Trung Quốc đang tăng tốc bước vào kỷ nguyên “Một Vành đai, Một Con đường”. Điều này đòi hỏi Trung Quốc cần xem xét thận trọng môi trường ngoại giao xung quanh để tìm ra những khoảng trống trong chiến lược này. Một trong những khoảng trống như vậy là sự cần thiết phải có một chiến lược ngoại giao nhằm vào các nước lớn láng giềng tại Châu Á. Châu Á đang có những sự thay đổi lớn, từ một khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới sang một khu vực đang phải đối mặt với những thách thức kịch tính nhất về cục diện chính trị. Trung Quốc vừa là động lực vừa là nguyên nhân của sự thay đổi này và sẽ phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng nhất từ sự thay đổi đó. Nếu ứng phó không thỏa đáng, chiến lược Một Vành đai, Một Con đường” cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể sẽ bị thụt lùi nghiêm trọng.

Kể từ những năm 90, ngoại giao Trung Quốc tập trung vào quan hệ đối tác, xây dựng trên nền tảng chính sách không liên minh. Nhờ đó, Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ tổng thể tốt đẹp với các nước láng giềng. Một chính sách ngoại giao như vậy phù hợp với giai đoạn “giấu mình chờ thời”. Nhưng nay, tình hình đã khác. Mỹ đang theo đuổi “tái cân bằng Châu Á”. Nhật Bản tăng tốc hướng tới một quốc gia bình thường. Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh chóng. Trong con mắt của các nước láng giềng Châu Á, sự trỗi dậy của Trung Quốc không hoàn toàn là sự tích cực. Sự cảnh giác của họ với Trung Quốc đang gia tăng. “Một Vành đai, Một Con đường” ra đời trong hoàn cảnh đó.

Láng giềng của Trung Quốc gồm 14 nước chung biên giới và hơn 30 nước lân cận không chung biên giới. Các quốc gia này có sự khác biệt rất lớn, do vậy, Trung Quốc không thể (và cũng không nên) áp dụng một nguyên tắc, một tiêu chuẩn hay một chính sách trong quá trình thực hiện “Một Vành đai, Một Con đường”. Nói cách khác, Bắc Kinh cần phân loại những nước này để có được sự cân bằng giữa chính sách ngoại giao của Trung Quốc với nhu cầu của những nước này. Các quốc gia này có thể được chia làm 3 nhóm.

Nhóm một là những nước vừa và nhỏ. Tốt nhnên sử dụng nguyên tắc đã được đưa ra trong năm 2002 là hòa thuận cùng láng giềng, thân thiện cùng láng giềngphồn thịnh cùng láng giềng, thân thành huệ dung, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh... Những nguyên tắc này vẫn có thể áp dụng với những nước ASEAN có yêu sách tại Biển Đông. Trung Quốc cần xử lý vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ Trung Quốc-ASEAN theo hướng “quản lý kiểm soát bất đồng và tăng cường hợp tác”, thúc đẩy “cách tiếp cận qua 2 kênh” và tăng nhanh tiến trình xây dựng COC.

Nhóm hai là các nước láng giềng “điểm tựa”. Khái niệm “điểm tựa” có hai nội hàm: có thể tin cậy và có thực lực nhất định. Những nước có cơ hội trở thành “điểm tựa” của Trung Quốc không phải là quốc gia mạnh nhất trong tiểu vùng của họ, mà là cường quốc thứ cấp, thậm chí nước nhỏ. Pakistan ở tây nam Trung Quốc, Campuchia và Singapore ở đông nam, cũng như Turkmenistan ở Tây Á đều cần Trung Quốc cả về mặt kinh tế và chiến lược, luôn muốn được Bắc Kinh xem là “đáng tin cậy”. Do vậy, những nước này rất có khả năng sẽ trở thành “điểm tựa” của Trung Quốc. Là nước đông dân nhất khu vực Trung Á, nhưng Uzbekistan không mặn mà với kết nối khu vực, thi thoảng vẫn ngăn cản hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Á-Âu và Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Do vậy, quốc gia này khó có thể trở thành một “điểm tựa” cho Bắc Kinh. Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar và Malaysia đều cần Trung Quốc về mặt kinh tế và một mức độ nhất định về mặt chiến lược. Những nước này cũng có thể trở thành “điểm tựa” của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực lực và tầm ảnh hưởng của những nước này tại các tiểu vùng của họ chỉ ở mức hạn chế, khó có thể dẫn dắt các nước láng giềng khác. Mặc dù vậy, những quốc gia này vẫn là mục tiêu quan trọng của chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường”.

