giải quyết ổn thỏa bất đồng, loại bỏ rắc rối 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một mối quan hệ đến độ hoàn hảo tất phải kèm theo rất nhiều mâu thuẫn và xung đột phức tạp với nhiều thay đổi. Trong quá trình hội nhập vào dòng xã hội chủ lưu của quốc tế, Trung Quốc cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào quá trình phân công, hợp tác và cạnh tranh quốc tế, Trung Quốc và nước lớn hữu quan đang tiến vào thời kỳ phát triển có nhiều mâu thuẫn và tranh chấp. Vì thế, trong quá trình phát triển quan hệ với nước lớn trong tương lai, Trung Quốc phải kiên trì giữ quan hệ bình đẳng và thông cảm lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, nắm bắt tốt “sợi dây nối lợi ích”, tiếp tục làm lớn thêm “chiếc bánh” lợi ích; xử lý đúng đắn những chênh lệch, khác biệt trong chính sách giữa hai nước, lưu ý đến những quan tâm lợi ích của nhau; đối với những bất đồng đang tồn tại, cần thông qua đối thoại, giao lưu và hợp tác để làm tăng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thông qua đối thoại, hợp tác và đàm phán để xử lý ổn thỏa những vấn đề liên quan, tránh gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của mỗi bên, tránh cho những vấn đề và tranh chấp liên quan ảnh hưởng đến đại cục quan hệ. 

5/ Cùng đảm nhận trách nhiệm, cùng đón nhận thách thức 

Trung Quốc cần tổ chức gặp gỡ và đối thoại cấp cao định kỳ với nước lớn hữu quan, mở rộng nhận thức chung, đi cùng chiều với nhau, tránh nhận định sai về chiến lược, tránh xung đột chiến lược. Lợi dụng cơ chế đối thoại và hợp tác hiện có, tiếp tục xây dựng và mở rộng điểm gặp gỡ lợi ích với nước lớn hữu quan, giữ tinh thần đồng tâm hiệp lực, cùng hội cùng thuyền, cùng đối phó với đe dọa và thách thức chung, hợp tác quản lý toàn cầu. Thông qua hợp tác đi vào chiều sâu, tìm cơ hội và biện pháp để Trung Quốc tham gia quá trình phân công, hợp tác và cạnh tranh quốc tế từ vạch xuất phát về phát triển nền kinh tế xanh. Trong khi nước lớn hữu quan còn gặp khó khăn, cần dựa theo tinh thần đồng tâm hiệp lực, kịp thời ra tay cứu trợ. Đồng thời, đầu tư sức lực tạo dựng lòng tin chiến lược trên trường quốc tế, nêu cao và củng cố hình ảnh nước lớn có trách nhiệm của Trung Quốc, tiếp tục đảm nhận trách nhiệm quốc tế, cung cấp viện trợ phát triển dựa theo khả năng về thực lực tổng hợp của quốc gia, đảm nhận vai trò dẫn dắt phù hợp với địa vị và thực lực của Trung Quốc, hành xử quyền phát ngôn quốc tế, nâng cao “quyền lực mềm” trong ngoại giao Trung Quốc. 

Theo Tạp chí “Liêu vọng” (ngày 30/7/2012)

Lê Quang (gt)