Nhóm ba là các nước lớn láng giềng. Đây là những nước mạnh nhất trong tiểu vùng của họ. Tây Á thiếu một cường quốc khu vực thực sự. Iran, Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thế mạnh trong một vài lĩnh vực cụ thể. Nhưng Kazakhstan ở phía Tây Trung Quốc, Ấn Độ ở phía tây nam, Indonesia ở đông nam và Nhật Bản ở Đông Bắc là những cường quốc tiểu vùng điển hình (đương nhiên, điều này không có nghĩa là vai trò của những nước này chỉ giới hạn ở phạm vi tiểu vùng). Đối với những nước này, ngoại giao hiện nay của Trung Quốc vẫn chưa có sự tiếp cận mang tính hệ thống. Vậy Bắc Kinh nên làm gì?

Kinh nghiệm của Mỹ có thể đưa ra những gợi ý cho Trung Quốc. Mỹ thường hỗ trợ những cường quốc thứ cấp trong mỗi khu vực bằng cách xây dựng quan hệ đồng minh hoặc hỗ trợ an ninh khi cần thiết để những cường quốc thứ cấp có thể đối trọng với nước mạnh nhất trong khu vực. Đồng thời, Washington duy trì mối tương tác thường xuyên, xây dựng quan hệ kinh tế, văn hóa gần gũi, thậm chí giao lưu quân sự, với những nước mạnh nhất tại các khu vực, vừa để đảm bảo lợi ích chung, vừa để đảm bảo rằng Mỹ có thể ảnh hưởng đến những cường quốc khu vực. Bên cạnh đó, việc mở ra những diễn đàn, sân chơi (như Hội đồng Bảo an, G20) mà qua đó có thể ảnh hưởng đến nước lớn cũng là một nét nổi bật trong cách thức quản lý toàn cầu của Mỹ.

Bốn nước nêu trên là những nước lớn nhất trong tiểu vùng. Tầm ảnh hưởng của họ trong các vấn đề khu vực lớn hơn bất cứ nước nào khác trong khu vực. Những nước này có quan hệ mật thiết với Trung Quốc về kinh tế, song lại giữ khoảng cách với Trung Quốc về an ninh. Đồng thời, họ có quan hệ an ninh gần gũi với các nước lớn ngoài khu vực. Bên cạnh đó, những nước lớn tiểu vùng này có đặc điểm khác nhau. 

Kazahksantan rõ ràng là nước mạnh nhất trong khu vực Trung Á, có nền kinh tế tương đối phát triển và có thái độ tích cực với “Một Vành đai, Một Con đường”. Tổng thống Nazabayev có tầm nhìn chiến lược và đưa ra nhiều ý tưởng thúc đẩy hợp tác khu vực. Năm 1992, ông đề xuất thành lập CICA như là cơ chế an ninh tập thể của Châu Á. Năm 1994, ông đưa ra khái niệm Liên minh Á-Âu.

Indonesia, nước Hồi giáo lớn nhất thế giới, có môi trường chính trị ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 5% trong thập kỷ qua, là nhà lãnh đạo quyền lực trong ASEAN. Trong vấn đề an ninh, quốc gia này có tiếng nói ảnh hưởng hơn bất cứ thành viên ASEAN nào khác. Tham vọng trở thành cường quốc biển của Indonesia cũng giao thoa với chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường”. 

Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì vị thế cường quốc kinh tế toàn cầu. Quốc sách trung hạn của Nhật Bản tập trung vào việc thúc đẩy trở thành quốc gia bình thường thông qua tăng cường quan hệ Nhật-Mỹ. Tuy ghi nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, song Nhật Bản lo ngại tầm ảnh hưởng của mình tại Châu Á bị sụt giảm, tỏ thận trọng trong việc tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với Trung Quốc. 

Ấn Độ, với sự tự tin văn hóa chưa từng có và tham vọng chính trị cao, luôn khát vọng trở thành một nước lớn có tầm ảnh hưởng mà không một nước nào có thể chi phối được. Gần đây, Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các nước Đông Á và muốn có tiếng nói lớn hơn tại châu Á.

Do vậy, trong quá trình thực hiện “Một Vành đai, Một Con đường” và triển khai ngoại giao láng giềng, Trung Quốc có nhu cầu và cả điều kiện để triển khai ngoại giao nước lớn châu Á nhằm vào 4 nước kể trên. Việc thành lập nhóm “G5 châu Á” là đáng để Trung Quốc xem xét nhằm tăng cường quan hệ kinh tế trong nhóm cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế tại châu Á. Cuối cùng, “Một Vành đai, Một Con đường” và ngoại giao láng giềng là những chiến lược dài hạn và không nên chỉ gói gọn trong lĩnh vực kinh tế. Tuy cơ chế hợp tác G5 trong lĩnh vực quân sự, an ninh vẫn chưa chín muồi, nhưng không có lý do gì để không thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về văn hóa.

Xue Li, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.  Xu Yanzhou ,chuyên nghiên cứu các vấn đề như: tranh chấp Biển Đông,, chính sách đối ngoại của Trung Quốc..., bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Durham, Anh. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)